Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

TỪ BAO DUNG ĐÓN NHẬN ĐẾN QUẢNG ĐẠI SẺ CHIA

(CHÚA NHẬT 26 TN B 2021)

            Trong cái thời đại dịch mà gần như ai cũng hoang mang, lo sợ; thậm chí có nhiều người hoảng loạn, thất vọng và nguyền rủa…, thì đâu đó vẫn sáng lên những hình ảnh đẹp của sự chia sẻ yêu thương, của tinh thần liên đới phục vụ đầy quả cảm, hy sinh, vị tha, quảng đại; cả trên bình diện thế giới giữa nhiều quốc gia, lẫn trong những mối tương quan bà con xa gần trong nước, thành phố, hay nơi chòm xóm láng giềng….Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” của cách ly dịch bệnh tại Sài Gòn, hình ảnh của nữ tu Công Giáo Maria Hồng Quế, bên cạnh những Phật tử như cô Đào, Đại đức Thích Lệ Ngôn hay mục sư Tin Lành Phạm Đình Nhẫn cùng sát cánh bên nhau mang lương thực sẻ chia đến những căn hộ đói khổ, nghèo nàn, đã rực sáng lên như những “viền bạc” của tình liên đới giữa đám mây đen tối của cách ly. Quả thật, như câu ngạn ngữ của người Tây phương: “Every dark cloud has a silver lining” (Mỗi đám mây đen đều có một viền bạc). Chính trong cái nhìn tích cực và đầy hy vọng đó mà có nhiều người đã cho rằng: Con virus Covid đã mang con người lại gần nhau hơn, liên đới hơn, quý trọng mạng sống hơn, khiêm tốn hơn trước những giới hạn và bất lực của phận người…

            Thật vậy, thế giới nầy đã trải qua bao nhiêu trận dịch kinh hoàng, những sóng thần bão lũ, động đất hoả hoạn, hay những cuộc chiến tranh tàn khốc…, nhưng rồi, thế giới vẫn tồn tại, phát triển, văn minh… Chắc chắn, ngoài những yếu tố “thuộc linh”, căn nguyên để thế giới nầy khỏi bị diệt vong đó chính là sự chung tay góp sức, liên đới hiệp thông của nhiều người thành tâm thiện chí, của những công dân địa cầu đón nhận nhau, hợp tác với nhau và bao dung lẫn nhau.

            Và đó chính là trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mà chúng ta được gọi mời lắng nghe, đón nhận và đem ra thực hành.

            Thật vậy, Thánh Kinh Cựu ước qua trích đoạn sách Dân Số nới Bài đọc 1, Dân Israel xưa đã bị cám dỗ hình thành một cộng đoàn khép kín, cục bộ; não trạng trần tục nầy đã được minh hoạ qua nhân vật Giosuê: Giosuê muốn bịt miệng hai ông Enđát và Mêđát, chỉ vì hai ông nầy nói tiên tri mà không chính thức có mặt trong hàng 70 kỳ mục: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Nhưng Thiên Chúa đã ứng xử hoàn toàn khác. Ngài đã truyền đạt một sứ điệp bao dung qua lời phát biểu của Môsê: Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”. Vâng, “phen bì”, “đố kỵ”, “loại trừ”… không có chỗ trong phạm trù “Lòng Thương Xót”; và vì thế cũng không có chỗ nơi một “đoàn dân ưu tuyển” phát xuất từ chính lòng thương xót đó !

            Rồi sang giai đoạn Tân ước, các “cột trụ” của cộng đoàn Hội Thánh Chúa Kitô, một “đoàn dân ưu tuyển mới”, cũng suýt đi vào vết xe cũ cực đoan và bất khoan dung của Giosuê thời Xuất Hành: Gioan Tông Đồ đã cố ngăn cản những người không thuộc “Nhóm Mười Hai” nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”.

            Thế nhưng, Chúa Giêsu không thiết lập một Giáo Hội “pháo đài”, khép kín; mà là một Hội Thánh Công giáo, là “cộng đoàn mở” đón nhận tất cả những ai được Thánh Linh tràn ngập và được Tin Mừng hướng dẫn. Thái độ của Mô-sê vào thời Xuất hành “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ” (BĐ 1) hay của Chúa Giêsu vào thời Tân Ước “Đừng ngăn cản người ta…Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (TM) đều qui hướng về một nội dung đức tin nền tảng: Ơn cứu độ dành cho hết mọi người và bất cứ ai cũng được Thiên Chúa mời gọi tiến bước trong chân lý cứu độ.

            Đây cũng chính là một trong những chiều kích thuộc căn tính sâu xa của Giáo Hội mà Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới sẽ chọn làm chủ đề: “Vì một Giáo hội mang tính đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”[1], một đặc tính mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh từ năm 2015, nhân dịp kỷ niệm “50 năm thiết lập cơ cấu Thượng Hội Đồng”: “… vì Giáo Hội chính là cuộc đồng hành của Đoàn Chiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thì ta sẽ hiểu được rằng ở giữa lòng Giáo Hội, không ai tự cho mình vượt trội những người khác. Trái lại, trong Giáo Hội, mỗi người cần phải “hạ mình xuống” để phục vụ anh chị em trên nẻo đường hành lữ.”[2].

            Tất cả những gợi ý của Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh đó vẫn là một sứ điệp mang tính thời sự cho tất cả chúng ta. Vì ngay ở đây và bây giờ, trong cộng đoàn của tôi, trong gia đình của tôi, trong nhóm sinh hoạt của tôi… rất có thể đang tồn tại một thái độ bất khoan dung, khép kín của Giosuê, hay một tinh thần phe nhóm, loại trừ của Tông đồ Gioan… Có một điều không thể hoài nghi đó là: sự khoan dung, đón nhận, liên đới… bao giờ cũng mang lại hiệu quả tốt đẹp.

Người ta khẳng định rằng, sở dĩ đất nước Mỹ hùng cường, thịnh vượng, phát triển là do yếu tố quan trọng bậc nhất nầy: đất nước sẵn sàng đón nhận mọi dân tộc (Hợp chủng quốc); và có một bằng chứng lịch sử đầy thuyết phục về sự bao dung đó là: vẻ đẹp của ngày kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc: Toàn thể phe thắng trận Miền Bắc, từ Tổng thống Abraham Lincoln tới tướng U. Grant cùng toàn thể quân đội đều tỏ thái độ kính trọng, bao dung đối với phe bại trận Miền Nam: “Tất cả hàng ngũ quân miền Bắc khi đón tiếp quân bại trận miền Nam thì thay vì khinh bỉ hay kiêu ngạo, lại đều nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà binh, dùng nghi lễ quân sự trang nghiêm để bày tỏ sự kính trọng. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì xầm…”[3].

            Từ thái độ khoan dung, đón nhận nhau trong đức ái, Lời Chúa hôm nay còn gọi mời chúng ta mang một nhãn quan mới để vừa khám phá những điều kỳ diệu trong những nhỏ nhặt đời thường, cái nhỏ nhặt như “một ly nước lã”, mà tri ân cảm tạ, vừa tránh mọi gương mù cho những kẻ yếu đuối, hay can đảm nói không trước mọi lôi kéo của dục vọng làm mất phúc thiên đàng, sự can đảm chỉ có được khi biết đặt mình trong khiêm hạ phó thác.

            Khi dùng những hình ảnh gợi hình như “cột cối đá vào cổ quăng xuống biển” cho kẻ gây gương mù, hay “chặt tay, chặt chân, móc mắt” để nói không với tội lỗi, chắc chắn Chúa Giêsu muốn giáo huấn của Tin Mừng phải được thể hiện bằng hành động cụ thể và mạnh mẽ, dứt khoát, chứ không thể chỉ là một ý tưởng suông mang tính mị dân hay giả hình, lý thuyết; giống như câu chuyện nhà thám hiểm O‘Reil, quyết chặt cánh tay ném lên bờ để trở thành chủ nhân của miền đất mới được khám phá[4].

            So với sự hy sinh của O’Reil để có được một mảnh đất hoang nhỏ bé trên bản đồ thế giới, thì với đòi hỏi của Chúa Giêsu để có thể chiếm hữu được Vương quốc Nước Trời, đâu có gì quá đáng. Thế nhưng để làm được chuyện nầy thật không phải là chuyện giản đơn. Tuy nhiên, với trái tim khiêm hạ, biết nhìn thấy Thiên Chúa và tình yêu hiến tặng trong những hành vi nhỏ nhặt đời thường, như một ly nước lã sẻ chia, hay nửa tấm áo choàng của Thánh Martino … thì điều đó lại trở nên khả thi và mang nét đẹp tuyệt vời; và còn hơn thế nữa, vì đó là tấm vé để đi vào Nước Trời. Vâng, chính Đức Kitô đã khẳng định như thế: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] DUC TRUNG VU CSsR, HĐHY Cố vấn thảo luận thượng hội đồng về tính đồng nghị (synodality), website https://gpbuichu.org/news/TIN-GIAO-HOI-HOAN-VU-73/hoi-dong-cac-hong-y-co-van-thao-luan-ve-thuong-hoi-dong-ve-tinh-dong-nghi-synodality-11826.html, đăng ngày 23.9.2021.

[2] PAPE FRANÇOIS, Discours du pape françois commémoration du 50e anniversaire de l’institution du synode des évêques, website http://w2.vatican.va/content/francesco/fr/speeches/2015/october/documents/papa-francesco_20151017_50-anniversario-sinodo.html

[3] AN HOÀ, Nội chiến và sự bao dung của người Mỹ, website https://trithucvn.org/van-hoa/tong-thong-abraham-lincoln-noi-chien-khong-co-nguoi-thang.html, đăng ngày 25.2.2021.

[4] Có một đoàn thám hiểm từ lục địa Châu Âu đi tìm đất mới. Và một trong những vùng đất mới đó là hòn đảo Ireland ngày nay – Nhà lãnh đạo của đoàn thám hiểm tuyên bố: “Ai đụng đất đầu tiên, sẽ là chủ toàn thể lãnh thổ”. Một người trong nhóm tên là O‘Reil quyết tâm dành được đất mới. Ông ráng sức chèo, nhưng một chiềc thuyền đối thủ rượt theo ông, bắt kịp ông rồi qua mặt ông. Ông có thể làm gì? Người đàn ông tinh thần mạnh mẽ, ý chí sắt đá nay buông mái chèo cầm lấy búa và chặt bàn tay trái liệng trên bờ. Như thế ông là người đầu tiên đụng vào đất mới, và nó là của ông.