Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

TRƯỜNG CA “CON ĐƯỜNG CÁI QUAN MÙA VỌNG”

(Chúa Nhật II MV năm B 2020)

Nghe ngôn sứ Isaia “tám” chuyện “dọn đường, sửa đường”, chợt nhớ những lời ca và giai điệu bất hủ trong Trường ca “CON ĐƯỜNG CÁI QUAN” của cố nhạc sĩ lừng danh Phạm Duy. Thật vậy, đây là một “tuyệt phẩm” âm nhạc của Miền Nam Việt nam trước thời 1975, một “trường ca” đúng nghĩa kể lại câu chuyện về con người và đất nước Việt Nam dọc theo “Con đường cái quan” từ “Ải Nam Quan” cho đến “Mũi Cà Mau”. Khúc trường ca nầy được nhạc sĩ tài danh Phạm Duy sáng tác trong suốt 7 năm (1954-1960) diễn tấu với 19 đoản khúc trên nền dân ca của ba miền Bắc, Trung, Nam.

            Và trong đoản khúc mở đầu, tôi nhớ có hai câu:

Hỡi anh đi đường cái quan,

Dừng chân đứng lại cho em than đôi lời…

            Trên “con đường cái quan phụng vụ” hôm nay, chúng ta cũng “dừng lại” để nghe Lời Chúa “than đôi lời” với chúng ta…

            Đời sống Kitô hữu, dọc theo con đường phụng vụ của Hội Thánh, cũng là những kẻ “đi đường cái quan”; nhất là sứ điệp Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng nầy, chủ đề “con đường” gần như là một “leimotiv” của “trường ca phụng vụ Mùa Vọng”. Nên, chẳng lạ gì, trong các nhà thờ Công Giáo (Việt nam), trong những này nầy, người ta nghe vang vọng những câu ca như: “Có tiếng kêu từ nơi hoang vắng mau dọn đường cho Chúa…”, “dọn đường cho Chúa đi, dọn đường cho Chúa đi”… Vâng, chúng ta được mời gọi sống “mầu nhiệm con đường”, sống thời gian Phụng Vụ Mùa Vọng nầy bằng một thái độ đức tin đầy năng động tích cực: Tin tưởng vào con đường tình yêu của Thiên Chúa và chuẩn bị một con đường tâm linh xứng hợp để đón gặp Chúa đến.

            Và Lời Chúa hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta những thái độ thích hợp để sống trọn vẹn ý nghĩa của Mùa Vọng, Mùa đợi chờ Chúa đến.

            Trước hết, đó là chuyện “con đường” trong sứ điệp của ngôn sứ Isaia, những lời tiên tri về “con đường hồi hương” trở lại Giêrusalem của dân Israel sau những tháng năm lưu đày rệu rã nơi đất khách quê người ở Babylon: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán…”.

            Sau cái “bản tin động trời” của nhà “tiên tri thi sĩ” đó, chuyện gì đã xảy ra?

Có đấy ! Lịch sử của dân tộc Israel đã ghi rằng: Khoảng năm 539 trước công nguyên, Vua Kyrô của Ba-Tư chiếm Ba-by-lon và đã ra sắc chỉ cho phép đoàn dân Do Thái lưu đày được hồi hương, Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Hồi đó, một nỗi vui tràn trào dâng ngập lòng dân Israel. Nhiều con đường xuyên qua hoang mạc đã rộn ràng chân bước với nỗi vui ngút ngàn. Dân Israel cứ tưởng rằng, mọi con đường dẫn đến Thiên Chúa, dẫn về Giê-ru-sa-lem đã bế tắt, đã đóng lại, đã sụp đổ. Thế nhưng, Thiên Chúa, qua miệng các sứ ngôn, như với ngôn sứ Isaia trong trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố hôm nay, đã mở ra những nẻo đường hy vọng. Thiên Chúa vẫn mở ra những con đường của khoan dung và tha thứ, giải thoát và cứu độ.

Dân Israel đã cảm nhận tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho họ quá thực, quá rõ như Isaia minh họa: “Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”. Và họ đã bỏ lại tất cả; bỏ lại nỗi buồn, niềm đau, thất vọng…; bỏ lại tâm thức ngoại giáo, duy vật, vô thần mà cuộc sống lưu đày đã hằn sâu bao năm tháng. Hành trang họ mang theo bây giờ chính là niềm tin yêu, trông cậy cùng với những “con tim hoán cải theo những lời giao ước” mà họ đã một thời lãng quên. Con đường về Giêrusalem hối thúc: Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng…”.

Nhưng thật ra, lời tiên báo của Isaia hay câu chuyện hồi hương thời vua Kyrô trong Cựu ước chỉ là “tiên trưng”, báo trước cuộc “Thiên Chúa trở về” đích thực trong biến cố Đức Kitô.

Thật vậy, Nếu Isaia đã loan báo có những con đường trong hoang mạc để khơi lên niềm hy vọng về một Thiên Chúa đang trở về, thì sau đó 600 năm, vào thập niên 30 của thế kỷ thứ nhất, cũng tại vùng đất Palestina khô cằn sỏi đá, Gioan với biệt danh “Tẩy Giả”, trong vóc dáng của một “tiên tri lập dị”, đã lặp lại lời rao giảng của Isaia như lời kể của thánh sử Máccô để chuẩn bị đón chào một biến cố trọng đại: Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Đây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Gioan “Tẩy Giả” cũng loan báo một tin vui, tin “Thiên Chúa đang trở về”, “đang đến trong con người Giêsu làng Nadarét” mà ông đã trân trọng xác định nhân thân: “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

Và sau “bản tin động trời” đó đã xảy ra chuyện gì ?

            Những chuyện ngập tràn niềm vui: Vui như “Tiệc cưới ở Cana, nước lã hoá thành 600 lít rượu ngon”; vui như những kẻ què đi, mù thấy, câm nói được; những kẻ cùi phung được lành, những người bị quỷ ám được giải thoát, những phụ nữ bị loạn huyết lâu năm bình phục…; và cả chuyện vui động trời: con trai bà góa được mang đi chôn bỗng dưng hồi sinh; hay Ladarô, em trai của hai cô Matta và Maria, chôn được 4 ngày đã sống lại

Rồi người ta lại còn nghe: ông trưởng tuy thuế vụ Giakê mang tiếng tham nhũng, xảo quyệt tham lam đã cải tà qui chánh; cô Maria “mang tiếng xấu cả thành” đã trở lại hoàn lương, anh chàng Lêvi đã bỏ bàn đếm tiền thu thuế đi làm sứ đồ; hay chuyện người thiếu phụ nhà quê tội nghiệp lỡ phạm tội ngoại tình được cứu thoát khỏi bị ném đá; chuyện 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé đã trở thành đại tiệc đãi phủ phê cả trên năm ngàn thực khách

Và cứ như thế, trên khắp mọi nẻo đường Palestina đâu đâu cũng đuợc nghe một “TIN MỪNG”: “Tin mừng Nước Thiên Chúa” đã đến trong “Đấng được Thần Khí Chúa xức dầu tấn phong để loan Tin mừng cho người nghèo”; “Tin mừng Thiên Chúa là Cha yêu thương đón đợi đứa con hoang trở về”; “Tin Mừng về Người mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc”; “Tin mừng về một Bàn Tiệc Nước Trời luôn mở cửa”; “Tin mừng về một vườn nho có cả những người công nhân giờ thứ 11”; “Tin mừng về một cuộc tái sinh vào đời sống mới qua nước và Thánh Thần”; “Tin mừng về một cuộc sống phục sinh nhờ cùng ăn Tấm Bánh Thần Linh từ trời ban tặng”; “Tin mừng về một thế giới được qui tụ thành một gia đình con cái Thiên Chúa, mà luật pháp cốt yếu lại là tám con đường đi mang tên Tám Mối Phúc Thật”; “Tin mừng về một Đấng Mêsia đích thực là ‘Con Vua Đavit’ đã hiên ngang xác nhận: “Ta là Con Đường, Là Sự Thật và là Sự Sống”

Và từ đó, “con đường Kitô”, con đường của Tin Mừng cứu độ qua “thập giá và phục sinh” đã mở ra trên mọi miền thế giới, đan chéo khắp năm châu bốn biển… Vâng, Đức Kitô chính là Con Đường đẹp nhất, đáng đi nhất, và chính Ngài đã thiết dựng những con đường đích thật để dẫn lối đưa đường cho mọi người về hạnh phúc vĩnh hằng… Mùa Vọng đang khơi dậy nơi tất cả mọi người Kitô hữu chúng ta niềm tin và hy vọng vào con đường yêu thương của Thiên Chúa, con đường dẫn tới Chúa Kitô, dẫn tới mầu nhiệm Nhập Thể- Giáng Sinh đang đến gần.

Thế nhưng, những con đường của Isaia, của Gioan Tẩy Giả, và rồi, những con đường Đức Kitô đã đi qua, đã gọi mời từ hai ngàn năm trước vẫn mãi là những “ước mơ”, là “mùa vọng” để vươn tới trong một thế giới mà đó đây vẫn còn những “đại lộ kinh hoàng của mùa hè đỏ lửa” (Phan Nhật Nam), những “con đường đi không đến” (Xuân Vũ) như “con đường mòn Hồ Chí Minh đầy máu xương và nước mắt của thời huynh đệ tương tàn”; vẫn còn những con đường đầy bom rơi đạn lạc ở Syria, ở A-phú-Hãn…; nhất là vẫn còn những con đường hận thù đố kỵ mang tên “ý thức hệ”, nhuốm màu “bất bao dung”, dán nhãn “hận thù dân tộc”, nhân danh “lợi ích kinh tế”, tự hào “chủ nghĩa cá nhân”…

Phải chăng vì thế mà Mùa Vọng của chúng ta sẽ mãi là “câu chuyện mới bắt đầu của hôm nay”, và việc “sửa dọn con đường” để “đón Chúa đến” vẫn mãi là “thời sự nóng hổi của lúc nầy”. Bởi chưng, như kinh nghiệm và giáo huấn của Thánh Tông đồ Phêrô, công cuộc dựng xây một “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” luôn đòi hỏi mỗi người chúng ta phải “cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”.

Nếu trong cuộc sống đời thường, người ta vẫn mơ ước những con đường đẹp như cách diễn tả của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ “đường về thôn em duyên dáng bên ven sông con thuyền xuôi mái”, “đường về thôn anh con sáo ru êm êm trên đồng xanh lúa…”, thì như gợi ý của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi phải Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi, đường đến anh em đường đến bạn bè…”; thì trong nhịp sống đức tin, càng cần biết bao những “con đường lòng”, “ những con đường từ trái tim đến trái tim”, những con đường được “sửa dọn” bằng thực hành thiện lương, được “san lấp” bằng ăn năn hoán cải”; và như thế, “con đường cái quan của Mùa Vọng” sẽ là một “trường ca mang giai điệu tuyệt vời cho chính mình và cho nhân thế”. Amen.

 

Trương Đình Hiền