VÌ SAO EM TÔI CHẾT…?

Views: 87

Một chút suy tư và cảm nhận từ cái chết của 39 “nạn nhân di dân”(trong số đó, có thể đa phần là người Việt Nam) được phát hiện vào ngày 23.10.2019 trong một containers tại công viên thuộc khu công nghiệp Waterglade, Thị Trấn Grays, cách thành phố Luân Đôn 40km về hướng Đông Bắc.

Tôi viết cho em những dòng tâm sự này bằng đôi tay hãy còn run rẩy vì xúc động. Tôi không biết em là ai. Nhưng lòng tôi quặn đau và thổn thức. Như những cảnh sát của quận Essex khi mở cửa thùng xe đông lạnh và chứng kiến đến 39 xác người. Họ gục xuống trong tiếng nấc khi còn chưa kịp xác định những người bị nạn là ai. Như những công dân vô danh của thành phố Luân Đôn lặng lẽ đốt lên ngọn nến tưởng niệm. Họ thật lòng bày tỏ sự tiếc thương và đau xót cho những nạn nhân còn chưa xác định được căn tính và quốc tịch.

Văn hoá Châu Âu là vậy đó em. Họ thật sự còn có những trái tim biết rung trước. Rồi sau đó cái đầu mới bắt đầu đặt ra những câu hỏi hay-dở, khôn-dại, đúng-sai…

Em là ai?

Suốt mấy ngày nay tấm hình và bức ảnh chụp tin nhắn của em liên tục xuất hiện trên trang nhất của những tờ báo lớn nhất nước Anh và cả Châu Âu. Em có một ánh mắt biết nói, một gương mặt dễ nhìn. Vành tai em cài một bông hoa sứ trắng. Người Châu Âu bàn luận: em có một gương mặt thiên thần, nhưng sao lại phải gánh chịu một số phận khắc nghiệt đến vậy?

Tôi sợ rằng sự khắc nghiệt ấy không chỉ là số phận của riêng em.

Tôi sợ rằng những thiên thần phải gánh chịu đoạ đày đã trở thành số phận khắc nghiệt của rất nhiều người trẻ Việt ngày nay.

Tôi không biết em là ai, nhưng trong câu chuyện của em tôi gặp lại câu chuyện của nhiều bạn trẻ mà tôi đã từng gặp gỡ. Gặp nhau trên xứ lạ. Chúng tôi đều là những kẻ tha hương. Có những người mới gặp tôi, chưa kịp nói gì thì đã khóc. Lý do chỉ đơn giản thế này thôi: lâu lắm rồi con mới được nghe lại tiếng Việt!

Có lần tôi giảng tĩnh tâm cho một nhóm người Việt. Nhóm tĩnh tâm ấy có nhiều bạn trẻ. Nhờ họ mà cuộc tĩnh tâm của tôi có màu sắc rộn ràng và vui tươi hơn. Đêm cuối của cuộc tĩnh tâm, chúng tôi ngồi lại bên nhau ôm đàn guitar và hát say sưa. Tự nhiên một bạn lên tiếng: mai là phải chia tay rồi… Vậy là cả nhóm lặng ngắt. Chẳng còn ai hát nổi. Họ tiếc những giây phút thanh thản và bình an của cuộc tĩnh tâm. Nhưng quan trọng hơn, tôi biết, họ sợ cuộc sống phía trước. Tĩnh tâm kết thúc nghĩa là họ lại phải trở lại đối diện với cuộc sống thực tế của họ. Họ sợ ngày mai…

Nhiều người trong số họ đang sống cuộc sống của người nhập cư bất hợp pháp. Chẳng giấy tờ tuỳ thân. Chẳng một ai thân thích. Chẳng được hưởng một quyền lợi gì. Ai cũng có thể bắt nạt và chèn ép họ được. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị bắt và bị trục xuất.

Ngày mai họ lại đi cày. Người nào có nghề một chút, may mắn một chút, thì được làm đầu bếp. Một ngày quần quật hơn mười tiếng đồng hồ với củi lửa và dầu mỡ. Người nào chưa có tay nghề, mà may mắn, thì vẫn tìm được việc dọn dẹp bếp núc rửa chén rửa bát. Có người làm việc lúc nhà hàng đã đóng cửa tắt đèn. Một mình họ dưới tầng hầm làm việc từ khuya đến sáng sớm, chuẩn bị cắt gọt rau quả và mọi thứ sẵn sàng cho đầu bếp nấu nướng trong ngày mới. Cũng có những người chấp nhận chui xuống hầm sâu hơn nữa, ở đó cả vài tháng không trồi lên mặt đất. Để chong đèn trồng cây thuốc phiện. Những người khác, ít may mắn hơn, thì sẵn sàng làm đủ thứ nghề… Nghề nào cũng có nguy cơ bị bóc lột. Bởi có ai bảo vệ họ đâu! Họ có tư cách gì để mà lên tiếng hay đòi hỏi đâu!

Không phải không có những người đã vẽ ra trong đầu hành trình tự đóng mình vào container, buông mình theo một chuyến xe hàng nào đó, để tìm một cơ hội tốt hơn ở một đất nước khác hơn. Nhưng liệu có nơi nào tốt hơn cho những người như họ?

Dù sao thì họ vẫn phải tiếp tục cuộc sống của mình. Một cuộc sống không có gì cả. Miễn sao có thể có tiền. Miễn sao cuối tháng có chút gì đó gởi về cho gia đình.

Có lúc họ mở lòng tâm sự: cuộc sống nơi này khó khăn quá, không như con tưởng…

Tôi biết nói sao với họ đây, về cuộc sống mà họ đang sống?

Tôi có thể làm gì cho họ đây, ở nơi mà họ từng ngỡ là đất hứa?

Là đất hứa hay là vùng đất chết?

Tìm về miền đất chết

Em và 38 người khác chấp nhận chui vào containers. Để người ta đóng gói mình như đóng những kiện hàng và gởi đi. Những “kiện hàng đông lạnh” được phát hiện trên đất Anh, tại công viên thuộc khu công nghiệp Waterglade, Thị Trấn Grays, cách thành phố Luân Đôn 40km về hướng Đông Bắc. Cảnh sát Anh cho rằng những “kiện hàng” này đỗ bến sau khuya ngày 22 và đầu ngày 23 tháng 10. Hầu chắc những “kiện hàng” này đến đất Anh theo chuyến phà Clementine đi từ cảng Zeebrugge của Vương Quốc Bỉ, băng qua vùng Kênh Anh Quốc, và đỗ vào bến cảng Purfleet trên sông Thames. Tên của chuyến phà nghe như một sự châm biếm đau lòng: Clementine là một từ gốc Latinh, có nghĩa là khoan dung, độ lượng, nhân từ. Tên ấy lại được đặt cho một chuyến phà tàn khốc.

Trong số 39 xác người, có 31 người nam và 8 người nữ. Không ai muốn nhận mình có dính dáng đến họ. Em chết trong cơn lạnh. Nhưng sau cái chết của em vẫn còn những cơn lạnh khác, xuất phát tự lòng người, khiến cho những con người có trái tim không thể không thổn thức.

Đã có những nhận xét nhẫn tâm thế này: “Ai biểu chê nước mình nghèo, ham tiền, vượt biên, chết cũng đáng!”, “nhập cư lậu đi trồng cần, cho đáng”, “nhà có nghèo gì đâu, có ô tô đàng hoàng, còn xài hàng hiệu chek-in đủ nơi…”. Người mình với nhau còn như vậy, thì đâu lạ gì trước phản ứng phủi tay của những người khác.

Khi chiếc xe tải chở hàng được xác định có xuất xứ từ Bungary, chính phủ Bungary vội vàng đính chính: từ khi xuất xưởng đến giờ, chiếc xe này chưa bao giờ quay lại nơi sản xuất một lần nào!

Tài xế xe tải được xác định là một cậu trai trẻ người Bắc Ai-len. Hai ngày sau, thêm 3 người Bắc Ai-len nữa bị tình nghi có liên can đến vụ việc buôn người. Trước tin họ bị bắt giữ để thẩm vấn, chính phủ Bắc Ai-len từ chối lên tiếng.

Chiếc xe chở hàng được xác định thuộc về công ty vận tải GTR. Sau khi thông tin cho cảnh sát về hành trình của chuyến xe, luật sư của công ty tranh thủ nhắn nhủ thêm: đây là xe cho thuê, công ty chúng tôi chẳng liên quan gì đến chuyện này!

Khi thông tin ban đầu tiết lộ rằng 39 người bị nạn có thể là người Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc lập tức lớn tiếng phản đối: còn quá sớm để có thể xác định về quốc tịch và nguồn gốc của các nạn nhân! Lãnh sự quán của Trung Quốc ở Anh còn mạnh miệng: cần phải tìm cho rõ thông tin đích thực về quốc tịch của những người này! Họ phát biểu như thể họ đã biết chắc mọi chuyện…

Ai cũng sợ dính trách nhiệm vào những “kiện hàng đông lạnh” này.

Tệ hơn, người ta còn sợ mất mặt và xấu hổ nếu nạn nhân trong những kiện hàng ấy là công dân thuộc nước mình. Những “kiện hàng đông lạnh” ấy chừng như đã trở thành mối hoạ oan nghiệt mà ai cũng muốn xa lánh.

Cho đến khi trên mạng xã hội của Việt Nam xuất hiện tin về một người bố đi tìm con gái. Mọi người xót xa chia sẻ đoạn tin nhắn tuyệt mệnh của em. Tin nhắn được gởi đi vào lúc 4:28 đầu ngày 23 theo giờ Việt Nam, nghĩa là lúc 10:28 cuối ngày 22 theo giờ Anh. Hình như chuyến phà Clementine chưa kịp đỗ bến thì em đã không còn cầm cự được. Tin nhắn của em khởi đầu và kết thúc bằng lời xin lỗi bố mẹ. Em nhận ra con đường đi nước ngoài đã không thành. Em thấy trước cái chết của mình vì không thở được. Xen kẽ trong đoạn tin nhắn là dòng địa chỉ của gia đình, như thông điệp em muốn lưu lại để người ta còn biết em là ai…

Con xin lỗi bố mẹ

Không muốn khoét sâu vào nỗi đau, nhưng tôi sợ rằng em đã chết không nhắm mắt. Trước khi ra đi, em để lại lời xin lỗi. Báo chí Châu Âu không hiểu em xin lỗi chuyện gì. Nhưng trái tim của một người Châu Á đọc là hiểu liền em ạ. Chữ hiếu đạo đã bám rễ sâu trong lòng em. Em ra đi không phải chỉ để tìm cuộc sống cho riêng mình, nhưng còn để làm điều gì đó cho gia đình của mình nữa. Tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ chọn lựa như em. Họ là những người được sinh ra, lớn lên, khắc sâu trong lòng mình chữ đạo chữ hiếu. Họ đi làm ăn xa, bán đi cái quê hương xứ ở trong lòng mình, bán đi cả tuổi xuân của mình, bán luôn bao nhiêu là ước vọng của riêng mình. Họ tìm cách ra đi, đau đáu với khát vọng đổi đời và ước mơ mang về phồn vinh no ấm cho gia đình. Họ thấy có lỗi khi để gia đình mình thua thiệt và không bằng người.

Em xin lỗi vì thấy mình thất bại. Em xin lỗi vì món nợ mình để lại cho gia đình. Có người nào ra đi như em mà không mắc nợ đâu, phải không? Phải cầm cố nhà cửa, vườn tược, đất đai. Phải vay nợ trả lãi. Phải vét cạn những gì mình có… Em như một khoảng đầu tư của cả gia đình em. Vậy nên một khi đã ra đi, ít người nào dám nghĩ chuyện quay đầu trở lại. Quay trở lại là thất bại. Thất bại bao giờ cũng đi liền với mặc cảm có lỗi.

Lời xin lỗi của em được lặp đi lặp lại cùng với lời yêu thương dành cho bố mẹ.

Em xin lỗi, nhưng tôi vẫn tin rằng nói cho cùng đó đâu phải là lỗi của em.

Nói cho cùng, trong thảm trạng xảy ra cho em, và cho nhiều người trẻ khác nữa, có thật sự em là người có lỗi không? Ai mới thật sự là người cần phải xin lỗi?

Con đường đi nước ngoài không thành

Cụm từ “đi nước ngoài” hình như chưa bao giờ đánh mất sức hấp dẫn với người Việt mình, nhất là những người trẻ ngày nay. Người mình nhìn “nước ngoài”, dù là Âu hay Mỹ, hay ở cả một số nước phát triển của Châu Á, như là biểu tượng của giàu có và văn minh. Nói ra hay không nói ra, “nước ngoài” vẫn cứ lung linh như một vùng đất hứa.

Có thể đúng em ạ. Nếu em là người chí thú học hành và có khả năng thật sự, em có thể mở ra được nhiều cánh cửa ở “nước ngoài” lắm. Có thể có nhiều đảm bảo cho tương lai và sự nghiệp của em lắm.

Nhưng có mấy người trong giới trẻ hiện nay muốn đi một con đường dài? Có mấy người trẻ ra đi và cưu mang một mục đích gì đó khác hơn là việc kiếm tiền?

Những người đi “nước ngoài” về thường bóng loáng và sang chảnh với cái danh Việt Kiều. Họ được nhìn như biểu tượng của thành công. Có mấy ai trong số họ kể lại cho em nghe những khổ cực mà họ thật sự đã trải qua? Có mấy ai dám thật lòng khơi lại những kỳ thị và phân biệt, những ấm ức và tủi hổ, những kém cỏi và thất bại… mà nhiều người Châu Á da vàng phải hứng chịu trên đất “nước ngoài”?

Muốn đường tắt và làm giàu theo kiểu “mì ăn liền” thì “nước ngoài” khổ lắm em ạ! Lại hàm chứa bao nhiêu là nguy cơ nữa. “Nước ngoài” đâu phải là một mỏ vàng có sẵn để ai cũng có thể đến và muốn đào bao nhiêu thì đào. Những người “nước ngoài” cũng đâu có ngu đến độ để cho người khác tự do vào nhà họ và lấy đi cơ hội của họ. Càng ngày an ninh của họ càng xiết chặt. Những thủ tục giấy tờ càng phức tạp. Càng ngày họ càng phát huy kỹ năng từ chối tiếp nhận người nhập cư cách đầy lịch sự nhưng cũng đầy dứt khoát và lạnh lùng.

Đã có nhiều người đi nước ngoài không thành.
Đã có nhiều thảm cảnh đau lòng.
Đã có vô số những chuyện thương tâm xảy ra.
Nhưng ánh hào quang của “nước ngoài” chừng như chưa bao giờ tắt trong lòng rất nhiều người.

Không phải tôi đang phán xét đâu em ạ. Vì biết đâu tôi sai. Biết đâu em, cũng như nhiều người trẻ khác, bị hút bởi “nước ngoài” đơn giản chỉ vì ở “nước trong” không còn đường nào khác để đi.

Biết đâu vì em không còn tương lai nào khác để mà hy vọng…

Con chết vì không thở được

Đọc đoạn tin nhắn của em, có người đau quá, đã thốt lên thế này:

“Mẹ ơi, con khó thở
Con đang chết… mẹ ơi…
Tổ Quốc ơi, người Việt
Đang chết ở xứ người.
Tổ Quốc ơi, hãy hỏi
Vì sao nhiều đồng bào
Phải mất tiền để chết
Xin hãy hỏi: vì sao?
(Thơ TBT)

Không chỉ mất tiền để chết, những nạn nhân như em đã chết trong căn tính của một quốc tịch khác. Không phải tự nhiên mà ngay từ đầu cảnh sát Anh loan tin rằng toàn bộ nạn nhân là người Trung Quốc. Để đặt chân vào Châu Âu, nhóm của em đã theo đường dây môi giới từ phía Trung Quốc. Mọi người đều được cấp cho giấy tờ giả là người Trung Quốc… Họ sẵn sàng mang em đi. Họ gói em lại như một gói hàng. Họ cấp cho em một chút không khí vừa đủ để thở và một chút nhiệt vừa đủ để sinh tồn. Đó là trong trường hợp mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Còn nếu không? Đố ai lần ra được họ là ai!…

Báo chí Châu Âu không hiểu được tại sao em và những người bạn của em lại chấp nhận chui vào container. Sao mà thở được! – họ nói. Chẳng lẽ hoàn cảnh sống của người Việt nghèo đến độ phải liều lĩnh vậy sao? – họ thắc mắc. Họ còn bình phẩm: em ra đi như chơi một canh bạc, và thua bằng chính mạng sống của mình. Còn một câu hỏi nữa, có lẽ vì lịch sự họ không thốt ra thôi, nhưng tôi đọc thấy trong mắt họ và trong những ám chỉ của họ: Chẳng lẽ sinh mạng của người Việt lại rẻ đến vậy sao?

Hình như mọi người đều muốn hỏi em câu này: này em hỡi, con đường em đi đó đúng hay sao em? Tôi biết, họ sẽ chẳng tìm được câu trả lời đâu. Vì có đúng hay sai, với em bây giờ chẳng còn ích gì nữa. Câu trả lời cần thiết phải nằm ở nơi những người còn đang sống, nhất là những người trẻ đã, đang, và, biết đâu, sẽ còn chọn lựa như em.

Em ra đi để tìm một hơi thở mới cho mình và cho gia đình. Em và những người bạn của em đã chấp nhận nín nhịn một thời gian, trong một container chật hẹp và lạnh lẽo, với hy vọng rằng một ngày nào đó mình thật sự được tự do hít thở. Nhưng em lại không nghĩ ra được rằng nín thở lâu quá sẽ làm người ta chết. Container chật hẹp quá sẽ làm người ta chết. Lạnh quá sẽ làm người ta chết…

Tôi hãi sợ khi mường tượng ra hình ảnh còn nhiều người, rất nhiều người, đang sống thu mình trong những container chật hẹp và lạnh cóng, ngoi ngóp với lượng nhiệt và không khí ít ỏi, mà không nhận ra mình đang chết.

Tôi sợ rằng cái chết đầy bi kịch của em chỉ là biểu thị hữu hình của nhiều cái chết vô hình mòn mỏi khác. Tôi sợ rằng trong cơn khó thở của em, có bóng dáng của cả một thế hệ và một dân tộc đang sống qua những tháng ngày rất khó thở.

Xen kẽ trong tin nhắn của em là những dòng địa chỉ quê nhà. Tôi tin rằng đó không chỉ đơn giản là những dòng tin em muốn nhắn cho bố mẹ mình. Đó là những dòng địa chỉ trong tim em, một con người đang thấy cái chết ngay trước mắt. Đó là dòng sứ điệp em để lại để người ta còn biết em là ai. Em đã ra đi như một người khác: nhập cư bất hợp pháp và phải mang lấy quốc tịch khác. Nhưng em muốn được trở về là em, khi đã thất bại và tuyệt vọng. Dòng địa chỉ của em bao hàm tất cả: một quê hương xứ sở, một gốc gác cội nguồn, một gia đình yêu thương, và tất cả những gì quý giá nhất trong cuộc đời làm người của em.

Em ạ,
Em không phải là người đầu tiên, và có lẽ cũng không phải là người cuối cùng, trong số những người con phải lìa bỏ quê hương mình để đi tìm đường sống. Em không phải là người duy nhất mang trong lòng mình món nợ quê hương và gia đình. Món nợ ấy quý lắm, vì có thể trở thành động lực, thành nguồn sống, và nguồn sức mạnh cho người ta đi tới. Đã có những người thành công. Họ xây dựng cuộc sống trên chính khả năng và nhân phẩm của mình. Họ chấp nhận đi một con đường dài, để những cam go và cực khổ của cuộc sống làm nên giá trị của đời họ. Họ đã đứng thẳng ngẩng đầu mà đi. Họ đường đường chính chính dương danh người Việt trên xứ lạ quê người.

Sai lầm là khi món nợ ấy bị biến thành gánh nặng và áp lực, khiến người ta phải chấp nhận trả bằng mọi giá. Sai lầm nằm ở cả một hệ thống chỉ dạy người ta kiếm tiền bằng mọi cách, nhưng không dạy được người ta sống với những giá trị và nhân phẩm con người. Sai lầm nằm trong ý thức hệ rằng con người chỉ là vật chất và thuần là phương tiện sản xuất, đến độ sinh mạng của con người bị đánh đồng và có thể đem đi đánh đổi với những lợi ích được tính bằng của cải vật chất. Chính những người ủng hộ và quảng bá ý thức hệ sai lầm ấy, chính những người ra sức xây dựng và củng cố hệ thống phi nhân ấy, mới là những kẻ cần phải cúi đầu xin lỗi trước em và trước quê hương đất nước này.

Tôi thắp lên một nén hương, cầu nguyện cho linh hồn em và những người thọ nạn.

Tôi cầu mong những bạn trẻ của tôi học được từ thất bại của em nhiều bài học quý giá. Để lời xin lỗi và tấm lòng của em với gia đình và quê hương sẽ không ra vô ích.

Tôi cầu nguyện, để cái chết của em là một cú tát làm thức tỉnh lương tâm nhiều người.

Cao Gia An, SJ – CTV Vatican News