(Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm B 2021)
Kể từ năm 1946, nước Liên Sô cũ cũng như nước Nga hôm nay đã chọn ngày 9.5 hàng năm làm ngày đại lễ mừng chiến thắng Đức Quốc xã, kết thúc Đệ Nhị thế chiến[1]. Và trong ngày đại lễ nầy, tại thủ đô Mát-cơ-va, có một cuộc duyệt binh vĩ đại tại quảng rường Đỏ. Có nhiều người trên khán đài mang trên ngực lủ khủ huân chương. Tuy nhiên, khi nhắc đến cuộc chiến tranh thảm khốc đệ nhị thế chiến, thì người Ki-tô hữu lại hay nhớ tới một người không có một chiếc huy chương nào, lại là một tù nhân trong trại tù khét tiếng của Đức Quốc Xã, Auschwitz. Đó là thánh linh mục Maximilien Kolbe, Người đã xin chết thay cho một người tù xa lạ: “Tôi là một linh mục Công Giáo Ba Lan, tôi đã già, tôi muốn chết thay cho ông nầy, vì ông có vợ con”.
Từ cái chết “thay cho bạn” của cha thánh Maximilien Kolbe hơn 70 năm trước đến cái chết “vì cứu bạn” mới đây, ngày 30.4.2021 của người sinh viên Công giáo Nghệ An, bạn Phêrô Khoa Nguyễn Văn Nhã, gần như đã làm sống lại giữa cộng đoàn chúng ta chính sứ điệp Tin Mừng được công bố hôm nay: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.
Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng: khi nói những lời trên, Đức Kitô trước hết, muốn ám chỉ chính mình; Ngài muốn các môn sinh nhận ra nơi cuộc dấn thân vào con đường khổ nạn của Ngài sắp diễn ra là một nghĩa cử, một bằng chứng, một “Giao Ước” của tình yêu trọn vẹn Ngài ban tặng cho loài người theo ý định của Chúa Cha, như Tông Đồ Gioan đã cắt nghĩa: “Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.
Trong suốt Mùa Phục Sinh nầy, người Kitô hữu chúng ta gần như được Phụng Vụ và Lời Chúa khơi gợi lại “câu chuyện tình vĩ đại” của Chúa Giêsu và sự hiện diện đầy ắp tình yêu của Ngài, như cách cắt nghĩa của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là tình yêu): “Trong câu chuyện tình được Thánh Kinh tường thuật, Ngài đến với chúng ta, Ngài tìm cách chinh phục chúng ta, đến tận cùng bữa tiệc ly, đến cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu qua, đến những lần hiện ra sau phục sinh và đến những kỳ công cao cả, thông qua hoạt động của các Tông đồ, Ngài hướng dẫn Giáo Hội sơ khai trên những nẻo đường. Chúa đã không vắng mặt trong lịch sử tiếp theo của Giáo Hội: Ngài gặp gỡ chúng ta luôn mãi nơi những người nam nữ chiêm ngắm sự hiện diện của Ngài trong Lời Ngài, trong các phép bí tích, và đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Trong Phụng vụ của Giáo Hội, trong lời kinh của Giáo Hội, trong những cộng đoàn tín hữu sống động, chúng ta cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ngài… Ngài đã yêu thương chúng ta trước và Ngài còn tiếp tục yêu thương chúng ta…” (Thông điệp TCLTY số 17).
Và một khi đã cảm nhận và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Lời Chúa lại gọi mời chúng ta đáp trả bằng hành động yêu thương; bởi vì một tình yêu đích thực, một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa luôn mở ngõ để đến với anh em, để yêu thương con người, như lời khuyến dụ của Thánh Gioan trong trích đoạn thư mà chúng ta vừa nghe: “Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu…”.
Vì thế, đối với người môn đệ Chúa Ki-tô, sống và thực hành yêu thương, không chỉ là một khuyến dụ, một chuyện “có cũng được mà không cũng chẳng sao”, nhưng là một mệnh lệnh cốt yếu, một giới răn cơ bản, một dấu chỉ làm nên căn tính Kitô hữu: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau”. Và chúng ta cũng đừng quên những lời cảnh báo nghiêm khắc của chính Chúa Giêsu trong dụ ngôn “Ngày Phán Xét” cũng để nhắm tới “điều răn yêu thương” nầy: “Hỡi những quân bị nguyền rũa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn…” (Mt 25, 31-46). Phải chăng, từ những giáo huấn Tin Mừng đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã ân cần nhắc nhở chúng ta trong thông điệp Deus Caritas est bằng những từ mạnh mẽ xác quyết: “Yêu người là con đường dẫn đến sự gặp gỡ với Chúa, và ngoảnh mặt với anh em là ngoảnh mặt đi với Thiên Chúa” (TCLTY số 16). Đó cũng chính là tâm sự của Thánh Gioan Thánh Giá khi suy niệm về thời điểm sau hết của cuộc đời: “Vào buổi xế chiều cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”.
Trong một thế giới mà “ý nghĩa tình yêu” đã trở thành xa xỉ và tương quan nhân loại được xây dựng bằng tiêu chuẩn “mạnh được yếu thua may nhờ rủi chịu”…, quả thật sứ điệp “Tình Yêu lớn của Đức Kitô” cần thiết biết bao. Hơn lúc nào hết, trong thời buổi “đại dịch Covid đang đe doạ sự an yên của toàn thể gia đình nhân loại, làm băng giá và cách biệt giữa người với người, giữa biên giới các quốc gia…, cộng đoàn Hội Thánh hôm nay cần phải trở về với “nếp sống” của cộng đoàn Giáo Hội nguyên thuỷ để trở thành một “lời chứng thuyết phục”: yêu thương hiệp nhất với nhau; chung lời cầu nguyện; chung chia tấm bánh… (Cv 2,42-47); và nhất là để Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn. Vâng, chính Chúa Thánh Thần là “Ngôi Vị Tình yêu nối kết mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa”, “tuôn đổ tình yêu vào lòng chúng ta” (Rm 5,5); và là Đấng “nhóm lửa tình yêu trong lòng các tín hữu” (Lời tung hô Allêluia trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), là Đấng sẵn sàng ngự xuống trên mọi tâm hồn thành tâm thiện chí đón nhận Lời (như sách Công Vụ Tông Đồ làm chứng hôm nay): Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!” Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. (Bđ 1).
Quả thật, một khi trái tim con người đã được Thánh Thần chinh phục, uốn nắn và đốt nóng, thì một “Saolô cứng cỏi hẹp hòi” đã trở nên một “Phaolô được tình yêu Đức Kitô thúc bách” (2 Cr 5,14); hay “đời thường” hơn, như Dolores Hart, một “ngôi sao điện ảnh” lừng danh của Hollywood và là thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ đã trở thành một nữ tu, một Mẹ Bề Trên sống cuộc đời tình yêu dâng hiến; hay một cầu thủ bóng đá Ngoại Hạng Anh Philip Mulryne chỉ biết sống với tiền tài, hưởng thụ, Chúa Thánh Thần đã biến đổi để trở nên linh mục Dòng Đa Minh phục vụ cho công cuộc Nước Trời…
Kể từ “Ngày Thứ Nhất trong tuần của hai ngàn năm trước”, khi “Đức Kitô Phục Sinh” mở toang “cánh cửa mồ trống” để đẩy lùi bóng tối sự chết bằng ánh sáng “bình Minh sống lại”, thì con đường “mến Chúa, yêu người” đã dọc ngang đan dệt trên muôn cõi bờ thế giới. Vâng, một em bé phung cùi trong trại phong của các thừa sai Trung quốc, hay một Giám Mục Óscar Romero ở Toà Giám Mục El Salvador đều có thể “viết đời mình thành câu chuyện tình yêu”. Vâng một tình yêu sẵn sàng hy sinh vì bạn hữu. Amen.
Trương Đình Hiền
[1] Cách đây đúng 76 năm; chính xác là vào lúc 22 giờ 43 phút ngày 8 tháng 5 năm 1945 theo giờ Berlin (tức 0 giờ 43 phút ngày 9 tháng 5 theo giờ Moskva), tại một trường quân sự cũ ở Karlshorst gần Berlin, trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc đồng minh, các đại diện toàn quyền được uỷ nhiệm của nước Đức Quốc xã ký vào biên bản xác nhận họ đầu hàng không điều kiện.