TÊN GỌI KHÁC CỦA ĐẤNG CỨU THẾ

Views: 95

(Chúa Nhật 29 TN B 2021)

            Cuộc tập họp muôn nơi và muôn thuở của Hội Thánh, nhất là cuộc tập họp vào Ngày Chúa Nhật, đều có chung một mục đích cốt yếu: Chiêm ngưỡng Chúa Kitô và lắng nghe Lời Ngài.

            Chúa Nhật 29 thường niên hôm nay, chúng ta lắng nghe và chiêm ngưỡng dung mạo của Chúa Kitô được Lời Chúa khắc họa trong “dáng đứng của một “Đấng Cứu Thế”, một “Tư Tế” đi qua đau khổ và thử thách, một “Con Người phục vụ và hiến dâng mạng sống”.

Trước hết, ngôn sứ Isaia đã “vẽ chân dung của Đấng Cứu Thế mà dân Israel đang mong đợi trong vóc dáng của một “người tôi tớ đau khổ”; nhưng đó lại là Người “sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ…” (BĐ 1). Thứ đến, như một “hiện thực hoá lời mạc khải của Isaia thời Cựu Ước, thư Do Thái đã mô tả chính Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, như một Vị Thượng Tế đến từ trời và chấp nhận mọi hệ luỵ của kiếp phận loài người ngoại trừ tội lỗi: “không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi…” (BĐ 2).

            Trong khi đó, Tin Mừng Máccô, qua câu chuyện không đẹp “ghen ăn tức ở” giữa các môn đệ sau sự cố hai anh em nhà Giêbêđê “xin xỏ chức quyền”: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”, Chúa Giêsu đã mượn hình tượng “Đấng Mêsia” được tiên báo nơi các ngôn sứ, để tổng hợp về “nhân thân và sứ mệnh” của mình bằng câu phát biểu để đời: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

            Thật vậy, lời phát biểu trên của Chúa Giêsu được Maccô đặt trong một trình thuật dài liên quan đến một trong những câu chuyện xảy ra trên con đường “tiến về Giêrusalem cuối cùng”: câu chuyện xuất phát từ việc “xin xỏ chức quyền của anh em nhà Giêbêđê” đến vấn nạn “phép rửa và chén đắng”, rồi thái độ bức xúc của các tông đồ” và bài học “kẻ làm đầu”, để cuối cùng dẫn đến lời phát biểu cũng là “câu châm ngôn” cho muôn thế hệ Kitô hữu “Con Người…”.

Quả thật, qua trình thuật trên, chắc chắn, Thánh sử Máccô muốn chuyển tải đến cho cộng đoạn Kitô hữu đầu tiên bài giáo lý “Kerygma” quan trọng: đâu là chân dung đích thực của Đức Kitô cần phải tin nhận và đâu là con đường dành cho những kẻ tin nhận Ngài phải chọn lựa để tiến bước, như cách chú giải của Jacques Hervieux: “Nhằm tạo hoà điệu thân ái trong cộng đồng Giáo Hội sơ khai, Maccô đã rút tỉa từ Thánh Kinh hình ảnh “Người Tôi Tớ đau khổ” để cắt nghĩa cho các Kitô hữu đôi chút về mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng đã dâng hiến mạng sống mình, tự hạ đến chết đẫm máu trên thập giá để cứu rỗi nhân loại. Bắt nguồn từ hy sinh của Chúa Giêsu, cộng đoàn Kitô hữu phải luôn luôn kiểm chứng xem cách hành xử của mình có phù hợp với cách hành xử của Đấng sáng lập không: nghĩa là mình có phục vụ và dâng hiến toàn vẹn bản thân mình không ?…”[1].

            Như vậy, từ những gì đã được mặc khải nơi các ngôn sứ (Người Tôi Tớ đau khổ), đã được nghiền ngẫm và rao giảng bởi các Tông đồ (Con Người đến phục vụ và hiến dâng mạng sống), được tuyên xưng bởi các thế hệ Kitô hữu tiếp nối trong dòng lịch sử (Vị Thượng Tế từ trời chấp nhận phận người chịu thủ thách), quả thật, Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một: một Đấng “Thiên Chúa nhập thể làm người”, chịu thương chịu khó, tự hiến vì yêu thương và phục vụ anh em trong khiêm hạ.

            Ý nghĩa nầy chính là chìa khóa lý giải cho sự thuyết phục tuyệt vời của chân lý Kitô giáo, một chân lý được hiện thực nơi chính con người và sứ điệp của Chúa Kitô, một Vị Thiên Chúa đến từ trời, nhưng lại đi qua chính nẻo đường bấp bênh của kiếp phận con người, mà tất cả mọi chúng sinh đều có thể cảm nhận sự đồng điệu và hổ tương, cần thiết và được thăng tiến, như lời xác tín của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia): Khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong bản tính nhân loại của Người, dân chúng tại Á Châu gặp được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi sâu sắc nhất của họ, hy vọng của họ được hoàn thành, nhân phẩm của họ được nâng cao và sự ngã lòng của họ được vượt thắng. Đức Giêsu là Tin Mừng đối với các người nam nữ của mọi thời đại và mọi nơi chốn, trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu và sự thật về bản tính nhân loại của mình”[2].

            Và một khi đã chiêm ngưỡng và lãnh hội được sự mặc khải đích thực về Chúa Giêsu như thế, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần thiết phải hoán cải để trở nên giống Ngài hơn, và trở thành “lời chứng thuyết phục” bằng cuộc sống yêu thương, phục vụ, bằng sự can đảm đón nhận hy sinh thập giá như các chứng nhân tử đạo Á Châu-Việt Nam mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng nhắc tới trong tông huấn Giáo Hội tại Á Châu: “Đó là bài ca của những vị đã chết vì Đức Kitô trên phần đất Á Châu trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội, và đó cũng là tiếng kêu đầy vui mừng của những người nam và nữ của các thời gần đây, như thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo, thánh Lôrensô Ruiz và các bạn tử đạo, thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, thánh Anrê Kim Taegon và các bạn tử đạo. Xin đoàn đông đảo Các Thánh Tử Đạo Á Châu xưa cũng như nay, không ngừng dạy dỗ Giáo Hội tại Á Châu biết thế nào là làm chứng cho Chiên Con mà các ngài đã giặt trắng áo trong máu của Người (x. Kh 7,14). Ước chi các ngài luôn là những chứng nhân bất khuất cho chân lý này, là các Kitô hữu được kêu gọi, luôn luôn và mọi nơi, loan báo không điều gì khác ngoài quyền lực của Thánh Giá Chúa! Và xin cho máu Các Thánh Tử Đạo Á Châu, bây giờ cũng như mãi mãi, là hạt giống sinh sự sống mới cho Giáo Hội tại mọi hang cùng ngõ hẻm của lục địa!”[3].

            Trong ngày Dân Chúa Việt Nam cầu nguyện cho cơn Đại dịch Covid-19, chúng ta cùng xác tín và đặt niềm trông cậy hướng lòng lên Đấng đã mang lấy mọi thương tích của nhân loại; cũng là Đấng sẽ ủi an, xoa dịu và chữa lành. Cùng với tâm tình và thái độ cầu nguyện đầy xác tín như thế, phải đi đôi với một cuộc hoán cải đời sống trở thành chứng nhân của yêu thương và phục vụ. Bởi vì, thế giới chỉ được chữa lành, Tin mừng chỉ được thuyết phục, và Chúa Giêsu chỉ được yêu mến bởi những chứng nhân như thế, những nhà truyền giáo như thế; vâng, bởi một Hội Thánh như thế, một Hội Thánh phản ảnh dung mạo yêu thương và phục vụ của Đấng mang tên Cứu Thế, hay một danh xưng cụ thể khác bằng hành động: “Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] JACQUES HERVIEUX, L’Evangile de Marc Commentaire pastoral, Centurion, 1991, Tin Mừng Mac-cô Chúa giải theo hướng mục vụ, bản dịch Việt ngữ thuộc nhóm “Hiểu và sống Lời Chúa”, bản in ronéo, tr. 238.

[2] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), số 14.

[3] Sđd, số 49.