Views: 80
(Hiển Linh 2019)
Hiển linh dịch từ tiếng Hy Lạp Epiphaneia: Thần linh hiện ra, tỏ mình ra cho con người. Các giáo phụ Hy lạp dùng ngay từ này để chỉ việc Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể xuống thế làm người, tỏ mình ra cho con người “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đày tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14 ). Giáo Hội Đông phương (Chính Thống Giáo ở Nga): hôm nay mới mừng lễ Giáng Sinh.
Chúng ta hãy dừng lại để suy niệm đôi điều về sứ điệp Phụng vụ trong ngày lễ hôm nay.
Điều đầu tiên mà mầu nhiệm Hiển Linh muốn chuyển tải đó chính là : Kể từ khi “cửa địa đàng đóng lại sau biến cố sa ngã của tổ tông loài người”, nếu Thiên Chúa im lặng, quay lưng, không tỏ mình, không hiển linh…thì mãi mãi nhân loại bước đi trong mịt mờ tăm tối, trong lầm lạc đui mù.
Hội Thánh, trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV đã khẳng định chân lý nền tảng nầy :
“Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì tội bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha. Hơn nữa, nhiều lần Cha đã giao ước với loài người, và dùng các tiên tri mà dạy dỗ loài người đợi chờ ơn cứu độ”.
Một trong những tiên tri nói nhiều về cuộc hiển linh, về những dấu chỉ Thiên Chúa tỏ mình để cứu độ mà chúng ta được nghe nhiều trong thời gian phụng vụ mùa Vọng-Giáng Sinh, đặc biệt trong BĐ 1 hôm nay đó chính là Isaia :
“Kìa bóng tôí bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân ; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập họp, kéo đến với ngươi…”
Và rồi, sau những lời loan báo đầy tin yêu hy vọng đó, nhân loại, qua những hình tượng mang tính dấu chỉ là “ba nhà đạo sĩ phương đông”, đã tìm thấy “ánh sáng cứu độ”, đã bước ra khỏi quê hương của tối tăm lầm lạc để “tiến bước về phía của Đấng là “Đường, Chân lý và Sự sống”; ánh sao Bêlem đã xuất hiện, như một dấu chỉ báo tin cuộc mặc khải cuối cùng, cuộc hiển linh chính thức của Đấng Em-ma-nu-en :
“nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,2)
Kể từ khi Con Một được ban tặng cho thế giới, kể từ khi “Vị Hoàng Tử Bình An đã chấp chánh đăng quang”, cho dù một cuộc đăng quang chẳng giống ai : Một em bé vấn tả khóc oa oa năm trong hang súc vật, một phàm nhân tội lỗi bước xuống dòng sông Gio-đan để Gioan Tiền Hô thanh tẩy, một tử tội bị đóng đinh giữa nhưng tên trộm cướp, …thì một “luồng sáng đã chiếu rọi khắp địa cầu” ; Thánh Linh với lửa sáng rạng ngời đã nhen lên khắp cùng bờ cõi trái đất để “Mọi dân khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 97,3), và để “nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô” (Ep 3,6)
Chuyện của Thiên Chúa là thế. Mầu nhiệm Hiển Linh đã được thực hiện trong chương trình cứu rỗi dứt khoát một lần cách đây 2000 năm trong “biến cố Bê Lem” khi “Lời đã trở thành xác phàm và cắm lều ở giữa chúng ta…ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,14.11); thế nhưng, để cho nhân loại tìm đến với Ngài, để mọi người được “nhìn thấy vinh quang Ngài” thì Thiên Chúa lại đã gọi mời sự cọng tác của chúng ta, của những người mà Thánh Phaolô trong Bđ 2 hôm nay đã ghi nhận qua chính ơn gọi và sứ mệnh của mình : “Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết…”.
Cũng chính trong ý nghĩa đó, mầu nhiệm phụng vụ hôm nay không chỉ dừng lại ở khía cạnh “tưởng niệm”, chiêm ngưỡng…mà cần thiết đó là đón nhận mầu nhiệm Hiển Linh vào cuộc sống, và trở nên “dụng cụ hiển linh”, trở thành “vì sao giữa đêm đen” dẫn đưa con người, những người đang xa cách chân trời cứu độ, đang ngụp lặn trong tăm tối đui mù… tiến về hang đá máng cỏ, tiến về ánh sáng của chân lý cứu độ, tiến về gặp gỡ Hài Nhi Giê-su…; và đồng thời thôi thúc chúng ta khám phá sự hiện diện của Chúa, sự hiển linh của Chúa ngay giữa đời thường cuộc sống.
Mà quả thật, ngày hôm nay, Chúa đang tiếp tục hiển linh không bằng ánh sao lạ cuối trời, không bằng hang đá và máng cỏ, không bằng những tiếng hát véo von của các sứ thần…mà chỉ là tấm bánh đơn nơi nhà tạm, là những người bất hạnh quanh ta, là vợ là chồng, là cha mẹ anh em, là chị em bạn hữu…là thánh lễ mỗi ngày, là tòa giải tội, là bữa cơm thân mật gia đình, là quà tặng thân thương trong ngày sinh nhật của con, hay trong dịp kỷ niệm thành hôn của ba của má…
Trong khi đó, ĐGH Phanxicô trong tông huấn gọi mời dân Chúa nên thánh (Gaudete et Exsultate) đã mạnh mẽ xác quyết rằng : “Ở sát bên nhà chúng ta đang có rất nhiều vị thánh” :
“Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là những người thuộc “tầng lớp giữa của con đường nên thánh” (GE 7)
Hiểu và sống huyền nhiệm Hiển Linh trong chiều kích đó, thì quả thật : Giáng Sinh hay Hiển Linh luôn luôn là một cuộc “mới bắt đầu”, như cách cảm nhận về huyền nhiệm Giáng Sinh của một tác giả vô danh :
“Khi bài ca của các thiên thần ngừng bặt
Khi ngôi sao trên bầu trời biến mất
Khi các vua chúa và hoàng tử đã ở nhà
Khi các mục đồng và đoàn súc vật đã trở về
Thì công việc Giáng Sinh mới bắt đầu:
Để tìm lại những gì đã mất
Để hàn gắn những gì đã gãy đổ
Để người đói được ăn no
Để tù nhân được giải phóng
Để các nước xây dựng lại
Để đem an bình cho mọi người
Và để hòa nhạc bằng trái tim.
Ước chi mỗi người chúng ta biến ước mơ của Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn Philip trở nên hiện thực nơi chính mình : “Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15b)
Trương Đình Hiền
(Hiển Linh 2019)