Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

NƯỚC TRỜI HAY “HIỆN TẠI ẮP ĐẦY TÌNH YÊU”

(CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN NĂM B 2021)

            Vào cuối năm 2019, khi đại dịch Covid bùng nỗ trên khắp thế giới, nhân loại bắt đầu đua nhau “đi tìm những lời tiên tri” về “vận mệnh thế giới”; và có một điều khiến rất nhiều người hoang mang, lo lắng, đó là hầu hết các “lời tiên tri” đều vẽ ra một viễn tượng không mấy lạc quan, sáng sủa đối với tương lai thật gần của thế giới; cụ thể là trong những năm 2020, 2021 nầy ! Thật vậy, từ nhà tiên tri đã khuất núi từ hơn 500 năm trước – Nostradamus (1503 – 1566), đến bà tiên tri mù gốc Bulgaria – Baba Vanga (1911 – 1996) vừa qua đời cách đây hơn 20 năm; hay cả nhà “thần đồng tiên tri” Ấn độ thiếu niên – Abhigya Anand (sinh năm 2006)…, đều dự báo trong những năm nầy và tiếp theo, thế giới sẽ chìm ngập trong thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…

            Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng chúng ta cần lưu ý, đó là: lời tiên tri của các ngôn sứ trong Thánh Kinh chỉ nhằm để cảnh tỉnh, kêu gọi sám hối, đổi đời dành cho con người… chứ không nhằm tiên đoán một hiện trạng bi đát nhất định phải xảy đến, một tương lai đen tối ập đến che lấp mọi con đường hy vọng hướng đến tương lai. Chúng ta đừng quên, “điểm đến” nơi lời tiên tri “huỷ diệt Ninivê” của Giona “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4), lại là một “lời xót thương” được công bố: “Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao ?” (Gn 4,11); và vì là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, nên “Ngài đã không giáng phạt họ nữa” (Gn 3,10).

            Sau “vị tiên tri mang tính biểu tượng” – Giona – 5 thế kỷ, Chúa Giêsu người Nadarét cũng đã “mòn chân” trên những nẻo đường xứ Palestina để loan báo những lời “tiên tri về vận mệnh thế giới” mà nội dung có thể được gồm tóm trong một chủ đề khá xuyên suốt đó là “Nước Trời”. Đó là viễn cảnh về một thực tại viên mãn cuối cùng của chương trình cứu độ, của hạnh phúc vĩnh hằng; và để giới thiệu và kiến giải cái thực tại trông có vẻ “xa vời và khó hình dung” đó, Đức Ki-tô đã dùng vô số những dụ ngôn và hình ảnh biểu tượng. Chỉ riêng tác giả Tin Mừng Matthêu, chưa hết một đoạn 13 đã nhắc tới 7 dụ ngôn về Nước Trời: Gieo giống, Cỏ lùng, Hạt cải, Men trong bột, Kho báu và Ngọc quý, Chiếc lưới cá… Và dĩ nhiên, mỗi một dụ ngôn, Đức Ki-tô muốn chúng ta “tiếp cận” đến giáo lý Nước trời dưới một góc cạnh, một chiều kích độc đáo riêng.

            Chẳng hạn với trích đoạn Tin Mừng Máccô hôm nay, huyền nhiệm Nước Trời được Đức Kitô thuyên giải qua hai nội dung:

– Trước hết với khía cạnh về sức mạnh tiềm ẩn (dụ ngôn hạt giống âm thầm): “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên … trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt…”.

– Thứ đến là niềm hy vọng vươn cao (dụ ngôn hạt cải): “Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”.

            Để hiểu dụng ý của Thánh sử Máccô khi viết lại dụ ngôn nầy, chúng ta cần phải trở về với bối cảnh lịch sử của các cộng đoàn Kitô hữu đương thời, tức hoàn cảnh không gian và thời gian các dụ ngôn nầy được rao giảng, sống và thực hiện.

            Trước hết, dụ ngôn Nước Trời mà chúng ta vừa nghe thánh sử Maccô tường thuật, là một trong những “câu chuyện” thuộc “Kerygma” (sứ điệp sơ truyền” của các Tông Đồ) dành cho các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Đây là khoảng thời gian mà cộng đoàn Kitô hữu mới chỉ là một thiểu số, lạc lõng giữa một Do Thái giáo đã gieo ảnh hưởng cả ngàn năm trên khắp vùng Địa Trung Hải; và “tôn giáo cựu trào” nầy lại không ưa gì, nếu không muốn nói là “chỉ muốn loại trừ” cái thứ tôn giáo mới của tên tội đồ Giêsu người Nadarét. Đó cũng là thời đại mà những giá trị của Tin Mừng đang gặp phải sự “dị ứng” của nền văn hoá Rôma; cùng với sự khinh thường như một thứ “mê tín dị đoan rác rưởi” dẫn tớii những cuộc bách hại khốc liệt, nhất là dưới triều bạo chúa Nêrô.

            Đứng trước hiện trạng đầy bấp bênh và nguy cơ bị tiêu diệt nầy, chắc chắc có không ít anh chị em Kitô hữu nao núng, mất niềm tin và hy vọng về một tương lai sáng lạn mà Đức Ki-tô đã từng loan báo; một chiến thắng vinh quang của một triều đại mà ở đó, Thiên Chúa sẽ hiển trị và ơn cứu độ sẽ tỏa sáng trên toàn thể nhân loại.

            Để trấn an và giữ vững niềm tin yêu hy vọng cho cộng đoàn, Máccô đã trình bày sứ điệp Nước Trời của Đức Kitô mà chủ yếu đó là: hãy vững tin vào sức mạnh tiềm ẩn của Nước Trời, của Lời Chúa, của Ơn cứu độ. Tin Mừng đã được gieo, đã được đón nhận, không mất đi đâu hết; không tiêu tán, bị xóa nhòa, nhưng vẫn âm thầm đâm rễ, lớn lên, chờ ngày sinh hoa kết trái. Cũng vậy, cộng đoàn Kitô hữu, Giáo Hội của Chúa Kitô, cho dù chỉ là một nhóm nhỏ bị loại trừ, bách hại, như một “hạt cải bé bỏng”, trước một sức mạnh khổng lồ của đế quốc Rôma với quyền lực dữ dằn của bạo chúa Nêrô, thì rồi sẽ tới ngày vươn cao thành đại thụ che rợp địa cầu, thành bóng mát cho muôn dân.

            Mà chuyện nầy đâu là huyển tưởng đối với những người đặt trọn niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa. Trong suốt bao ngàn năm Cựu ước, Thiên Chúa vẫn hành động như thế qua chính chứng từ của tiên tri Êgiêkiel trong BĐ 1: “Chính Ta sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam; Ta sẽ bẻ một chồi non từ ngọn mọc ra và sẽ đem trồng nó trên núi cao chót vót. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi kết quả và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó.…”.  

            “Chồi non hương Nam” được trồng trên mảnh đất Israel đã trở thành đại thụ rợp bóng địa cầu” đó phải chăng là hình ảnh tiên trưng về “chồi non từ gốc Giê-sê”, “chồi non” nhỏ bé sinh hạ tại hang lừa máng cỏ Bêlem, bị săn đuổi, dập vùi với bàn tay của bạo vương Hêrôđê; “chồi non” là một người công nhân thợ mộc âm thầm ẩn dật dưới mái nhà của quê nghèo Nadarét… để rồi sau đó trở thành một “Rabbi” tỏa bóng trên muôn thân phận con người què mù đuôi điếc, bệnh hoạn tật nguyền, gái điếm lẫn thu thuế, phung hủi lẫn điên khùng quỷ ám…; những kẻ đến núp bóng để nhận được “bóng mát” của tình yêu và ân sủng, tự do và phục hồi…; “Chồi non” đó cũng chính là một tên tội phạm bị đóng đinh chết trên đồi Sọ, bị chôn vùi trong lòng đất lạnh ba ngày, để sau đó từ “Mồ trống” chỗi dậy đem ánh sáng và sức sống Thần linh giải chiếu trên mọi nẻo đường thế giới…

            Vâng sứ điệp “Chồi non” thời “Giao ước cũ” của Êgiêkiel được hiện thực viên mãn nơi “sứ điệp Hạt lúa và Hạt cải” của Tân ước, của Đức Kitô và “Đức Kitô Tử nạn –Phục sinh”; và dĩ nhiên, đó luôn là “sứ điệp của niềm hy vọng”, sứ điệp để Dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay luôn đặt trọn niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của Lòng Thương Xót, của Ơn Cứu Độ.

            Nếu áp dụng sứ điệp Lời Chúa hôm nay vào cuộc sống đức tin của chúng ta, chắc chắn, chúng ta sẽ được gọi mời để sống những giá trị nầy:

– Cho dù phải trải qua gian nan thử thách, hãy luôn tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh tiềm ẩn của Nước Trời mà Đức Ki-tô đã thực hiện và đang được Chúa Thánh Thần kiện toàn mỗi ngày qua sự hiện diện của Hội Thánh.

– Những công việc nhỏ mọn, những hy sinh thầm lặng, những tình yêu, bác ái, sẻ chia nhỏ bé hằng ngày sẽ góp phần làm cho Nước Trời, cho ơn cứu độ được lớn lên và chinh phục thế giới.

– Chấp nhận cuộc sống khiêm hạ, ẩn khuất, khó nghèo, phục vụ và xóa mình đi đó là con đường ngắn nhất, hữu hiệu nhất để làm cho Nước Trời được lớn lên, cho Hội Thánh được mạnh mẽ và phát triển.

            Vì thế, điều bận tâm lúc nầy, ưu tiên một hằng ngày của người Kitô hữu không phải là “khi nào chúng ta chết”, khi nào chúng ta “được về thiên đàng ở với Chúa”; nhưng là chúng ta đang sống làm sao với Chúa ngay trong “giây phút hiện tại”, như lời khuyến dụ của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Côrintô: “Và vì thế, dù ở trong xác hay ra khỏi xác, chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa”.

            Và như thế, mỗi một thành phần dân Chúa hôm nay đều là một “Chồi non”, một “hạt cải”, một “hạt giống” đang được Thiên Chúa trồng vào mảnh đất thế gian để làm nên những “đại thụ cho chim trời núp bóng”, những “đồng lúa chín vàng” để nuôi sống chúng sinh. Điều quan trọng còn lại đó là những “chồi hương nam”, những “cây lúa, cây cải” phải được “trồng nơi nhà Chúa”, để Chúa chăm nom, săn sóc; phải như những “cành nho liên kết với Thân Nho”, phải đón nhận “nước non phân thuốc…” của Mẹ Hội Thánh…, thì mới có thể đứng vững và mạnh mẽ vươn cao như khẳng định của tác giả Thánh Vịnh 91: “Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông. Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính…”.

            Và như thế, câu chuyện “Nước Trời” hay sống “mầu nhiệm Nước Trời” mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi không là chuyện ươm mơ về một thế giới của “ngày mai xa lắc”; mà là chuyện rất đời thường hôm nay, mọi ngày, mà theo ngôn ngữ của Vị Tôi tớ Chúa, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, đó là “lấp đầy giây phút hiện tại bằng tình yêu”. Vì thật ra, như chính lời khẳng quyết của Đức Ki-tô: “Nước Trời không ở đâu xa lạ. Nước Trời đang ở giữa các ngươi” (Lc 17,21).

Trương Đình Hiền