SẮC LỆNH THÀNH LẬP HỒ SƠ PHONG CHÂN PHƯỚC hay là CÔNG BỐ CÁC TÔI TỚ CHÚA LÀ NHỮNG VỊ TỬ ĐẠO (Ngày 13.11.1918)

Views: 30

Siméon Berneux, Giám Mục (hiệu tòa) Capse và Đại diện Tông Tòa tại Triều Tiên, Phaolô Châu và các bạn đã hy sinh do kẻ ngoại thù ghét đạo.

Hội Thừa sai Hải Ngoại mà trụ sở ở tại Paris, vào ngày 27 tháng 5 năm toàn xá 1900, đã hoan hỉ và hân hạnh dâng lễ mừng việc phong Chân Phước cho 49 vị trong số các vị tử đạo của Hội; đó là các tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa mà Đức Thánh Cha Léon XIII, với tất cả niềm tôn kính và các nghi thức phụng vụ thánh cử hành tại vương cung thánh đường Vatican, đã ghi tên vào sổ bộ các chân phước. 
 
Mấy năm sau, vào năm 1909, Đức Thánh Cha Piô X lại thêm một triều thiên mới cho 33 vị chân phước tử đạo nữa.
 
Nay, cũng Hội Thừa Sai ấy còn có thể tự hào và được vẻ vang với những chiến thắng mới và tương tự như vậy, nhờ 49 vị khác trong các đấng anh hùng của Hội mà Hồ Sơ Phong Chân Phước và Công Bố là các đấng tử đạo đã được cứu xét vào thời gian nầy, mặc dù các sinh hoạt chung đang bị xáo trộn (thế chiến thứ nhất kết thúc ngày 11.11.1918. Sắc lệnh nầy được ký sau 3 ngày).
 
Giữa các vị tôi tớ Chúa nói trên đã chịu chết vì đức tin, có 29 vị bị bách hại trong những năm 1866-1867 tại xứ Triều Tiên; và 20 vị khác, trong những năm 1861-1862 tại xứ Việt Nam. 

Nhóm đầu tiên gồm:
 
Ÿ Chín vị quan trọng mà tất cả đều thuộc quốc tịch Pháp và là thành viên Hội Thừa Sai Hải Ngoại: hai Giám Mục đại diện Tông Tòa tại Triều Tiên cùng bảy linh mục thừa sai.
Ÿ Và các vị khác là những tín hữu thường người xứ Triều Tiên.
 
Trong nhóm thứ hai, tính được bốn linh mục, hai thầy chức giúp lễ, hai nữ tu, mười một người nam và một người nữ. 

Sau đây là vài chi tiết về những nhân vật chính trong các vị: 
 
Đức cha  Siméon Berneux

Ngài sinh tại Château-du-Loir, địa phận Mans, ngài đã hoàn tất việc học tại chủng viện của giáo phận mình và được tiến chức linh mục. Ít lâu sau, ngài vào chủng viện của Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Khoảng năm 1840, ngài được sai sang miền Bắc xứ Việt Nam. Vừa mới đặt chân đến đó, ngài đã bị tố cáo là truyền bá đạo Kitô nên ngài bị bắt và bị tra tấn mà nhiều dấu tích còn lưu lại trên da thịt ngài. Ngài bị kết án tử hình, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, ngài được một con tàu của Pháp cứu thoát và ngài trẩy sang Mãn Châu.
 
Tại đó, trong vòng 12 năm, ngài thi hành chức vụ thánh của ngài với lòng nhiệt thành, nên đem được rất nhiều kẻ ngoại giáo trở lại đạo và giúp cho các kẻ có đạo biết vâng phục các vị chủ chăn hợp pháp. Vị đại diện Tông Tòa tại miền đó, Đức cha Verrolles, đã chọn cha Berneux làm giám mục phụ tá của mình và đã cử hành lễ tấn phong giám mục cho ngài.  
 
Nhưng trước những lời xin khẩn thiết của vị Đại diện Tông tòa xứ Triều Tiên, và do lệnh của Tòa Thánh, người tôi tớ Thiên Chúa sau khi lãnh tước Giám Mục hiệu tòa Capse đã được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá cho vị Đại diện Tông tòa xứ Triều Tiên, với quyền kế vị trong tương lai. Đầy lòng nhân từ và phúc hậu, ngài chu toàn trách nhiệm người giảng dạy giáo lý và người giải tội, cũng như với tư cách Giám mục và Đại diện Tông tòa, ngài đi thăm viếng các xứ đạo khác nhau. Ngài không hề xao nhãng một việc chăm lo nào và không hề xa tránh một công việc nào để nên hữu ích cho tất cả mọi người, giáo sĩ và giáo dân, là những kẻ đã được trao phó cho ngài, và qua đó, nên một chủ chăn nhân lành.
 
Đầu năm 1866, ngày 23 tháng 2, khi ngài đi thăm các tín hữu trở về thì bị các quân nô dịch bắt ngay tại nhà ngài và bị dẫn đến pháp đình. Ngài bị gông xiềng trong tù 3 ngày trời. Rồi người ta dẫn ngài ra trước hai viên thẩm phán, một vị bên phải và một vị bên trái, và trước một vị quan của triều đình. Ngài đã can đảm trả lời các câu hỏi rằng ngài đến Triều Tiên để cứu rỗi các linh hồn và rao giảng đạo Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, ngài và các bạn phải chịu án tử hình với bản tuyên án mà quan công bố bằng những lời lẽ như sau:
 
“Tất cả các ngươi, hãy lắng nghe cho kỹ! Cái đạo mà các ngươi đang truyền bá tại Triều Tiên nầy bị cấm nghiêm ngặt; nhưng các ngươi, các ngươi không biết tới điều ấy. Các ngươi đến trong một nước ngoại bang để truyền bá tà giáo của các ngươi; bởi lẽ đó, Đức vua xứ Triều Tiên ra lệnh tử hình các ngươi. Vậy hãy biết điều đó và hãy đi mà chịu chết đi!”
 
Lúc đó, quân nô dịch hò hét lao đến vị Giám mục và các bạn. Với những thanh gươm múa may quay cuồng, chúng chém đầu các tôi tớ của Chúa. Thi hài của vị Giám mục và các bạn bị bêu nơi công cộng 3 ngày trời; rồi, những kẻ ngoại đạo tới thu xác và chôn gần ngay chính nơi pháp trường. Về sau, các tín hữu được phép bề trên trong Giáo Hội đã kính cẩn đem các ngài về phần đất được chúc lành.
 
Đức cha Antoine Daveluy

Một tôi tớ khác của Thiên Chúa là Antoine Daveluy, sinh tại Amiens nước Pháp. Ngài học thần học tại chủng viện Xuân Bích, Ba-lê; thụ phong linh mục, ngài trở về địa phận mình và làm cha phó một họ đạo. Giáo dân quí mến ngài, mà ngài lại rất bác ái đối với họ. Năm 1846 ngài sang Triều Tiên.
 
Tại đó, suốt 20 năm, ban đầu là thừa sai và sau là Giám mục Hiệu tòa Acônes phụ tá vị Đại diện Tông tòa, ngài đã thể hiện ra một lòng đạo đức hiếm có và một lòng nhiệt thành sôi bỏng trong sứ mệnh tông đồ của ngài, và không ngừng làm việc để cải thiện dân chúng cùng dẫn đưa họ tới đạo Thiên Chúa. Năm 1866, cuộc bách hại đạo cùng các chủ chăn và tín hữu bùng lên tại Hán Thành và lan rộng ra toàn vương quốc một cách điên cuồng. Vào tháng ba năm đó, Giám mục Daveluy và các bạn rơi vào tay quân nô dịch tại làng Keutori.
 
Các ngài bị giam giữ trong ngục 3 ngày rồi bị giải lên tòa án tại kinh đô. Khi bị hỏi cung về đạo Thiên Chúa, vị Giám mục đã trả lời với một giọng khí phách cùng một con tim hiên ngang mà bảo vệ Phúc Âm, bảo vệ niềm tin và các lời dạy Phúc Âm. Vì thế, sau khi chịu cực hình tàn bạo, ngài đã bị kết án tử hình và chịu xử chém đầu. Đầu của ngài rơi xuống sau nhát gươm thứ ba: ngài đã tuyên xưng đức tin Công giáo như thế! Hôm đó là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh! Các bạn của ngài, cũng cùng ngày hôm đó, với cùng một niềm tin và chịu cùng một khổ hình, đã hy sinh cho danh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá. Xác của vị Giám mục và các bạn ngài, sau khi bị bêu nơi công cộng suốt 3 ngày, đã được các tín hữu xin phép lãnh nhận cùng đem an táng cách cung kính và theo phép đạo.
 
Phaolô Châu

Vị anh hùng tử đạo thứ ba có tên được vinh dự ghi trên tựa đề Hồ Sơ là Phaolô Châu, sinh ra từ cha mẹ có đạo ở làng Gò Thị trong xứ Đông Đàng Trong (Trung Kỳ Việt nam). Sau việc học hành mà ngài khởi sự tại bản quốc và hoàn tất ở nơi khác (chủng viện Pinang), Ngài được Đức cha Cuénot giao phó trách nhiệm đào tạo các tân tòng và dạy dỗ các chủng sinh. Cũng vị Giám mục trên đã tiến chức linh mục cho ngài và đặt ngài đứng đầu chủng viện tại Làng Sông, chủng viện mà ngài điều hành suốt gần 4 năm trời. Bị bắt, ngài phải tống giam vào ngục tại thành Bình Định và phải chịu mang gông cùm. Vì trong nhà tù nầy người ta có được một nơi để Mình Thánh Chúa, Ngài hằng say mê và sốt sắng cầu nguyện. Quan tuyên án tử hình ngài, chủ yếu là vì ngài mang chức linh mục. Ngài bị chém đầu. Các bạn Ngài, vì tuyên xưng cùng một niềm tin và cùng giữ một lòng can trường như Ngài, đã phải chịu cũng một án tử như ngài.
 
Xác của Phaolô Châu và các bạn được tín hữu chôn cất gần ngay nơi các Ngài từ trần; sau, được dời đi nơi khác tới hai lần và rủi thay, đã bị hỏa hoạn thiêu hủy giữa cơn chiến tranh điên rồ (năm 1885), trừ hài cốt của Phaolô Châu được đưa sang đảo Pinang, tại ngôi trường nơi mà người tôi tớ Chúa nổi tiếng là nhân đức và thánh thiện.
 
Về tiếng tăm tử đạo của 49 tôi tớ Chúa tại Triều Tiên và Việt Nam được xem là chịu hy sinh vì đức tin, các cuộc điều tra thu thập tin tức được các Đấng Đại Diện Tông tòa của hai xứ trên thực hiện, theo thẩm quyền thường lệ của các đấng, đã được chuyển tới Thánh Bộ các Nghi Lễ.

Hiện giờ, mọi sự đã được thực hiện phù hợp theo giáo luật và đã sẵn sàng, không có gì trở ngại nữa để chúng ta có thể tiến tới.

Thể theo thỉnh cầu của linh mục Eugène Garnier thuộc Hội Thừa Sai Paris, là tổng thỉnh nguyện viên, tham chiếu các thỉnh nguyện thư:

– của một số vị Hồng Y thuộc Giáo Hội Rôma,
– của nhiều vị Tổng Giám mục, Giám mục, Đại diện Tông    tòa tại các xứ truyền giáo,
– của các Bề trên Tổng quyền các Dòng và các Tu  hội.  
– hay của các giáo sĩ và các bậc dân sự vị vọng.
 
Đức Hồng Y Janvier Granitô Pignatelli di Belmonte, là Giám mục Hiệu tòa Albanô và là phúc trình viên Hồ Sơ nầy, trong một buổi họp thường lệ của Thánh Bộ các Nghi Lễ tại đền Vatican theo ngày ghi dưới đây, đã đem câu hỏi sau ra bàn thảo: Có cần phải đề cử một ủy ban Thành Lập Hồ Sơ (xin phong chân phước), trong trường hợp nầy và để nhằm tới kết quả nầy không?
 
Các đấng có trách nhiệm bảo vệ các Nghi Lễ đã đệ trình như sau: 

–  sau khi đã nghe bản phúc trình của đức Hồng Y phúc trình viên,
– sau khi đã nghe chính lời của Đức ông Angelo Mariani là vị chưởng lý, và đã đọc các bài viết của ngài,
– mọi sự đều được chu đáo xét duyệt, bàn luận và cân nhắc, đã đưa ra ý kiến rằng:

Phải đề cử, nếu đẹp ý Đức Thánh Cha, Ủy ban lo Hồ Sơ 46 tôi tớ Chúa trong đó có 26 vị bị án trảm quyết tại Triều Tiên vào những năm 1866 và 1867, là:

– Siméon Berneux, Giám mục Capse và Antoine Daveluy, Giám mục Acônes: cả hai là Giám mục Đại diện Tông tòa tại Triều Tiên.
– Just Ranfer de Bretenières, thuộc giáo phận Dijon, là linh mục và thừa sai tông đồ tại Triều Tiên.
– Louis Beaulieu, thuộc giáo phận Bordeaux, là linh mục và thừa sai tông đồ tại Triều Tiên.
– Pierre-Henri Dorie, thuộc giáo phận Lucon, là linh mục và thừa sai tông đồ tại Triều Tiên.
– Charles Pourthié, thuộc giáo phận Albi, là linh mục và thừa sai tông đồ tại Triều Tiên.
– Michel Petitnicolas, thuộc giáo phận Saint-Dié, là linh mục và thừa sai tông đồ tại Triều Tiên.
– Pierre Aumaitre, thuộc giáo phận Angoulême, là linh mục và thừa sai tông đồ tại Triều Tiên.
– Martin Huin, thuộc giáo phận Langres, là linh mục và thừa sai tông đồ tại Triều Tiên.
 

Tất cả các vị trên là thành viên của Hội Thừa sai Ngoại Quốc. Và những vị có tên sau đây là người Triều Tiên:

Phêrô Ryou Tjyeng Ryoul
GioanBaotixita Nam (Tjyong-Sam)
Phêrô Tchoi Tchi-Tchyang
GioanBaotixita Tjyen Seung-Yen
Marcô Tyeng, thầy giảng
Alexiô Ousyet-Hpil
Luca Hoàng Tjai-Ken
Giuse Tjyang Nak-Syo, thầy giảng
Tôma Son Tja-Syen
Phêrô Tjyohoa-Sye
Phêrô Ni Myeng-Sie
Batôlômêô Tjyeng Moun-Ho
Phêrô Son Syen-Tji, thầy giảng
Giuse Han
Phêrô Tjteng Ouen-Tji
Giuse Tjyo
Gioan Ni
 
20 vị khác, thuộc xứ Đông Đàng Trong (Trung Kỳ Việt Nam), đã chịu một cái chết tàn bạo và đẫm máu trong những năm 1860, 1861 và 1862, là những vị:

Phaolô Châu, linh mục
Đôminicô Cảnh, linh mục
Giuse-Têphanô Chung, linh mục
Giuse Thủ, linh mục
Giacôbê Tuyền
Phêrô Qườn, thầy bốn
Giuse Trinh, thầy giảng
Gioakim Bảo
Giuse Hữu
Hứa
Nam
Tận
Giáo
Gioakim Quả
Giuse Nghiêm
Tađêô Quí
Phêrô Me
Anê Soạn, nữ tu
Anna  Trị, nữ tu
Mađalêna Lưu
 
Còn về phần ba tôi tớ Chúa, người Triều Tiên dưới đây là:

Phêrô Ni Syeng-Tcheyen
Philipphê Ni Syeng-Ouk
Augutinh Song Syeng-Po

Cần phải hoãn lại và bổ xung thêm chứng cớ.
 
Ngày 12 tháng 11 năm 1918
 
Bản báo cáo đầy đủ mọi sự đã được Đức Hồng Y Tổng trưởng Thánh Bộ các Nghi Lễ đệ trình Đức Thánh Cha Bênêđictô XV.

Đức Thánh Cha khi phê chuẩn sắc thư của Thánh bộ nói trên, đã tự tay ký nhận Ủy ban Thành Lập Hồ sơ xin phong chân phước cho 46 tôi tớ Chúa kể trên.
 
Ngày 13 cùng tháng và năm kể trên

+ A. Vico,
Giám mục hiệu tòa Porto và Sainte-Rufine,

      Tổng trưởng Thánh Bộ các Nghi Lễ.
      Alexandre Verde,
thư ký.

 


(Bản dịch của Lm. Đào Quang Toản trong cuốn Cha Durand và Mến Thánh Giá, 2001, trang 93-101,  theo tài liệu Décret d’Introduction de la Cause de Béatification ou Déclaration du Martyre des Serviteurs de Dieu, đăng trong báo Annales de la Société des Missions Etrangères, số 126, 3-4.1919, trang 49-58.)