Views: 128
Nhân dịp cộng đoàn Dân Chúa đang chuẩn bị tiến vào Mùa Chay, xin trân trọng giới thiệu loạt bài HƯỚNG DÃN TĨNH TÂM THEO TÔNG HUẤN “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ” (TĨNH TÂM VỚI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ) của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự.
Sau đây là loạt bài thứ 2 : CHƯƠNG 2 : THẬT LÒNG VỀ VỚI CHÚA
CHƯƠNG 2 : THẬT LÒNG VỀ VỚI CHA
Trong dụ ngôn Tiệc cưới (Mt 22,1-10), những người được mời đã bỏ lỡ cơ hội có một không hai chỉ vì mải chạy theo những cái trước mắt, có vẻ nắm chắc nhưng thật ra rất ảo tưởng: “’Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).
Xưa thần dữ đã lừa gạt nguyên tổ tại vườn Êđen và nó đã thành công. Khi Đức Giê su cầu nguyện trong hoang địa, nó cũng tìm cách lừa gạt Ngài nhưng đã thất bại. Ngày nay nó tiếp tục tìm cách lừa gạt mỗi người chúng ta. Nó đánh lừa ta toàn bằng ảo tưởng. Nó dùng toàn những điều có vẻ rất tốt đẹp để dẫn dụ ta, lôi ta ra khỏi hạnh phúc Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ta.
Hôm nay ta hãy cùng Chúa vào sâu trong sa mạc lòng mình, lắng nghe và nghiền ngẫm Lời Thiên Chúa, suy tư và cầu nguyện để thật lòng trở về với Cha. Sự trở về thật lòng đòi ta phải xét mình thật nghiêm túc. Nhờ xét mình nghiêm túc, ta không những dứt khoát được với tội mà còn nhận ra những mưu chước tinh vi, những ảo tưởng thần dữ dùng để đánh lừa ta.
Để đào sâu kinh nghiệm này, ta cần tập bén nhạy nhận rõ ý Chúa trước những tình huống phải chọn giữa hai điều tốt ngay trong cuộc sống mỗi ngày.
TIẾN SÂU VÀO THINH LẶNG TRÁNH ĐỪNG ĐỂ BỊ LỪA VÌ ĐIỀU TỐT GIẢ
Để giữ vững lương tâm ngay thẳng và lòng trong sạch, không những cần loại trừ những nết xấu làm đầu chính hiệu mà còn phải tránh đừng để bị lừa vì những điều tốt giả. Hôm nay, bạn hãy tiến sâu vào thinh lặng nội tâm để không dừng lại nơi những vụ việc sai trái nhưng tìm ra những thái độ sai trái của mình.
Điều răn chủ chốt và quan trọng nhất trong luật Chúa là mến Chúa và yêu người. Trong Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, chương 2, Đức Thánh Cha Phanxicô vạch trần cho thấy thần dữ đánh lừa ta bằng sự mến Chúa và yêu người giả mạo mà ngài gọi là hai sự thánh thiện giả mạo: thái độ tự hào về điều mình biết (ngộ đạo) và thái độ tự phụ về khả năng của mình (Pêlagiô). Đức Thánh Cha liên kết hai thái độ lệch lạc ấy với hai lạc thuyết cổ xưa. Cả hai đều tự ảo tưởng về mình. Bạn có thể xem bản lược trích tâm thư Thiên Chúa Đã Muốn trong Phụ lục 2 cuối tập này để hiểu rõ hơn.
Điều Đức Thánh Cha muốn cảnh báo chúng ta không phải hai lý thuyết mà là hai thái độ rất phổ biến đang chặn đứng sự thánh thiện trong Giáo hội:
Thái độ ngộ đạo
Trong lịch sử, nhóm ngộ đạo là những người chạy theo sự bừng ngộ, tự cho là mình nhận được những hiểu biết sâu nhiệm và đặc biệt, và nghĩ rằng hiểu biết được như thế là mình đã hoàn thiện hơn hẳn người khác. Ngày nay, đây là thái độ nặng về “biết” (biết = ngộ = ngộ đạo), hài lòng với việc nắm bắt các thông tin mọi mặt, nhưng không dấn thân, không dám sống theo Tin mừng.
Rơi vào thái độ này, ta dễ tự hào về điều mình biết và tưởng rằng mình biết hơn ai điều gì đó là đã trổi vượt và hoàn thiện hơn họ, từ đó ta dễ xét đoán người khác và xem thường họ. Thái độ này không ở đâu xa. Mỗi chúng ta đều có thể mắc phải mà không ngờ.
Thái độ Pêlagiô
Nhóm Pêlagiô là những người không tha thiết với ơn Chúa, chỉ dựa trên ý chí và sức riêng mình, thậm chí chỉ làm được một điều gì đó cũng đủ nghĩ rằng như thế là mình đã hoàn thiện hơn hẳn người khác. Ngày nay, đây còn là thái độ nặng tinh thần thế tục, tự mãn với sức riêng, phương tiện trần thế, không còn tin tưởng phó thác vào tình yêu Thiên Chúa. Rơi vào thái độ này, ta thường tự mãn, tự phụ về sức riêng hoặc khả năng riêng của mình, không màng đến ơn Chúa. Thái độ này sẽ khiến ta dễ dừng lại, khó bền vững trong điều tốt, dễ biến công cuộc Thiên Chúa thành công cuộc riêng mình, ham danh, ham lợi.
Đó là thái độ ngược với sự Tín Thác, Cậy Trông vào Thiên Chúa, chỉ tin cậy nơi mình.
Cần lắng nghe lời Chúa
Tóm lại, chúng ta rất dễ chủ quan, tưởng rằng một mình ta đúng và ta có thể làm được hết. Muốn có thể ra khỏi chính mình, thoát não trạng chủ quan, ta cần thường xuyên đọc và nghiền ngẫm Lời Chúa. “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32; xt. Mt 7,21-27). Hãy để Lời Chúa làm cho những sự thật về ta lộ rõ, rồi can đảm từ bỏ điều phải từ bỏ.
Công cuộc Thiên Chúa và công cuộc nhân loại
Bạn đừng sợ tìm ý Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương bạn hơn chính bạn thương bản thân mình. Đến cuối cuộc tĩnh tâm và, hơn nữa, mãi đến cuối đời ta, Thiên Chúa vẫn kiên trì mời gọi và đợi chờ ta. “8 Bởi thế, này Ta sẽ lấy gai góc chặn đường nó lại, sẽ dựng một bức tường để nó không thấy được lối đi… 16 Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,8.16; xt. 2,21-24).
“Ôi, ta đã làm chi đời ta.” Cuối đời, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã thốt lên tiếng than não nuột không phải chỉ của riêng ông. Càng sớm cảm nghiệm được câu thơ ấy, ta sẽ càng sớm từ bỏ công cuộc nhân loại của riêng ta để quay về với công cuộc của Thiên Chúa.
CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI TỘI LỖI
Tội lỗi đảo ngược trật tự
Trong các thụ tạo vô hình (hay “thuần thần”), tức là các thiên thần, một số đã chống lại, không chịu vâng phục Thiên Chúa, và tự chuốc lấy sự trầm luân đày đọa, trở thành những quỷ dữ luôn tìm cách chống phá chương trình của Thiên Chúa. Chúng không ngừng lừa gạt loài người, dẫn dụ ta chống lại Thiên Chúa.
Chúng dẫn dụ ta tìm mình thay vì tìm Chúa, đảo ngược phương tiện thành mục đích, tớ thành chủ. Nó lập trình đến tận từng chi tiết để chận bắt và giết hại từng linh hồn và toàn thể nhân loại. Âm mưu tục hóa của Satan đảo ngược mục tiêu của Thiên Chúa là thánh hóa:
Thiên Chúa thánh hóa ta, tách riêng ta cho Chúa |
Satan tìm cách tục hóa ta, lôi ta ra khỏi Chúa |
Ta được luôn hướng về Thiên Chúa, lấy Chúa làm mục đích |
Ta phải lo nghĩ về Tiền Của, lấy Tiên của làm mục đích |
Tin, cậy và yêu mến |
Si, tham, sân |
Sự thật và tình thương yêu |
Gian dối và ích kỷ |
Bảy nhân đức lớn |
Bảy mối tội đầu |
Thiên Chúa có công cuộc của Ngài. Ngài dọn sẵn một chương trình tình thương cho ta. Khi phạm tội, ta đã theo chân các thần dữ, biến tất cả thành công cuộc riêng, cậy vào sự hiểu biết và cậy vào sức riêng. Ta cần quay về để lại được Chúa đưa vào công cuộc của Ngài.
Đẩy lùi tội đầu tiên
Cần thống hối về tội đầu tiên. Trong lịch sử nhân loại, lịch sử đời ta và lịch sử mỗi ngày, nếu không có tội đầu tiên thì chẳng có những tội tiếp sau đó. Cần tỉnh táo để không vấp phải tội đầu tiên nào mới. Mỗi quyết định sai lầm thoạt trông có vẻ không có gì đáng kể nhưng rồi sẽ kéo theo những hậu quả tệ hại lâu dài. Mỗi lần thiếu quảng đại trước tiếng Chúa, ta đang gieo một ngọn gió nhỏ mà chưa biết sẽ phải gặt lấy những cơn bão nào.
Ta cần tỉnh táo ở bước đầu của mỗi giai đoạn đời, mỗi công cuộc, mỗi ngày, mỗi việc lớn nhỏ. Nó tìm cách bẻ lệch tay lái của ta rồi thúc ta chạy thật nhanh, càng chạy nhanh càng rời xa mục tiêu cần đến.
Rút kinh nghiệm, ta cần luôn quảng đại như Chị thánh Têrêxa: “Từ thuở lên ba con không từ chối Chúa một điều gì”.
CẦU NGUYỆN HÔM NAY
Ngày thứ hai của tuần tĩnh tâm, ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể. Ta tự đối chiếu mình với hai người con trong câu chuyện và với chính Chúa Giêsu là người Con mẫu mực, luôn đẹp lòng Chúa Cha (x. Mt 3,17). Ta nhìn lại xem mình đã chu toàn trách nhiệm làm con Thiên Chúa và làm anh em của mọi người như thế nào. Ta dò tìm gốc rễ của những lỗi lầm và thiếu sót, rồi thật lòng ăn năn thống hối và quay về với Chúa Cha giàu lòng thương xót.
Đề tài 4 : NGƯỜI CON PHÓNG ĐÃNG
Đến với Chúa
Bạn hãy chậm rãi ghi dấu Thánh giá, thinh lặng nhớ mình đang ở trước Nhan Thiên Chúa và cung kính thờ lạy.
Bạn xin được ơn nhận ra mình vô ơn bất nghĩa với Cha trên trời và ơn hoán cải trở về.
Rồi bạn đọc lại Lời Chúa:
Rồi Đức Giêsu nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (Lc 15,11-13)
Mặt thứ nhất của đức mến là hiếu thảo với Cha trên trời.
Xin nhận ra rằng mọi lầm lỗi của tôi đều là chưa vâng lời Cha.
Suy tư và đối thoại với Chúa
– Phủ nhận Cha
Chuyện người con hoang đàng nhan nhản trên báo, đài, văn chương và phim ảnh. Những đứa con bỏ nhà đi bụi đời là một tệ nạn xã hội. Sự bất hiếu có thể ở những chừng mực khác nhau nhưng, nói chung, đều là thái độ phủ nhận cha mẹ và mái ấm gia đình. Nó chà đạp lên những công ơn cha mẹ đang ngày đêm xây dựng bầu khí yêu thương, ấm êm, những quan hệ thân thương và cả những dự phóng cha mẹ đã dày công suy nghĩ và đầu tư lo cho nó với tất cả tình yêu thương… để chạy theo những quyến rũ hào nhoáng, hão huyền…
– Truyện dài từ thuở ban đầu
Người cha trong câu chuyện tôn trọng tự do của con đến lạ lùng. Ông biết nó sẽ ăn chơi thỏa thích và phung phá tất cả trong thời gian ngắn. Thế nhưng hình như ông bó tay, không biết làm sao để con hiểu lòng ông, hơn là để nó khám phá ra cái hoàng nhoáng của trường đời chỉ là ảo tưởng.
Còn người con thì đã dứt khoát bỏ nhà ra đi. Hậu quả thê thảm không chỉ ở chỗ đói ăn mà còn là mất hết tư cách và phẩm giá.
Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho (Lc 15,14-16).
Câu chuyện phản ánh tình cảnh đáng thương của mọi người, từ nguyên tổ xa xưa tới bản thân mỗi người chúng ta hôm nay, khi phủ nhận tình Cha của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta khi phạm tội cũng đã đòi Cha chia gia tài rồi bỏ nhà ra đi, phá tan cả sản nghiệp (x. St 3,1-24).
– và Cha vẫn đợi
May sao người con ấy vẫn còn biết tin vào lòng thương xót của Cha mình. Nó đứng dậy quay về thì tình Cha vẫn còn đó và lớn hơn nó nghĩ. Người Cha có mặt ở cả hai đầu câu chuyện, cả trước lúc đứa con bỏ nhà ra đi và cả sau khi nó trở về.
Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng. (Lc 15,17-24).
– Những cám dỗ làm điều xấu
Người con ấy đã buông mình theo những cám dỗ làm điều xấu, lún sâu trong đam mê trần tục. Tham và si, nó khờ khạo chạy theo tiền bạc, coi thường nhân nghĩa.
Đó là thảm cảnh của phần đông nhân loại, và cũng là thảm cảnh một giai đoạn đời người của bạn, của tôi…
Đề tài 5 : NGƯỜI CON BỊ BIẾN CHẤT
Đến với Chúa
Bạn hãy chậm rãi ghi dấu Thánh giá, thinh lặng nhớ mình đang ở trước Nhan Thiên Chúa và cung kính thờ lạy.
Xin ơn nhận ra những lỗi vô tâm, vô tình, vô cảm với người bên cạnh và thành tâm hoán cải.
Rồi bạn đọc lại Lời Chúa:
“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’
Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’” (Lc 15,25-32)
Mặt thứ hai của đức mến là yêu người. Những người tôi được chung sống và gặp gỡ là những người anh em Chúa đã giao cho tôi để tôi yêu thương.
Xin nhận ra được lầm lỗi của tôi trong tương quan với người chung quanh.
Suy tư và đối thoại với Chúa
– Giận cha và ghét em
Người anh bị sốc khi thấy cha trao một phần gia tải cho người em. Anh giận cha đã nhiều nó quá đáng. Anh căm ghét thằng em hư thân phá tan sản nghiệp. Anh trở thành lầm lì không nói. Khi biết tin nó vừa quay về và được cha mở tiệc mừng, anh càng tức diên lên. Bao nhiêu bực bội có dịp tuôn ra hết.
“Này, đã bao năm trời tôi làm tôi ông, chưa hề lướt lịnh ông. Thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của ông kia đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ béo mà mừng nó!” (Lc 15,29-30 – Bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn).
Chỉ một câu nói đủ cho thấy anh đầy ghen tị. Anh sống gần cha mà tâm hồn anh ta khác hẳn tâm hồn người cha. Anh ta thiếu tâm tình của một người con và một người anh. Từ chối em mình và không muốn chia sẻ niềm vui nỗi buồn của cha. Vì đâu anh sống thiếu yêu thương, coi vật chất trọng hơn tình nghĩa? Chỉ vì anh không hiểu được tình cha, không biết sống như một người con.
– những bổn phận lạnh lùng và một trái tim nô lệ
Hồi nhỏ anh có tiếng là chăm ngoan. Lớn lên anh tự hào là người đáng đang việc nhà. Anh quần quật làm việc quên cả bản thân và quên cả hỏi han sức khỏe của cha. Thấy người em chẳng chịu làm ăn gì mà cha vẫn không la mắng, anh thấy tự thương mình. Dù chưa xén bớt của cha để dành dụm riêng nhưng anh trở thành so đo tính toán. Anh nghĩ lẽ ra cha phải biết đến sự vất vả mỗi ngày của anh, nghĩ mình phải được trả tiền công. Anh tự biến mình thành một kẻ làm thuê, tự biến mình thành nô lệ. Anh thường xuyến xét đoán, phê phán mọi người.
– Tâm hồn bị biến chất
Cái dở của anh là đã quá tự hào với những gì mình đóng góp, khiến tình thương bốc hơi. Anh không mắc phải những lầm lỗi bên ngoài nhưng tâm hồn anh đã bị biến chất lúc nào không hay (VMHH 57-59 biến thành người Pêlagiô thời nay).
– Bị dẫn dụ bằng những điều tốt lệch lạc
Với những người thiện chí, thần dữ không xúi họ làm điều xấu trắng trợn nhưng tìm cách khiến họ dần dần hướng về mình, hoặc tự tích cóp cho mình, hoặc tự đề cao, rồi độc đoán, ham quyền lực… Thần dữ dẫn dụ họ bằng những điều tốt chủ quan, lệch lạc.
Sự công chính cứng nhắc của những người Pharisêu đã làm cho họ xa cách Thiên Chúa và xa cách anh em. Trái tim trở thành băng giá không còn biết thương cảm. Chúa Giêsu đã cảnh cáo: coi chừng những người thu thuế, trộm cắp, đĩ điếm sẽ vào nước Trời trước, còn những kẻ coi mình là công chính sẽ bị bỏ lại.
Những kẻ kể mình công chính bị bỏ lại không phải vì là những người “công chính”, nhưng vì họ tự cho mình là công chính đang khi họ vẫn chỉ là tội nhân. “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9,41).
Đề tài 6 : NGƯỜI CON ĐẸP LÒNG CHA – NGƯỜI ANH XÓT THƯƠNG EM
Đến với Chúa
Bạn hãy chậm rãi ghi dấu Thánh giá, thinh lặng nhớ mình đang ở trước Nhan Thiên Chúa và cung kính thờ lạy.
Rồi bạn đọc lại Lời Chúa:
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”(Lc 15,1-2)
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!” (Mt 17,5)
Xin ơn nhận ra tấm lòng của Chúa Giêsu.
Suy tư và đối thoại với Chúa
– Đức Kitô, Con Trưởng giữa đàn em đông đúc
Lc 15,1-3 – Đức Kitô, phản diện của người anh trong câu chuyện
Ba ví dụ ở Luca chương l5, Đức Giêsu kể để trả lời cho thái độ bất mãn của người Do Thái khi thấy Chúa đón tiếp những người tội lỗi.
“Ngài đã không thẹn gọi họ là anh em” (Hr 2,11)
– Đức Kitô luôn vâng phục Chúa Cha
“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. 6Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. 7Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Hr 10,5-7).
“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34).
“vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).
Có khát khao làm tròn ý Chúa mới quan tâm phân định để nhạy cảm dò tìm thánh ý Ngài. (Lc 17,10)
– Đức Kitô, hiến mình vì anh em
Ta có thể đối chiếu những đoạn sau đây với nhau để nhận ra khuôn mặt người anh cả của chúng ta:
– Lc 18,15-17 – Mc 10,41-45 – Mt 9,10-13
Đề tài 6b : VỀ VỚI TÌNH CHA VÀ TÌNH ANH EM
(Đây là đề tài tăng cường, có thể cầu nguyện trong đêm hoặc vào lúc nào khác thuận lợi).
Đến với Chúa
Bạn hãy chậm rãi ghi dấu Thánh giá, thinh lặng nhớ mình đang ở trước Nhan Thiên Chúa và cung kính thờ lạy.
Rồi bạn đọc lại Lời Chúa:
Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,17-20).
Ngước nhìn đôi mắt nhân từ Chúa đang nhìn tôi.
Xin ơn tin tưởng vào tình thương của Chúa và trở về với lòng biết ơn.
Suy tư và đối thoại với Chúa
Trong hoàn cảnh cùng cực, đứa con chịu không nổi. Nó nhớ những sung sướng ở nhà, nó muốn quay về cho khỏi khổ. Trong thâm tâm, nó chưa hề nghĩ đến tình Cha, nó suy nghĩ lựa lời để lấy lòng cha nó.
Đứa con chưa có lòng yêu mến cha, nhưng ít ra nó đã có một điều đáng khen là dám tin rằng cha sẽ tha thứ, dám tin vào lòng nhân từ của cha.
Tội lớn nhất của con người là không dám tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Tổng cộng tất cả mọi tội ta đã phạm cũng không lớn bằng tội thiếu tin vào lòng nhân từ. Sự thiếu tin tưởng này là con đẻ của sự kiêu căng, tưởng rằng mình có thể tự cứu, tưởng rằng ta được tha nhờ công nghiệp riêng ta. Chính sự thiếu tin tưởng này là đầu mối của tuyệt vọng, đẩy vào chỗ hoàn toàn bế tắc.
Tin vào lòng nhân từ của cha, người con trở về và nó gặp được một lòng nhân từ còn bao la hơn nó tưởng. Nó còn ở đằng xa, cha nó đã chạy tới, bá lấy cổ nó, hôn lấy hôn để. Nó vừa mở miệng nhắc chuyện cũ, cha nó đã gạt đi. Nó chỉ xin được coi như một đứa đầy tớ, nhưng cha nó nhất định phục hồi phẩm giá cho nó được làm con cái, với tất cả những trang điểm xứng đáng nhất. Nó đã hồi hộp sợ bị cha phạt cảnh cáo, nhưng ngược lại hẳn, cha lại cho mở tiệc ăn mừng…
Thiên Chúa không đợi ta về để trừng phạt. Thiên Chúa sẵn sàng quên hết mọi điều ngu dại ta đã làm. Tình thương của Ngài lớn hơn tội lỗi tôi (1 Ga 4,16). Khi tôi trở về, Thiên Chúa không căn cứ vào tội của tôi mà xét xử, nhưng Ngài xét xử theo lòng nhân từ của Ngài. Một lòng nhân từ vô biên không tìm thấy nơi đâu khác, ngay cả nơi ba má, ngoại trừ nơi Đấng có tên là Tình yêu.
Sách Hôsê (11, 1-9) trong Cựu ước mô tả Israel như đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi, được Thiên Chúa đưa về nhà chăm nom săn sóc. Nó trở nên xinh đẹp và được chọn làm hoa hậu (11, 3-4)… Nhưng nó đã phản bội… Tuy nhiên, Thiên Chúa không thể quên được tình thương của Ngài: “Làm sao Ta nỡ bỏ ngươi, hơi Épraim, hay thí hẳn ngươi đi, hỡi Israel? Làm sao Ta nỡ bỏ ngươi như bỏ Át-ma? Cho ngươi hóa nên như Xơbôin? Ruột gan Ta thổn thức trong Ta, và lòng Ta sôi réo cả lên…Không, Ta sẽ không thi hành hỏa hào nộ khí, Ta sẽ không hủy diệt Épraim, vì Ta là Thiên Chúa, không phải phàm nhân. Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi, ta sẽ không nổi giận” (11,8-9).
Trong sách Isaia 49,15, Thiên Chúa còn nói: “Mẹ nào lại quên được con đẻ của mình, cạn lòng thương với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi”.
Đứa con ngỡ ngàng trước tấm lòng của Cha nó. Khi quyết định trở về và xin lỗi, lòng nó vẫn còn chết khô. Nó không còn tin mình được yêu, không còn tin mình là con nữa. Nó chỉ trở về để khỏi bị chết đói. Nhưng giờ đây nó đã cảm nhận được tình yêu của Cha, đến nỗi lòng nó bị tràn ngập bởi tình yêu ấy. Bất chợt, tâm hồn nó đầy tràn hối hận, một niềm hối hận nó đã không ngờ trước. Trong vòng tay của Cha, nó mới bắt đầu đo lường được lòng vô ơn, độc ác, bất công, hỗn xược của nó. Chỉ lúc bấy giờ, nó mới bắt đầu thực sự trở về, mới lại trở thành người con, cởi mở, tin tưởng và sống.
Tôi cũng thế. Tội lỗi đã làm cho lòng tôi héo hắt. Tôi ngần ngại trên bước đường về. Thế nhưng Thiên Chúa lớn hơn lòng tôi (1Ga 3,19-20). Chính tình thương của Ngài sẽ làm cho lòng tôi mới lại. Lạy Chúa, xin tái tạo cho con quả tim trong sạch và xin gìn giữ quả tim mới ấy cho con mãi mãi. Xin bao bọc con trong tình yêu của Chúa như Chúa đã bao bọc người trộm biết ăn năn.
Có thể cầu nguyện thêm với: Gioan 8, 1-11 và Lc 23,39-43
Khi tĩnh tâm giữa đời thường : Mời xem tiếp Phụ lục Chương 2.
Đọc VUI MỪNG HOAN HỈ
Cuối chương I, ta đã thấy sự thánh thiện Kitô giáo cốt ở chỗ sống chứ không chỉ lý thuyết suông (25-31), và cốt ở chỗ biết để cho Thiên Chúa thực hiện kế hoạch Ngài nơi ta (32-34). Muốn đạt được như thế, ta cần biết phân định, tức là có khả năng trực giác được điều gì đẹp lòng Chúa. Với sự xét mình khi chiều về, có thể ta đã dần dần nhận ra mình thường bị lừa: lấy điều phụ làm chính, lấy việc bên ngoài thay cho tấm lòng… Giữa những cách lừa bịp khác nhau của thần dữ, ở chương II, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hai hình thức thánh thiện giả mạo thịnh hành hiện nay là não trạng ngộ đạo và Pêlagiô mới.
PHÂN ĐỊNH
Hai sự thánh thiện giả mạo
Đọc chương 2 của tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, ta thấy có hai xu hướng đáng sợ mà Đức Thánh Cha gọi là thái độ ngộ đạo và thái độ Pêlagiô. Cả hai thái độ đều tự đề cao chính mình.
- Thứ nhất là thái độ chỉ biết ý riêng mình, khi ta tự cho rằng mình nắm sự thật trong tay, ý kiến mình là đúng nhất, không chịu nghe ai. Sự tự hào này khiến ta thiếu khiêm nhường với anh em, thiếu tinh thần cộng đoàn (VMHH, 140-146), rất khó làm việc chung được với ai. Ta có cảm tưởng mình hơn mọi người và lấy mình làm chuẩn để xét đoán người khác.
- Thứ hai là não trạng cậy vào sức riêng, nổi tiếng với nhân vật Pêlagiô (360-418) trong lịch sử Giáo hội. Ông là một tu sĩ khắc khổ, cho rằng với ý chí riêng, con người có thể đạt tới sự hoàn thiện, không cần ơn Chúa.
Dò tìm sự lệch lạc nơi mình
Đức Thánh Cha lưu ý rằng mỗi người cần kiểm điểm xem hai sự thánh thiện giả mạo này đang hiện diện nơi mình như thế nào. Chúng mang danh nghĩa mến Chúa và yêu người nhưng trong thực chất chỉ tập trung về mình và háo thắng, tự đề cao chính mình.
Đức Thánh Cha nói: “Những lầm lạc này có nhiều hình thức, tùy theo khí chất và cá tính mỗi người” (VMHH, 62). Ta cần xét mình kỹ mỗi ngày mới nhận ra được những lầm lạc này để dứt bỏ. Khi không còn tự đề cao chính mình, lòng ta sẽ thanh thản hướng về Thiên Chúa, chỉ khao khát thuộc về Ngài.
Đức Thánh Cha đem lại cho nhiều người trong chúng ta một ánh sáng rất mới. Có thể họ đã từng được ơn tiến bước trên đường phân định, ngày càng bén nhạy, lột trần được âm mưu lừa đảo của thần dữ trước nhiều vụ việc và cuối đời đã nhận ra thủ phạm của những sai lạc trước kia chính là não trạng kiêu căng. Thế nhưng mãi tới nay, nhờ lời dạy của Đức Thánh Cha, họ mới có thể gọi đích danh não trạng lệch lạc ấy là sự tự hào về những gì mình biết được (ngộ đạo) hoặc làm được (Pêlagiô), dù mình nói rõ ra hay chỉ ôm ấp sự tự mãn trong lòng.
Hai não trạng trên đây “là những điều đang đè nặng và ngăn chặn sự tiến bộ của Hội thánh trên con đường nên thánh! Những lầm lạc này có nhiều hình thức khác nhau, theo khí chất và cá tính của mỗi người. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người hãy suy nghĩ và phân định trước mặt Thiên Chúa xem chúng có thể đang dần dần lộ rõ nơi cuộc sống của mình hay không” (VMHH, 62).
Những điểm cụ thể được Đức Thánh Cha nêu ra nơi chương II của Tông huấn khiến mỗi người chúng ta đều giật mình và thấy gần như ngài đang nói về chính bản thân chúng ta. Có đủ thứ sợi tơ trói ta vào hai thái độ kiêu căng đáng sợ là cậy vào sự hiểu biết và cậy vào sức riêng, nói cách văn vẻ là những sợi tơ ngộ đạo và những sợi tơ Pêlagiô.
Vài ví dụ
- Được mời gọi tặng sách đạo cho người thân quen, ta thoái thác vì cho rằng mình quá biết những người ấy: Họ chỉ là hạng người ham vui, ham tiền, chẳng bao giờ đọc sách. Ta tự cho rằng chỉ những người như mình mới biết quan tâm tới chuyện đạo, còn người khác thì… Có đúng thế chăng hay chỉ vì ta đang xét đoán, suy bụng ta ra bụng người? Chính ta sợ sẽ phải đọc để trả lời điều người ta hỏi? Ta tiếc tiền không dám mua sách tặng? Chính ta có đọc Kinh thánh và các sách đạo chăng?
Sự tự hào ấy cũng khiến ta khinh thường người khác: Ta không chào đáp lại, không tiếp điện thoại, không gọi lại cuộc gọi nhỡ, phải chăng vì ta nghĩ chỉ có việc của mình mới quan trọng, còn việc chung và việc của người khác chẳng có gì đáng kể?
Tất cả những biểu hiện tương tự đều là con đẻ của não trạng ngộ đạo, tự đề cao. Chúng đi ngược hẳn với điều then chốt của Đạo thánh Chúa là tình yêu thương, cho nên dù có nấp dưới những dáng vẻ cao cả tới đâu, vẫn chỉ là một hình thức thánh thiện giả mạo, trá hình cho sự kiêu căng để tự đề cao chính mình.
- Chúng ta có thể vô tình rơi vào lập trường của Pêlagiô khi cố chấp không chịu cầu nguyện, bỏ thánh lễ Chúa nhật mải mê làm việc kiếm lợi trong ngày Chúa nhật, hoặc chạy theo lẽ khôn ngoan thế gian. Hoặc khi ta không kiên trì với những việc bổn phận, bỏ cuộc nửa chừng, xoay qua làm công việc dễ thành công và dễ đem lại hư danh. Cũng có khi ta biến việc của Chúa thành việc riêng của mình, chạy theo thành tích, chẳng hạn đang nguyện ngắm, ngưng lại để ghi chép những ý tưởng mình thích thú. Một ví dụ khác: Thấy khô khan khi cầu nguyện lâu giờ trong thinh lặng hoặc đang nguyện ngắm bỗng thấy trống rỗng, không còn ý tưởng gì, ta xoay qua đọc sách, lần chuỗi. Thật ra, đây là lúc chúng ta cần một chút quảng đại, kiên trì, để đạt tới chỗ yêu Chúa vô vụ lợi. Ở đây, kinh nghiệm Cát Minh giúp hiểu công cuộc của Thiên Chúa: Thiên Chúa dẫn ta qua “đêm khô khan” trước cho ta được tiến lên mức độ cầu nguyện cao hơn gọi, được gọi là “bậc chiêm niệm”. Thái độ Pêlagiô, tự phụ với sức riêng, khiến ta thiếu khiêm nhường trước nhan Chúa, đi tới chỗ phủ nhận Thiên Chúa không những trong đời sống cầu nguyện mà cả trong việc mục vụ và mọi công việc ở đời thường.
Khám phá và cắt đứt những sợi tơ
Thử theo dõi hai trường hợp sau đây, bạn sẽ thấy sự hình thành của sợi tơ:
+ Khi ta có được những khám phá mới hoặc hiểu biết mới, nếu ta tự hào về điều ấy, thần dữ rỉ tai ta rằng như thế là ta hoàn thiện hơn người khác, và khiến ta không chịu sống theo điều mình biết (thái độ ngộ đạo).
+ Khi ta thành công, thần dữ xúi giục ta tự mãn, xem đó là thành quả của sức riêng mình, quên rằng mọi sự đều do ơn Chúa (thái độ Pêlagiô).
Kinh nghiệm của Thánh Gioan Thánh Giá, vị thánh đồng sáng lập Dòng Cát Minh Têrêxa là kinh nghiệm cắt đứt những sợi tơ. Bằng cách nào?
Thánh I Nhã cho ta một liệu pháp giản dị: Bạn hãy cầu xin điều ngược lại với sợi tơ, sợi tơ sẽ đứt, thần dữ sẽ thua cuộc. Điều ngược lại với hai kiểu tự tôn đang nói là ơn khiêm nhường trước Chúa và trước mọi người:
– Trước nhan Chúa, ta nhớ Chúa là tất cả, còn mọi sự khác cũng như bản thân ta là không gì cả.
– Trước mặt người khác, để ý quan sát, ta sẽ nhận ra mỗi người quanh ta đều có một nét khiêm nhường mà ta cần tạ ơn Chúa cho họ và cần học hỏi với họ.
Hai cách nhìn ấy sẽ giúp ta ngày càng thấm nhuần sự khiêm nhường của Chúa và thần dữ sẽ cay đắng chạy trốn.
Chiến đấu và tỉnh thức từ những điều rất nhỏ
“Việc phân định này thường phải làm từ trong những việc nhỏ, nơi những việc có vẻ tầm thường, bởi lẽ cái lớn lao vẫn lộ rõ ngay giữa những việc đơn giản hàng ngày. Không riêng những gì lớn lao, cao cả hơn và tốt đẹp hơn mới cần được phân định, nhưng cùng lúc cũng phải chú ý đến cả những gì bé nhỏ, những trách nhiệm và những dấn thân trong cuộc sống mỗi ngày” (VMHH, 169).
Ta càng quảng đại vâng theo ý Chúa trong điều nhỏ, lương tâm càng ngay thẳng, tấm lòng càng trong sạch, khả năng nhận rõ ý Chúa càng nhạy bén. ngược lại, nếu đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi mà ta lại phớt lờ không nghe theo, lòng ta sẽ càng lúc càng hoen ố và chai lì, khả năng nhận rõ ý Chúa sẽ yếu dần và bị thui chột. Ví dụ: Một bạn trẻ đã nhiều năm quyết tâm giữ vững một buồng phổi tốt, thế rồi đã yếu lòng nghe theo chúng bạn hút thử một điếu thuốc. Khi nhượng bộ lần đầu, cậu rất áy náy, tới lần sau và những lần tiếp đó càng lúc càng bớt áy náy và tiến dần tới chỗ xem hút thuốc là chuyện bình thường, rồi tới chỗ xem đó là một “phong cách”.
Thủ thuật của thần dữ là lấn chiếm từng chút. Nó rỉ tai ta: “Một chút xíu có sao đâu!” Một chút xíu, một chút xíu rồi nhiều chút xíu làm thành một thói quen xấu… Từ chối một chút hy sinh, ta sẽ gieo gió để gặt bão, cơn bão làm chao đảo đời ta.
Sai một li, đi một dặm. Cuối một ngày, bạn hãy tự kiểm điểm xem nơi những sai sót hằng ngày, phải chăng mình đã tự hào vì những hiểu biết riêng, tự phụ vì những khả năng riêng…
Rút kinh nghiệm, bạn hãy tỉnh thức, đừng xem thường bất cứ gợi ý nào của Chúa. Ví dụ: Bình thường, khát thì cứ uống nhưng hôm nay bạn sắp cầm ly rót nước lại linh cảm thấy mình được mời gọi hy sinh một chút. Nếu bạn vâng theo ngay, lòng bạn sẽ càng lúc càng tinh tế, bén nhạy. Với từng chút hy sinh nho nhỏ, ta sẽ góp gió thành bão, cơn bão làm lay chuyển vũ trụ.
Bạn hãy tập nghiêm túc chính xác từ nơi những điều rất nhỏ: viết chữ đúng qui cách, đúng chính tả, dùng chữ đúng, đặt câu đúng… mau mắn hưởng ứng một tín hiệu yêu thương, nhường nhịn, tha thứ… Cuối ngày, bạn hãy tổng kết bước tiến một ngày theo hướng ấy.
CHIA SẺ CUỐI NGÀY
CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CẦU NGUYỆN
Để tránh lạc vào thái độ ngộ đạo, trong tĩnh tâm ta không chia sẻ về hoa quả của cầu nguyện, chỉ chia sẻ về kinh nghiệm cầu nguyện.
– Khẩu nguyện: đọc thật chậm, từ dấu Thánh giá, kinh Lạy Cha
– Cầu nguyện thinh lặng lâu giờ: nhờ Chúa Thánh Thần, dựa trên Lời Chúa.
– Sống sự hiện diện của Chúa: dùng lời nguyện tắt từ xin ơn đến ngợi khen, chúc tụng.
– 8 bước trong bản hướng dẫn: Khó khăn nào? Vượt qua cách nào?
– Chia trí? Ứng phó thế nào?
TỔNG KẾT CUỐI NGÀY
Trong khoảnh khắc cầu nguyện cuối ngày, bạn ôn lại định hướng và những việc thực tập trong ngày :
- Định hướng
Mọi tội lỗi đều dẫn đến sự phủ nhận Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em để tự đề cao chính mình. Khi chạy theo ý riêng, người ta tự hào về sự hiểu biết của mình, dựa vào đó để phê phán và xét xử anh em (Thái độ Ngộ đạo). Khi cậy dựa vào sức riêng và những phương thế nhân loại, người ta gạt bỏ Thiên Chúa, chỉ tin vào bản thân và trần thế (Thái độ Pêlagiô). Cả hai thái độ ấy nói chung đều là sự tập trung vào mình, dẹp bỏ công cuộc Thiên Chúa để theo đuổi chương trình vả công cuộc riêng. Đã thật lòng về với Cha, ta cần xóa mình đi vì vinh danh Cha và vì hạnh phúc của anh chị em.
- 5 kinh nghiệm thực tập
– Luyện thinh lặng nội tâm: Thêm kinh nghiệm gì về thinh lặng nội tâm? Có dấu hiệu nào cho thấy đã tiến hay lùi về thinh lặng nội tâm?
– Cầu nguyện: Thêm kinh nghiệm gì về cầu nguyện.
– Tập phân định để nhận rõ ý Chúa: Hôm nay tấm lòng trong sạch bén nhạy bị gây nhiễu vì những bận tâm nào? Có lắng nghe và hiểu đúng những lời dặn của Người Hướng dẫn chăng? Nếu không, lý do tại đâu? Sợi tơ nằm ở phía nào? Hôm nay có gặp Người Hướng dẫn không? Nếu không, tại sao? (Việc gặp này là để chia sẻ về kinh nghiệm nhận định chứ không nhằm trao đổi các chuyện khác).
– Tập ứng xử theo đúng mục đích nhờ xem, xét, làm (lắng nghe, cân nhắc, đáp ứng hào hiệp như thế nào?).
– Tập tạ ơn và phó thác: Về điều gì?
(Còn tiếp)