Cảm nhận đức tin, Tài liệu tu đức

VỀ THĂM “GIẾNG CŨ GIỮA ĐỒI HOANG”

(Chút cảm nhận về chuyến hành hương thăm “Đất Thánh Hoa Vông”)

            Khách du lịch đổ về Phú Yên thường đi tìm cho được địa chỉ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, hay “Bãi Xếp”, một trong những điểm du lịch sinh thái biển đang ăn khách tại miền duyên hải Bắc Phú Yên; nhất là từ sau khi nơi đây được chọn làm “phân cảnh” của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ.

            Mà cũng dễ tìm thôi ! Thời bây giờ “du lịch” được coi là nhu cầu phổ biến và là phương thế kiếm tiền dễ và nhanh nhất. Nơi nào có “hơi hướng du lịch”, thì giá đất tăng cao, các dịch vụ ăn theo từ “cơ sở hạ tầng”, giao thông, vận chuyển, đến các loại hình nhà hàng, khách sạn, giải trí, ẩm thực… đều được đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển…

            Nhưng có một điều khá lạ ! Giữa những dòng người đang đổ xô “đi về phía biển” tìm cảnh đẹp để thư giản, thưởng ngoạn, giải trí, nghỉ dưỡng…, lại có những con người ngược đường “đi về về phía núi” hoang vu, sỏi đá, không phải để “thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, mà là để “thăm giếng cũ giữa đồi hoang”.

            Vâng, “Giếng cũ” mà tôi vừa nhắc đến chính là cái “giếng hoang” đang hiện hữu tại vùng đồi núi hoang vu thuộc thôn Chính Nghĩa, xã An Phú, thành phố Tuy Hoà. Nơi đây chính là “giáo điểm Hoa Vông”, một cộng đoàn Công Giáo, mà từ năm 1850, đã có khoảng 165 tín hữu và được đặt làm trụ sở chính của Công Giáo vùng Nam Phú Yên[1].

            Nhưng cái “Giếng cũ” và địa danh “Hoa Vông” đó có gì “lạ” để Hội Dòng Mến Thánh Giá chọn nơi nầy làm một trong những điểm hành hương Năm Thánh Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn 2020-2021, nhân dịp kỷ niệm 350 thành lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong – Qui Nhơn (1671 – 2021)[2].

            Thưa không phải “lạ” mà “rất lạ” ! Và đây là chứng từ sống động của linh mục thừa sai Eugène Marie Durand, một chứng nhân đã từng “mục sở thị” kể từ 133 năm về trước về “cái giếng ở Hoa Vông” nầy: Hồi còn là một thừa sai trẻ, năm 1888, tôi đã đến viếng đống tro tàn đổ nát của nhà dòng xinh xắn và cô nhi viện tuyệt đẹp tại Hoa Vông, hai cây cau còn nghiêng mình bên bờ giếng. Người ta bảo tôi: “Chính trên hai cây cau ấy mà chị bề trên cùng chị phụ tá đã bị treo cổ; và trong lòng giếng sâu này, các chị nữ tu khác đã bị xô đẩy xuống, một hòm thánh tích bao la.”[3] (x. Cẩm nang Năm Thánh Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn 2020 – 2021)[4].

            Và con đường để về “thăm giếng cũ giữa đồi hoang” lại chập chùng gai chông sỏi đá, thêm một dấu chỉ quá rõ ràng để nhắc cho những “khách hành hương hôm nay”, thế hệ cháu con của biết bao nhiêu tiền nhân anh hùng tử đạo, luôn ghi nhớ và xác tín rằng: đón nhận thập giá vì tình yêu dành cho Đức Kitô và vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng cụ cứu độ, để nối dài “Hy tế của Đấng Cứu Độ”, để cùng với Đức Kitô “bị treo lên hầu kéo mọi người lên” (Ga 12,32)…mãi mãi là con đường đẹp nhất và đúng nhất của mọi Kitô hữu, đặc biệt, của những nữ tu Mến Thánh Giá…; những chị em mà cứ mỗi năm một lần trong dịp lễ Khấn, đã long trọng đón nhận “cây Thánh Giá nhỏ” từ tay Đức Giám Mục, như dấu ấn sống động của một lời cam kết được ghi trong Hiến chương: “Chị em Mến Thánh Giá đón nhận thập giá mỗi ngày làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô và anh chị em đồng loại” (Hc điều 63,2).

            Lời Chúa là thế ! Hiến Chương là thế ! Và lý tưởng thánh hiến luôn là đẹp như thế ! Nhưng, từ “Thập Giá của Đức Kitô” đến “cây thập tự đời” của mỗi người chúng ta là cả một đoạn đường dài. Đức Kitô mời gọi những ai theo Ngài “hãy vác thập giá mà theo”. Nhưng chúng ta đừng quên, cả ba lần thông báo về đoạn đường khổ giá Ngài sẽ trải qua tại Giêrusalem, cả ba lần đều không được các môn sinh của Ngài đón nhận…; thậm chí còn ngăn cản như Tông đồ trưởng Phêrô (Mt 16,22-23) để phải “lãnh đủ” một lời mắng thậm tệ: “Satan hãy lui….”.      

            Thế nhưng, ân sủng và tình yêu lại có sức mạnh tuyệt vời để “Thập Giá Đức Kitô” suốt 2000 năm nay vẫn là “sự hấp dẫn”, thuyết phục nhiều anh chị em, sẵn sàng dấn thân chọn lựa, như chọn một “viên ngọc quý”, như “một kho tàng” đến độ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ bỏ tất cả, cả đến mạng sống mình, mà “cái giếng cũ giữa đồi hoang ở Hoa Vông” là một trong những chứng tích hùng hồn còn lưu lại.

Trương Đình Hiền (24.4.2021)


[1] HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN, Cẩm nang Năm Thánh Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn 2020 – 2021, Tủ sách Nước Mặn 2020, phần III: Di tích lịch sử Hội Dòng tại Hoa Vông, điểm hành hương Phú Yên, tr. 68-75.

[2] Ibid. Thư hướng dẫn sống Năm Thánh mừng 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong – Qui Nhơn, tr. 16-17: “Và Hội Dòng Mế Thánh Giá Qui Nhơn chúng ta có diễm phúc được Đấng Sáng lập khai sinh đầu tiên tại An Chỉ – Quảng Ngãi thuộc Địa phận Đàng Trong năm 1671, do đó, năm 2021 là năm Chị Em Mến Thánh Giá Qui Nhơn mừng kỷ niệm 350 Mến Thánh Giá Đàng Trong – Qui Nhơn (MTGĐT-QN) được hình thành và phát triển. (…) Với sự khích lệ và hướng dẫn của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, Hội dòng đã đệ đơn ngày 05.4.2020 xin Toà Thánh ban phép mở Năm thánh. Và ngày 11.7.2020, Toà Ân Giải Tối Cao thừa lệnh Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh ban phép cho Hội Dòng chúng ta mở NĂM THÁNH (12.2020 – 12.2021) để mừng kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong – Qui Nhơn, với tất cả phúc lành và ân xã kèm theo”.

[3] LM. ĐÀO QUANG TOẢN. Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá. Chương 8: Các nữ tu tử đạo. Tr. 248-249.

[4] HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN, Cẩm nang Năm Thánh Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn 2020 – 2021, Tủ sách Nước Mặn 2020, phần III: Di tích lịch sử Hội Dòng tại Hoa Vông, điểm hành hương Phú Yên, tr. 71.