Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

NỤ CƯỜI TRONG NƯỚC MẮT

(Thánh lễ An táng nữ tu Maria Théophine Nguyễn Thị Mỹ Hảo – MTGQN)

            Cách đây đúng 2 tháng (24/12) chúng ta vừa long trọng mừng ngày sinh của Đấng Emmanuel: Đại lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Và hôm nay (24.02), cũng trong khung cảnh “họp mừng Lễ Tạ Ơn”, chúng ta cử hành lễ An táng nữ tu Maria Théophine Nguyễn Thị Mỹ Hảo, cầu nguyện và tiển đưa chị giã từ trần gian để đi về cõi đời đời!

            Xét cho cùng, toàn thể 365 ngày Phụng Vụ của Hội Thánh đều là những ngày cử hành “cuộc sống và cái chết” mà tâm điểm chính là “mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô”. Cũng chính vì thế, cho dù là cử hành Lễ Rửa Tội của một em bé mồ côi vô danh tiểu tốt nào đó, hay lễ An táng của một người nữ tu sống lặng lẽ âm thầm… thì phụng vụ vẫn chuyển tải một sứ điệp nhiệm mầu cao cả.

            Thật vậy, nếu chúng ta họp nhau nơi đây chỉ để “làm thủ tục” đưa tiển một người, như một bổn phận, một thói quen… để rồi sau những lát cuốc lấp huyệt, vội vã ra đi, nhanh chân trở về, thì Phụng vụ An táng đâu còn có nghĩa gì!

            Trước hết Phụng Vụ lễ An táng nữ tu Maria Théophine hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao[1] !

            Làm sao mà không đẹp khi cuộc đời của chị trải dài trong một khoảng thời gian 88 năm, cái tuổi thọ mà biết bao người mơ cũng không tới! Và tình yêu dâng hiến phục vụ với 59 năm trong ơn gọi Mến Thánh Giá thì cũng thuộc vào hàng “vô địch”. Thời gian là thế, nhưng không gian của cuộc đời chị cũng đã trải rộng bao la: Từ nơi chôn nhau cắt rốn thuộc giáo họ Bầu Giêng, giáo xứ Gia Hựu, chị đã lựa chọn con đường thánh hiến trong Hội Dòng Mến Thánh Qui Nhơn; để rồi sau đó dấn thân phục vụ trải qua địa bàn mục vụ 5 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,Khánh Hòa và Ninh Thuận. Và cuối cùng, chị về an dưỡng tại Ghềnh ráng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng vào lúc11 giờ trưa ngày thứ Sáu của tuần I Mùa Chay.

            Ngoài cái đẹp của thời gian và không gian đó, chúng ta còn đọc thấy nơi chị có 1 điều sáng chói: chị là một nhà giáo và chuyên viên chăm sóc các cô nhi viện. Tôi đếm được 3 trường học và 4 cô nhi viện mà chị đã ân cần phục vụ: Trường Thánh Tâm Quảng Ngãi, Trường Đồng Tiến Qui Nhơn, trường Hộ Diêm Ninh Thuận; Cô nhi Quảng Ngãi, Kim Châu, Mằng Lăng, Tuy Hòa… Chị cũng rất giỏi trong công tác trồng trọt, làm vườn; nhất là khi phục vụ tại Phước viện Mằng Lăng, cộng đoàn rẫy Long Mỹ và cộng đoàn Nghĩa Phú Cam Ranh… Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất chị còn để lại trong tâm khảm và ký ức nhiều người đó chính nụ cười hồn nhiên, là niềm vui lan tỏa và tính hài hước dễ thương mà không phải ai cũng có được.

            Qua một vài nét đan thanh đó, để chúng ta cùng cảm nhận rằng: cuộc đời chị chính một bài thuyết minh rõ nét đặc tính của Hội Dòng Mến Thánh Giá được ghi trong Điều 5, khoản 2 của Hiến Chương Hội Dòng: Sống giản dị, vui tươi, khiêm tốn, yêu thích trầm lặng, chuyên cần học hỏi, đảm đang công việc và quên mình phục vụ mọi người (HC 2011, tr.28). 

            Nhưng có lẽ, sứ điệp mà phụng vụ An Táng hôm nay muốn chuyển tải đến chúng ta lại không dừng lại ở đó, mà là nơi Bàn Tiệc Lời Chúa.

            Thật vậy, ở ngay tâm điểm của cái chết bên cạnh quan tài chứa thân xác bất động của người chị em chúng ta Maria Théophile, Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan đã vang lên như một tín thư của niềm hy vọng : “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa… Khi đến giờ Chúa viếng thăm các ngài, các ngài sẽ chói sáng như ánh lửa rạng ngời giữa bụi lau…”. Đó không là một thúc nhắc, một động viên để tất cả chúng ta cùng nỗ lực thực thi sống công chính, như cuộc đời đầy nỗ lực và khiêm tốn của chị Maria Théophine?

            Trong khi đó, lời dạy của của Thánh Phaolô cho giáo đoàn Philip gần 2000 năm trước lại luôn mang tính thời sự và niềm cậy trông vững chắc dành cho linh hồn chị Maria Théophine giờ phút này hay mỗi người chúng ta đang lữ hành đi về vĩnh cửu: ““quê hương chúng ta ở trên trời, chúng ta mong đợi Đấng Cứu chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta từ trời ngự đến… Ngài sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”. Nhưng trên hết đó là bài Tin Mừng. Thánh Gioan đã “gắn” cái “Giờ” Đức Kitô được tôn vinh với chính cái “giờ” Ngài dấn thân đi vào cuộc khổ nạn, đi vào cái chết: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh… Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt…”.

            Quả thật, chính cái “Giờ” của Đức Kitô đã phủ bóng trên toàn thể thân phận của con người và đem lại ánh sáng và niềm hy vọng cho mọi kiếp nhân sinh mà chính sự chết đã như một định mệnh oái ăm nghiệt ngã giáng xuống và che chắn mọi con đường.

            Với một cuộc đời như thế và được chết ở giữa lòng Hội Thánh như thế, chị Maria Théophine hôm nay tham dự Thánh lễ cuối cùng trên dương thế, tham dự chính cái “GIỜ” của Đức Kitô, trong tương quan hiệp thông nhiệm mầu của mọi thành phần Dân Chúa còn sống cũng như đã qua đời. Đúng là một cuộc hành hương không phải để “bỏ cuộc chơi”[2] mà là để “về với cội nguồn”. Bởi vì chính Đức Kitô đã khẳng định: “Thầy ở đâu kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó”.

            Và cũng từ cuộc ra đi êm ái của một cuộc đời thánh thiện, giản đơn, của một nữ tu, trong không gian yên bình của nhà nguyện Hưu dưỡng, tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài thơ: Ta đã thấy nụ cười trong nước mắt[3]:

Tu viện âm vang khúc thánh ca trong vắt,

Người nữ tu về với Chúa chiều nay.

Cả một đời quên mình phục vụ hăng say,

Ra đi mà sao nhẹ như mây trời xanh ngát !

Vâng, ta đã thấy nụ cười trong nước mắt,

Thấy niềm vui giữa muôn vạn đắng cay.

Thấy bao mảnh đời vạ gió tai bay,

Nhưng thập giá đã phục sinh niềm hy vọng !

            Kính thưa chị Maria Théophine Mỹ Hảo, Hy tế Thập Giá của Đức Kitô giờ đây đang đưa chị vào bàn Tiệc Nước Trời. Xin chị nhớ cầu nguyện cho chúng tôi, những đứa em đang còn dập dìu vất vả trong cuộc lữ hành gian nan dưới thế. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] Lời hai câu thơ đầu trong bài thơ “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của Bùi Minh Quốc được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc.

[2] Cụm từ trong bài thơ “Mùa Xuân Chín” của thi sĩ Hàn Mặc Tử: Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

[3] Sơn Ca Linh, bài thơ “Ta đã thấy nụ cười trong nước mắt” trong tuyển tập thơ đạo.