(CN 5 TN B 2021)
Qua cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ cuối năm 2020 vừa qua, và cho đến những ngày “hậu bầu cử” khi thế giới bước vào năm 2021, người ta nói nhiều về quyền lực của những “lão đại gia công nghệ và truyền thông” (Big tech, Big media)[1]; và một cách nào đó, kể từ khi Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ bị các “Ông lớn” Twitter, Facebook… “khóa miệng”, cũng là lúc con đường “ở lại Nhà Trắng” của ông đã bị “bít lối” !
Mà thật ra, không phải chỉ trong thời đại hôm nay, mà từ xa xưa, trải qua các thời kỳ “hoang sơ hái lượm” cho đến khi “đặt chân lên mặt trăng”, từ lúc còn trao đổi giao tiếp qua những ký hiệu giản đơn, cho đến khi dùng chữ viết, và rồi, thiết lập các cổng giao tiếp viễn liên qua internet, điện thoại thông minh…, công cụ truyền thông, tuyên truyền, loan báo… luôn chiếm vị trí và vai trò quan trọng trong các lãnh vực cuộc sống.
Đặc biệt, trong lãnh vực niềm tin Kitô, việc loan báo, chuyển tải giáo lý, chân lý, đạo pháp… luôn là một ưu tiên hàng đầu, nên tác giả Thánh Vịnh trong Do Thái giáo trước thời Công Nguyên đã từng xác quyết: “Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu” (Tv 18,5). Và rồi, chính Đức Giêsu Kitô, Người được mệnh danh là “Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm” (Ga 1,14), một “phương thế truyền thông cuối cùng” mà Thiên Chúa đã dùng để chuyển tải chân lý cứu độ cho loài người: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2), cũng đã tận dụng tròn 3 năm trong cuộc đời công khai để “cật lực” truyền thông, rao giảng Tin Mừng như các sách Tin Mừng kể lại, hay như mô tả “chương trình một ngày truyền thông” của Ngài dưới ngòi bút của thánh sử Máccô trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ. (Mc 1,38-39).
Nếu kể từ Chúa Nhật “Chúa Giêsu chịu phép rửa”, sứ điệp Lời Chúa liên tiếp mở ra chương trình “rao giảng mầu nhiệm Nước Trời” và thực thi “công cuộc cứu độ qua các dấu chỉ phép lạ chữa lành” như những thể nghiệm ban đầu, thì Chúa Nhật hôm nay, CN 5 Thường niên chu kỳ năm B, Lời Chúa muốn trình bày những “nguyên tắc nền tảng” của Chúa Giêsu trong công cuộc loan báo Tin Mừng, hay nói theo ngôn ngữ đời một chút, những “chiến lược truyền thông” Ngài đề nghị cho Giáo Hội của Ngài thực hiện muôn nơi và muôn thuở.
Và sau đây là 3 điểm then chốt:
– Trước hết, rao giảng Tin Mừng luôn là một “lựa chọn thường xuyên” và “ưu tiên hàng đầu” của Hội Thánh và của những ai được tháp nhập vào Thân Mình Giáo Hội nhờ Phép Rửa. Giáo lý nầy được truyền dạy cách long trọng từ chính Đức Kitô trước khi Ngài về trời: “Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15); và được chính “Nhà Truyền Giáo vĩ đại” là Phaolô xác tín và chia sẻ lại cho muôn thế hệ Kitô hữu mà chúng ta vừa nghe lại nơi Bài đọc 2 trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Riêng Công Đồng Vatican, sau 20 thế kỷ trải nghiệm và đúc kết, đã không ngần ngại xác quyết rằng: “Truyền giáo chính là căn tính của Hội Thánh”: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, vì chính Giáo Hội được khởi sinh từ việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Sắc lệnh về Truyền Giáo – Ad Gentes, số 2)[2]; và Đức Giáo Hoàng Phanxico đã cho rằng: thực thi việc loan báo Tin Mừng chính là cách thể thăng tiến và kiện toàn nhân cách Kitô hữu: “Khi kêu gọi người Kitô hữu đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân. Bởi vì “ở đây chúng ta khám phá ra một qui luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta đạt được sự sống và làm nó phát triển tuỳ theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa của truyền giáo” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 10). Chính vì thế, thái độ thờ ơ, lãnh đạm, xem thường bổn phận thiết yếu nầy chính là một “trọng tội”, đồng nghĩa với việc “các ngươi đã không cho họ ăn…” (Mt 25,42) mà “Vị Thẩm Phán Tối Cao sẽ tuyên án trong ngày cánh chung”.
– Thứ đến, loan báo Tin Mừng theo phong cách Đức Kitô chính là “đồng hành”, đồng cảm, sẻ chia; là mang trái tim “chạnh thương” của người mục tử, là điểm tựa và niềm hy vọng cho những kẻ khổ đau, nghèo đói, bệnh tật, như cách mô tả của Tin Mừng về “một ngày cật lực, dày đặc công tác” của Chúa Giêsu: Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy.… Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ… Đây cũng là cách Thánh Phaolô đã sử dụng trong chiến lược truyền giáo của ngài: “tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi…” (BĐ 2).
Trong nhịp sống của Hội Thánh suốt 2000 năm nay, đã không thiếu những mẫu gương Tông Đồ theo gương Đức Kitô, dấn thân phục vụ và yêu thương trong mọi hoàn cảnh để Tin Mừng của Chúa thấm sâu vào mảnh đất tâm hồn của bao ức triệu con người. Trong những giai thoại, chuyện kể về gương tông đồ của các linh mục Việt nam trong thời bách hại, có câu chuyện “linh mục gánh nước thuê” thường được giáo dân truyền tụng[3].
– Cuối cùng, để việc loan báo Tin Mừng có chất lượng, đúng hướng và sinh hoa kết trái đích thực, người loan báo phải “cầu nguyện không ngừng”: Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Phải chăng, đây chính cách xác tín của Hội Thánh khi đặt “người nữ tu Dòng Kín Têrêsa Hài Đồng Giêsu” đứng ngang hàng hàng với vị thưa sai lừng danh Phanxicô Xavie trong “thiên chức” bảo hộ cho công cuộc truyền giáo.
Cùng với những điều cốt yếu trên, sứ điệp Lời Chúa hôm nay còn gởi đến chúng ta một “chứng từ” của sự hy sinh và “thinh lặng đợi chờ trong tin yêu phó thác của “ông thánh Gióp”, khi phải đối diện với những “thập giá hay đồi Sọ” của công cuộc loan báo Tin Mừng: “Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc” (BĐ 1).
Trong một thế giới quá ồn ào để không nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa mà “ra đi rao giảng”; và quá thế tục và ích kỷ để nhắm mắt trước những tiếng kêu thảm thiết của tha nhân, thì lời kinh “xin ơn thinh lặng” của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, vị tông đồ vĩ đại của thế kỷ 20, thật là thích hợp để chúng ta cùng cầu nguyện và suy tư trong những ngày “tất niên” nầy:
Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,
Xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,
Trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,
Biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,
Biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,
Để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,
Để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng trong miệng lưỡi,
Để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,
Tránh mọi lời nói gây đớn đau, đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,
Để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng, xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,
Để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,
Để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen.
Và đó cũng chính là những lời nguyện chúng ta dành cho nhau và cho chính mình trong thánh lễ hôm nay.
Giuse Trương Đình Hiền
[1] Xem: Bài viết: “Quyền lực của “big tech” của tác giả Hoàng Đình: https://thanhnien.vn/the-gioi/quyen-luc-cua-big-tech-1330337.html: …“Các “big tech” đã trở nên cực kỳ mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị. Họ tạo ra tác động to lớn đến cuộc sống thường nhật của mọi người, khi chúng ta đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào công nghệ để làm việc và kết nối với mọi người xung quanh”
[2] Xem thêm: Hiến Chế về Giáo Hội (Lumen Gentium) các số 1, 17.
[3] Vào thời vua Tự Đức cấm đạo gắt gao, có một linh mục tên “cụ Thanh” cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Đông Ba, kinh đô Huế. Ban ngày lam lủ tất bật tối về phố Gia Hội ngụ nơi nhà bà Tham. Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, trao ban các bí tích, nhất là bí tích giải tội cho các phạm nhân trong tù và những anh chị em Kitô hữu sắp ra pháp trường để lãnh triều thiên tử đạo. Khi linh mục Đặng Đức Tuấn, gốc địa sở Gia Hựu thuộc tỉnh Bình Định, bị bắt đưa về kinh đô Huế để xử, có được một thời gian tại ngoại thong dong để viết điều trần. Trong những ngày tháng ấy, cha Tuấn hay ghé lại thăm nhà bà Tham và được một người đầy tớ hầu hạ cơm nước tử tế. Sau nhiều lần gặp mặt, cha Tuấn linh cảm người đầy tớ nầy có nét thân quen, nên một hôm đã thẵng thừng hỏi: “Phải mầy không Thanh”. Người đầy tớ ấy đã trả lời : “Thưa phải”. Cha Tuấn sững sờ reo lên: “Trời đất ! Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra”. Nói đoạn, hai người ôm nhau niềm vui dâng lên trong nước mắt chan hòa… Thì ra đây là hai linh mục cùng học một thời tại chủng viện Penang (Malaysia), sau bao năm xa cách giờ mới gặp lại nhau !… Rồi Cụ Thanh lại tiếp tục nghề gánh nước thuê… Cho đến một ngày, triều đình ban bố sắc lệnh tha đạo, Đức Cha Bình (Sohier) ra mắt công khai và chọn ngày cử hành lễ tạ ơn trọng thể tại Kim Long, nơi đặt Tòa Giám Mục. Đông đảo giáo dân tụ hội. Có cả quan viên trong triều đình và bà con bên lương vùng kinh đô cũng đến quan chiêm. Chính trong thánh lễ trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Đức Giám Mục Sohier mà lại là… “cụ Thanh gánh nước”. Giáo dân ngỡ ngàng, người lương ngạc nhiên trong tiếng trầm trồ khen ngợi: “Ngỡ là ai, hóa ra cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ta ca Latinh thật hay, mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa…” (Những người lữ hành trên đường hy vọng, trang 116-117).