Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

TA SẼ ĐI BÊN CẠNH NGƯƠI

(Chúa Nhật III Phục Sinh năm A 2023)

            Chuyện kể rằng: Ngày xưa khi Hoàng đế Napoléon còn là một đại tướng cầm quân, trong một trận chiến nọ, đạo quân của ngài phải vượt qua một cây cầu để tiến đánh quân địch. Thế nhưng, vì bên kia chiến tuyến, quân địch bắn phá dữ quá nên đoàn quân của Napoléon khựng lại, không dám tiến qua cầu. Thấy thế, Napoléon vội giật lấy hiệu kỳ, phóng ngựa lên cầu và hô to: “Hãy theo ta”. Trong lúc cả đoàn quân đang còn do dự, thì một anh linh trẻ binh nhì, phóng ngựa tiến theo chủ tướng. Thấy thế, cả đoàn quân vùng lên theo anh lính trẻ ào ạt qua cầu… Và Napoléon đã chiến thắng trong trận chiến cam go nầy. Sau ngày đó, Napoléon đã tra hỏi bộ tham mưu về anh lính trẻ đã theo ngài đầu tiên lên cầu. Họ cho ngài biết, anh ta đã xin phép về quê đưa tang mẹ ở một làng quê cách đó khá xa. Napoléon truyền thắng ngựa và chỉ đường cho ngài tới tận làng quê đó. Vừa tới đầu làng, thoáng thấy đám tang, Napoléon đã xuống ngựa và đi bộ thẳng tới chỗ người lính; và ngài đã nói với anh ta rằng: “Ngày xưa ngươi đã đi bên cạnh ta trên con đường chiến đấu, thì bây giờ ta sẽ đi bên cạnh ngươi trên con đường đau khổ…”.

            Một vị tướng chỉ huy cần một người lính đồng hành trên đường chiến đấu; và một người lính cần một vị tướng đồng hành để chia sẻ khổ đau. Đẹp làm sao những cuộc “đồng hành” nhân bản trong trong cuộc sống ở đời nầy. Và đây, lại chính là sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật III Phục Sinh nhắn gởi chúng ta khi chúng ta họp nhau cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể.

            Thật vậy, trong những ngày sau lễ Phục Sinh nầy, dân Kitô giáo gần như được khơi dậy một đức tin mãnh liệt vào một “Người Bạn đồng hành” có một không hai, một “Đấng Phục Sinh” đang có mặt, đang bước đi với mỗi người trên cuộc lữ hành tiến về quê hương vĩnh cửu.

Cách riêng, Bàn Tiệc Lời Chúa của Chúa Nhật III Phục sinh hôm nay lại dẫn dắt chúng ta vào mối tương quan liên vị của người Kitô hữu với chính Đấng Phục sinh, giữa cuộc sống đời thường với mầu nhiệm tuyên xưng; đó cũng chính là cách thể hiện, sống, tuyên xưng, rao giảng của thế hệ các Tông Đồ, các cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy, mà các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố là những bằng chứng sống động.

            Trước hết, trích đoạn sách Công Vụ Tông Đồ, qua bài giảng “xuất thần” của Thánh Phêrô, đại diện cho cả “nhóm 11 Tông Đồ” liền sau biến cố “Chúa Thánh Thần hiện xuống” vào dịp lễ Ngũ Tuần của Do Thái giáo, đã vận dụng Lời Chúa phán dạy từ trong Cựu Ước để thuyên giải và làm chứng về sự kiện “Chúa Giêsu Nadarét đã sống lại sau cuộc khổ nạn vừa xảy ra tại Giêrusalem”. Với kiểu lập luận và trình bày dứt dạc, rõ ràng của “dân làng chài”, quả thật, bài giảng về Phục Sinh của Thánh Phêrô, có thể nói được là “bài thuyết pháp mẫu mực của Kitô giáo”. Thánh Phêrô đã khôn khéo làm sống lại nhân vật Giêsu Nadarét “bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu…” đã bị chính những người trực tiếp đang nghe mà thánh Phêrô thân mật gọi là “anh em” trao nộp và dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Tiếp theo, vị tông đồ “chai lưới chân quê chất phác” nầy, đã minh giải và làm chứng về sự phục sinh của Đức Kitô qua những lời tiên báo trong Cựu ước, những tâm nguyện mạc khải của thánh vương Đa-vít mà những tín hữu của Do Thái giáo đang hiện diện chắc chắn đã thuộc nằm lòng: “vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát”.

            Thế nhưng, điều gì đã xảy ra sau bài giảng xuất thần của Tông đồ trưởng Phêrô ? Thưa có khoảng ba ngàn người đã đón nhận “lời”, đã ăn năn sám hối và đã chịu phép rửa để trở thành những “Kitô hữu đầu tiên”. Kể từ đây, chắc chắn những “Tân Tòng” nầy đã có thêm “một người bạn đồng hành” mới trong cuộc lữ hành đức tin của họ, Đức Giêsu người Nadarét, một kẻ mới bị kết án chết và đã sống lại; một người mà nhờ sự tác động của Lời Chúa và qua các chứng nhân sống, đã xoay chuyển niềm tin của họ về một hướng mới, hướng của niềm hy vọng phục sinh, của ơn cứu độ và tha thứ.

            Sau nầy, sau khi các cộng đoàn Kitô hữu đã được hình thành khắp nơi, chính Thánh Phêrô cũng đã tiếp tục ân cần giáo huấn anh chị em tín hữu về chân lý nền tảng nầy: “Ơn Cứu độ trong Đức Kitô tử nạn phục sinh”, như chúng ta nghe qua thư thứ nhất của ngài được tường thuật trong Bài đọc 2: “Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em.”

            Thế nhưng, không phải lúc nào người Kitô hữu cũng trung thành với niềm xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, hay giữ mãi sự thủy chung, nồng thắm trong nhịp bước đồng hành với Đấng Phục Sinh trên cuộc lữ hành trần thế. Và chắc chắn một điều, khi người Kitô hữu đánh mất “Người bạn đồng hành Giêsu nầy”, cuộc lữ hành sẽ trở nên bi đát, như phát biểu của nhân vật Mary Alice Young trong bộ phim Desperate housewives: “Cuộc sống là một cuộc lữ hành; và cuộc lữ hành đó sẽ tốt đẹp hơn bao lâu còn có một ai đó bước đi bên cạnh; khi mất bạn đồng hành, cuộc lữ hành trở nên bi đát” .

            Tin Mừng đã chứng minh, khi Giuđa Iscariot lìa bỏ Thầy và những người bạn đồng hành để bước ra khỏi “căn phòng Tiệc ly”, tức thì bóng tối sụp xuống (Ga 13,30); và bóng tối đó đã dẫn những bước chân cô độc của Giuđa tới cái chết tự tử đầy oan nghiệt ! (Mt 27,3-8; Cv 1,16-20). Trong khi đó, mọi thời và khắp nơi, biết bao nhiêu “bức thư tuyệt mạng” của những người tự tử vẫn còn đó, đã chứng minh rằng: cuộc sống hoàn toàn bế tắc khi người ta không còn ai để cảm thông, đồng hành, yêu thương và tha thứ…

            Trong khi đó, Tin Mừng Luca hôm nay kể cho chúng ta câu chuyện về những bước chân mệt mỏi, nản lòng của hai người lữ hành Emmaus, sau biến cố “Ngày Thứ Sáu khổ nạn” và những chuyện tiếp sau đó mà nội dung cốt yếu chính là “những bước chân đồng hành của Đức Kitô Phục sinh” ! Thật vậy, không chỉ hôm xưa Đức Kitô phục sinh đã đến, đã đồng hành, đã thỏ thẻ chuyện trò, đã khai lòng mở dạ, đã hong lại niềm tin, đã đốt lên sức sống cho hai môn đệ Emmaus…, mà gần hai mươi thế kỷ rồi, Ngài đã đồng hành xuyên suốt như thế cho bao nhiêu thế hệ con người…

Trên mọi nẻo đường trần thế hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau nầy, chắc chắn không bao giờ vắng bóng những “lữ hành Emmaus” cô độc, chán chường, hụt hẫng, hoang mang… về bao nhiêu chuyện trái ngang của cuộc đời tại thế. Là những người Kitô hữu, chúng ta thật hạnh phúc vì chúng ta xác tín rằng, chúng ta luôn có người “bạn đồng hành vô hình”, là chính Đức Kitô Phục Sinh luôn hiện diện trên mọi nẻo đường chúng ta đi, trong mọi biến cố chúng ta sống.

Như vậy, điều cuối cùng để chúng ta thể hiện và sống đức tin khởi đi từ những gợi ý của sứ điệp phụng Vụ hôm nay, đó chính là biết thường xuyên chọn lựa ba phương thế mà Đấng Phục Sinh đã sử dụng trong cuộc “đồng hành” của Ngài với chúng ta trên trần thế đó là thường xuyên tiếp cận lời Chúa: “Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người”;  trung thành cử hành  Thánh Thể: “Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”; và nhiệt thành hiệp thông với Cộng đoàn Hội Thánh“Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”

Trong một thế giới có quá  nhiều những “thần tượng giả”, những “bạn đồng hành không ra gì”, những ý thức hệ lầm lạc và giả dối… chúng ta cần luôn tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng như hai môn đệ Emmaus khi xưa, với người “bạn đồng hành duy nhất đáng tin”- Đức Kitô phục sinh: “Xin Thầy ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”. Chắc chắn, Đức Kitô phục sinh không bao giờ từ chối; vì Ngài đã từng hứa chắc: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Trương Đình Hiền