Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

TÌNH YÊU VÀ “CON ĐƯỜNG GIẢI ÁCH”

(Gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 14 Thường niên năm A 2020)

Đã lâu rồi, hình chưa chưa có một “mùa Xuân-Hè” nào mà thế giới phải oằn vai dưới gánh nặng của bất an, chết chóc, bạo lực và khủng hoảng như “mùa Xuân-Hè” năm 2020 nầy.

            Thật vậy, khi cái “ách” lạnh lùng chết chóc của con virus Corona Vũ Hán vẫn còn lấp lửng đâu đó trên khắp mọi miền thế giới, thì nhiều cái “ách khác” lại liên tiếp xuất hiện: những cuộc biểu tình bạo loạn mang tên “BLACK LIVES MATTER” (BLM), tại Mỹ và Âu Châu, những cuộc đụng độ và động binh của các cường quốc nguyên tử trên biên giới Hy Mã Lạp Sơn: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan ; luật an ninh siết chặt tự do tại Hồng Kông của chính quyền Trung Quốc…

            Vâng, thế giới muôn nơi muôn thuở luôn khát vọng có được những ngày “tự do” thanh bình, thoát khỏi mọi xích xiềng nô lệ, mọi áp bức bất công, mọi đe doạ khủng bố, mọi thiên tai dịch bệnh, chiến tranh hận thù…

            Cách đây 2000 năm, vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ thứ nhất, dân Do Thái cũng đang oằn mình dưới cái “ách thống trị” của đế quốc Rôma, dưới cái “gánh nặng lề luật” của giới tăng lữ và bao nhiêu khổ cực lầm than của đói khát bệnh tật… ; và phần đông đám dân đen khố rách áo ôm đang khát mong một cuộc giải phóng, một biến cố đổi đời, một viễn tượng “độc lập tự cường ấm no hạnh phúc” mà các tiên tri đã bao lần loan báo…

            Đùng một cái, chàng thợ mộc Giêsu xuất thân từ Na-da-rét, đăng đàn giảng đạo về “câu chuyện Nước Trời” cùng với bao chuyện động trời khác mà chủ yếu đó là một cuộc “giải ách”, như chính đương sự đã xác quyết với các môn đệ của ông Gioan:

Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (Mt 11,4-6).

            Nhưng đằng sau công cuộc “giải ách” của Thầy Giêsu là cả một “con đường hoán cải” triệt để, một nẻo “tu thân tích đức” mệnh danh “Tám Mối Phúc Thật” mà không phải ai hay không phải một sớm một chiều được đón nhận. Phần đông người ta chỉ thích “bánh mì để ăn cho đầy bụng”, thích “phép lạ” để thoả mãn hiếu kỳ, thích quyền lực chính trị và giàu sang kinh tế để hãnh tiến với lân bang…mà không chịu đổi đời, chuyển biến, đến nỗi Ngài đã gần như không giấu nỗi bực tức khi nói thẳng: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,21-24).

            Nhưng ngoài cái đám đông mang đầy não trạng thế tục, nhất là cái đám thường xuyên tự vỗ ngực xưng mình là trí thức đạo đức, nắm vững Lề Luật, nhất định khước từ hoặc lãnh đạm với lời huấn đạo của Chúa Giêsu, vẫn còn những tâm hồn đơn sơ bé mọn, đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Ngài với tất cả thái độ khiêm hạ: Nhóm Mười Hai Tông đồ và các môn đệ, người đàn bà Canaan, ông ty trưởng thuế vụ Giakêu, gia đình các chị em ở Bêtania, người phụ nữ ở Magdala…; đó là chưa kể những con người có liên hệ mật thiết đến công cuộc “vào đời” của Ngài như Mẹ Maria, thánh Giuse, ông Giacaria, bà Isave, Gian Tẩy Giả…

            Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc lại lời cầu nguyện đặc biệt của Đức Kitô nhấn mạnh đến những đối tượng nầy: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.” (Mt 11,25-26).

            Và từ sự cảm nhận thiên linh đó, Đức Kitô đã đề nghị hẳn một con đường hành động, một chọn lựa nghiêm túc để được “giải ách” dành cho những ai được Chúa Cha mặc khải: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

            Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: sứ điệp Phụng Vụ hôm nay mời gọi chúng ta cùng tiến vào mái trường của Chúa Giêsu để được thụ huấn bởi chính “Vị Rabbi” vĩ đại nầy ; và chân lý sống cốt yếu mà Ngài muốn truyền thụ lại được gồm tóm trong hai nhân đức căn bản: Hiền Lành và Khiêm Nhượng: “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

            Không chỉ là nhân đức, Hiền lành-Khiêm nhường còn là vũ khí chiến đấu của niềm tin mà Thiên Chúa đã vạch ra trên suốt chiều dài của lịch sử cứu độ. Ngài đã sử dụng những con người, những phương tiện xem ra bé nhỏ, giản đơn, nghèo hèn, để chiến thắng những đầu óc ngông cuồng, những trái tim kiêu căng hợm hĩnh. Một Môsê bé bỏng trôi nổi bồng bềnh trong cái thúng đã vươn lên chiến thắng Pharaô kiêu hùng…; một Juđitha liễu yếu đào tơ đã chặt đầu đại tướng Hôlôphê ; một Esther hoàng hậu cùng với dân tộc Ít-ra-en đứng bên bờ vực thẳm của sự tiêu diệt, đã quật ngược thế cờ…           

            Và khi tới thời viên mãn, sứ ngôn Gia-ca-ri-a trong Bài đọc 1 hôm nay, đã trình bày dung mạo của Đấng Cứu Thế như thế nầy: “Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Đấng công chính và là Đấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ…” ; nhưng lại là Đấng “đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất”.

            Đó chính là hình ảnh tiên trưng về Chúa Giêsu, Đấng đã tiến vào Giê-ru-sa-lem cũng trong cung cách hiền lành như thế để hoàn tất sứ mệnh cứu thế bằng cái chết tủi nhục thương đau trên thập giá ; một sự hạ mình khiêm nhượng thẳm sâu, một sự hiền lành cho đến mức cuối cùng để nhờ đó tội lỗi được thứ tha, ma quỷ bị đánh bại, Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu độ.

            Thế nhưng, đối với nhiều người, chấp nhận đi con đường của Đức Ki-tô, chấp nhận thực hành bài học khiêm nhường và hiền lành của Chúa Cứu Thế, con đường của Tám Mối Phước Thật…vẫn luôn là một cái “ách”, một “gánh nặng” mà họ không thể mang nổi, hay nếu có mang, thì cũng trầy trật, dở dang, chẳng đem lại ích lợi gì. Bằng chứng là đã có biết bao người đã ra đi khỏi mái nhà Hội Thánh, đã chọn những bước chân tự do của Giu-đa Is-ca-ri-ốt ra đi trong “bóng tối” với 30 đồng bạc phản bội, thay vì ở lại nơi Bàn Tiệc Ly với Thầy và anh em.

            Cũng y chang như thế, ngày hôm nay, có biết bao đôi vợ chồng đã vất đi cái “ách của bí tích Hôn Phối” mà họ đã long trọng cử hành để được được tự do chạy theo những xúc cảm và đam mê của ngoại tình ; biết bao bạn trẻ đã khước từ cái “gánh nặng của nhân đức khiết tịnh, trong sạch” để được tự do luyến ái trước hoặc ngoài hôn nhân ; biết bao những người mẹ, người cha sẵn sàng vất đi mạng sống của chính con mình vì sợ “gánh nặng phải đẻ đau, nuôi dạy hay những phiền phức khác cho hạnh phúc cá nhân…” ; biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ cởi bỏ áo dòng, đoạn tuyệt lời cam kết…để tự do xây lâu đài hạnh phúc trần tục…

            Phải chăng vì cảm nhận được sức nặng của cái “Ách” Tin Mừng, cái “Gánh” Lời Chúa và Thánh ý Ngài, mà Thánh Phaolô muốn chúng ta phải luôn cậy nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.” (Rm 8,9.11)

            Thánh Thần chính là “Tình Yêu”. Với “Tình Yêu”, thì bất cứ cái ách nào cũng trở nên êm ái, bất cứ gánh nặng nào cũng trở nên nhẹ nhàng…giống như cái “ách” trên cổ và cái “gánh” trên đôi vai của ông Lê Văn Hồng, người cha đã cõng người con là Lê Xuân Bách suốt 18 năm[1] ; hay đã lâu rồi, như cái “ách” và cái “gánh” trên cuộc đời thủy chung, tha thiết của tình yêu nơi người chồng Trương Văn Chín và người vợ tật nguyền đi xe lăn Nguyễn Thị Phương[2]

            Và như thế, với sứ điệp lời Chúa được đề nghị hôm nay, chúng ta lại được dẫn tới một bài học thứ hai: để học được với Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng thì trước hết và trên hết, chúng ta phải đón nhận tất cả trong tình yêu, phải nhận ra cái “ách” và cái “gánh nặng” trên đôi vai cuộc đời chính là “tình yêu”.

            Bởi vì như chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào “Tổ Ấm” Folcolare, đã phát biểu: “Những chiến tích lừng danh mà thiếu tình yêu thì chỉ còn là mây khói”. Amen.

                       

Trương Đình Hiền

[1] Ông Lê Văn Hồng cõng con là thí sinh Lê Xuân Bách, bị teo cơ, lên Hà Nội thi vào Đại học. Ông đã cõng con như thế suốt từ 18 năm nay, kể từ Lê Xuân bách lên 4 tuổi. Bản tin của trang mang vnExpress đăng ngày 5/7/2014.

[2] Chị Nguyễn Thị Phương, người phụ nữ nằm liệt giường suốt 9 năm trời, và anh Trương Văn Chín, một người đàn ông khỏe mạnh bình thường, đã vì tình yêu cũng như tình thương sâu sắc mà hy sinh cuộc đời, chấp nhận làm chồng của chị mặc dầu chị bị tật nguyền…