Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

ĐÂY MỚI LÀ VẾT SẸO KHÔNG THỂ QUÊN

(LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU 2021 năm B)

Hôm nay, Thứ Sáu sau Chúa Nhật lễ Mình Máu Chúa, Hội Thánh mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu; cũng có thể nói: đây là lễ kính “Tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả qua hình ảnh “Trái Tim Thánh của Chúa Giêsu”, một hình ảnh mà Thánh nữ Magarita Mary Alacoque được “khải thị” từ thế kỷ 17 ((27/12/1673); được Đức Giáo Hoàng Pio IX đưa vào phụng vụ năm 1856 và trở thành “Lễ Trọng” kể từ năm 1875 cho đến nay.

            Khi nói đến tình yêu, cho dẫu đó là loại tình yêu nào: cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn hữu…, thì cảm nhận đầu tiên vẫn là sự ấm áp, ngọt ngào, dịu vợi…, mà hình như chỉ qua hình ảnh của thiên nhiên mới diễn tả đủ đầy: “Tình cha ấm áp như vầng thái dương. Ngọt ngào như giòng nước tuôn đầu nguồn…” (Bài hát “Tình Cha” của Ngọc Sơn); “Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào… Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ… (Bài hát |Lòng mẹ” của Y Vân); “Anh anh đi bao núi, Tình em như khe suối; Lưu luyến và nhớ thương chảy theo anh khắp rừng. Anh anh đi xa càng xa; Tình em như cỏ hoa; Âu yếm và thiết tha theo anh dài nương rẫy…” (Bài hát “Tình em” của Huy Du)…

            Riêng các ngôn sứ trong đạo Do Thái, đặc biệt ngôn sứ Hôsê, thì lại diễn tả “tình yêu Thiên Chúa” dành cho dân của Ngài thật thân thương, gần gũi qua những cử chỉ hoàn toàn “nhân bản”: “Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn. Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi…”. Cho dù vị ngôn sứ nầy hoàn toàn xác tín rằng: Thiên Chúa là Đấng Thánh và không phải phàm nhân: “Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi…”.

            Phải chăng, Phụng vụ của Hội Thánh muốn đặt “Lễ Tình yêu Thiên Chúa qua Đức Kitô” trong “chiều kích nhân bản” đó nên đã đón nhận hình ảnh “Thánh Tâm” trong thị kiến của thánh nữ Magarita làm trọng tâm để quy chiếu. Cũng chính từ ý nghĩa nầy, phụng vụ Thánh Tâm muốn nhắc lại chân lý nền tảng sau đây: “tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và của chúng ta đáp lại” không phải là tình yêu “huyễn tưởng”, lý thuyết, mơ hồ… hay “đầu môi chót lưỡi”…; mà là một “tình yêu đích thực”, sống động, cụ thể…; bằng tất cả con tim và lẽ sống; bằng cái giá được đánh đổi với cả đau thương và cái chết…

          Ý nghĩa nầy lại càng rõ nét trong sứ điệp Lời Chúa của Phụng vụ lễ Thánh Tâm chu kỳ Năm B hôm nay, khi Hội Thánh chọn đọc trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan: kể lại sự kiện đau buồn của buổi chiều thứ sáu khổ nạn trên đồi Sọ: “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người Tức thì máu cùng nước chảy ra”. Chắc chắn, dụng ý của Phụng vụ khi chọn đọc trích đoạn Tin Mừng nầy đó chính là muốn rút ra từ đó một trọng tâm ý nghĩa được qui chiếu vào mầu nhiệm Thánh Tâm: Máu và nước chảy ra theo vết thương bị đâm ở cạnh sườn Chúa Giêsu, nhưng chắc chắn, bắt nguồn từ trong Trái Tim Chúa.

            Tại sao nói đến Thánh Tâm, đến tình yêu, Lời Chúa lại quy chiếu vào vết thương, vào cuộc khổ nạn ? Điều nầy muốn nói lên điều gì ?

            Câu chuyện nhỏ sau đây có thể là một “minh hoạ” khá rõ nét cho ý nghĩa trên: VẾT SẸO CỦA TÌNH YÊU[1] (Người mẹ vì tha thiết muốn cứu con khỏi nanh vuốt cá sấu đã nắm chặt tay con…; và đã để lại những vết sẹo trên tay con…; và đây mới chính là “vết sẹo” cậu bé không bao giờ quên).

            Quả thật, vết sẹo trên cánh tay của người con là dấu chứng nói lên tình yêu muốn cứu đứa con của người mẹ yêu con hết lòng cho dù vẫn biết vết thương đó có làm đau buốt cánh tay con. Tình yêu của những người cha – người mẹ luôn như thế đấy ! Họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất; chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm…

          Và tiêu đích của Lịch sử Cứu độ chẳng phải như thế sao ! Để cứu thoát “con cái là chúng ta” khỏi nanh vuốt của ma quỷ và tội lỗi, Chúa Cha đã hy sinh Con Một của mình và đã chấp nhận để lại những vết thương tích là cuộc khổ nạn trên thân thể của Chúa Con, mà sự kiện “máu và nước tuôn ra từ trái tim” là dấu chỉ rõ nét. Ý nghĩa nầy cũng hoàn toàn thích hợp với thái độ “chấp nhận uống cạn chén đắng” của Chúa Con trước thánh ý Cha (Lc 22,42); thái độ “vâng phục qua nếm trải khổ đau” để “trở nên căn nguyên ơn cứu độ” (Dt 5,8-9); thái độ “chấp nhận bị treo lên” trên cây khổ giá để “kéo mọi người lên” (Ga 12,32), thái độ sẵn sàng “đổ máu để thiết lập giao ước vĩnh cửu” (Dt 13,20).

            Điều nầy còn muốn nói rằng: tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu luôn đòi hỏi phải chấp nhận thương đau. Ngài thương yêu chúng ta, muốn cứu chuộc chúng ta, nhưng Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những “vết đau” để bàn tay Ngài nắm chặt mà kéo lên khỏi nanh vuốt của ma quỷ.

            Mừng lễ Thánh Tâm hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng cùng nhớ lại vết thương là cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu và máu chảy ra từ Trái Tim yêu thương của Ngài, (như cậu bé nhớ lại vết thương trên cánh tay của mình để ghi nhớ mãi tình yêu của mẹ) để chúng ta luôn cảm nhận được tình Chúa yêu ta vô ngần và dành cả cuộc đời để đáp trả tình yêu vô biên đó của Thiên Chúa. Đây lại là điều tối cần thiết nơi đời sống các linh mục. Chính vì thế, hôm nay Hội Thánh gọi mời toàn Dân Chúa cầu nguyện xin ơn thánh hoá các linh mục.

            Từ sau biến cố “Trái Tim bị đâm thâu” trên Đồi Sọ cho đến mãi hôm nay, có biết bao nhiêu con người đã chấp nhận mang “vết sẹo tình yêu của Thiên Chúa” in đậm trên cuộc đời mình, để không phải chỉ mỗi riêng mình được cứu thoát mà con để cho hàng muôn ức triệu anh chị em cũng được “kéo lên”.

            Từ cuộc tử đạo “đóng đinh ngược đầu trên thập giá” của Tông Đồ Phêrô, rồi Phaolô bị chém trên đồi Vatican, đến Giám Mục Ignatio bị răng thú dữ nghiền nát giữa hý trường Coloseum, hay những vết thương đau tử đạo trên những người thiếu nữ liễu yêu đào tơ như Anê, Agata, Cecilia… hay 14 nhát dao trên người của cô bé Maria Goretti; những nổi đau của linh mục Maxilien Kolbe khi chấp nhận chết thay cho người anh em tù; những vết đạn trên thân xác của thánh Giám Mục Oscar Romero khi chấp nhận liên đới với người nghèo cô thân cô thế… Vâng, tất cả những “vết sẹo của tình yêu” đó đều có chung một ý nghĩa, một mục tiêu mà có lẽ chính vị Á Thánh trẻ của Việt Nam chúng ta, Anrê Phú Yên, đã “đại diện” để hát to lên trên đường ra pháp trường thành Chiêm khi lãnh trọn 3 nhát dáo đâm và 2 nhát chém trên thân xác mỏng manh của mình: “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.

            Thế nhưng, đâu phải nhân loại và trong Giáo Hội đều gồm toàn những thánh nhân như thế. Vâng. có rất nhiều người trong chúng ta cho dẫu biết mình đang bị ma quỷ lôi kéo, đang bị tội lỗi mua chuộc, nhưng vì sợ những vết thương của “cái nắm tay” của Thiên Chúa; sợ “con đường hẹp” của Phúc Âm; sợ những đòi hỏi “về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo” của Đức Kitô (Mt 19,16-22); sợ “những khổ đau đang hẹn chờ ở Giêrusalem” (Mt 16,21-23)…. Và chính vì những “nỗi sợ” đó nên cứ mãi quay lưng chối từ Thiên Chúa; chấp nhận “bị buông tay” để rơi vào nanh vuốt của tội lỗi và ma quỷ, thay vì “được kéo lên trong thương đau nhức nhối” để được cứu thoát. “Viên ngọc quý”, “kho tàng quý”, đâu phải chỉ cứ “thò tay vào túi” là “bắt được”; mà phải cất công trèo non lặn suối đi tìm (Mt 13,44-46)…

            Cho dù chúng ta có quyền mơ ước và vững tin rằng: Thiên Chúa sẵn sàng dành cho ta một tình yêu “nâng niu dịu dàng” cách diễn tả của sứ ngôn Hô-sê Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn …”; nhưng, như Thánh Phaolô nhắc nhở trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, “để được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái”, hay để “hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu” của tình yêu nơi Đức Ki-tô (Bđ 2), thì chúng ta phải cất bước trở về Đồi Sọ, để chiêm ngưỡng “máu và nước tuôn chảy từ Thánh Tâm Chúa Giê-su”. Chính ngang qua “Vết sẹo tình yêu sâu thẳm nầy” mà thế giới sẽ được cứu độ và loài người mới khỏi rơi vào vực thẳm của chiến tranh, hận thù, tội lỗi và nanh vuốt của quỷ ma.

            Và hôm nay, giờ này, “Vết Sẹo tình yêu” đó lại đang có ở đây ! Quả vậy, chút nữa đây, chúng ta được đón nhận chính Mình Thánh Chúa, quà tặng của một tình yêu vĩ đại, một tình yêu được trả giá bằng chính cuộc dâng hiến mình trên thánh giá. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền


[1] Bài viết: VẾT SẸO CỦA TÌNH YÊU; trang web https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/vet-seo-tinh-yeu-1179648561.htm; Hải Ninh đăng ngày 12.7.2017.