Khảo luận tổng hợp, Xã luận

QUI NHƠN – THỊ NẠI TRONG CHIẾN LƯỢC VỆ QUỐC – PHẦN BA: THẾ THỜI PHẢI THẾ

(Qui Nhơn – Thị nại trong “thế chiến lược vệ quốc hôm nay)

            Trong khi chắp bút cho phần tham luận “thứ ba” nầy thì chiến cuộc tại Ukraina ở Đông Âu đã bước sang tháng thứ 2, kể từ khi Tổng Thống Liên Bang Nga – Vladimir Putin, vào sáng sớm ngày 24.2.2022, tuyên bố triển khai một “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên toàn bộ lãnh thổ đất nước Ukraina với mục đích để “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” quốc gia nầy[1].

            Quả thật, suốt hai tháng qua, cuộc chiến tại Ukraina chính là “tâm điểm thời sự” của cả thế giới; và vì tính nghiêm trọng mang chiều kích toàn cầu của cuộc chiến nầy, nên rất nhiều phương tiện truyền thông không ngần ngại gọi đây bước khởi đầu của “thế chiến thứ ba”[2]. Và từ cuộc chiến nầy, người ta cho rằng “bản đồ địa chính trị thế giới”, một lần nữa, lại được vẽ lại (x. Bài chính luận của tạp chí Economist: The war in Ukraine is going to change geopolitics profoundly – Cuộc chiến ở Ukraine sẽ thay đổi sâu sắc tình hình địa chính trị)[3].

I. CHIẾN SỰ UKRAINA VÀ BỐI CẢNH PHỨC TẠP CỦA “ĐỊA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI”

1. Viễn tượng “địa chính trị thế giới” từ cuộc chiến Ukraina:

1.1. Một cuộc chiến đã “đánh thức cả thế giới”:

            Trong ngày Tổng Thống Putin ra lệnh xâm lược Ukraina, một quan chức cấp cao Nhà Trắng đã phát biểu: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thức dậy vào năm 1939”[4]. Vâng, nếu thời điểm năm 1939 là lúc khai diễn cuộc chiến tranh thế giới thứ II, thì sáng ngày 24.2.2022, nhiều người trên thế giới, đặc biệt người dân Ukraina, đã thức dậy trong bối cảnh của một cuộc đại chiến mới. Thật vậy, cuộc chiến tại Ukraina, như mô tả của bài chính luận nơi tạp chí Economist, đã đánh thức cả thế giới, từ các nước trong liên minh Âu Châu (EU) tới các cường quốc Mỹ, Trung Hoa, Nhật bản và nhiều nước khác:

“… EU, được sinh ra từ ý tưởng rằng hội nhập kinh tế có thể ngăn chặn chiến tranh, đã hứa chi trả cho các vũ khí được gửi đến Ukraine. Thụy Sĩ trung lập hứa sẽ có các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính các thực thể mà nước này yêu quý nhất: các ngân hàng. Tại Đức, liên minh mới gồm Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh, và Đảng Tự do trút bỏ chiếc áo choàng hòa bình của đất nước mình: từng chỉ cung cấp mũ bảo hiểm cho Ukraine, giờ đây họ đang gấp rút gửi vũ khí chống tăng và vũ khí phòng không, và còn tuyên bố tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Trước đó, sau khi đình chỉ dự án Nord Stream 2 – đường ống đã ràng buộc Đức chặt chẽ hơn bao giờ hết vào các nguồn cung cấp khí đốt của Nga – chính phủ Đức thậm chí còn cho biết họ đang để ngỏ khả năng giữ các nhà máy điện hạt nhân còn lại của mình hoạt động, nếu làm vậy là cần thiết để giúp nước này tránh phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Phía bên kia lục địa Á-Âu, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Australia đã tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Sự thay đổi ở Nhật Bản là đặc biệt nổi bật. Trong những thập niên qua, nước này đã lôi kéo Nga không mệt mỏi, một phần nhằm đối trọng với Trung Quốc, nhưng phần còn lại là vì hy vọng giải quyết vấn đề bốn hòn đảo phía bắc bị chiếm từ thời Liên Xô. Cựu thủ tướng Shinzo Abe đã gặp Putin tổng cộng 27 lần, bao gồm cả một chuyến đi đến một nhà tắm onsen. Nhưng giờ đây, dưới thời Kishida Fumio, Nhật cho phong tỏa tiền dự trữ của ngân hàng trung ương Nga đang giữ tại nước này, và kêu gọi những nước trung lập nên có lập trường rõ ràng hơn chống lại người bạn cũ của mình.

Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ mở ra hòa bình vĩnh viễn. Nhưng Khủng hoảng Ukraine đang tạo ra một hình thức mới cho các khả năng xảy ra xung đột trong tương lai, cũng như các cách thức ngăn chặn điều đó. Nó đang làm tăng khả năng lãnh thổ có thể bất ngờ bị tước bỏ khỏi một quốc gia phát triển bằng vũ lực. Bằng cách đưa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, nó đặt một gánh nặng mới lên hệ thống liên minh của Mỹ vốn đang phần nào bao vây hai nước này. Nó đã bắt đầu củng cố niềm tin của châu Âu vào bản thân và các lý tưởng của mình, và có thể tăng cường khả năng lục địa này sẵn sàng chiến đấu vì chúng. Nó cũng có thể khiến Đức và Nhật Bản, sau thất bại trong Thế chiến 2, quay trở lại đảm nhận những vai trò chiến đấu mới. Và một lần nữa, nó đặt ra những câu hỏi cũ về vai trò của vũ khí hạt nhân...”[5].

Cho dù cuộc chiến thảm khốc tại Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang để đi tới ngày kết thúc, nhưng theo như cách đánh giá và dự báo trên, địa chính trị thế giới sau cuộc chiến nầy sẽ thay đổi sâu sắc; và cho dù bản đồ thế giới hay Đông Âu vẫn không có gì đổi thay trong cuộc chiến nầy, thì các nhân tố khác như các tổ chức (Liên Hiệp Quốc (UN), Liên minh Âu Châu (EU), Hiệp ước phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhóm “G 7”…, các trục liên minh Nga – Trung, Mỹ – Nhật, liên minh “Ngũ Nhãn”, linh minh AUKUS (Úc, Anh, Mỹ), khối ASEAN… sẽ có những động thái khác để đáp ứng trước các yêu cầu thực tế và những bước đi cho tương lai. Nói cách khác, cuộc chiến Ukraina sẽ làm thay đổi sâu sắc “địa chính trị thế giới”.

Và trước tình hình “địa chính trị thế giới” đang đổi thay đó, Việt Nam sẽ thế nào ?

1.2. Việt Nam trước “thách thức địa chính trị” từ cuộc chiến Ukraina:

            Ngày 19.4.2022 vừa rồi, đài tiếng nói RFI đã có một cuộc phỏng vấn Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry – Montpellier 3, về một tác phẩm của ông mới được xuất bản vào tháng 3.2022, cuốn Un triangle à l’épreuve. La Chine, les Etats-Unis et l’Asie du Sud-Est depuis 1947 (tạm dịch: Một tam giác chiến lược trải qua thử thách. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ 1947). Trong tác phẩm nầy, Giáo sư Journoud có dành ra nhiều chuyên đề liên quan đến Việt Nam cùng với các mối tương quan “địa chính trị” phức tạp giữa các thế lực siêu cường như Trung Quốc, Mỹ, và vùng Đông Nam Á.

            Sau đây là một số “điểm nhấn” liên quan đến Việt Nam được Tác giả Thu Hằng ghi lại trong cuộc phỏng vấn của đài RFI dành cho Giáo sứ Journoud; hy vọng các giải trình của Giáo sứ Journoud sẽ cung cấp cho chúng ta những cái nhìn sâu sắc và gợi mở về định hướng chiến lược của Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai:

RFICuốn sách tổng hợp tham luận của 21 tác giả và do ông làm chủ biên bắt đầu từ năm 1947. Tại sao lại chọn cột mốc này ? Tại sao lại là “Một tam giác chiến lược” và vị trí của Việt Nam trong tam giác này ?

GS. Pierre Journoud: Tại sao cuốn sách có tên là Một tam giác chiến lược ? Bởi vì có thể thấy rõ mỗi góc của hình tam giác đều liên quan chặt chẽ đến nhau. Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ từ thời Chiến tranh lạnh. Chúng tôi bắt đầu cuốn sách từ năm 1947 bởi vì đó là năm chính thức bắt đầu Chiến lạnh ở châu Âu. Sự đối đầu về ý thức hệ giữa hai khối Cộng sản và chống Cộng sản định hình mối quan hệ quốc tế và gây hàng loạt tác động trên khắp thế giới, dĩ nhiên là cả Đông Nam Á với những xung đột được phân tích trong nửa đầu tác phẩm của chúng tôi. Năm 1947 cũng là năm ông Aung San, một trong những nhà thành lập nước Miến Điện đương đại, cha của bà Aung San Suu Kyi, bị sát hại. Năm 1947 cũng là năm nội chiến ở Trung Quốc…

Đúng là ở châu Á, khúc ngoặt lịch sử là vào thời điểm 1949-1950. Năm 1949 với việc Mao Trạch Đông lên nắm quyền và Trung Quốc đi theo chủ nghĩa Cộng sản, với sự ảnh hưởng lớn của Matxcơva. Trong năm tiếp theo, Việt Nam cũng đi theo hướng này, cuộc chiến với Pháp vẫn tiếp tục, rồi Việt Nam bị cuốn theo bối cảnh Chiến tranh lạnh. Thực vậy, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập ngày 02/09/1945 được Trung Quốc của Mao Trạch Đông công nhận trước tiên, tiếp theo là Liên Xô và toàn khối Cộng sản. Còn một Nhà nước khác do Pháp thành lập để làm đối trọng với Nhà nước của Hồ Chí Minh, thì được Hoa Kỳ, Anh và khối “thế giới tự do” phương Tây lúc đó công nhận. Đó là một cuộc xung đột gây hệ quả tức thì cho Đông Nam Á.

Tình hình hiện nay ở Đông Nam Á đúng là rất đáng quan ngại vì Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh rất gay gắt giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, dĩ nhiên là trong bối cảnh khác với thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng vẫn có thể thấy những yếu tố liên tục nào đó của sự cạnh tranh Mỹ-Trung, xuất phát từ thời đầu Chiến tranh lạnh. Mao Trạch Đông giành chiến thắng trong cuộc nội chiến và muốn biến Trung Quốc thành một cường quốc. Khi Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam, họ hiểu ý đồ đó cũng như chủ trương can thiệp rất rõ ràng của Mao Trạch Đông vào các nước Đông Nam Á. Chủ tịch Trung Quốc ủng hộ tất cả các đảng Cộng Sản ở khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam, nên dẫn đến sự đối đầu ngày càng nghiêm trọng và kéo Việt Nam vào chuỗi chiến tranh. Những sự kiện này được chúng tôi nêu rất chi tiết trong cuốn sách.

RFILần đầu tiên, vào ngày 14/02/2022, thủ tướng Việt Nam chủ trì lễ kỉ niệm chính thức 64 quân nhân Việt Nam tử trận ở Gạc Ma (Johnson South Reef) năm 1988 khi bị Trung Quốc tấn công xâm chiếm. Sự kiện đau thương này nằm trong chuỗi căng thẳng gia tăng trong vùng, được đề cập trong phần 2 của tác phẩm về “những viễn cảnh mới về chiến tranh Đông Dương lần thứ 3”. Xin ông giải thích thêm.

GS. Pierre Journoud: Tôi cũng ngạc nhiên về việc chính quyền cấp cao Việt Nam tưởng niệm 64 chiến sĩ thuộc lực lượng Hải Quân Việt Nam hy sinh ở quần đảo Trường Sa năm 1988.

Thực ra, cuộc xung đột quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, đã có từ lâu, từ thời thuộc địa những năm 1930 đến cuối Thế Chiến II, nhưng trở nên gay gắt hơn từ những năm 1970. Điều ngạc nhiên là lập trường của Trung Quốc và Việt Nam về những yêu sách chủ quyền của mỗi bên ở Biển Đông có từ rất sớm. Ví dụ, qua bài tham luận của tôi trong trong cuốn sách này, chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu quốc tế, đặc biệt là của Liên Hiệp Quốc, các tài liệu lưu trữ của Liên Hiệp Quốc cho thấy xung đột đã được định hình ngay những năm 1970, sớm hơn cả chiến tranh biên giới năm 1979.

Tóm lại, cuộc xung đột này bắt đầu từ diễn đàn ngoại giao, ở cấp Liên Hiệp Quốc, trước cả khi xảy ra xung đột trên bộ năm 1979. Cần nhắc lại rằng Trung Quốc là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc từ năm 1971 và trong suốt thập niên đó, Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với Liên Hiệp Quốc hơn, còn nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1977. Từ đó, phái đoàn của Trung Quốc và Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc đã tìm cách thuyết phục tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc về mức độ chính xác trong lập trường của họ.

Chúng tôi cũng nhận thấy là cuộc xung đột năm 1979, dĩ nhiên còn do những nguyên nhân khác, cũng xuất phát từ lĩnh vực hàng hải. Cho đến nay, khía cạnh này rất ít được khai thác nhưng lại được nêu rất rõ trong tài liệu lưu trữ ở Liên Hiệp Quốc. Năm 1979, phái đoàn Việt Nam, lúc đó do đại sứ Hà Văn Lâu dẫn đầu, đã phản ánh rằng có. rất nhiều tầu Trung Quốc thâm nhập vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Chúng tôi đã tham khảo được nhiều báo cáo khá quan trọng về nguồn gốc của xung đột này.

Tiếp theo, trong mục Địa-Chính trị của cuốn sách, một số tác giả đề cập đến lập trường của Hoa Kỳ, của Trung Quốc, cũng như của một vài nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia. Chúng ta thấy là trong thời gian khá lâu, Indonesia giữ lập trường khá ôn hòa với Bắc Kinh, nhưng sau đó giữ khoảng cách vì chính quyền Jakarta cũng phải đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc và phải cứng rắn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của họ.

Dĩ nhiên đây không phải là chủ đề duy nhất của cuốn sách. Tuy nhiên, những bài tham luận về vấn đề này giúp hiểu rõ hơn mọi khía cạnh của cuộc xung đột trên bộ, trên biển, về mặt quốc tế, ngoại giao, ở cấp Liên Hiệp Quốc, cấp ASEAN…

RFINhiều chuyên gia dự đoán nếu Chiến tranh Thế giới thứ 3 xảy ra thì sẽ là ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương do những căng thẳng và cạnh tranh Mỹ-Trung. Liệu mối lo vẫn này còn chính đáng khi chiến tranh lại nổ ra ở Ukraina ?

GS. Pierre Journoud: Đúng. Đó là một thắc mắc lớn, một câu hỏi nghiêm túc. Tôi muốn thận trọng trong việc đưa ra một dự đoán chính xác bởi vì trường hợp Ukraina cho thấy rõ, kể cả những chuyên gia về Nga và Ukraina đã không lường trước được tốc độ, sự tàn khốc của cuộc xâm lược Nga ở Ukraina. Các nhà quan sát không nghĩ rằng tổng thống Putin sẽ đưa ra một quyết định như vậy trong bối cảnh quan hệ ở châu Âu và quốc tế tương đối thanh bình, dù căng thẳng có gia tăng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014.

Tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đúng là từ lâu đã có nhiều căng thẳng lớn giữa Bắc Kinh và Washington ở Biển Đông và rộng hơn là ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt là từ khi ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc. Tiếp theo là căng thẳng giữa các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Điều quan ngại là sự cố liên tục xảy ra. Trung Quốc ngày càng điều thêm nhiều tầu chiến đến các vùng biển lân cận, điều chiến đấu cơ tuần tiễu trên eo biển Đài Loan hoặc tổ chức tập trận đơn phương và đa phương trong những vùng biển đó. Nhiều lần tầu chiến Trung Quốc và Mỹ gần như chạm mặt nhau, có lúc với tầu chiến Pháp vì thời gian gần đây Paris cũng điều chiếm hạm, tầu ngầm, tầu sân bay đến khu vực.

Rất khó dự đoán được là sắp tới hay trong vài tháng, vài năm nữa sẽ xảy ra một cuộc xung đột có thể là vũ trang và có thể sẽ có quy mô như ở Ukraina hiện nay nếu như Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Và nếu xảy ra thì sẽ có chung kịch bản như Ukraina và sẽ gây chấn động toàn cầu. Hoa Kỳ sẽ phải phản ứng bằng cách này hay cách khác. Chúng ta không biết chính xác sẽ như thế nào nhưng các bên đều chuẩn bị.

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất chưa chắc sẽ xảy ra bởi vì có thể thấy trong cuộc chiến ở Ukraina hiện nay, tổng thống Biden và chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần điện đàm với nhau. Do đó không loại trừ khả năng Bắc Kinh và Washington tìm được tiếng nói để giảm bớt phần nào căng thẳng, không chỉ cho cuộc chiến ở Ukraina, mà còn cho cuộc xung đột, dù hiện không phải là vũ trang nhưng ngấm ngầm, giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông.

Cả hai cường quốc này nghi ngờ nhau và đều có tham vọng thống trị không gian hàng hải, đặc biệt là ở Thái Bình Dương và Biển Đông. Trung Quốc muốn xua Hoa Kỳ ra khỏi biên giới của họ xa nhất có thể vì chẳng có lợi gì với Bắc Kinh khi Washington tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Còn Mỹ lại muốn giữ vai trò cường quốc ở Thái Bình Dương, duy trì sự hiện diện của Hạm Đội 7, tiến hành các chuyến hải hành “qua lại vô hại” dù đó là các chiến hạm, tầu khu trục, tầu sân bay…  

Có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới một giải pháp có tính thương lượng khá cao và từ đó sẽ dẫn đến một giải pháp trên quy mô khu vực. Đây cũng là mong muốn của các nước thành viên ASEAN, đang đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, cũng có thể hình dung ra một sự cố, ví dụ mang tính cục bộ, biến thành xung đột khu vực. Đây chính là giả thuyết mà nhiều chuyên gia lo sợ. Tôi không hẳn là một trong những người bi quan nhất bởi vì các kênh đối thoại và đàm phán vẫn tồn tại, đặc biệt là thông qua ASEAN và tại các thể chế khác. Dù sao thì chúng ta không thể loại trừ bất cứ điều gì.

RFIChiến sự ở châu Âu có khiến Mỹ phần nào lơ là Biển Đông không ? Liệu Washington không tìm cách làm phật lòng thêm Bắc Kinh do lo ngại Trung Quốc ủng hộ và giúp Nga lách trừng phạt ? Liên minh Nga-Trung có kéo theo rủi ro, thậm chí là mối đe dọa cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương không ?

GS. Pierre Journoud: Có hai câu hỏi trong phần này. Về câu hỏi thứ nhất liên quan đến tác động của chiến tranh Ukraina có khiến Mỹ, và phương Tây nói chung, lơ là tình hình Biển Đông hay không, tôi nghĩ là không. Trước hết, Hoa Kỳ là một thế lực toàn cầu, luôn theo dõi mọi khu vực có nguy cơ xung đột trên thế giới. Chính sách xoay trục sang châu Á có từ thời tổng thống Obama, tập trung thêm phương tiện quân sự, tài chính, kinh tế vào châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, là điều vẫn được các tổng thống sau này tiếp tục, dù ông Trump có thể không ủng hộ chính sách đa phương như người tiền nhiệm.

Chiến tranh ở Ukraina có lẽ không làm Mỹ lơ là tập trung ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông vì căng thẳng vẫn tồn tại, xung đột còn lâu mới được giải quyết. Trung Quốc ngày càng củng cố hiện diện trong vùng, quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraina hôm 24/02, Trung Quốc lại tăng ngân sách quốc phòng, đã ở mức rất cao, bỏ xa mọi ngân sách của các nước trong vùng và hiện đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh tăng cường hiện đại hóa đội tầu chiến. Cứ hai năm, đội tầu Trung Quốc được cho là tăng gấp đôi về trọng tải. Theo tài liệu của Lầu Năm Góc mà tôi tra cứu năm 2021, nỗ lực và sự đầu tư ồ ạt đáng kể đó đã giúp Hải Quân Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về trọng tải, dù có thể không phải về chất lượng hay công nghệ.  

Theo tôi, hiện tại không có gì thay đổi ở trong vùng do tác động từ chiến sự ở Ukraina. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến câu hỏi thứ hai liên quan đến Nga. Trung Quốc là một đối tác lớn của Nga. Người ta nói đến liên minh, dù chưa biết liên minh này sẽ đi tới đâu nhưng rõ ràng là Bắc Kinh ủng hộ nước Nga của ông Putin và không nhắc đến “cuộc xâm lược Ukraina” của tổng thống Putin. 

Có thể thấy là Trung Quốc không được thoải mái vì quyết định của điện Kremlin dường như không được bàn với Bắc Kinh và cản trở tham vọng của Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình, giữ một trật tự nào đó để nước này mở rộng ảnh hưởng và có thể là sự thống trị ở trong vùng. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã cản trở những kế hoạch và tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ảnh hưởng đến sự thành công nhất định cho đến giờ của trục Matxcơva-Bắc Kinh, cùng với một vài nước khác, nhằm vẽ lại các mối quan hệ quốc tế hiện tại, hình thành một mô hình thay thế mô hình của Mỹ và làm thay đổi phần nào bản chất của hệ thống quốc tế.

Chính sách của ông Putin lại gây hiệu ứng ngược vì đã khiến các nước châu Âu đoàn kết hơn, hàn gắn khối NATO đang rệu rã. Các nước NATO, Liên Hiệp Châu Âu, lo chiến tranh tang thương như ở Ukraina lan sang khối này và cuối cùng khiến những nước này hình thành một mặt trận, không phải chống Nga mà là chống Putin. Không rõ kết cục sẽ đi đến đâu: khởi đầu là Crimée, tiếp theo là Donbass, rồi Ukraina, biết đâu nay mai lại là các nước Baltic, vốn từng chịu ảnh hưởng của Liên Xô.

Tôi nghĩ là ông Tập Cận Bình theo dõi sát sao tình hình Ukraina. Chủ tịch Trung Quốc có thể sẽ đề xuất đàm phán một giải pháp chính trị để sớm chấm dứt cuộc chiến đang làm xấu hình ảnh nước Nga. Dù sao mọi người đang chờ xem ông Tập Cận Bình sẽ có lập trường như nào, hoặc là giữ khoảng cách với đối tác Nga, hoặc làm trung gian hòa giải. Căn cứ vào mối quan hệ tương đối tốt giữa Matxcơva và Bắc Kinh, vào tiềm lực kinh tế, tài chính, quân sự của Trung Quốc, dường như chỉ có ông Tập Cận Bình mới có khả năng áp đặt, hoặc dù sao định hướng một giải pháp theo hướng này[6].

2. Cuộc chiến Ukraina và sự lựa chọn “địa chính trị” của Việt Nam.

            Ở đây không dừng lại ở việc phân tích đúng sai, phải trái về thái độ và sự chọn lựa của Việt Nam trước ba cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc chiến Ukraina:

– Cuộc bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược Ukraina của Liên bang Nga (2.3.2022).

– Cuộc bỏ phiếu yêu cầu bảo vệ dân thường (24.3.2022).

– Cuộc bỏ phiếu trục xuất Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền (7.4.2022).

            Thật ra, ngay từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimé và cuộc nội chiến Ukraina nổ ra tại vùng Donbass, lập trường hay chọn lựa mang tính “địa chính trị” của Việt Nam về cuộc chiến nầy đã được phản ảnh phần nào qua bài phát biểu của TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu Nga và Ukraine của Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của báo điện tử VOV, được phóng viên Phương Chi ghi lại như sau:

PV: Từ câu chuyện Ukraine, các nước vừa và nhỏ có thể rút ra những bài học gì?

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc: Từ câu chuyện Ukraine tôi xin nêu ra 5 bài học như sau.

– Bài học thứ nhất là các nước vừa và nhỏ cần rút ra rằng mình phải không ngừng tăng cường nội lực. Nội lực ở đây không chỉ bao hàm nội lực kinh tế mà nó còn bao hàm các vấn đề đoàn kết xã hội, vấn đề phát triển trình độ khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, trình độ nhận thức của người dân. Đi đôi với việc tăng cường nội lực là việc giải quyết các vấn đề xã hội, làm sao để giảm những bất bình đẳng chênh lệch giàu nghèo những vấn nạn để không gây bức xúc cho người dân.

– Bài học thứ hai ở đây là bài học về độc lập tự chủ trong chính sách đối ngoại và bài học về việc đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Một nước vừa và nhỏ phải làm sao để không bị cuốn vào sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn và không để các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình.

– Bài học thứ ba, các nước vừa và nhỏ không thể “Nhất biên đảo” theo một bên hay là nói cách khác là không thể nghiêng sang bên nọ bên kia mà các nước vừa và nhỏ  phải có chính sách đối ngoại hết sức uyển chuyển linh hoạt. Các nước vừa và nhỏ cũng không nên coi một nước lớn chỉ là bạn hay chỉ là thù và phải hiểu rằng mỗi đối tác đều có cơ hội và thách thức. Phải tận dụng cơ hội và giảm bớt thách thức.

– Bài học thứ tư, một nước vừa và nhỏ mà có vị trí chiến lược quan trọng thì họ phải làm sao để vị trí chiến lược đó phục vụ lợi ích của mình chứ không phục vụ cho lợi ích các nước lớn. Và làm thế nào với vị trí chiến lược như vậy thì nước vừa và nhỏ đó phải trở thành cầu nối giữa các bên để làm nơi mà các bên có thể đối thoại với nhau.

– Bài học thứ năm, ngay cả những nước vừa và nhỏ cũng có thể liên kết với nhau để quan hệ với nhau qua các cơ chế đối thoại đa phương đặc biệt là trong từng khu vực bởi chỉ có cách đó các nước vừa và nhỏ mới có thể hiểu nhau nhiều hơn nữa. Họ hoàn toàn có thể phối hợp với nhau để tránh sự độc tôn của một quốc gia nào đó và tránh sự tranh giành của các nước lớn ảnh hưởng đến hòa bình ổn định khu vực[7].

II. QUI NHƠN – THỊ NẠI TRONG CHIẾN LƯỢC VỆ QUỐC HÔM NAY

            Trong “5 bài học” đề nghị cho các nước vừa và nhỏ của TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngoài những “bài” mang tính nguyên tắc tổng quát, chúng ta có thể lưu ý đến “bài học thứ 4”: “… một nước vừa và nhỏ mà có vị trí chiến lược quan trọng thì họ phải làm sao để vị trí chiến lược đó phục vụ lợi ích của mình chứ không phục vụ cho lợi ích các nước lớn. Và làm thế nào với vị trí chiến lược như vậy thì nước vừa và nhỏ đó phải trở thành cầu nối giữa các bên để làm nơi mà các bên có thể đối thoại với nhau”.

            Trước khi bàn về vị trí chiến lược quan trọng của Thị nại – Qui Nhơn trong chương trình “vệ quốc” hôm nay, có lẽ chúng ta dành một chút thoáng qua về hiện tình “địa chính trị” chung của Việt Nam hôm nay trong mối tương quan đầy biến động và phức tạp của thế giới.

1. Việt Nam: vị trí địa chính trị quan trọng

            Về phương diện địa lý, quả thật, nước Việt Nam chúng ta, mặc dù nằm trong tóp các “nước vừa và nhỏ”, nhưng lại được thiên nhiên ban tặng những vị trí chiến lược tuyệt vời. Vấn đề nầy thì người dân Việt chúng ta và rất nhiều dân tộc quốc gia trên thế giới đều nhận biết. Nhận xét sau đây của tác giả TS. Bắc Hà có thể một tổng hợp khá chuẩn xác về phương diện “địa chính trị” của Việt Nam trên địa bàn thế giới:

“Là quốc gia có vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, Việt Nam là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, đa sắc tộc, giàu tài nguyên; Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuận tiện, với 50% khối lượng hàng hóa luân chuyển của thế giới đi qua vùng biển này. Cùng với tài nguyên phong phú, dân số khá lớn… những điều kiện này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, nhiều cường quốc xem khả năng kiểm soát Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình. Chính vì vậy mà Biển Đông đã trở thành một trong những “điểm nóng” lớn nhất về lợi ích giữa nhiều nước lớn. Trong thế kỷ 20, nhiều quốc gia phát triển đã sớm nhận thấy vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam. Từ những quốc gia xa xôi trên thế giới, thậm chí bên kia đại dương đã “vươn” tới Việt Nam, mong muốn sớm thiết lập quan hệ thân thiện. Song chính vì vị trí địa chính trị đó mà dân tộc Việt Nam đã thường xuyên phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, và do đó có rất ít thời gian hòa bình để xây dựng đất nước. Tuy nhiên, dân tộc ta một mặt đã không sợ hy sinh xương máu để giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mặt khác luôn luôn phát huy trí sáng tạo trong chính sách, chiến lược hòa hiếu, “cân bằng” với các nước để có hòa bình xây dựng đất nước…”[8].

2. Việt Nam và chiến lược “an ninh quốc gia”:

2.1. Tổng quan về “khái niệm an ninh”:

            Khi nói tới chủ đề “an ninh quốc gia” thì ngày nay người ta thường phân chia thành hai phạm trù: An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

            Trong khi phạm trù “an ninh truyền thống” luôn bao hàm ý nghĩa “coi an ninh quốc gia là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa hoặc tấn công bằng chính trị, quân sự từ bên ngoài và bên trong”[9] thì phạm trù “an ninh phi truyền thống” lại nhấn mạnh ý nghĩa “an ninh” trên một không gian bao quát hơn, “không chỉ là vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia mà còn bảo vệ con người, bảo vệ cộng đồng… trước các “mối đe dọa, uy hiếp của các nhân tố bên trong và bên ngoài đối với môi trường sinh tồn và phát triển của con người, cộng đồng xã hội của mỗi quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với khu vực và toàn thế giới”[10] (Để nắm bắt khái niệm hay phạm trù “an ninh phi truyền thống”, xin xem phần ghi chú bên dưới)[11].

2.2. Đối sách hay chiến lược “an ninh quốc gia” của Việt Nam:

            Thật ra, đất nước nào, quốc gia nào, triều đại nào cũng đều có những “quốc sách”, những “chiến lược kiến quốc và vệ quốc”. Riêng đất nước Việt Nam trong chiều dài lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước, đã có dư kinh nghiệm xương máu trong vấn đề anh ninh quốc gia truyền thống cũng như phi truyền thống. Ở đây, chỉ xin tóm tắt năm đối sách chính của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại được giải trình trong tác phẩm “Quan hệ giữa các nước lớn và đối sách của Việt Nam” vừa được xuất bản. Năm đối sách đó là:

– Hội nhập quốc tế

– Xây dựng thực lực mạnh

– Kế sách giữ nước

– Bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

– Kết hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[12].

3. An ninh quốc gia và yếu tố “Biển Đông – Trung Quốc”:

            Nếu có yếu tố nào liên quan đến cả an ninh truyền thống lẫn an ninh phi truyền thống của Việt Nam hôm nay, thì đó chính là yếu tố “Biển Đông và Trung Quốc”. Khi xác định như thế, chắc chắn không phải chúng ta loại bỏ những thách đố khác đến từ những siêu cường như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và các nước đang phát triển khác trong vùng Á Châu – Thái Bình Dương như Úc và các nước thuộc khối Asean…. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh yếu tố “Biển Đông – Trung Quốc” là muốn hàm ý: yếu tố “địa chính trị” Biển Đông và Trung Quốc luôn bao gồm nhiều mối quan hệ phức tạp đan xen giữa các thực tế địa chính trị và các siêu cường; đặc biệt ba siêu cường đang có những ảnh hưởng quan trọng nhất định trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương đó là Nga, Trung, Mỹ, trong giai đoạn “chiến cuộc Ukraina” nầy (x. Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới mới)[13].

3.1. Biển Đông Việt Nam và thách thức an ninh từ Trung Quốc:

            Trong các nước láng giềng cũng như trong các tương quan đối tác trên trường quốc tế của Việt Nam, Trung Quốc chính là quốc gia, là nhân tố mang tầm ảnh hưởng lâu dài, xuyên suốt và quan trọng nhất; đến đổi sử gia Ngô Sĩ Liên đã tóm gọn trong một mệnh đề mang tính cơ học vật lý như sau: “Nam – Bắc mạnh yếu đều có từng lúc. Đang khi phương Bắc yếu thì ta mạnh, phương Bắc mạnh thì ta cũng thành yếu. Thế lớn trong thiên hạ là như vậy…”[14].

Và lịch sử trên hai ngàn năm của Việt Nam là “câu chuyện dài” của những trang thư hùng mà kẻ đối đầu thường xuyên nhất, dài hơi nhất vẫn là Trung Quốc, như cách nhận định của tác giả Vũ Hồng Lâm: “Quan hệ Việt-Trung trong gần 2200 năm lịch sử của nó đã trải qua nhiều thăng trầm biến đổi. Có lúc Việt Nam là quận huyện của Trung Quốc mà cũng có lúc Việt Nam lại thuộc về Pháp, lấn lướt được Trung Hoa. Có lúc Việt Nam chịu thần phục Trung Quốc nhưng có lúc lại liên minh với Liên Xô để đối đầu lại Trung Hoa. Mỗi giai đoạn như vậy, trong nội bộ Việt Nam cũng như Trung Quốc đều có các quan điểm khác nhau. Phía Việt Nam có phe nhấn mạnh điểm đồng và có phe nhấn mạnh điểm dị. Phía Trung Quốc có phái coi Việt Nam như kẻ trong nhưng cũng có phái xem Việt Nam như người ngoài. Tuy nhiên, xuyên suốt gần 22 thế kỷ, tương quan vị thế giữa Việt và Trung vẫn mang một hằng số. Quan hệ Việt-Trung có thể ví như quan hệ giữa một người và một con chíp (micro- processor) gắn vào thân thể người đó:

– không rời nhau được, nhưng lại

– không đồng hóa được nhau, nhất là

– không bao giờ cùng đẳng cấp,

– và nhiều đặc điểm khác.

Xuyên suốt gần 22 thế kỷ, cái nhìn của Trung Quốc về Việt Nam giống như cái nhìn của một người về con chip gắn vào thân thể người đó. Cái nhìn của Việt Nam về Trung Quốc giống như cái nhìn của con chip về cơ thể mà nó gắn vào[15].

Tuy nhiên, vào giai đoạn hiện tại nầy, vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Việt – Trung vẫn là “hồ sơ Biển Đông” như một số nhận định tiêu biểu như sau:

– “Cũng như một số quốc gia trong khu vực, Việt Nam có người láng giềng phương Bắc to lớn là Trung Quốc. Quan hệ Việt – Trung đã trải qua những thăng trầm lịch sử, được bình thường hóa vào năm 1991 và hiện tại trong quan hệ giữa hai nước “điểm nhạy cảm” là biển Đông lại dậy sóng.Với tầm quan trọng của biển Đông, Trung Quốc luôn coi đây là “không gian sinh tồn”, đặt mục tiêu phải sở hữu bằng được các lợi ích của biển Đông, tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết lãnh hải biển Đông, biến biển Đông thành “ao sau” nhà mình, nhằm mở rộng cương vực sinh tồn, tạo thêm sức mạnh trong cán cân quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương. Các lấn chiếm của Trung Quốc trên biển Đông không những sẽ hạn chế khả năng, triển vọng kinh tế của Việt Nam, mà còn làm cho Việt Nam rất dễ bị sức ép của Trung Quốc về phương diện quân sự. Xung quanh những bất đồng về biển Đông, hai nước đã không ít lần có đụng độ vũ trang, va chạm trên biển, lúc căng thẳng, lúc chùng xuống, song mật độ thì có vẻ như ngày càng dày hơn dù hai nước tuyên bố kiềm chế và giải quyết thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình. Trong điều kiện đó, Việt Nam cần nhiều bạn bè đồng minh hơn bao giờ hết”[16].

“… trong khi quan hệ của Hà Nội với Hoa Kỳ ngày càng cải thiện, đặc biệt là trên khía cạnh niềm tin chiến lược, thì quan hệ Việt – Trung vẫn đang căng thẳng, niềm tin giảm sút, chủ yếu do vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tuy xu hướng là như vậy, nhưng thực tế diễn tiến các cặp quan hệ đó không mang tính tuyến tính, mà có sự thăng trầm theo thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc nên nhìn chung ở đây có sự tương tác qua lại giữa hai cặp quan hệ. Mỹ – Trung như hai cực trái dấu, Việt Nam nằm ở giữa. Dù Việt Nam muốn giữ cân bằng giữa hai bên, nhưng rõ ràng việc dịch lại gần một bên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ với bên còn lại… duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại mà Việt Nam phải xử lý trong thời gian tới… chính sách đối ngoại Việt Nam hiện tại thực dụng và ít dựa vào ý thức hệ hơn so với trước Đổi Mới. Điều này thể hiện rõ nhất qua lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có chung ý thức hệ, cũng như việc Việt Nam xích lại gần hơn với Hoa Kỳ bất chấp khác biệt chính trị… Xử lý tranh chấp Biển Đông là một thách thức khác trong chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam. Phải thừa nhận rằng đây là một vấn đề vô cùng khó khăn vì Việt Nam phải đối đầu với một Trung Quốc mạnh hơn nhiều lần về mọi mặt, lại đang trong thế đi lên, đặc biệt lại có chiều hướng thách thức trật tự khu vực hiện tại và muốn diễn dịch luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình. Theo tôi cho đến lúc này thì chính sách của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông đang đi đúng hướng. Có thể có người chỉ trích chính sách của Việt Nam quá mềm mỏng với Trung Quốc, như trong vụ Cá Rồng Đỏ, nhưng như đã nói, Việt Nam có thể làm được gì hơn trước một Trung Quốc vừa mạnh vừa hung hăng như thế? Xung đột vũ trang sẽ là một lựa chọn không khả thi… Mục tiêu của Việt Nam là vừa bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, vừa giữ được hòa bình, ổn định để phát triển, nên có lúc phải lùi một bước để tiến hai bước. Trong những bước tiến đó thời gian qua tôi cho rằng những điểm nhấn quan trọng là việc Việt Nam không ngừng tăng cường năng lực quân sự và chấp pháp biển, và gia tăng quan hệ quốc phòng, chiến lược với các cường quốc chủ chốt và là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ. Tôi nói chuyện với nhiều chuyên gia nước ngoài thì họ đều đánh giá cao Việt Nam trên những khía cạnh này trong việc đối phó với vấn đề Biển Đông”[17]. (x. Mối thách thức Trung Quốc, định hình những lựa chọn của một siêu cường mới nổi)[18].

            Nhưng khi bàn đến “thách thức Trung Quốc từ yếu tố “Biển Đông” chúng ta không thể không nhắc đến chiến lược “Một vành Đai một con đường” của Trung Quốc.

3.2. Tổng quan về “Một Vành Đai, Một Con đường”[19]:

Trước hết, cũng cần phải nắm bắt khái niệm “Một Vành đai, một Con đường” mang nội hàm gì trong tư tưởng chủ đạo và hoạch định chiến lược của chính quyền Trung Quốc.

            Sau đây là sự giải trình khá tỉ mỉ của nhà nghiên cứu Hoàng Gia Phúc:

            “Tháng 9 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi sang thăm trường Đại học Nazarbayev tại Cộng hòa Kazakhstan đã chính thức công bố với thế giới “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”. Ngay sau đó, ông Tập tiếp tục công bố “Con đường tơ lụa trên biển” thế kỷ 21 khi đi thăm Indonesia.

            Đây chính là hai phần trong một kế hoạch Một vành đai, một con đường, đọc theo âm Hán Việt là “Nhất đới, nhất lộ”; còn tiếng Anh gọi là “One Belt, One Road” (viết tắt là OBOR) hoặc còn được gọi là “Sáng kiến Vành đai – Con đường” “Belt and Road Innitiative” – viết tắt là BRI.

            “Một vành đai, Một con đường” là gì?

            Về cơ bản, BRI là một mạng lưới nối liền giữa các tuyến đường bộ, đường sắt, các đường ống dẫn dầu, các mạng lưới điện, các hệ thống cảng biển cùng rất nhiều dự án hạ tầng nối liền khoảng 65 quốc gia. Việc phát triển các hệ thống và dự án hạ tầng này nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

            “Một vành đai, Một con đường” bao gồm hai phần: Vành đaiCon đường.

– “Vành đai” có nghĩa là “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” (Silk Road Economic Belt);

– “Con đường” có nghĩa là “Con đường tơ lụa trên biển” thế kỷ 21 (21st Century Maritime Silk Road).

            Vành đai kinh tế con đường tơ lụa sẽ là mạng lưới liên kết trên bộ, kết nối Trung Quốc với Vịnh Ba Tư và biển Địa Trung Hải qua Trung và Tây Á, Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương, bắt đầu từ thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông đi qua 10 thành phố khác của Trung Quốc và kết nối với hàng loạt trung tâm kinh tế – thương mại Âu – Á như: Almaty (Kazakhstan), Bishkek (Kyrgyzstan), Samarcanda (Uzbekistan), Dushanbe (Tajikistan), Teheran (Iran), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Moscow (Nga), Diusburgo (Đức), Rotterdam (Hà Lan), Venice (Ý), từ đó lan tỏa đến các thành phố khác của châu Âu, châu Phi.

            Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 thực chất là tuyến đường giao thông nối các cảng biển, các tuyến đường bộ và đường sắt của 29 quốc gia lại với nhau, trong đó, bao gồm chín quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Philippines, và Brunei; năm quốc gia vùng Nam Á là Bangladesh, Ấn Độ, Maldives, Pakistan, và Sri Lanka; chín quốc gia Tây Á là Iran, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Yemen, và Bahrain; năm quốc gia Tây Phi là: Ai Cập, Somalia, Sudan, Djibouti, và Eritrea. “Con đường tơ lụa trên biển” thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) chạy qua hướng Nam tới các nước ASEAN, vượt qua eo biển Malacca, trở về hướng Tây chạy dọc các quốc gia thuộc Ấn Độ Dương rồi gặp “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” tại Venice qua khu vực biển Đỏ và Địa Trung Hải. “Con đường tơ lụa trên biển” được thiết kế như là một mạng lưới liên kết trên biển nhằm nối liền biển Đông với Ấn Độ Dương, Đông Phi, biển Đỏ và Địa Trung Hải.”[20].

            Chúng ta có thể thấy rõ “VÀNH ĐAI VÀ CON ĐƯỜNG” được phân biệt với 2 đường “Đỏ” và “Xanh” trên bản đồ dưới đây:

Description: BRI-1

            Về tầm nhìn chiến lược khi đề xuất “sáng kiến một vành đai một con đường”, chúng ta thử nghe cách phân tích của hai nhà nghiên cứu LÊ ĐỨC CƯỜNG – BÙI VĂN MẠNH: “Đối với Trung Quốc, “Vành đai và Con đường” có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về đối nội và đối ngoại. Về đối nội, nó có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với hai mục tiêu mà lãnh đạo Trung Quốc đã thông qua, đó là: (1). Xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021, đúng dịp Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập; (2). Xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong đó, việc làm sống lại “Giấc mơ Trung Hoa” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, nhằm gắn kết dân tộc Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với những thách thức lớn, cả ở trong và ngoài nước. Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chững lại và đối mặt với nhiều khó khăn nội tại.(…). Nếu sáng kiến “Vành đai và Con đường” được hiện thực hóa, Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm địa chính trị – kinh tế toàn cầu.”[21].

3.3. Việt Nam và sự “dè chừng” trước chiến lược “BRI”:

            Trên “Biểu đồ” của “Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con đường” (BRI), chúng ta thấy rõ rằng: Việt Nam chính là một “cột mốc”, một “khâu” quan trọng trên “vế thứ hai” của BRI: “Con đường tơ lụa trên biển” thế kỷ 21: sẽ bắt đầu từ Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) chạy qua hướng Nam tới các nước ASEAN, vượt qua eo biển Malacca, trở về hướng Tây chạy dọc các quốc gia thuộc Ấn Độ Dương rồi gặp “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” tại Venice qua khu vực biển Đỏ và Địa Trung Hải. “Con đường tơ lụa trên biển” được thiết kế như là một mạng lưới liên kết trên biển nhằm nối liền biển Đông với Ấn Độ Dương, Đông Phi, biển Đỏ và Địa Trung Hải”.

            Để hiểu phần nào về cách ứng xử và chọn lựa của Việt Nam trong chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc, có lẽ bài phỏng vấn sau đây của Đài RFI tiếng Việt dành cho tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, là một cung ứng đầy đủ và quân bình nhất, được phóng viên Thu Hằng ghi lại như sau:

RFIThưa tiến sĩ, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang Bắc Kinh dự diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) diễn ra trong ba ngày 25 đến 27/04/2019. Việt Nam có tham gia dự án do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng không ?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Chúng ta đều biết Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo một số ước tính, như của Trung Tâm Cơ Sở Hạ Tầng Toàn cầu, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2040 là khoảng 605 tỉ đô la Mỹ.

Đây là một con số rất lớn ! Nếu huy động các nguồn lực trong nước, kể cả khi Việt Nam huy động từ các nguồn lực tư nhân thông qua các dự án đối tác công-tư chẳng hạn, con số này cũng rất là khổng lồ. Chính vì vậy, Việt Nam phải tìm cách khai thác các nguồn vốn từ nước ngoài, đặc biệt là thông qua các nguồn vốn ODA chẳng hạn.

Trong bối cảnh đó, Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc cũng là một nguồn vốn tiềm năng mà Việt Nam có thể tìm hiểu, cân nhắc để có thể khai thác nếu nó phù hợp. Chính vì vậy, Việt Nam tỏ ý ủng hộ về mặt ngoại giao sáng kiến này. Ví dụ cách đây hai năm, chủ tịch nước Việt Nam, lúc đó là ông Trần Đại Quang tham dự diễn đàn hợp tác Vành Đai và Con Đường lần thứ nhất ở Bắc Kinh. Năm nay (2019), ông Nguyễn Xuân Phúc thay mặt phía Việt Nam tham dự diễn đàn lần thứ hai.

Tuy nhiên, trên thực tế, để vay được những khoản vay của Trung Quốc, có rất nhiều vấn đề mà Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo. Chính vì vậy, kể từ năm 2013, thời điểm mà Trung Quốc phát động sáng kiến này, vẫn chưa có dự án nào đáng kể, chính thức được coi là dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường này được triển khai ở Việt Nam, mặc dù Việt Nam vẫn có những khoản vay nhất định từ các nguồn của Trung Quốc và một số dự án hợp tác cơ sở hạ tầng thì vẫn được tiến hành giữa hai bên.

RFI: Có một số thông tin cho rằng tuyến đường cao mới ở Việt Nam có các khoản vay từ Trung Quốc. Thông tin này có đúng không ?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi, dự án đường cao tốc Bắc-Nam hiện nay vẫn chưa được triển khai. Một số thông tin cho rằng một vài công ty của Trung Quốc, trong đó có tập đoàn Thái Bình Dương, ngỏ ý quan tâm, muốn hợp tác hoặc muốn tham gia vào việc xây dựng tuyến đường này.

Tuy nhiên, theo tôi hiểu thì vẫn chưa có những thỏa thuận cuối cùng. Ngay phía Việt Nam cũng chưa có kế hoạch rõ ràng cho việc xây dựng tuyến đường này, ví dụ nguồn vốn từ đâu, những bên tham gia chắc chắn cũng chưa được xác định, hồ sơ mời thầu cũng chưa được mở. Chính vì vậy, cho tới lúc này, khả năng các nhà thầu Trung Quốc, hay là việc chính phủ Việt Nam có vay vốn từ phía Trung Quốc cho dự án này không, hiện vẫn chưa được xác nhận rõ ràng.

RFI: Trong chuyến thăm Hà Nội của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản Ghi Nhớ về việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Xin tiến sĩ giải thích thêm về nội dung bản ghi nhớ này ?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Thực ra, khuôn khổ của “Hai hành lang-Một vành đai”, Việt Nam và Trung Quốc đã “thống nhất thực hiện” từ cách đây khá lâu, nếu tôi nhớ không nhầm là từ năm 2004. Cho tới nay, hoạt động hợp tác trong khuôn khổ hành lang Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng và hành lang Nam Ninh-Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa có những kết quả cụ thể.

Trong bối cảnh đó, khi thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, có lẽ phía Trung Quốc nhân tiện làm sống lại ý tưởng này và cũng gắn nó với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây cũng là một cách cho thấy: “À, Việt Nam cũng ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường này của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, như chúng ta thấy, kể từ tháng 11/2017 tới nay, chưa có những triển khai thực chất nhằm kết nối hai khuôn khổ này với nhau. Bản thân Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc cũng chưa thấy có tiến triển đáng kể nào ở Việt Nam.

RFI: Đâu là những bất lợi và thuận lợi nếu Việt Nam tham gia vào dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Có lẽ thuận lợi là Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, các khoản vay của Trung Quốc không hề rẻ, cũng không hề dễ dàng, thường đi kèm rất nhiều điều kiện, ví dụ phải sử dụng các nhà thầu Trung Quốc, mua trang thiết bị từ phía Trung Quốc để phục vụ các dự án đó. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Việt Nam tại vì Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vay vốn từ Trung Quốc. Chúng ta biết có những giai đoạn, Trung Quốc chiếm đến 90% các hợp đồng xây dựng EPC, tức là thiết kế, mua sắm và xây lắp, ở Việt Nam.

Những dự án đó gây ra rất nhiều tai tiếng, ví dụ trễ tiến độ, đội vốn, công nghệ thiết bị không hiện đại, lạc hậu, gây ra chi phí bảo dưỡng lớn; các nhà thầu Trung Quốc thuê lao động phổ thông mang từ Trung Quốc sang, gây ra những vấn đề ở địa phương chẳng hạn. Gần đây nhất, báo chí cũng đề cập nhiều đến dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội (Cát Linh – Hà Đông). Vì vậy, tôi nghĩ là những nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cũng thận trọng với các khoản vay của Trung Quốc.

Đó là chưa kể đến bối cảnh tranh chấp Biển Đông hiện tại. Khi Việt Nam vay của Trung Quốc, nó sẽ gây ra những ràng buộc, trở ngại khiến Việt Nam không thể mạnh mẽ có phản ứng với Trung Quốc trên Biển Đông nếu xảy ra căng thẳng. Vì vậy, nó cũng là một khía cạnh chiến lược mà Việt Nam sẽ phải cân nhắc khi muốn tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường này, hay cụ thể là vay vốn từ phía Trung Quốc.

RFI: Nhân đang nói về Việt Nam và Biển Đông, trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Biển Đông đóng vai trò như thế nào ?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Thực ra, dự án Vành đai và Con đường là một phần trong tham vọng của Trung Quốc để khuếch trương ảnh hưởng ra toàn cầu trong bối cảnh Trung Quốc liên tục trỗi dậy trong mấy thập niên vừa qua. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, nó không ảnh hưởng nhiều lắm tại vì nó không có các dự án được thực hiện ở khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, riêng đối với Việt Nam, nếu như Việt Nam hay các nước có tranh chấp khác với Trung Quốc ở Biển Đông như Philippines, Malaysia chẳng hạn, vay các khoản vay lớn của Trung Quốc, và đặc biệt nếu như sau này họ không khả năng trả nợ, họ sẽ bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính vì vậy, các nước này, trong đó có Việt Nam, có thể là sẽ phải chấp nhận các thỏa thuận bất lợi cho họ trong vấn đề Biển Đông. Đấy là điều có lẽ Việt Nam muốn tránh.

Tuy nhiên cũng có những nước khác có thể ưu tiên vấn đề kinh tế hơn so với vấn đề Biển Đông, như ở Malaysia. Mặc dù có những phản ứng, nhưng gần đây chính quyền ông Mahathir lại tiếp tục những dự án hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.

Đối với Việt Nam, tôi nghĩ rằng cho tới lúc này, Việt Nam vẫn rất thận trọng, tại vì có lẽ khác với Philippines và Malaysia, vấn đề Biển Đông đối với Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn, có thể nói là rất trọng đại đối với tương lai, đối với chủ quyền của Việt Nam. Cho nên bên cạnh lý do kinh tế, Việt Nam còn có lý do về chính trị và địa chiến lược để cân nhắc và thận trọng trước những khoản vay của Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường này.

RFI: Vừa rồi anh có nhắc tới chính phủ Malaysia, họ đã nối lại để tiếp tục tham gia dự án Vành đai và Con đường. Trên thực tế, họ đã đàm phán thành công giảm 1/3 chi phí. Ngoài ra, trên thế giới còn có trường hợp Trung Quốc mua cảng Hambantota của Sri Lanka, cảng Piraeus của Hy Lạp, những trường hợp này có giúp Việt Nam lấy làm kinh nghiệm thực tế không ?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ đó đều là những bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam nếu Việt Nam thực sự muốn tham gia vào Sáng kiến này, cũng như vay những khoản vay của Trung Quốc.

Thứ nhất, dự án đường sắt bờ biển phía đông của Malaysia chẳng hạn, chính quyền của ông Mahathir đã đàm phán lại và đã giảm được khoảng 1/3 tổng chi phí. Điều này cho thấy phía Trung Quốc đã kê giá lên rất cao. Đương nhiên, trong trường hợp của Malaysia, khoản vay bị đội lên cao như vậy còn do chính quyền của ông Najib, có thể có tình trạng tham nhũng, qua đó, các nhà thầu Trung Quốc hoặc chính phủ Trung Quốc có thể phải chi trả một số khoản không chính thức cho các quan chức Malaysia chẳng hạn. Đó là cáo buộc đối với chính phủ trước đây.

Và điều này cũng có thể xảy ra ở những quốc gia nơi có tình trạng tham nhũng phổ biến, như ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chỉ có sự minh bạch mới có thể giúp Việt Nam tham gia hiệu quả vào Sáng kiến này để giảm được tình trạng tham nhũng, cũng như là lãng phí trong các dự án để làm sao các khoản vay được đúng giá trị và không tạo ra những gánh nặng nợ nần cho thế hệ tương lai.

Trường hợp cảng Hambantota cũng là một ví dụ điển hình cho thấy rằng Trung Quốc có thể sử dụng các khoản vay này để biến nó thành một “bẫy nợ”, thông qua các khoản vay đó, kiểm soát hoặc gây bất lợi cho chính phủ đi vay để mà biến các dự án đấy thành tài sản của Trung Quốc, thì tạo ra một tiền lệ với hệ lụy rất nghiêm trọng đối với các nước đi vay. Chính vì vậy, Việt Nam cũng cân nhắc, cần thận trọng để không rơi vào tình cảnh như chính phủ Sri Lanka thông qua dự án Hambantota[22].

            Trong viễn tượng quốc gia, lựa chọn của Việt Nam là như thế; hay có thể tóm gọn trong mệnh đề sau đây của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Việt Nam vẫn rất thận trọng, tại vì có lẽ khác với Philippines và Malaysia, vấn đề Biển Đông đối với Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn, có thể nói là rất trọng đại đối với tương lai, đối với chủ quyền của Việt Nam”.

            Và khi nói tới Biển Đông, tới Lãnh hải, tới Đặc khu Kinh tế hay Thềm Lục địa…, chúng ta không thể không nhắc tới những vị trí chiến lược quan trọng trên dọc đường bờ biển trên 3200 cây số của Việt Nam[23], mà Thị Nại – Qui Nhơn là một trong những vị trí then chốt đó.

4. Qui Nhơn – Thị Nại trong chiến lược kiến quốc và vệ quốc:

            Bất cứ triều đại nào, chính thể nào của bất cứ quốc gia dân tộc nào đều có hai nhiệm vụ chính: kiến quốc và vệ quốc.

            Nói tới “kiến quốc” là nói tới việc “xây dựng đất nước”, đặc biệt với các mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, ngoại giao, hành chánh…; còn “vệ quốc” tức là nói việc “bảo vệ đất nước” bên trong cũng như bên ngoài khỏi chiến tranh, loạn lạc, sự đe dọa xâm lăng và xâm lược lãnh thổ của nước ngoài, bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ…

            Trải qua các thời đại, nhất là từ thế kỷ 19 trở lại đây, Qui Nhơn – Thị Nại luôn đóng một vai trò không nhỏ trong chiến lược “kiến quốc và vệ quốc” của dân tộc.

4.1. Qui Nhơn – Thị Nại: vị trí chiến lược về kinh tế, quân sự:

            Nếu dọc bờ biển tiếp giáp với Thái Bình Dương Việt Nam có một chiều dài đường biển lý tưởng cùng với nhiều vị trí chiến lược về kinh tế cũng như quân sự, thì dọc theo bờ biển Việt nam từ Bắc vô Nam, bờ biển thuộc tỉnh Bình Định hôm nay hay phủ Qui Nhơn ngày xưa (thế kỷ 19) cũng là “đường biển dài” và có nhiều địa điểm thuận lợi về mặt kinh tế, thương mại cũng như quân sự:

“Phủ Qui Nhơn có nhiều sông lớn như: sông Lại Dương (Lại Giang) phát nguyên từ miền núi huyện Bồng Sơn đổ ra biển bằng hai cửa Kim Bồng và An Dũ. Sông la Tinh ở huyện Phù Cát đổ ra cửa biển Đề Gi. Sông Tam Huyện (còn gọi là sông Kôn) ở địa phận ba huyện Tuy Viễn, Tuy Phước và Phù Cát. Sông có ba nguồn nước từ núi cao chảy về phía Đông thành 4 dòng chảy chính rồi đổ ra đầm Thị Nại và chảy ra biển. Sông Vân Sơn (còn gọi là sông Hà Thanh), là sông chảy qua địa bàn huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn hiện nay rồi đổ ra đầm Thị Nại. Những con sông ở phủ Qui Nhơn đã nối liền ba vùng lãnh thổ: núi, đồi, đồng bằng và duyên hải tiện lợi cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi.

Ngoài ra, phủ Qui Nhơn cũng có rất nhiều ưu thế về đường biển. Với hơn 130 km bờ biển, nơi đây ngày xưa có nhiều cửa biển và đầm phá thuận lợi cho việc tàu thuyền ghé bến neo đậu như Tân Quan, Thời Phú, Đề Gi, Kẻ Thử, Thị Nại, các đầm Nước Ngọt, Nước Mặn…

Dưới thời các chúa Nguyễn, phủ Qui Nhơn có số lượng thuyền vận tải nhiều nhất ở xứ Đàng Trong. Số thuyền thống kê ở các phủ năm 1768 (Mậu Tý) cho thấy như sau: Phủ Triệu Phong: 60 chiếc, phủ Quảng Bình: 10 chiếc, châu Bố Chính: 18 chiếc, phủ Thăng Hoa: 50 chiếc, phủ Điện Bàn: 3 chiếc, phủ Quảng Ngãi: 60 chiếc, phủ Qui Nhơn: 93 chiếc, Phú Yên: 44 chiếc, Bình Khang: 43 chiếc, phủ Diên Khánh: 32 chiếc, phủ Bình Thuận: 45 chếc, phủ Gia Định: 7 chiếc…

Dưới thời Tây Sơn, các cửa biển: An Dũ, Thị Nại là các công xưởng đóng thuyền quan trọng của nhà nước. Nỗi tiếng nhất là loại thuyền Đại Hiệu – thuyền lớn chở cả voi, hàng trăm binh lính và 50-60 khẩu đại bác hạng nặng. Trọng tải thuyền Tây Sơn vượt xa thuyền của các chúa Nguyễn cùng thời và được đóng, trang bị theo kỹ thuật của phương Tây. Chỉ riêng xưởng đóng thuyền Lễ Dương, sau khi quân Nguyễn đánh chiếm đã thu được 30 chiếc thuyền vừa đóng”[24]. (x. Bình Định vùng thương cảng cổ sầm uất)[25].

4.2. Qui Nhơn – Thị Nại trong giao lưu quốc tế (yếu tố Trung Quốc):

            Tài liệu “Địa Chí Bình Định” đã tóm lược về vai trò của Qui Nhơn – Thị Nại trong giao lưu quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc, vào thế kỷ 19 như sau:

“Dựa vào các tài liệu có liên quan về Bình Định trước đây đều cho thấy: từ thời Minh Mạng, Qui Nhơn là một thương cảng lớn có tầm cỡ quốc tế, nhất là về hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và nước ta. Sự quan tâm của Nhà Nước trong việc xây dựng các đồn bảo, kho thóc dự trữ lương thực, xây dựng đền Quan Thánh ở Qui Nhơn năm 1837, cùng các báo cáo của quan đầu tỉnh về tình hình thương thuyền của các nước đến buôn bán và tâu báo giá gạo hàng tháng ở các chợ Bình Định, Qui Nhơn về Triều đình đã cho thấy sự lưu tâm của Nhà nước với phố cảng Qui Nhơn, khẳng định vị trí quan trọng của thương cảng nầy trong hoạt động mậu dịch của nước ta vào thế kỷ XIX.

            Năm 1825, nhân vụ đắm thuyền, Hoa thương (huyện Quỳnh Sơn, phủ Quỳnh Châu) đã được trấn Bình Định Nguyễn Bá Uông thông qua Triều đình cho phép mua bán ở bến cảng Thị Nại. Năm sau (1826) có nhiều thuyền buôn khác của phủ Quỳnh Châu cũng đến Thị Nại xin buôn bán: “Thuyền hộ là Hòa Hiệp Lợi đậu tại cửa biển Thị Nại, xin đến thành buôn bán và chịu nộp thuế theo lệ định”. Các tàu đến Thị Nại nửa đầu thế kỷ XIX, nhiều nhất Triều Châu, Quỳnh Châu (Hải Nam), Quảng Đông, Phúc Kiến. Căn cứ vào danh mục thống kê của Châu bản Triều Nguyễn từ năm 1820-1857, số thuyền buôn Trung Quốc qua Việt Nam nhiều nhất là hai cảng Thị Nại và Gia Định…

Qui Nhơn vào thế kỷ XIX là một trong những trung tâm thương mại lớn của các tỉnh miền Trung, là đô thị cảng bao gồm thương cảng và quân cảng quan trọng của đất nước. Đây còn là nơi hoạt động mậu dịch đối ngoại sôi nổi, đặc biệt trong việc buôn bán với Trung Quốc thật năng động và ngày càng phát triển”[26].

4.3. Qui Nhơn – Thị Nại trong chiến lược phòng thủ triều Nguyễn:

            Phải chăng vì thấy được: Đồ Bàn – Thị nại là yếu tố quyết định cho sự bại vong của Vương quốc Champa (thế kỷ 15) trong “chiến dịch Bình Chiêm 1471” của vua Lê Thánh Tôn;  và Qui Nhơn – Thị Nại đóng vai trò quyết định trong sự thất bại và tan rã của Triều đại Tây Sơn (đầu thế kỷ 19) trong cuộc “Hải Chiến Thị Nại 1801”, nên các vua Triều Nguyễn (hậu Tây Sơn) đã có những quyết sách phòng thủ dành cho vị trí chiến lược quan trọng nầy:

“Sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết: Tấn Thị Nại ở phía đông huyện Tuy Phước, rộng 197 trượng. Thủ sở ở địa phận thôn Bình Chính, có bảo đất, chu vi 48 trượng 4 thước, cao 6 thước, mở một cửa; có pháo đài Hổ Ky chu vi 27 trượng, mở một cửa, có một kỳ đài và 12 pháo môn, dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1836). Lại phía sau pháo đài Hổ Ky đắp lũy trên gò Vũng Tàu dài 3 trượng, 5 pháo môn; phía trong bảo có nhà kho bằng ngói, dựng năm 1836, chứa ba vạn hộc lúa để phòng chở đi nơi khác.

            Trước sự chuyển biến phức tạp của khu vực, năm 1840, vua Minh Mạng lại cho đắp pháo đài ở cửa biển Thị Nại, nhà vua ban dụ: “Cửa biển Thị Nại nước sâu, núi cao, thuyền bè đi lại nhiều khi đậu ở đấy, cũng là nơi xung yếu, nên công việc phòng bị tất phải chỉnh đốn. Vậy cho xây một pháo đài có thể đặt được 10 cổ đại bác. Lại cho di chuyển tấn thủ ra chỗ gần đấy, để cùng pháo đài ấy ứng tiếp cùng nhau. Tại tỉnh, liệu điều một viên suất đội và 30 biền binh để đủ người coi giữ’.

            Ở phía nam đối ngạn cửa Thị Nại (nay là phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn), triều đình lại cho lập đồn Thị Nại, do binh lính địa phương phòng giữ.

            Dưới thời Nguyễn, triều đình xây dựng Thị Nại thành một hải tấn quan trọng của đất nước; có căn cứ quân sự được xây dựng bằng hệ thống thành lũy, đồn bảo, pháo đài, pháo môn; có hai gò Vũng Tàu và sở hải phòng để bảo vệ mặt biển…”[27].

4.4. Quy Nhơn[28] – Thị Nại trong chiến lược vệ quốc hôm nay:

            Đứng trước hiện tình địa chính trị thế giới đầy phức tạp mà “hồ sơ chiến sự Ukraina” đang hé mở, cùng với những thách thức về chủ quyền biển đảo tại “hồ sơ biển Đông” đang ngày càng căng thẳng giữa các siêu cường, chiến lược vệ quốc của Việt Nam luôn là một ưu tiên hàng đầu và bao gồm nhiều mặt: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”[29].

            Nếu trải qua chặng đường dài của lịch sử, nhất là từ “chiến dịch bình Chiêm” năm 1471 của vua Lê Thánh Tôn, chúng ta đã phần nào thấy được tầm mức vị trí chiến lược của Qui Nhơn – Thị Nại trong công cuộc kiến quốc và vệ quốc, thì hôm nay, trước tình hình phức tạp của “an ninh biển Đông”, không thể xem nhẹ vai trò “địa chính trị quân sự hay quốc phòng” của Quy Nhơn – Thị Nại”.

            Dĩ nhiên, đất nước chúng ta đã khép lại cuộc chiến Nam Bắc kể từ 1975, và mọi nỗ lực gần như tập trung cho việc “kiến quốc”, xây dựng kinh tế, giáo dục, văn hóa, ngoại giao, thương mại, du lịch… mà thành quả ai cũng nhận ra.

            Riêng Quy Nhơn – Thị Nại cũng đã thay da đổi thịt từng ngày để trở thành một điểm đến “xanh sạch đẹp” hấp dẫn du khách thập phương: một cảng biển Quy Nhơn sầm uất ngày càng được nâng cấp để tăng công suất và lợi nhuận[30]; một bán đảo Phương Mai với một chuỗi những địa điểm du lịch nổi tiếng như khu FLC, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Hải Minh, Cát Tiến… Trong khi đó, dọc theo con đường biển nối thành phố Quy Nhơn với Sông Cầu cũng nổi lên những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Riêng, đảo Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu), một “vị trí tiền tiêu” như “phên dại” của Quy Nhơn về mặt biển, án ngữ hai hướng Đông – Nam cũng đã trở thành một đặc khu du lịch thu hút nhiều bước chân khám phá…

            Tuy nhiên, như đã nói ở trên, “kiến quốc” luôn phải đi đôi với “vệ quốc”; có nghĩa là chiến lược phát triển kinh tế luôn phải đi đôi với chiến lược an ninh quốc phòng. Chúng ta không thể đầu tư mọi vị trí địa lý của Thị Nại – Quy Nhơn cho kinh tế, du lịch…, hoặc để mặc các điểm xung yếu tự nhiên mang tầm mức chiến lược về quân sự cho các nhóm lợi ích khuynh đảo, khuất tất[31]…, mà còn phải tính đến những đầu tư cho chiến lược quốc phòng; nhất là những “yếu điểm” mà cha ông chúng ta đã từng sử dụng để làm nên thế trận quốc phòng hiệu quả.

            Đừng quên, cuối thế kỷ 18, nhà Tây Sơn đã dựng nước với địa bàn chiến lược quan trọng: từ cảng Thị Nại, chiếc phên dại thiên nhiên án ngữ các hướng Bắc, Đông, Nam, ngang qua đồng bằng Qui Nhơn trù phú và tiếp nối với vùng Tây Sơn hiểm yếu. Vâng, đây chính là vùng địa chính trị tuyệt vời, “non bao thủy bọc”, con đường huyết mạch nối biển Đông với Tây Nguyên…, để từ đó những “anh hùng áo vải Tây Sơn” xây dựng cơ đồ, đánh tiêu vong cả hai vương triều Trịnh – Nguyễn, chinh Nam, phạt Bắc; khiến quân Xiêm kinh hồn, quân Thanh táng đởm…, lập nên một triều đại phong kiến lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử “dựng nước và giữ nước” của dân tộc Việt Nam.

Kết: Dư âm từ “cuộc tập trận tháng 4” và quốc sách “Yên Dân”:

            Trong đầu tháng 4.2022 vừa qua, thời sự Việt Nam đã có một sự kiện gây chú ý trên các kênh truyền thong quốc tế. Và đây là bản tin của đài RFA:

Hôm 8 tháng 4, tin về một cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Việt Nam được truyền thông Nhà nước loan đi. Thông tin này được công khai gián tiếp thông qua thông báo của Cảng hàng không Phú Cát ở Quy Nhơn và hãng hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines – về việc điều chỉnh các chuyến bay đến và đi tại sân bay này, do bị ảnh hưởng của cuộc tập trận. Còn báo Quân đội Nhân dân hay trang web của Bộ Quốc phòng đều không đăng tải bất cứ thông tin nào về cuộc tập trận này.

Cuộc tập trận bắn đạn thật được thông báo là sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 21 tháng 4, tức chỉ bốn ngày kể từ khi thông tin được tiết lộ, do đó làm gia tăng tính bất ngờ của hoạt động này. Phải đến ngày 14 tháng 4 thì thông tin chi tiết về cuộc tập trận mới xuất hiện trên các mặt báo.

Theo mạng báo Zing thì trong hai ngày 12 và 13, không quân Việt Nam đã tập trận ném bom các mục tiêu mặt đất tại Trường bắn TB-2 ở tỉnh Bình Định, với sự tham gia của các máy bay chiến đấu hiện đại trong biên chế của quân đội như Su-27. Đây được cho là một khoa mục trong chuỗi các hoạt động bắn đạn thật kéo dài đến ngày 21 tháng này.

Câu hỏi đặt ra là tại sao quân đội Việt Nam lại tổ chức một cuộc bắn đạn thật bất ngờ ở thời điểm này, và tại sao lại ở khu vực tỉnh Bình Định?

Trao đổi với đài Á châu Tự do qua email, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng – giảng viên môn quan hệ quốc tế tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành Phố Hồ Chí Minh, lý giải những câu hỏi trên như sau: “Cuộc tập trận hiện đang diễn ra có thể được hiểu như là một tín hiệu ngầm cho thấy quyết tâm của chính quyền Hà Nội trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình.”

Ông Sáng cũng chỉ ra rằng động thái này diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật bất ngờ ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên khu vực biển Vịnh Bắc Bộ. Phía Việt Nam trước đó cũng lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao của mình.

Còn về vị trí của cuộc tập trận, ông Huỳnh Tâm Sáng lý giải rằng Bình Định là một vị trí chiến lược: “Vị trí của cuộc tập trận gợi ý rằng Việt Nam nhìn nhận vấn đề nâng cao năng lực quốc phòng là vô cùng quan trọng đối với an ninh của minh. Bình Định là một tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng bởi vì đây là cửa ngõ thông ra biển của khu vực Tây Nguyên, miền nam Lào, và phía bắc Campuchia.”

Ngoài ra vị chuyên gia về quan hệ quốc tế này cũng cho rằng môi trường an ninh quốc tế, cụ thể là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine cũng là tác nhân khiến cho Việt Nam phải có hành động để thể hiện năng lực tự vệ của mình, ông cho hay: “Cuộc chiến của Nga ở Ukraine tạo ra thông điệp tối quan trọng đối với Việt Nam, rằng để đảm bảo an ninh quốc gia thì việc chuẩn bị cho các tình huống trong tương lai cần phải được ưu tiên hàng đầu. Với việc tập trận bắn đạn thật lần này, Việt Nam muốn thể hiện rằng mình đã chuẩn bị cho bất cứ tình huống bất ngờ nào ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, đặc biệt là các tình huống trên Biển Đông.”

Trước đó hồi tháng 3, quân đội Mỹ cho biết phía Trung Quốc đã hoàn tất quân sự hoá ít nhất ba đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền với các nước láng giềng bao gồm cả Việt Nam. Các đảo này được trang bị những hệ thống vũ khí tối tân như hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, thiết bị laser và gây nhiễu, cùng máy bay chiến đấu[32].

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng: người Việt Nam hôm nay hay thế hệ con cháu của những vị anh hùng như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… vẫn luôn trân trọng và vận dụng đúng đắn, khôn ngoan vị trí địa chính trị tuyệt vời của giang sơn gấm vóc mà cha ông ta đã đổ bao nhiêu máu xương và nước mắt để giữ gìn và lưu lại; trong đó có Qui Nhơn – Thị Nại, một vị trí chiến lược quan trọng để chúng ta cùng tiếp nối công cuộc “kiến quốc và vệ quốc” trong thời đại hôm nay.

Tuy nhiên, cũng đừng quên trong Chiến Quốc Sách có lưu lại ý kiến của nhà chính trị Ngô Khởi xưa rằng “Núi sông hiểm trở, không đủ để giữ gìn quốc gia, sự nghiệp bá vương không nhờ vào đó mà thành. Xưa, đất đai của Tam Miêu phía trái có hồ Bành Lãi, phía mặt có hồ Động Đình; núi Vân Sơn ở phía nam, núi Hành Sơn ở phía bắc; ỷ vào địa thế hiểm trở đó mà chính trị không tốt, nên bị vua Vũ đuổi đi. Nước của vua Kiệt nhà Hạ phía trái là mặt bắc của núi Thiên Môn, phía phải là mặt nam của miền Thiên Khê, núi Lư, núi Thạch ở phía bắc, sông Y, sông Lạc chảy ở phía nam, địa thế hiểm trở như vậy đó, nhưng chính trị không tốt nên vua Thang diệt được. Nước của vua Trụ nhà Ân phía trái có núi Mạnh Môn, phía mặt có sông Chương, sông Phủ, mặt nhìn ra sông, lưng dựa vào núi, địa thế hiểm trở như vậy đó mà chính trị không tốt, cho nên Vũ Vương diệt được. Vả lại vua thân chinh cùng với bề tôi chiếm được một thành đầu hàng nào đó thì có thành nào là không cao, dân chúng nào là không đông; sở dĩ thôn tính được cũng là do chính trị của địch xấu. Lấy đó mà xét thì địa thế hiểm trở đau có đủ để làm bá vương…”[33].

Nói cách khác, mọi chiến lược kiến quốc và vệ quốc, nếu muốn thành công, thì điều tiên quyết phải lựa chọn đó chính là “Yên Dân”, một định hướng mà cách đây 11 thế kỷ cha ông ta đã chọn lựa như một ưu tiên quốc sách[34].

Trương Đình Hiền (Viết xong ngày 27.4.2022)

  • Xem PHẦN MỘT: TAN YẾU HUYỆT MẤT CƠ ĐỒ (Đồ Bàn – Thị Nại trong chiến dịch Bình Chiêm 1471);
  • Xem PHẦN HAI: TAN THỊ NẠI MẤT GIANG SƠN (Triều đại Tây Sơn và trận hải chiến Thị Nại 1801);

[1] TỔNG THỐNG PUTIN TUYÊN BỐ THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT Ở UKRAINE, website https://tienphong.vn/tong-thong-putin-tuyen-bo-thuc-hien-chien-dich-quan-su-dac-biet-o-ukraine-post1418597.tpo, bản tin đăng ngày 24.2.2022.

[2] BRET STEPHENS, This is how world war III begins, Website https://www.nytimes.com/2022/03/15/opinion/russia-ukraine-world-war-iii.html

[3] THE ECONOMIST, The war in Ukraine is going to change geopolitics profoundly (Cuộc chiến ở Ukraine sẽ thay đổi sâu sắc tình hình địa chính trị), biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng, Website

https://nghiencuuquocte.org/2022/03/08/cuoc-chien-o-ukraine-se-thay-doi-sau-sac-tinh-hinh-dia-chinh-tri/, đăng ngày 05.03.2022.

[4] Sđd.

[5] Sđd.

[6] THU HẰNG, Việt Namm trong Tam giác chiến Lược Mỹ – Trung – Đông Nam Á”, Website https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20220404-viet-nam-trong-tam-giac-chien-luoc-my-trung-dong-nam-a, đăng ngày 4.4.2022.

[7] PHƯƠNG CHI, Bất ổn Ukraine và bài học với các nước vừa và nhỏ, Bài phỏng vấn cũ (Thứ Năm, 03/04/2014, ) được Báo Bình Định đăng lại ngày 15/04/2022, Website

http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=20100

[8] TS BẮC HÀ, Vị trí địa chính trị của Việt Nam với đường lối quốc phòng, Website https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/vi-tri-dia-chinh-tri-cua-viet-nam-voi-duong-loi-quoc-phong-258331, đăng ngày 21.4.2022

[9] NGUYỄN BÁ DƯƠNG (CHỦ BIÊN), Quan hệ giữa các nước lớn và đối sách của Việt Nam, nxb Quân Đội Nhân Dân 2021, tr. 146.

[10] Sđd.

[11] Sđd, tr. 137-139: “Liên Hợp quốc đưa ra các vấn đề an ninh phi truyền thống gồm 7 lĩnh vực chính: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Có nghiên cứu lại quy vấn đề an ninh phi truyền thống vào 5 lĩnh vực cơ bản: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa. Một số quan điểm khác phân chia các vấn đề an ninh phi truyền thống thành 6 nhóm: ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, tội phạm xuyên quốc gia, nạn khủng bố, dịch bệnh truyền nhiễm và thảm họa địa chất… Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2004 xác định: “Những vấn đề chưa được giải quyết, liên quan đến tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên bộ, trên biển cùng những vấn đề an ninh phi truyền thống khác như buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái phép, suy thoái môi trường, sinh thái… cũng là những mối quan tâm an ninh của Việt Nam”….

[12] Sđd, tr. 163-287.

[13] M.L. TITARENKO, V.E. PETROVSKY, Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới mới: Lý luận và thực tiển, người dịch: Lê Thanh Vạn, Nguyễn Trung, nxb Chính trị Quốc gia Sự thật 2017, tr. 163-207.

[14] ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, Bản in Nội Các Quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, nxb Văn Học 2017, Quyển IV, tr. 114.

[15] VŨ HÙNG LÂM, Lịch sử quan hệ Việt – Trung nhìn từ góc độ đại chiến lược, Tạp chí “Thời Đại Mới”, số 2, tháng 7/2004.

[16] NGUYỄN THỊ MAI HOA, Sự trở lại Đông Nam Á của Liên Bang Nga và tác động đối với Việt Nam, Tạp chí Văn Hóa Nghệ An, Chúa Nhật 09/02/2014.

[17] TS LÊ HỒNG HIỆP (CHỦ BIÊN), Vietnam’s Foreign Policy Under Đổi Mới (Chính Sách Đối Ngoại của Việt Nam Thời Đổi Mới), bài phỏng vấn của đài BBC News tiếng Việt, website https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43609758, đăng ngày 4.4.2018.

[18] THOMAS J. CHRISTENSEN, Mối thách thức Trung Quốc, Định hình những lựa chọn của một siêu cường mới nổi, Nguyễn Hải An, Vũ Tú Linh, Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Kim Phụng dịch, nxb Hồng Đức 2019, tr. 341-362.

[19] GIUSE TRƯƠNG ĐINH HIỀN, Mẹ tôi là thế đấy, Bài 13: Vatican trong chiến lược “Một Vành Đai Một Con đường” của Trung Quốc, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2019, tr. 205-208.

[20] HOÀNG GIA PHÚC, Mọi điều bạn cần biết về ‘Một vành đai – Một con đường’. Nguồn, website

https://www.luatkhoa.org/2018/09/moi-dieu-ban-can-biet-ve-mot-vanh-dai-mot-con-duong/, đăng ngày 6.9.2018.

[21] LÊ ĐỨC CƯỜNG – BÙI VĂN MẠNH, Đôi nét về sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. websitehttp://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/doi-net-ve-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc/10813.html

[22] THU HẰNG, Việt Nam dè chừng Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) của Trung Quốc,  Website https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200622-vi%E1%BB%87t-nam-d%C3%A8-ch%E1%BB%ABng-s%C3%A1ng-ki%E1%BA%BFn-v%C3%A0nh-%C4%91ai-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c, đăng ngày 22/06/2020.

[23] NGUYỄN NAM, Đường bờ biển nước ta dài bao nhiêu km?, website https://luathoangphi.vn/duong-bo-bien-nuoc-ta-dai-bao-nhieu-km/, đăng ngày 3.3.2022: “… Theo số liệu chính thức được công bố tại các website của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, bờ biển Việt Nam dài 3.260 km. Theo tổ chức The World Factbook (một cơ quan xuất bản của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ) thì bờ biển Việt Nam dài 3.444 km. Chiều dài này không bao gồm bờ các đảo. Như vậy với bờ biển Việt Nam dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam (chưa kể bờ biển của các hải đảo, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Cùng với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo…”.

[24] ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH, Địa Chí Bình Định, Tập Kinh Tế, Quy Nhơn 2007, Chương II, Bình Định thời phong kiến (Cuối thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX), tr. 52-53.

[25] NGUYỄN THANH QUANG, Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định, Đất và Người, sđd, Phần IV, bài 028, tr. 428.

[26] Sđd, tr. 57-61.

[27] ĐỖ BANG, Hệ thống phòng thủ miền Trung dưới thời Nguyễn, nxb Khoa Học Xã Hôi 2020, tr. 113-114.

[28] Quy Nhơn “Y dài” dành để chỉ “Thành phố Quy Nhơn”, một trong những “đơn vị hành chánh” thuộc tỉnh Bình Định, mới chính thức được thành lập năm 1986.

[29] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 156.

[30] ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH, Địa Chí Bình Định, Tập Kinh Tế, sđd, tr. 251-252.

[31] THÂN HOÀNG – DUY THANH, Khuất tất trong cổ phần hóa cảng Quy Nhơn: Bộ sai, tỉnh cũng sai!, website https://tuoitre.vn/khuat-tat-trong-co-phan-hoa-cang-quy-nhon-bo-sai-tinh-cung-sai-20180918094311569.htm, đăng ngày 18.9.2018.

[32] Website https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-s-live-fire-drill-is-a-response-to-china-lecturer-says-04142022082509.html, đăng ngày 14.4.2022

[33] NGUYỄN HIẾN LÊ (CHUNG VỚI GIẢN CHI), Chiến Quốc Sách, nxb Hồng Đức 2018, Chương VI Ngụy Sách, 6. Địa thế không bằng chính trị, tr. 356-357.

[34] Vào cuối thế kỷ 11, dưới triều Vua Lý Thần Tông (1128–1138) năm Thiên Thuận thứ 3 (1130) có nhà sư Viên Thông (1080–1151) cũng là một quốc sư học vấn uyên bác, thông thạo về sách lược trị quốc, được vua mời vào điện Sùng Khai để hỏi kế hưng vong trị loạn. Quốc sư đáp: “Thiên hạ cũng như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì nó tất yên, đặt vào chỗ nguy thì nó tất nguy. Xin hoàng thượng hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu hoàng thượng như cha mẹ, ngưỡng mộ hoàng thượng như mặt trăng, mặt trời. Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ được yên vậy”.