Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

“VẾT SẸO” HAY “GIỚI HẠN CUỐI CÙNG CỦA TÌNH YÊU”

(Chúa Nhật 2 PS năm B 2021)

            Trong suốt tuần Bát Nhật vừa qua, gần như Hội Thánh dành riêng cho các anh chị em Tân Tòng. Thật vậy, liên tiếp 7 ngày của Tuần Bát Nhật (Từ Thứ Hai đến CN II PS), Hội Thánh đã nhắc tới “các bí tích Vượt Qua” và các anh chị em Tân Tòng vừa mới được được thanh tẩy tới 5 lần trong các Lời Nguyện Nhập lễ:

– Thứ Hai tuần Bát Nhật: “Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích thánh tẩy để ban cho Giáo Hội sinh thêm nhiều con cái…”

– Thứ Ba tuần Bát Nhật: “Lạy Chúa, Chúa ban những bí tích Vượt Qua để đưa chúng con từ cõi chết bước vào cuộc sống…”

– Thứ Năm tuần Bát Nhật: “…; xin ban cho tất cả những ai đã tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy được đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin…”

– Thứ Bảy tuần Bát Nhật: “… xin đoái nhìn và ban phúc trường sinh cho những ai vừa được Chúa tuyển chọn và được tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy.”

– Chúa Nhật cuối tuần Bát Nhật – II PS: “… Chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng Phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh…”.

            Mà không chỉ bằng những lời Kinh Tổng Nguyện nhập lễ, phụng vụ Tuần Bát Nhật còn làm bật nổi hình ảnh của các anh chị em Tân Tòng bằng chiếc áo trắng được họ mặc suốt tuần cùng với những bài giáo lý “Nhiệm huấn”, để hôm nay, chiếc áo trắng đó xuất hiện lần cuối cùng. Chính vì thế, theo truyền thống xa xưa, Chúa Nhật hôm nay được gọi tên là Chúa Nhật áo trắng, hay đầy đủ hơn, “Chúa Nhật cởi áo trắng” (Dominica in albis deponendis).

            Sở dĩ Phụng vụ trong những ngày nầy luôn nhắm đến các Bí tích Khai Tâm và các anh chị em Tân Tòng là cố ý “sống lại cái thuở ban đầu của mình”, cái thuở mà sự Phục Sinh của Đức Kitô đã thổi vào thế giới một luồng gió mới, một cuộc canh tân và tập họp vĩ đại trên nền tảng của ba bí tích Vượt Qua do chính Đức Kitô thiết lập, như xác quyết trong Lời Nguyện Nhập lễ hôm nay: “… chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng Phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh…”.

            Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan” ! Với những anh dân chài dốt nát, lại vừa trải qua cơn khủng hoảng dữ dằn trong bi kịch “Thương Khó”, cũng như đầy hoang mang trước sự kiện “Phục Sinh”, cùng với một đám tín hữu “mới tinh” vừa nhập đạo (sau bài thuyết pháp đầu tiên của Tông Đồ Phêrô: Cv 2,14-41), quả thật, chỉ có “ơn trên”, chỉ có quyền năng và sự can thiệp của Thiên Chúa, mới có thể hình thành một cộng đoàn Hội Thánh “đồng tâm nhất trí”. Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ, khi Hội Thánh không ngừng kêu cầu Chúa, như lời cầu nguyện của thứ Năm tuần Bát Nhật: “xin ban cho tất cả những ai đã tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy được đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin”.

            Và quả thật, Chúa đã nhậm lời; và ngay từ thuở khai sinh Giáo Hội, các Kitô hữu đã quy tụ thành một đoàn dân “đồng tâm nhất trí”, như chúng ta vừa nghe sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật nơi Bài đọc 1: Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu…”. Một kết quả và một “dấu chỉ” sống động của công trình Vượt Qua của Đức Kitô, “một bông lúa trĩu hạt”, một mùa lúa vàng đồng, như chính Ngài đã từng báo trước qua “dụ ngôn hạt lúa mì mục nát” (Ga 12,24).

            Và đó chính là căn tính của Giáo Hội; một Giáo Hội không nhằm “siêu độ mỗi người riêng rẽ tách biệt nhau”, nhưng là một “Giáo Hội hiệp hành” (synodal Church)[1] đang gắn kết cùng nhau trên cuộc lữ hành đức tin tiến về quê Trời, một “Hội Thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”, không chỉ cần thiết cho “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, mà ngay chính hôm nay, bây giờ, đang là một “yêu cầu bức thiết” trước những đe doạ rẽ chia, ly giáo…!

            Bởi nói cho cùng, chỉ khi nào Hội Thánh giữ được mối giây hiệp nhất, mối tình hiệp thông huynh đệ, giữ được sự “đồng tâm nhất trí”…, Hội Thánh mới thực sự là “Hiền Thê của Đức Kitô”, mới là “Thân mình mầu nhiệm” của Ngài; và mới nhận lãnh đầy đủ Thần Khí của Đấng Phục Sinh, như cuộc quy tụ và lãnh nhận của các Tông Đồ tại Nhà Tiệc Ly hai ngàn năm trước: Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần…”.

            Đáng tiếc cho những ai, những Kitô hữu nào, những ai đã một lần Gia Nhập Hội Thánh qua các Bí tích Khai Tâm…, đã quay lưng “ra đi trong bóng tối” như “Giuđa bỏ bàn Tiệc ly”; hay khủng hoảng, cứng lòng như Tôma khi không quy tụ với anh em: Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

            Tuy nhiên, sự trở về với anh em và thách đố gặp gỡ đích thực, cụ thể với Thầy Chí Thánh, lại là một may mắn lớn lao cho Tôma, và cho cả chúng ta ! Bởi đây chính là cơ hội để chúng ta có dịp hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về sự Phục Sinh của Đấng chịu đóng đinh: Ngài đã sống lại, đã phục sinh cả linh hồn và thể xác; Không phải xác thân “đẫy đà, tròn trịa, bảnh bao…Không phải con người “liền da liền thịt, không một chút hư hao…”, Mà chính là thân xác phục sinh còn mang đủ những vết hằn đau thương thập giá ![2]. Quả thật, Đức Kitô không hề che giấu những “vết sẹo thương khó” trên thân thể phục sinh của Ngài; đó chính là dấu chỉ sống động cụ thể của “lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa”và là chìa khoá giải mã cho sự chết và khổ đau trên thân phận con người, như thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2021 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:“Dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh, những đau khổ của chúng ta giờ đây đã được biến đổi. Nơi từng có cái chết, giờ đây ở đó có sự sống. Nơi từng có tang thương, giờ đây có niềm an ủi…”. Tin Mừng Thánh Gioan đã diễn tả chiều kích thần học nầy bằng một tường thuật thật giản đơn:Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.

            Và niềm tin của Tôma, hay của cả Giáo Hội nói chung, được củng cố, được vững vàng, được đào sâu…, khi thật sự “chạm vào những vết sẹo của Đấng Phục Sinh”: Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”. Thật vậy, không chỉ Tôma, chính nhờ “vết sẹo trên mình Đấng phục sinh” đó mà Phêrô, Gioan, các Tông đồ…, và bao thế hệ chứng nhân sẵn sàng chấp nhận thương đau, ngục tù, bách hại, máu đổ đầu rơi, hy sinh phục vụ… cho tình yêu Thiên Chúa và yêu thương con người…

            Trong cái nhìn thần học của Thánh Gioan, “Vết sẹo” mà Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi Tôma chạm đến cũng chính là vết sẹo từ “cạnh sườn Đấng bị đâm và máu và nước đã chảy ra từ đó”. Đức tin phát xuất từ cạnh sườn Chúa Kitô và Hội Thánh cũng phát sinh từ đó, từ “vết sẹo của tình yêu”, từ “vết thương của lòng thương xót”, từ chính Máu và Nước, biểu tượng của hai nhiệm tích Thánh Tẩy (nước) và Thánh Thể (Máu), như lời tuyên tín của Thánh Gioan trong bức tâm thư thứ nhất của Ngài: “Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý”.

            Chúng ta cũng đừng quên, việc Chúa mời gọi Tôma đụng chạm đến cạnh sườn phải chăng đó là dấu chỉ sống động của “Lòng Thương Xót”, một con đường tâm linh được nữ Thánh Faustina thực hành và truyền bá; và cũng từ gợi ý đầy thuyết phục của “linh đạo” nầy, mà ngày 30.4.2000, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Chúa Nhật thứ II sau Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương xót của Thiên Chúa.        

            Trước một thế giới bị đe doạ bởi đại dịch và bao nhiêu cơn khốn khó, hiểm nguy của sự dữ đang hoành hành, Hội Thánh nói chung và mỗi người Kitô hữu nói riêng, cần phải trở về để chạm đến vết sẹo của Đức Kitô, vết sẹo của lòng thương xót; và thực ra “vết sẹo đó” nào có xa xôi. Chính ở đây, lúc nầy, Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện và gọi mời: không chỉ “chạm đến vết sẹo”, “xỏ ngón tay”, “thọc vào cạnh sườn”…, mà hơn thế nữa: cả máu thịt, thân mình: “hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà uống”. Đây phải chăng là “giới hạn cuối cùng của lòng thương xót”, như Thánh Gioan xác quyết: “Ngài đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Amen.

Trương Đình Hiền


[1] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), TÍNH HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH (SYNODALITY IN THE LIFE AND MISSION OF THE CHURCH), 2018. Số 5: Do đó, người ta nói ‘tính hiệp hành – synodality’ là bản chất của Giáo hội hay nói cách khác, Giáo Hội chính là ‘Hội Thánh hiệp hành’”.

[2] SƠN CA LINH, trích đoạn của bài thơ “Vế thương đau mang hình hạt lúa”.