Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

VÌ ĐÓ LÀ LỜI CỦA ĐẤNG LÀ “ĐƯỜNG…”

(CN 5 PS (A) 2023)

            Mặc dù Giáo Hội Chúa Kitô không phải là một “đại công ty”, một tập đoàn kinh tế khủng… nhưng sự hình thành, phát triển và thành tựu cho đến hôm nay lại phần nào phản ảnh cái nhận xét hay quan niệm khá chuẩn xác và đầy kinh nghiệm của nhà đại tỷ phú xe hơi người Mỹ, Henry Ford: “Coming together is a beginning, staying together is progress, and working together is success” (Đến với nhau là sự khởi đầu, ở bên nhau là tiến bộ, cùng nhau làm việc là thành công).

Thật vậy, hơn lúc nào hết, Mùa Phục Sinh chính là thời điểm mà dân Kitô giáo được Lời Chúa khơi lại những “ký ức sống động” của “một thuở ban đầu” hình thành Giáo Hôi mà ở đó chúng ta đều nhận thấy ba yếu tố nền tảng: Giáo Hội khởi đầu khi các Kitô hữu tập trung lại và đến với các Tông Đồ (coming together), sống chung và hiệp thông để tăng trưởng mỗi ngày (staying together) và đã đạt được những thành công vượt bực khi cùng nhau làm chứng và loan truyền Tin Vui Phục Sinh (working together), như trích đoạn sách Công vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật: Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, … Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người …, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa… Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều.”.

            Qua việc mô tả sinh hoạt của Giáo Hội thuở ban đầu đó, chúng ta lại khám phá ra ba thừa tác vụ mà Hội Thánh nói chung và mỗi thành viên trong Giáo Hội qua nhiệm tích Thánh Tẩy nói riêng, luôn phải trung thành thực hiện như sứ mệnh căn bản, như căn tính của “Ơn Gọi Kitô hữu”: Vương Đế (phục vụ bác ái): việc phục vụ hằng ngày, Tư Tế (cầu nguyện tế tự): chuyên lo cầu nguyện, Ngôn sứ (rao giảng Lời Chúa): phục vụ lời Chúa.

            Trong viễn tượng đức tin, quả thật, “ba tác vụ” trên đã làm nên tính ưu việt của phẩm giá Kitô hữu, một phẩm giá được xây dựng không phải trên nền tảng là những giá trị của trần gian như quyền lực, sự giàu sang…, mà như Thánh Phêrô quả quyết: trên chính Đức Kitô, “tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường”; hay trên chính Đấng đã tự mình tuyên bố: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

            Và cũng trên “nền tảng thánh thiêng và cao cả tuyệt vời đó”, Giáo Hội của Chúa Kitô, Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa hoàn toàn khác với mọi tổ chức, đoàn thể, quốc gia, dân tộc của con người và do con người. Đây chính là cộng đoàn, là Giáo Hội được chính vị Giáo Hoàng đầu tiên – Thánh Phêrô, dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã định nghĩa một cách chính xác như trong Thư thứ nhất của ngài được công bố trong Bài đọc 2: “Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.”.

            Tuy nhiên, cũng chính bởi cái “căn tính đặc biệt” nầy, cái “dáng đứng một mình một cõi” chẳng giống ai, mà ngay từ đầu, chính Đấng sáng lập là Đức Kitô đã thấy trước những mỏng dòn, yếu đuối, bấp bênh… của những “viên đá sống động” mà Ngài đã thiết đặt để dựng xây Hội Thánh của Ngài; và Ngài đã trấn an họ trong những phút giây thâm tình trước khi Ngài chia biệt họ, lìa khỏi thế gian: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Thầy là đường, là sự thật và là sự sống….”.

            Vâng, làm sao không bất an, xao xuyến, khi những con người vốn chỉ nhìn hiện tại và tương lai với viễn tượng của vinh quang và chức quyền (“Khi nào Thầy vào Nước của Thầy xin cho một đứa bên tả một đứa bên hữu”), của sự ổn định và giàu sang, của phước hạnh và của cải vật chất (“Nầy, chúng con đã bỏ mọi sự nào chúng con được gì?”)…! Nhất là, khi những thực tại ấy gần như đang bị che khuất bởi thấp thoáng đâu đó áng mây của thập giá và khổ nạn, và mất đi chỗ dựa xưa nay là chính Thầy và quyền năng ngút ngàn (Què đi, câm nói, điếc nghe, chết sống lại, phung cùi khỏi, mấy ngàn người no nê với chỉ 5 chiếc bánh, sóng gió yên lặng, quỷ ma khuất phục…) ! Câu hỏi của tông đồ Tôma đã bộc lộ cho niềm xao xuyến, bất an đó: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?”. Đức Kitô đã trấn an nỗi xuyến xao đó qua lời đáp trả dành cho Tô-ma: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

Trong bài viết “ĐƯỜNG VỀ CÙNG CHA”, nữ tu MTG.QN – Marie Diệu Hiền, đã nhận xét về câu trả lời đó như sau: “Chúa không trả lời cho Tô-ma phải “đi đâu”, nhưng là “đi như thế nào”, nghĩa là đi trong Ngài và nhờ Ngài, vì Ngài là “đường đi” dẫn đến Chúa Cha. Làm người môn đệ Chúa chẳng phải là đi theo một học thuyết, nhưng là đi theo một NGÔI VỊ. Nỗi bận tâm của người môn đệ chẳng phải là “tôi sẽ đi đâu” nhưng là “tôi có ở trong Chúa Giê-su không ?” vì Ngài “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta hiểu rằng đích điểm mà Chúa Giê-su muốn dẫn các ông đến chẳng phải là một không gian địa lý mà là một NGÔI VỊ, là chính CHÚA CHA “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Con đường để đến với Chúa Cha cũng không thể đo được bằng kilômet, vì con đường ấy cũng chính là một NGÔI VỊ, là chính Chúa Giê-su”.

            Nếu niềm xác tín về một Đức Kitô là Đường, Sự Thật, Sự Sống ăn sâu trong trái tim và chạm đến mọi mọi ngõ ngách cuộc sống, thì mỗi một Kitô hữu, mỗi một cộng đoàn Hội Thánh sẽ là một lời chứng sống động và thuyết phục, như những thế hệ Kitô hữu ban đầu, thời của Tông Đồ Công vụ, thời của “Hang tọai đạo” hay “tử đạo nơi hý trường Coloseum”; riêng Việt Nam chúng ta, đó là thời của các thừa sai và cha ông tiên tổ vào sinh ra tử để gieo trông hạt giống đức tin và bảo vệ niềm tin bằng bao nhiêu gương anh hùng tử đạo…

Quả thật, trên con Đường của Đức Kitô hôm nay, chúng ta lại phải bắt đầu, như lời Đức thánh Giáo Hoàng G.P.II nói với giới trẻ năm 1988: “Khám phá Đức Kitô là một cuộc phiêu lưu đẹp nhất đời chúng con. Nhưng khám phá ra Ngài một lần mà thôi thì không đủ. Mỗi khám phá người ta có về Người lại trở thành một lời mời gọi kiếm tìm Người hơn nữa…”.

Và chúng ta đừng quên: sự khám phá Đức Kitô để tiếp tục tiến bước trên con đường của Ngài không phải được tính bằng những chuyện “chọc trời khuấy nước”, những công trình vĩ đại lớn lao, những hy sinh hãm mình của những bậc tu trì đạt đạo, những suy niệm thần bí cao siêu… mà cốt yếu là những hy sinh thầm lặng, những việc phục vụ âm thầm, những chiến đấu và chiến thắng tính hư tật xấu với cái tôi, những tràng hạt Mân côi, những Thánh lễ ngày thường… Đó chính là những “mũi chỉ đuờng kim dệt nên tấm thảm thêu hình Đức Kitô” mà trong lúc nhất thời, nhìn từ mặt trái, chúng ta sẽ không nhận ra cái nét đẹp tuyệt vời của “bức tranh tổng thể”.

            Để có được một Hội Thánh như hôm nay, một “Đền thờ Giêrusalem vĩ đại từ trời”, một “Cây Tùng Vạn cổ tỏa bóng khắp địa cầu”, một “Dân thánh, Dân Tư Tế và Vương đế” đến từ muôn chân trời góc bể…, đã có bao nhiêu “hạt lúa mì rơi xuống”, đã đổ bao máu xương và nước mắt, đã đón nhận bao hy sinh và nguyện cầu của những anh chị em Kitô hữu đã chọn và đã đi trên con đường của Đức Kitô. Quả thật, như thánh Phêrô xác quyết, họ là “những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Đức Giêsu Kitô.” (Bđ 2).           

Trước lựa chọn “nẻo đường hẹp”, “con đường Thập Giá”, quả thật, với thân phận yếu đuối của con người, ai trong chúng ta lại đã không một lần muốn “xịu mặt, quay lưng”, như chàng thanh niên giàu có thuở nào (Mc 10, 17-22). Tuy nhiên, một lần nữa, Lời Đức Kitô lại vang lên nhắc khéo và động viên: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Nếu đây là một lời của một ai đó, chúng ta có quyền nghi ngờ. Nhưng là Lời của Đấng là “đường, là sự thật và là sự sống”, nên hãy cứ yên tâm mà dấn thân tiến bước. Amen.

Trương Đình Hiền