Views: 68
Gợi ý suy niệm trong ngày Lễ Thánh Giuse Thợ, Bổn mạng giới cần lao.
1/. Từ một ngày 1/5 đau thương :
Nếu Hội Thánh Công Giáo chúng ta chọn ngày hôm nay (1/5) với phụng vụ lễ nhớ kính Thánh Giuse Thợ, Bổn mạng của giới cần lao, thì trong xã hội dân sự, có nhiều nước trên thế giới chọn ngày hôm nay làm ngày “Quốc Tế lao động”. Tôi nói nhiều nước chứ không phải hết mọi nước, vì có một số nước như Mỹ, Canada, Úc…không chọn ngày nầy là ngày “quốc tế lao động”; trong khi đó, một số nước Bắc Âu, cũng mừng ngày nầy, nhưng gọi là lễ hội MAY DAY, không phải để tôn vinh lao động hay công nhân mà để chào mừng mùa xuân, mùa hoa lá bắt đầu trổ, vươn dậy, sau những ngày đông ảm đạm !
Riêng tại Mỹ quốc, nơi ghi dấu điểm xuất phát đầu tiên của ngày 1/5 nầy, thì chính Tổng thống Eisenhower vào năm 1958 đã ký 1 nghị quyết chọn ngày nầy (1/5) là “Ngày Trung Thành với tổ quốc” (để phân biệt với ngày 1/5 lao động của thế giới).
Sở dĩ nói ngày 1/5 bắt nguồn từ Mỹ, vì cách đây đúng 132 năm, vào ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago nước Mỹ có cuộc đình công của giới công nhân, yêu cầu được làm 8 giờ một ngày. 3 ngày sau đó, vào ngày 4/5/1886, tại quảng trường Haymarket của thành phố Chicago có cuộc meeting của công nhân. Khi cảnh sát đến giải tán vì đã về khuya, thì có một trái lựu đạn tung ra làm 7 cảnh sát chết tại chỗ, 60 bị thương. Thế là cảnh sát nổ súng, khiến 4 người công nhân chết, hàng trăm bị thương và bị bắt…Sau thảm kịch Haymarket 3 năm, vào tháng 6/1889, phong trào Cọng Sản Đệ Nhị quốc Tế quyết định chọn ngày 1/5 với sự kiện thảm sát Haymarket tại Chicago hằng năm làm ngày quốc tế tôn vinh lao động; và từ đó, do ảnh hưởng của phong trào bình đẳng, nhân quyền, quyền lợi công nhân… nở rộ trên toàn thế giới, nên nhiều quốc gia mặc nhiên chấp nhận ngày 1/5 là ngày tôn vinh lao động và giới công nhân với một ý nghĩa khá tiêu cực : khai thác chiều kích hận thù giai cấp, tranh đấu sắc máu, bất khoan dung và đầy tính chia rẽ, hận thù, thay vì khoan dung, hoà bình, sẻ chia và bác ái.
Đứng trước những giá trị cao quý của Cần Lao có thể bị bóp méo và có thể dẫn dắt, khơi gợi tâm lý chia rẽ, đấu tranh, hận thù, làm mất đi vẽ đẹp quý giá của cần lao, cho nên, vào ngày 1/5/1955, Đức Thánh Cha Pio XII, đã quyết định đặt Thánh Giuse, Người thợ Mộc của làng quê Na-da-rét, người cha, Người Bảo Trợ và người thầy của Đấng Cứu Thế, làm Bổn Mạng cho toàn thế giới lao động Công Giáo, để “chuẩn hoá” những giá trị đúng đắn và cao quý của cần lao và người lao động trên nền tảng của đức tin Công Giáo theo mẫu gương của Thánh Cả Giuse. ĐTC đã nêu bật ý nghĩa nầy trong diễn từ ngày 1/5/1955 với những lời thâm thuý dành cho Thánh Giuse :
“Chắc hẵn chúng ta phải hân hoan vì người thợ vô danh ở Na-da-rét xưa chẳng những là hiện thân cho giá trị lao động chân tay trước mặt Chúa và Giáo Hội, mà còn là vị Giám Hộ mẫn tiệp của mỗi người và của cả gia đình các bạn lao động nữa…Không có vị giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm thông truyền Tin Mừng cho đời sống thợ thuyền bằng Thánh Giuse Thợ”[1]
2/. Đến một ngày 1/5 cao quý :
Như vậy rõ ràng, Giáo Hội đã “rửa tội” cho ngày “1/5 đau thương”, để với dung mạo của Thánh Giuse Thợ, trở thành “ngày 1/5 của sự công chính, thánh thiện, bác ái và hoà bình”.
Thật ra, không phải đợi đến lời tuyên bố của ĐTC Pio XII vào ngày 1/5/1955, cũng chẳng phải chỉ với thời xuất hiện của bác Phó mộc Giuse thành Na-da-rét cách đây 2000 năm, thì giá trị của lao động, cần lao mới được công nhận, trân trọng; mà, như sách Sáng Thế chúng ta vừa nghe trong BĐ 1, ngay từ khi con người có mặt trên trái đất, giá trị của lao động, của cần lao, của việc quản trị và xây dựng trái đất đã được Thiên Chúa xác lập ngay trong phẩm giá cao cả của con người : Thiên Chúa phán : “Chúng ta hãy tạo thành con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất…”; và rồi để con người thể hiện cụ thể “vai trò làm chủ vũ trụ” giống như Thiên Chúa, “Đấng làm việc không ngừng” (Ga 5,17), “Thiên Chúa đã đem con người đặt vào vườn Ê-den để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Chúng ta cũng đừng quên, ngay cả sau khi con người sa ngã phạm tội, phẩm giá của con người bị tội lỗi bôi đen, thì giá trị cần lao vẫn luôn được duy trì : “Với con người, Chúa phán : ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có mà ăn…” (St 3,19).
Và rồi, kể từ khi tội lỗi đã nhập vào thế gian, mọi giá trị cao cả mà Thiên Chúa đã xác lập trong công trình sáng tạo và hình ảnh Thiên Chúa được ghi đậm trong mỗi ngôi vị con người phải đi qua con đường dài tăm tối của đổ vỡ, lầm lạc, thất bại…Con người không còn nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình cũng như trong anh em đồng loại, và thế giới trở nên một công trường đầy bạo lực, bất công, khổ sai và nước mắt…Thiên Chúa lại một lần nhọc công ra tay cứu độ !
Chương trình cứu độ huyền nhiệm của Thiên Chúa, cho dẫu có xa xôi, dài lâu, vẫn tới hồi hiện thực, như lời Kinh nguyện Thánh Thể thứ IV của Hội Thánh : “và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì tội bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. …Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến làm Đấng Cứu độ chúng con…Người đã nhập thể và được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, đã sống trọn thân phận con người của chúng con ngoại trừ tội lỗi…”[2]
Thân phận con người mà Con Thiên Chúa chọn lại là “Con bác thợ mộc”, như người dân Na-da-rét đã bỡ ngỡ thốt lên : “Ông không phải là con bác thợ mộc ư ?” (Mt 13,55); và như thế, rõ ràng từ đây, với sự xuất hiện của hai cha con thợ mộc Giuse và Giêsu, cái búa, cái cưa, lưỡi bào…, và nhất là, những bàn tay vất vả, những giọt mồ hôi nhọc mệt, của xưởng thợ Na-da-rét…đã mang một âm vang mới, một giá trị mới, một tinh thần mới : đó là tặng phẩm của tình yêu, là hành động của yêu thương và phục vụ, là biểu hiện của sẻ chia, đồng hành và bác ái. Đó chính là ý nghĩa mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã khai triển trong Tông huấn về Thánh Cả Giuse “Đấng Hộ Thủ Chúa Cứu Thế” (Custos Redemptoris) :
“Lao công của con người, nhất là lao động tay chân, được đặc biệt nhấn mạnh trong Tin Mừng. Cùng với nhân tính của Con Thiên Chúa, lao động cũng được đưa vào trong mầu nhiệm Nhập thể, và cũng được cứu chuộc theo cách đặc biệt. Tại xưởng mộc nơi Ngài miệt mài làm việc với Chúa Giêsu, thánh Giuse đưa lao công con người đến gần mầu nhiệm Cứu chuộc hơn.”[3]
Vâng, dưới ánh sáng Tin Mừng, đặc biệt qua con người bác phó mộc Giuse và chú “thợ con” học việc Giêsu trong xưởng thợ Na-da-rét, “lao động đã trở thành cách diễn tả tình yêu trong cuộc sống gia đình”[4]; vết chai sạn vất vả của những của bàn tay lao động đã trở thành dấu chỉ của tình yêu; những giọt mồ hôi, nước mắt của lao nhọc đắng cay…đã trở nên tặng phẩm của hy sinh hiến tế.
(Cộng đoàn…. chúng ta chọn Thánh Giuse thợ là Bổn mạng, phải chăng là cùng chọn lựa mẫu gương sống động của Ngài để noi theo, là chọn bước đi từng ngày trong sự trung thành, cần mẫn với trách nhiệm là cha, làm chồng, cho dù phải đắng cay, vất vả, vẫn đong đầy yêu thương, phục vụ.). Sống đạo đích thực, nên thánh đích thực, đâu có phải là tìm kiếm thực hiện những chuyện chọc trời khuấy nước, những công trình to lớn, hoành tráng…mà là chu toàn những công việc ẩn khuất, tối tăm, thầm lặng mỗi ngày với con tim đầy tràn tình yêu, với đức tin bền vững, sắt son, như Đức Thánh Giáo Hoàng Goan-Phaolô II nhắc bảo trong Tông huấn “Hộ Thủ Đấng Cứu Thế” :
“Thánh Giuse là mẫu mực của những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; … Người là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính nối gót Chúa Kitô, không cần đến những điều vĩ đại – chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực.”[5]
Và đó cũng là điều chúng ta cầu nguyện với Thánh Giuse, chúng ta cần Ngài trợ giúp, cần Ngài mãi mãi hiện hữu là biểu tượng, là mẫu gương, là ánh sáng soi đường…, như những câu thơ viết về Ngài :
Giữa một thế giới
Nhầy nhụa tiền tài, giàu sang, vẩn đục,
Chúng con cần Ngài, người cha tảo tần vất vả đắng cay.
Để thấy hy sinh và chia sẻ từng ngày,
là quà tặng, là của cải vô cùng cao quý.
Giữa một thế giới đầy bạc bẽo, vô tâm, quỉ mỵ,
Chúng con cần Ngài, Người bảo trợ tuyệt vời của Thánh Gia.
Để thấy trách nhiệm, trung thành là khúc nhạc câu ca,
Vẫn vang vọng trên muôn nẻo đường dương thế.
Vâng, lạy Thánh Cả Giuse, người thợ mộc Na-da-rét, chúng con cần Ngài ! Amen.
Lm. Giuse Trương Đình Hiền (1/5/2018)
[1] ĐGH Pio XII, Diễn văn 1/5/1955. Nguồn : Hương Việt, Truyện các Thánh, quyển II, tr. 143
[2] Sách Lễ Rôma, KNTT IV, tr.93
[3] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Đấng Hộ Thủ Chúa Cứu Thế (Custos Redemptoris), số 22
[4] Ibd.
[5] Ibd.