Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate

Views: 60

(Khoá Thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn, 18-21/9/2018)
Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Theo định nghĩa của Encyclopedia Britanica, tính hài hước có thể được diễn tả như một cảm quan giúp chúng ta nhìn nhận cách khoan dung những cái nghịch thường, lập dị của cuộc đời, và rồi chúng ta dùng lời nói, văn chương hay những loại hình nghệ thuật khác để nói lên cảm quan đó.[1] Để có một định nghĩa ngắn gọn về tính hài hước, ta có thể nói như sau: hài hước chính là khả năng biết cười trong mọi hoàn cảnh. Trong tác phẩm có tựa đề Cái cười của thánh nhân, tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã nêu lên 5 yếu tố chính của sự hài hước: tính bất ngờ, tính tự nhiên, tình thương, nói ngược hoặc cường điệu, giả vờ.[2] 

Trong chương 4 của tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Phanxicô đã đề cập đến 5 dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay. Đây không phải là tổng hợp một mẫu thánh thiện, nhưng là 5 cách diễn tả hùng hồn về tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, mà ngài cho là có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh của nền văn hóa hiện nay.[3] Niềm vui và sự hài hước được ngài xếp vào hàng thứ hai trong trong số 5 dấu chỉ ấy.[4] 

Niềm vui là dấu chỉ của sự thánh thiện, điều này dễ hiểu vì nó gắn liền với Tin Mừng cứu độ và thời đại Thiên Sai. Còn sự hài hước cũng được coi là một dấu chỉ của sự thánh thiện thì có lẽ là điều khá mới mẻ cần phải được tìm hiểu và trình bày rõ ràng hơn. Vì vậy, nội dung bài này xin được giới hạn trong đề tài: “Tính hài hước và sự thánh thiện”. 

Thiên Chúa là Đấng Thánh, điều đó ai cũng biết, nhưng Ngài có hài hước không, nếu có thì sự hài hước của Ngài có liên quan gì đến sự thánh thiện của Ngài không, và sự hài hước của con người có liên quan gì đến sự thánh thiện của họ không?

I. SỰ HÀI HƯỚC CỦA THIÊN CHÚA CHÍ THÁNH

Trong tác phẩm Thiên Chúa và trần thế, ký giả Peter Seewald đã hỏi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (sau này là ĐGH Bênêđictô XVI) như sau: “Chúa luôn tỏ ra nghiêm nghị, hay Ngài cũng có khi hài hước?” Đức Hồng Y trả lời: “Tôi tin rằng Ngài nhiều hài hước. Đôi khi Ngài đẩy nhẹ ta một cái và nhắc nhở: này con, đừng xem trọng mình! Hài hước thực ra là một thành phần trong bức tranh tươi vui của thụ tạo. Nếu để ý, ta thấy Chúa nhiều lúc trong cuộc sống cũng muốn ta đừng quan trọng hóa vấn đề, hãy hạ mình xuống, hãy nhìn khía cạnh tươi vui và đừng quên khuôn mặt hài hước của cuộc sống”.[5]

Kinh Thánh thuật lại rằng Thiên Chúa đã hứa ban cho ông bà Abraham và Sara một dòng dõi. Thế nhưng dường như Ngài quên mất lời hứa, nên hai ông bà đã đến ngày gần đất xa trời mà vẫn chưa có con. Rồi một hôm khi Abraham đã chín mươi chín tuổi, Chúa hiện đến với ông và phán: “Sarai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Sarai nữa, nhưng tên nó sẽ là Sara. Ta sẽ chúc phúc cho nó, Ta còn cho nó sinh cho ngươi một con trai. Ta sẽ chúc phúc cho nó, nó sẽ trở thành những dân tộc; vua chúa các dân sẽ phát xuất từ nó”. Ông Abraham cúi rạp xuống, ông cười và nghĩ bụng: “Đàn ông trăm tuổi mà còn có con được sao? Còn bà Sara đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?” (St 17,15-17). Sau đó Thiên Chúa lại hiện ra dưới dạng ba người khách bộ hành và được Abraham đón tiếp, Ngài lại báo tin cho biết độ này sang năm bà Sara sẽ có con để bồng bế. Bà Sara cười thầm và tự bảo: “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão!” (St 18,9-15). Bà không thể tin nổi! Thế nhưng, bà đã có thai và năm sau đã sinh hạ một đứa con trai, lúc ấy Abraham vừa đúng một trăm tuổi. Đúng là Thiên Chúa thích hài hước và sự hài hước của Chúa đã khiến cho cả ông Abraham lẫn bà Sara đều bật cười, và hai ông bà đã đáp lại sự hài hước của Chúa bằng cách đặt tên cho đứa bé là Isaac, như Thiên Chúa đã truyền. Tên Isaac trong tiếng Hipri có nghĩa là “xin Thiên Chúa cười”, và bà Sara nói: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười” (St 21,6). 

Trong hoang địa, dân chúng kêu than vì không có bánh ăn, Thiên Chúa đã ban cho họ manna từ trời rơi xuống để làm bánh ăn mỗi ngày. Dân chúng lại kêu than vì không có thịt, Thiên Chúa nổi giận, nhưng nhờ sự can thiệp của ông Môsê, Ngài truyền cho ông hãy nói với họ rằng Ngài sẽ ban thịt cho họ ăn, “không phải một ngày, hai ngày, năm mười ngày, hay hai mươi ngày mà thôi, nhưng suốt cả tháng, cho đến khi thịt lòi ra lỗ mũi” (Ds 11,19-20). Và Thiên Chúa đã thực hiện như lời Ngài đã nói: “Một luồng gió do Đức Chúa khơi dậy đã lùa chim cút từ phía biển tới và thổi chúng dạt xuống trại thành một đường dài đi một ngày mới hết, ở bốn phía chung quanh trại, dày tới một thước trên mặt đất. Dân bận rộn lượm chim cút suốt ngày suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau; người lượm ít nhất cũng được hai trăm thùng và họ đem phơi chung quanh trại” (Ds 11,31-32). Sự hài hước của Chúa đã được thể hiện trong lời nói và trong cả hành động, vì tình thương đối với dân Ngài.

Về phần Đức Giêsu, qua những câu chuyện do Tin Mừng thuật lại, chúng ta có thể thấy rằng Ngài cũng có óc hài hước, trong lời nói cũng như hành động. Khi dạy về việc đừng xét đoán nhau, Ngài nói một cách dí dỏm nhưng rất thâm thúy: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả, hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,3-5). 

Một hôm, ông Giairô, trưởng hội đường, mời Ngài đến chữa lành đứa bé gái của ông. Khi đến nơi thì đứa bé đã chết. Thấy người ta thổi kèn đám ma trước xác chết của em, Ngài nói: “Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mt 9,24), khiến nhiều người cười Ngài. Nhưng Ngài đã cho em sống lại trước sự ngỡ ngàng của mọi người. 

Khi thánh Phêrô hỏi Ngài rằng khi bị anh em xúc phạm thì phải tha thứ bao nhiêu lần, có phải đến bảy lần không, thì Ngài đã trả lời với lối chơi chữ thật sâu sắc mà cũng rất hài hước: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).
Trong vụ án người phụ nữ bị các luật sĩ và biệt phái tố cáo phạm tội ngoại tình, họ xin Ngài cho biết ý kiến về việc ném đá chị ấy, nhưng Ngài bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Lời nói của Ngài với một sự hài hước thâm thúy chẳng khác nào một hòn đá ném vào tận đáy lương tâm của họ. Và Ngài đã cúi xuống giả vờ vẽ vời trên cát, để tránh làm họ bẽ mặt. Sự hài hước của Chúa đã tạo ra một tình huống rất khôi hài nơi các luật sĩ và biệt phái: sau khi nghe Đức Giêsu nói, họ đã âm thầm và tuần tự rút lui, từ người già nhất đến người trẻ nhất. Những người biệt phái và luật sĩ cao niên vốn được mọi người tôn kính như những bậc thầy đạo cao đức trọng, giờ đây phải bẽ bàng nhận ra mình cũng là những người tội lỗi và càng nhiều tuổi thì càng có nhiều lỗi lầm. Không ai là người sạch tội để có quyền kết án kẻ khác! Nguyên cáo đã trở thành bị cáo bởi chính lương tâm của mình. Thật là một vụ án đầy tính hài hước có một không hai!

Trong bữa tiệc ly khi Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng đã đến giờ họ phải chiến đấu, một cuộc chiến đấu thiêng liêng, với kiểu nói tượng trưng: “Ai chưa có gươm thì hãy bán áo đi mà mua” (Lc 22,36); các môn đệ không hiểu ý Ngài nên đã thưa: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây”. Ngài liền bảo họ: “Đủ rồi!” (c. 38). Theo cách giải thích của các nhà chú giải Thánh Kinh, hai chữ “đủ rồi” không có ý nói về hai thanh gươm, nhưng có ý nói về sự ngu dốt của các môn đệ: “Đủ rồi sự ngu dốt của các anh !” hoặc: “Thôi đủ rồi! Đừng chậm tiêu như vậy nữa!” Từ lâu nay Đức Giêsu vẫn dạy sự hiền lành, tha thứ, không chống cự lại với người khác, chứ có bao giờ Ngài dạy dùng bạo lực đâu. Thế mà đến giờ phút ấy các môn đệ vẫn không hiểu lời dạy của Ngài, thậm chí Phêrô còn mang gươm vào vườn Giêtsêmani và chém đứt tai tên đầy tớ thượng tế, khiến Ngài phải quở trách: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).

Trong những câu chuyện trên đây, sự hài hước của Thiên Chúa khi thì mang tính bất ngờ, khi thì có vẻ như nói ngược, cường điệu, hoặc giả vờ, nhưng luôn luôn chứa đựng một tình thương.

II. TÍNH HÀI HƯỚC VÀ SỰ THÁNH THIỆN CỦA CON NGƯỜI

Thiên Chúa là Đấng Thánh và sự thánh thiện là một phẩm tính thuộc về bản chất của Ngài. Theo Thánh Kinh, con người được tạo thành giống hình ảnh của Thiên Chúa, mà nếu Thiên Chúa là Đấng Thánh thì bản tính con người cũng phản ánh sự thánh thiện của Ngài. Vì vậy ơn gọi nên thánh là ơn gọi chung của tất cả mọi người, để mỗi người phát huy sự thánh thiện vốn có nơi mình, như lời Thiên Chúa phán dạy: “Các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44) và theo nguyên mẫu là chính Ngài: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Sự thánh thiện là ơn gọi siêu nhiên của con người, nhưng không đối nghịch hay loại trừ bản tính tự nhiên của họ, trái lại bao trùm và góp phần làm thăng hoa bản tính ấy. Từ đó sự thánh thiện của con người phải được thể hiện cả trên bình diện nhân bản tự nhiên lẫn trên bình diện siêu nhiên. Sự hài hước có thể phục vụ sự thánh thiện của con người trên cả hai bình diện ấy. Đặc biệt, sự hài hước của một người vừa biểu lộ niềm vui của chính mình và đem lại niềm vui cho kẻ khác; nụ cười và sự hài hước cũng nói lên tâm tình biết ơn đối với Thiên Chúa.

. Sự hài hước biểu lộ và đem lại niềm vui, góp phần xây dựng nhân cách Kitô hữu

Nhân loại đang sống trong một thế giới thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ của nền văn minh vật chất và xã hội kỹ thuật. Đức Phaolô VI đã nhận định: “Xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui”.[6] Nhiều người cho rằng “giải trí, thú vui, tiêu khiển và thoát ly thực tế mới làm cho đời vui”, như lời Đức Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate.[7]

Trong một thế giới như thế, Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy thể hiện sự thánh thiện bằng cách chiếu tỏa niềm vui đích thực: “Con đường thánh thiện là nguồn của bình an và niềm vui mà Chúa Thánh Thần ban tặng chúng ta”.[8] “Đây không phải là niềm vui được quảng bá nơi nền văn hóa tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa ngày nay. Chủ nghĩa tiêu thụ chỉ làm phù nề trái tim. Nó có thể trao lạc thú chóng qua khi này khi khác, nhưng đó không phải là niềm vui”.[9] 

Khi nói đến việc nên thánh, người ta hay nghĩ đến khổ chế, hãm mình, hy sinh, và các vị thánh thường được diễn tả bằng những khuôn mặt nghiêm trang, trầm lặng, nếu không muốn nói là sầu bi. Tuy nhiên, để phản ứng lại cách diễn tả ấy, người ta vẫn thường nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”, bởi lẽ cười một cách lạc quan có lẽ là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin, của một vị thánh. Thánh Phanxicô Assisi có lần đã nói: “Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỉ, bởi vì chỉ có ma quỉ mới có đủ lý do để buồn phiền”.

Trong tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Phanxicô viết: “Các thánh không rụt rè, rầu rĩ, chua chát hay u uất, cũng không mang một vẻ mặt thê thảm, các ngài rất vui tươi và đầy khiếu hài hước lành mạnh. Mặc dù rất thực tế, các ngài vẫn phản chiếu một tinh thần tích cực và hy vọng. Đời sống Kitô hữu thì “đầy niềm vui trong Thánh Thần” (Rm 14,17), vì “hoa quả thiết yếu của đức ái là niềm vui; vì ai yêu thương thì vui mừng được kết hợp với người mình yêu… đức ái đem lại niềm vui”.[10]

Sau đó, Đức Thánh Cha viết: “Niềm vui của Kitô hữu thường đi kèm với một cảm thức hài hước. Chẳng hạn, chúng ta thấy điều này rõ ràng nơi các thánh Tôma More, Vinhsơn Phaolô và Philipphê Nêri”.[11] Cùng với niềm vui, sự hài hước cũng là một dấu chỉ của sự thánh thiện, vì nó vừa phát sinh từ một tâm hồn vui tươi, vừa đem lại niềm vui cho kẻ khác.

Hơn nữa, nếu thánh nhân là con người được coi là siêu thoát, thì đồng thời cũng phải là con người biết hài hước, bởi vì sự hài hước ăn rễ sâu trong sự siêu thoát của nhân cách đối với hoàn cảnh sống. Theo nghĩa ngày, mỗi vị thánh trong tiềm năng là một người có óc hài hước, cả khi xem ra như ngài rất nghiêm nghị, ít nói, đối với những ai không đủ khả năng để hiểu sự hài hước của ngài. “Các thánh gây ngạc nhiên cho chúng ta, các ngài làm ta áy náy, vì bằng đời sống của mình, các ngài thúc bách chúng ta dứt bỏ một tình trạng xoàng xĩnh buồn tẻ và ảm đạm”.[12]

Trong bài nói chuyện với giáo triều Rôma ngày 22.12.2014, Đức Phanxicô nói: “Một con tim đầy Thiên Chúa là một con tim hạnh phúc, chiếu tỏa và làm lan rộng niềm vui, nó được minh chứng ngay lập tức! Chúng ta đừng đánh mất tinh thần vui tươi, óc hài hước, thậm chí tự cười mình, những điều đó làm cho người ta dễ mến ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Một chút hài hước thật là tốt dường nào. Chúng ta sẽ làm tốt nếu thường đọc kinh của thánh Tôma More. Tôi vẫn đọc kinh đó hằng ngày. Câu cuối trong kinh nguyện của More là: “Lạy Chúa, xin cho con một cảm thức hài hước tốt lành. Xin ban cho con ơn hiểu biết những trò đùa, để khám phá trong cuộc sống một chút niềm vui và có thể chia sẻ niềm vui với người khác”. 

Ngày nay, trong một xã hội nặng về kỹ thuật khiến con người ngày càng trở nên như những cái máy, người ta muốn tìm lại cho mình một khuôn mặt nhân bản hơn, nên đã định nghĩa con người là một con vật biết cười, vì cười là nét đặc trưng của con người khác với các sinh vật khác. Và nếu theo mạc khải Thánh Kinh con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì nụ cười cũng là một nét đặc biệt trong hình ảnh ấy, nụ cười cũng phát xuất từ Thiên Chúa, cũng như sự thánh thiện là phẩm tính của Ngài. 

Để có thể hài hước và tạo nên niềm vui và nụ cười cho kẻ khác, thì chính mình phải là người vui vẻ, thoải mái. Đó là điều kiện tiên quyết cho nghệ thuật hài hước. Vì vậy, người có tâm trạng buồn phiền, tâm hồn cằn cỗi, cố chấp, bất an, giận hờn, ganh ghét nhỏ nhen không thể có khả năng hài hước. Để có được khả năng đó, cần phải tu tâm, dưỡng tính, tạo nên một bản lĩnh đạo đức, cao thượng, với tâm trạng lạc quan, thanh thản, vui vẻ hòa nhã, cùng với một trí tuệ sáng suốt, bén nhạy, có khả năng ứng biến khôn khéo, với lời lẽ ý nhị đúng thời đúng lúc, từ đó mới có thể truyền được niềm vui cho kẻ khác. Như thế, sự hài hước cũng là một cách để tự đào tạo nhân cách của mình.

Nhân cách chúng ta đề cập ở đây không chỉ là nhân cách nói chung, nhưng là nhân cách Kitô hữu mà đỉnh cao là sự thánh thiện Kitô giáo. Nếu sự hài hước giúp phát huy sự thánh thiện nơi con người, thì nó cũng góp phần vào sự hoàn thiện nhân cách của họ, như lời Đức Phanxicô động viên và giải thích: “Bạn đừng sợ nên thánh. Sự thánh thiện không tước đi năng lực, sức sống hay niềm vui của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều mà Chúa Cha nhắm đến khi tạo nên bạn, và bạn sẽ trung thành với bản ngã sâu xa nhất của mình. Việc ta phụ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải phóng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và giúp ta nhận ra phẩm giá cao cả của mình”.[13]

. Sự hài hước nói lên lòng biết ơn Thiên Chúa

Nụ cười là một trong những món quà tuyệt vời nhất Thiên Chúa gửi đến cho con người. Ngoài ra, nụ cười còn là dấu chỉ của ân sủng. Đức J. Ratzinger đã viết: “Ở đâu sự hài hước không còn, thì ở đó chắc chắn cũng không còn tinh thần của Đức Kitô, vì niềm vui là dấu chỉ của ân sủng”.[14] Niềm vui của người tín hữu là một thái độ nói lên lòng biết ơn của họ đối với Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Ngài ban xuống cho họ. Vì thế Đức Phanxicô đã viết: 

“Chúng ta nhận dồi dào mọi sự từ Chúa “để hưởng dùng” (1Tm 6,17), đến nỗi sự buồn phiền có thể là một dấu hiệu của thái độ vô ơn. Chúng ta có thể quá bận tâm với chính mình đến mức không thể nhận ra những quà tặng của Thiên Chúa”.[15] “Với tình yêu của người cha, Thiên Chúa bảo chúng ta: “Con ơi, hãy làm cho đời con tốt đẹp… Đừng từ chối không hưởng một ngày vui” (Hc 14,11.14). Ngài muốn chúng ta có thái độ tích cực, biết ơn và thoải mái: “Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng… Thiên Chúa dựng nên con người vốn đơn sơ ngay thẳng, nhưng chính họ lại đi tìm đủ chuyện rắc rối quanh co” (Gv 7,14.29). Dù gặp trường hợp nào, chúng ta cũng giữ thái độ tích cực và bắt chước Thánh Phaolô: “Tôi đã học biết vui lòng với điều tôi có” (Pl 4,11). Thánh Phanxicô Assisi đã sống tinh thần này; ngài có thể tràn ngập lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì khô, hay hớn hở ngợi khen Thiên Chúa chỉ vì một thoáng gió mát mơn trớn qua khuôn mặt mình”.[16]

Các tín hữu không phải chỉ vui để bày tỏ lòng biết ơn khi được Chúa ban an lành hạnh phúc, mà còn vẫn có thể vui và thậm chí còn tỏ ra hài hước để nói lên lòng biết ơn Thiên Chúa cả khi gặp thử thách gian nan, như ông Gióp đã nói trong cơn quẫn bách: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,21). 

Cuộc đời của các Kitô hữu trên trần gian là một cuộc đời đầy gian nan thử thách, tuy nhiên họ vẫn luôn vui cười và thậm chí còn biết hài hước, vì họ ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương và đồng hành. “Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta: “Anh em sẽ ưu sầu, nhưng nỗi ưu sầu của anh em sẽ biến thành niềm vui… Thầy sẽ đến với anh em và lòng anh em sẽ vui mừng, và không ai có thể tước mất niềm vui của anh em” (Ga 16,20.22). “Thầy nói với anh em những điều này, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 15,11)”.[17] 

“Những thời khắc khó khăn có thể xảy đến, khi mà thập giá xuất hiện, nhưng không gì có thể phá hủy niềm vui siêu nhiên vốn “thích nghi và thay đổi, nhưng luôn luôn bền bĩ, ngay cả như một tia sáng phát xuất từ sự xác tín trong lòng chúng ta rằng, sau tất cả, chúng ta được yêu thương vô hạn”. Niềm vui ấy mang lại sự an toàn sâu xa, niềm hy vọng vững chắc, và một niềm vui thỏa thiêng liêng mà thế gian không thể hiểu hay quí trọng”.[18]

Sở dĩ các tín hữu có thể vui cười và hài hước ngay trong thử thách như thế là vì chính niềm vui ấy là một ân huệ do Thiên Chúa ban, chứ không phải tự sức họ. “Điều này mời gọi chúng ta hân hoan sống tâm tình biết ơn về ân ban mà mình hoàn toàn bất xứng này, vì khi người ta nhận được ân sủng, thì ân sủng đã nhận được ấy không thể do người ta xứng đáng”.[19] 

Niềm vui và nụ cười phát xuất từ một tâm hồn hài hước, khiến cho bất cứ điều tồi tệ nào cũng có thể vượt qua hoặc chấp nhận dễ dàng. Mahatma Gandhi viết: “Óc hài hước là cây gậy giữ thăng bằng khi chúng ta đang bước đi trên sợi dây cuộc đời. Nếu chúng tôi không có óc hài hước thì chắc chắn chúng tôi đã tự tử lâu rồi”. 

Ai cũng ghê sợ bệnh phong cùi, nhưng khi cha Đamiên, vị tông đồ nổi tiếng của các bệnh nhân phong tại đảo Molokai, thấy mình bị nhiễm bệnh ấy thì vui vẻ nói: “Tuyệt, từ nay thay vì bắt đầu bài giảng bằng câu: anh chị em thân mến, tôi sẽ nói là: thưa các bạn phong thân mến của tôi”. Các thánh dẫn ta tới sự thánh thiện trong tươi cười. Người ta kể lại rằng thánh Tôma More lúc lên máy chém đã nói với lý hình: “Xin hãy giúp tôi bước lên, còn lúc xuống thì tôi xuống một mình cũng được”.

Sau thời cách mạng Pháp 1789, tinh thần bài giáo sĩ tại nước này đang lên cao. Một hôm có hai sĩ quan từ lâu đã mất đức tin đang đi trên đường thì nhìn thấy từ đàng xa cha thánh Gioan Maria Vianney với chiếc áo dòng đen đang đi ngược chiều về phía mình. Hai viên sĩ quan mới nói với nhau: “Nghe đồn rằng ông cha này đạo đức thánh thiện và bác ái, vậy chúng ta hãy thử xem ông ta thực sự có lòng thương người như người ta đồn đãi hay không!”. Vậy khi cha thánh đến gần, hai chàng sĩ quan giả bộ người lỡ đường và nói với ngài rằng:

– “Thưa cha, chúng con là những binh sĩ về phép, dọc đường bị trộm móc túi hết cả tiền bạc và phải nhịn đói, vậy xin cha giúp chúng con một ít tiền để mua thức ăn cho đỡ đói”.

Cha thánh lộ vẻ lúng túng, đoạn ngài bảo hai chàng chờ một chút, rồi ngài tiến đến một bụi rậm. Một ít phút sau ngài bước ra tiến lại gần hai chàng thanh niên với chiếc quần tây được xếp ngay ngắn trên tay và nói:

– “Tiền bạc thì tôi không có, nhưng hai anh có thể cầm đỡ chiếc quần này của tôi đem bán, mặc dù nó cũ nhưng vẫn còn bán được đấy!”

Lúc ấy hai chàng sĩ quan quá xúc động mới thú thực rằng họ chỉ có ý thử ngài thôi. Hai chàng cũng cho ngài biết họ đã bỏ đức tin từ lâu, nay nhìn thấy tấm gương sáng của ngài, họ muốn xin xưng tội và hứa sẽ giữ đạo đàng hoàng. Bấy giờ cha thánh ngước mắt lên trời và nói:

– “Lạy Chúa, Ngài thật quá ư quảng đại! Con chỉ hy sinh có một chiếc quần cũ mà Chúa lại ban cho con những hai linh hồn!”
Lời nguyện tạ ơn đầy tính hài hước của cha thánh Vianney đã bộc phát một cách hết sức tự nhiên từ một niềm tri ân sâu xa đối với Thiên Chúa.

KẾT LUẬN

Con người là con vật biết cười và nụ cười là một bông hoa mà Thiên Chúa đã sớm đặt trên môi miệng chúng ta ngay từ thời thơ ấu. Trước khi biết diễn tả bằng bất cứ cách nào, trẻ thơ đã biết nhoẻn miệng cười, và cái cười của nó làm cho mọi người được sung sướng. Trước khi con người làm bất cứ việc gì, họ đã biết nô đùa. Trong những lúc như thế họ cảm thấy thật là hạnh phúc.

Nhưng trong nền văn minh vật chất và khoa học kỹ thuật ngày nay, con người có nguy cơ trở thành những bộ máy vô hồn, phải vận hành theo một cơ chế đã được lập trình sẵn, cuộc sống bị ngột ngạt khó thở do ảnh hưởng của những chủ thuyết một chiều, đến độ không dám nói những gì mình nghĩ, không dám làm những gì mình muốn, tất cả những điều đó đã đánh cắp niềm vui của họ.

Ngày xưa, Chúa Giêsu đã phản ứng lại sự cứng ngắt của luật Môsê bằng cách giới thiệu con đường nên thánh qua bài giảng trên núi, mở đầu bằng Tám mối phúc thật chứa chan niềm vui, ngay cả trong đau khổ thử thách. Nay Đức Phanxicô cũng muốn phản ứng lại nền văn minh vật chất đầy tiếng động vô hồn buồn bã của máy móc, bằng cách hướng dẫn dân Chúa đi trên con đường thánh thiện bằng niềm vui mà Chúa Giêsu đã đem lại. Với sức mạnh của niềm vui này, con người có thể xây dựng sự thánh thiện của mình bằng những nụ cười khi được hạnh phúc, hay bằng những hài hước lúc gặp khó khăn, với tất cả tâm tình biết ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài ban khi bình an cũng như lúc gặp nghịch cảnh.



 

 

[1] Xem “Humor” trong Encyclopedia Britanica, quyển 11, 1959, tr. 885-887.

[2] NGUYỄN DUY CẦN, Cái cười của thánh nhân, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn 1972, tr. 31-74.

[3] ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate (Hãy vui mừng và hân hoan), số 111.

[4] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 122-128.

[5] J. RATZINGER, Thiên Chúa và trần thế, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2011, tr. 15.

[6] ĐỨC PHAOLÔ VI, Tông huấn Gaudete in Domino (9-5-1975), số 8.

[7] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 75.

[8] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 164.

[9] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 128.

[10] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 122.

[11] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 126.

[12] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 138.

[13] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 32.

[14] J. RATZINGER, được trích dẫn trong B. HÄRING, Tự do và trung thành trong Đức Kitô (Free and faithful in Christ), tập III, do Lm Dom. Nguyễn Đức Thông dịch, tr. 533.

[15] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 126.

[16] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 127.

[17] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 124.

[18] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 125.

[19] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 54.

Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi