YÊU MẾN GIỮA ĐỜI THƯỜNG (TĨNH TÂM THEO TÔNG HUẤN “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ” – CHƯƠNG 4)

Views: 127

Nhân dịp cộng đoàn Dân Chúa đang chuẩn bị tiến vào Mùa Chay, xin trân trọng giới thiệu loạt bài HƯỚNG DÃN TĨNH TÂM THEO TÔNG HUẤN “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ” (TĨNH TÂM VỚI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ) của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự.

Sau đây là loạt bài thứ 4 : CHƯƠNG 4 : YÊU MẾN GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Với kinh nghiệm chỗi dậy từ quá khứ, ta khẳng định lại con đường phải đi. Vấn đề đặt ra là phải làm gì trong hiện tại để trung thành mãi với tương lai. Nói tóm, làm sao để đứng vững trong điều tốt? Thưa: mạnh dạn, kiên trì, vui vẻ, hiệp thông và cầu nguyện (x. VMHH chương IV).

            Trong chương IV của Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, Đức Thánh Cha nêu cao 5 nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày nay.

– Kiên trì, kiên nhẫn và hiền lành

– Vui vẻ và biết đùa

– Mạnh dạn và nhiệt thành

– Có tinh thần cộng đoàn

– Trong cầu nguyện liên lỉ

            Thiên Chúa yêu thương mời gọi và ban đủ ơn để mỗi người đều có thể nên thánh và Thiên Chúa muốn cho mọi người đều được nên thánh, cho nên Ngài đặt việc nên thánh vào tầm tay của mọi người. Ngài tạo điều kiện để ai cũng có thể nên thánh nhờ những việc rất bé nhỏ giữa đời thường. Những ai xem nhẹ những điều nhỏ, sẽ rơi vào ảo tưởng và bắt hụt sự thánh thiện.

            Chính khi sống như thế trong cuộc sống thường nhật, người ta trở nên giống Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người tại Nadaret. Khao khát nên thánh cũng có nghĩa là khao khát nên giống Chúa Giêsu Kitô nơi tất cả những gì Chúa đã trải qua: nghèo khó, vất vả, đau thương và cả sỉ nhục nữa. (Trích 118)

TIẾN SÂU VÀO THINH LẶNG

            Tiến sâu hơn vào thinh lặng, ta sẽ nhận ra hai điều bất ngờ làm nên sự thánh thiện:

– Tầm quan trọng của những điều hết sức nhỏ (x. VMHH 143)

– Đừng bỏ qua những dịp may giữa đời thường để “lòng hân hoan dạ vui mừng vì thấy mình được coi là xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giêsu” (Cv 5, 41) từ nơi những điều nhỏ thường ngày (x. VMHH 119).

            Tông huấn mở đầu với chữ sỉ nhục của Mt 5,11 và Lc 6,22. Trong 12 chữ sỉ nhục còn lại, 11 chữ nằm ở ba số 118-120 của Tông huấn, ta nên đọc kỹ. Thánh I Nhã coi việc được chia sẻ cùng một thân phận với Chúa Giêsu là một trong những dấu hiệu của bậc khiêm nhường thứ ba, của lòng yêu Chúa đến mức điên rồ. Đức Thánh Cha nhắc lại thật nhẹ nhàng.

            Ở câu cuối của tám mối phúc, Chúa nói các môn đệ Ngài sẽ bị “vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11). Đây là thủ thuật của thần dữ xuyên suốt từ khi có Kitô giáo. Vua Nêrô ra lệnh đốt thành Rôma rồi vu khống cho người Kitô hữu để tránh khỏi bị dân chúng kết án. Ngày nay người ta dùng đủ các phương tiện truyền thông để bôi nhọ Hội thánh Chúa cách bất công nhưng rất hữu hiệu, tạo nên một dư luận đi ngược với tinh thần Tin mừng nhằm triệt hạ Hội thánh. Chính Đức Thánh cha Phanxicô không ngừng phải hứng chịu hậu quả của cuộc tấn công có hệ thống ấy.

            Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý tới sự sỉ nhục mà các con cái Chúa trong Hội thánh phải hứng chịu từ những cơn bão truyền thông… Một lời nói có thể bị cắt lìa khỏi văn cảnh, bị xuyên tạc theo nghĩa ngược hẳn lại và chỉ trong một ngày đủ để truyền thông khiến mọi người khắp nơi phẫn nộ, phỉ báng. Ngài cũng nhắc chúng ta phải thận trọng, đừng vô tình lỗi đức ái qua mạng Internet, tránh những hành động bạo lực bằng lời nói hạ nhục và ngược đãi người khác (số 116).

CẦU NGUYỆN HÔM NAY

            Hôm nay ta cầu nguyện để được ơn luôn vững bước trên đường theo Chúa Giêsu và mỗi ngày một tiến xa hơn. Ta nài xin Chúa giúp ta gia tăng lòng quảng đại và dạy ta yêu mến Chúa nồng nàn. Ta tha thiết xin được ơn khao khát nên thánh, noi gương bắt chước Chúa, khao khát nên giống Chúa trong tất cả những gì Chúa đã đón nhận vì yêu thương ta.

“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5,11-12).

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.” (Lc 6,22-23)

Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu (Cv 5,41).

            Nơi những giờ cầu nguyện hướng về cuộc thương khó Chúa Giêsu, bạn luôn xin cho mình được ơn hiểu biết Chúa Giêsu hơn, yêu mến Ngài hơn và theo Ngài gắn bó hơn.

– Khung cảnh: thời gian, không gian, sự kiện (Thấy – to see)

– Ý chính: Nhập vai nhân vật, đọc ra ý nghĩa sự kiện (Nhìn – to look)

– Đồng cảm: Tâm tình và biến đổi (Rung cảm – to feel)

Đề tài 10 : TRẮC NGHIỆM LÒNG QUẢNG ĐẠI

            Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Ngài sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Ngài. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,1-10)

            Thánh I Nhã đưa ra câu chuyện ba người, mỗi người đều bỗng dưng có được 10 ngàn đô la một cách chính đáng nhưng rồi ai cũng thấy mình bị quyến luyến với số tiền, lòng không còn được bình an nữa. Ba người ứng xử ba cách khác nhau:

  1. Một người tự nhủ có lẽ mình phải buông bỏ số tiền nhưng rồi đến chết không bao giờ nghĩ xem phải làm sao để buông bỏ.
  2. Một người đặt điều kiện nếu thế này hoặc nếu thế kia sẽ bỏ.
  3. Một người chỉ mong biết ý Chúa để làm theo : nếu Chúa muốn ông bỏ, ông sẽ bỏ ngay, nếu Chúa muốn ông giữ số tiền, ông sẽ giữ lại.

Tương tự, trong đời, bản thân ta đã từng trải qua ba thái độ khác nhau:

  1. Một thời ta luôn có đủ mọi lý do để từ chối.
  2. Một thời ta luôn hẹn dịp khác, đề nghị giải pháp khác.
  3. Một thời ta luôn sẵn sàng giúp đỡ, dù khó khăn tới đâu cũng vượt qua để giúp đỡ.

            Trong những vấn đề gần đây, ta đã ứng xử theo thái độ nào trong ba thái độ ấy. Trong quá khứ, có thể ta đã thiếu quảng đại cách này hay cách khác, nhưng điều quan trọng là trong hiện tại.

            Bạn hãy suy nghĩ thêm về thái độ của người thứ ba để luôn dũng cảm đứng trong thái độ quảng đại nhất mà bạn vẫn mong muốn mình phải có :

            Người thứ ba muốn diệt trừ lòng quyến luyến ấy, và muốn đến nỗi chẳng còn tha thiết giữ hay không của đã kiếm được. Anh chỉ mang trong lòng một điều: muốn hay không muốn giữ số tiền ấy là tùy nơi Chúa: Chúa thôi thức ý chí anh và giúp lý trí anh nhận ra phía nào tốt hơn cho việc phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa thì anh chọn phía đó. Trong khi chờ đợi, anh coi như mình đã từ bỏ hết mọi sự trong tâm hồn và cố sức không muốn bên này hay bên kia nếu đó không phải là do chính việc phụng sự Thiên Chúa thúc đẩy. Như thế chính ý muốn phụng sự Thiên Chúa thúc đẩy anh lấy hoặc bỏ của cải ấy.

            Đức Mẹ, thánh Giuse, các tông đồ đều là những người đã quyết liệt từ bỏ mọi sự để theo Chúa (x. Mt 4,22). Ông Giakêô, nhóm phụ nữ theo Chúa, cũng đều là những người chỉ bám víu vào ý Thiên Chúa. Họ có sự bình tâm trọn vẹn, coi ý Thiên Chúa là trên hết, là ưu tiên số một. Họ không ước ao gì khác hơn là sớm biết ý Chúa để thi hành. Họ không nhất thiết giữ hay bỏ một vật gì, nhưng trong lúc chưa biết ý Chúa, thì đã hoàn toàn sẵn sàng, coi như không dính bén gì nữa (x. Mt 19,27-30).

Đề tài 11 : LỚN LÊN TRONG TÌNH MẾN CHÚA

            Mời bạn trao đổi với Thánh Phêrô và học hỏi kinh nghiệm mến Chúa ngày một gia tăng của ông.

Nghe rồi, nhiều môn đệ của Ngài liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”… Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Ngài nữa. Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,60.66-69)

            Sau bài giảng về bánh sự sống, nhiều môn đệ bỏ Chúa. Còn thánh Phêrô thì đã thay lời nhóm Mười Hai thưa rằng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai?” (Ga 6,68). Với chọn lựa căn bản ấy, Phêrô đặt Chúa vào chỗ ưu tiên. Có thể nói, đó là mức độ thứ nhất.

            Phêrô đã quyết định không bao giờ bỏ Chúa, thế nhưng rồi trong đêm tiệc ly, ông đã chối Chúa 3 lần và đã khóc lóc thảm thiết vì sự chối bỏ ấy (x. Lc 22,54-62). Kinh nghiệm này dạy Phêrô hiểu rằng sức ông rất yếu đuối, ông không thể tự tin vào mình, cần phải để cho Chúa dắt di. Vì thế, ông sẽ trả lời: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”, và Chúa đã đưa ông lên một bậc già dặn hơn trong tình yêu: “Khi về già, con sẽ giăng tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho và lôi con đi nơi con không muốn” (Ga 21,18).

            Lời ấy còn mở ra một chân trời mới, hứa hẹn đưa Phêrô đi thật xa. Thật vậy, Ngài nói lời ấy là để ám chỉ Phêrô sẽ phải chết cách nào và tôn vinh Thiên Chúa!” (Ga 21, 19). Ở mức độ cuối cùng này, ông sẽ được nên giống Thầy cả trong cái chết khổ giá. Ông thấy bất xứng để được giống Thầy nên đã xin người ta trồng cây thập giá ngược đầu xuống đất. Thế nhưng, chính khi ông hạ mình đến tận cùng như thế, ông đã được trở nên giống Thầy mình trọn vẹn.

            Đây là sự bình tâm ở mức thứ ba: Tôi khao khát được giống hẳn Chúa: khi đôi đàng đều tôn vinh Chúa như nhau và ý Chúa cũng ngang nhau cả đôi đàng, tôi quyết chọn phía khiến tôi được nên giống với Chúa Giêsu hơn cả. Tôi hạ mình nên giống Chúa tôi trong những gì người đời thường khinh chê ghét bỏ, để nên giống Chúa và chia sẻ với Chúa, vì Chúa đã chịu đau khổ, sỉ nhục, bất công…

            Cụ thể, trong đời sống, khi đôi đàng đều giúp tôn vinh Thiên Chúa như nhau, tôi ưu tiên chọn những điều giúp tôi nên giống Chúa Giêsu: cô đơn, bị hiểu lầm, không được thông cảm, bị bỏ rơi…Đây là thái độ của một người yêu, yêu đến điên cuồng, tất cả chỉ vì yêu. Người ngoài nhìn vào không sao hiểu được, nhưng con tim có những lý lẽ của nó. Vì Chúa Giêsu đã yêu tôi cách điên cuồng không hiểu được, tôi cũng muốn đáp lại như thế.

            Tôi xin Chúa Giêsu ban cho tôi một lòng yêu tha thiết, sung sướng được chia sẻ trọn vẹn vì Chúa. Tôi chọn chỗ rốt hết và tôi được bình an, vì không còn gì để sợ bị mất mát nữa. Cầu xin điều đó ngoài miệng khá dễ, nhưng thật sự ao ước trong lòng không dễ. Cần phải can đảm cầu xin. Một khi dám cầu xin điều đó rồi, ta sẽ có được sự bình an lạ lùng không ai cướp nổi. Cả khi mức độ thứ nhất trên kia ta xét thấy mình còn chưa đáng, cũng hãy cứ cầu xin Chúa ban cho tình yêu điên cuồng này, Chúa sẽ không từ chối. Hãy cầu xin, hãy khao khát, như một tâm sự riêng tư thầm kín, chỉ mình ta và Chúa biết thôi.

Đọc VMHH 118-120.

“Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng. Thật vậy, Đức Ki-tô đã không chiều theo sở thích của mình; trái lại, như có lời chép: Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu”. (Rm 15,1-3).

Đề tài 12 : BÁO THƯƠNG KHÓ

Mt 20,17-28:

Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

– Các tông đồ đã ở với Chúa ba năm nhưng vẫn chưa đồng cảm với Chúa (c. 17-23).

– Họ còn kèn cựa, tranh chấp nhau (c. 24).

– Chúa Giêsu cô đơn với con đường tự hiến của Ngài (c. 25-28).

Cầu nguyện trước mầu nhiệm Khổ Nạn

            Trong những giờ cầu nguyện về cuộc Thương Khó, bạn có thể được dự phần với Chúa Giêsu theo hai cách khác hẳn nhau: Có thể rất xúc động, mà cũng có thể rất khô khan, khổ sở vì không cảm thông được với Chúa. Gặp trường hợp thứ hai này, bạn hãy vui lòng đón nhận như một hình thức chia sẻ sự đau khổ với Chúa. Sống hiệp thông vời Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta sẽ nhận ra mình tội lỗi, cần đến ơn tha thứ của Chúa Kitô (x. 1Ga 1,1-10).

Đề tài : Tiệc ly – Bữa ăn để nhớ mãi

Ga 13,1-5.12-16.20

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Simôn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi… Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

– Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ đến cùng.

– Ngài muốn để lại cho họ bài học thật ấn tượng về tình yêu thương.

– Hạnh phúc cho người môn đệ được nên giống Thầy mình.

            Khi tĩnh tâm giữa đời thường : Mời xem tiếp Phụ lục Chương 4.

Đọc VUI MỪNG HOAN HỈ

Chương IV: Những nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày nay:

– kiên trì, kiên nhẫn và hiền lành

– vui vẻ và biết đùa

– mạnh dạn và nhiệt thành

– hiệp thông, hòa hợp với cộng đồng

– cầu nguyện liên lỉ

“Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ hữu ích, giúp toàn thể Hội thánh lại một lần nữa tận hiến cho việc cổ võ lòng khao khát nên thánh. Ta hãy xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên ta một niềm khao khát nên thánh mênh mông vô tận để Thiên Chúa được hết sức vinh quang, và ta hãy giúp đỡ nhau trong nỗ lực này. Như thế, ta sẽ cùng chia sẻ với nhau một nguồn hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể cướp được” (VMHH, 177).

XƯNG TỘI ĐỂ LÀM MỚI LẠI TÌNH YÊU

            Mỗi lần xưng tội cuối kỳ tĩnh tâm, bạn thêm một kinh nghiệm hoán cải. Bạn được cảm nghiệm rõ nét hơn về tình yêu xót thương giàu tha thứ của Thiên Chúa, và cũng thấy quyết tâm đổi mới của mình mạnh mẽ hơn.

            Việc xét mình theo bảy mối tội đầu giúp bạn thấy rõ hơn về những gốc rễ tội lỗi nơi bản thân mình. Với những đề tại học hỏi và cầu nguyện những ngày qua, trong việc xưng tội lần này bạn nên tập trung xét mình cặn kẽ về những biểu hiện cụ thể của hai não trạng Ngộ đạo và Pêlagio nơi bản thân mình. Đây là hai mặt của mối tội đầu thứ nhất: Kiêu ngạo đối với người khác và người ta kiêu ngạo trước nhan Thiên Chúa.

            Não trạng Ngộ đạo khiến ta mất sự khiêm nhường với người xung quanh. Não trạng Pêlagiô là sự kiêu căng chống lại Thiên Chúa. Bạn cần suy xét kỹ xem hai gốc rễ ấy sinh ra những lầm lỗi khác cách nào?

            Diệt được cái gốc rễ kép này, bạn sẽ được ơn khiêm nhường, nên giống Chúa Giêsu và Mẹ thánh Ngài.

BẢNG DỐC QUYẾT CUỐI KỲ TĨNH TÂM

            Nơi những cuộc tĩnh tâm trước đây, bạn khám phá những trở ngại của riêng bạn trên đường tâm linh và tìm cách vượt thắng bằng những nhân đức ngược lại.

            Nơi cuộc tĩnh tâm lần này, bạn gặp một định hướng được đề xuất cho mọi người. Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy mọi tín hữu liên đới với nhau trong cùng một nỗ lực chung của toàn thể Hội thánh. Ngài đề ra cho tất cả chúng ta một hướng đi chung giữa đời thường, với những nét tích cực rất giản dị. Cùng dự phần vào một quyết tâm chung, mỗi người đều được nâng đỡ. Chúng ta sẽ được thêm ánh sáng và sức mạnh để vượt thắng trong những cuộc chiến đấu của riêng mình. Định hướng chung ấy là cùng nhau nên thánh, với năm nét tiêu biểu mà ta sẽ thường xuyên nhắc nhở nhau:

– Kiên trì, nhẫn nại và hiền lành

– Vui vẻ và biết đùa

– Mạnh dạn và nhiệt thành

– Hiệp thông hòa hợp với cộng đồng

– Trong cầu nguyện liên lỉ.

Bạn hãy nối năm mệnh đề trên đây thành một lời nguyên ngắn để đọc mỗi ngày. Ước gì lời nguyện này đưa bạn vào một chương hoàn toàn mới: Quyết tâm nên thánh cùng với những nỗ lực âm thầm khác trong Hội thánh và nên thánh mỗi ngày, bắt đầu từ năm điểm chung trong lời hứa nguyện.

CHIA SẺ CUỐI NGÀY

CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ NỖ LỰC CHUNG

            Lời kết của Tông huấn (số 177) mở ra một chân trời nỗ lực chung trên đường nên thánh:

“Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ hữu ích, giúp toàn thể Hội thánh lại một lần nữa tận hiến cho việc cổ võ lòng khao khát nên thánh. Ta hãy xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên ta một niềm khao khát nên thánh mênh mông vô tận để Thiên Chúa được hết sức vinh quang, và ta hãy giúp đỡ nhau trong nỗ lực này. Như thế, ta sẽ cùng chia sẻ với nhau một nguồn hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể cướp được.”

            Ta sẽ làm gì để “giúp đỡ nhau trong nỗ lực này”? Gây ý thức giữa những người bạn và cùng nhắc nhở nhau? Làm lây lan và liên kết những người cùng chung chí hướng? Để cùng nhau nên thánh!

TỔNG KẾT CUỐI NGÀY

            Muốn đứng vững trên con đường Chúa đã chọn, ta cần có quyết tâm theo Chúa đến cùng trên con đường ấy. Đó là con đường hủy mình ra không, con đường “tự hủy” (x. Pl 2,5-8). Đức Thánh Cha không ngần ngại nói rõ đó là con đường vui chịu sỉ nhục (x. VMHH, số 118-120). Dù theo kinh nghiệm I Nhã, kinh nghiệm Cát Minh, kinh nghiệm Focolare hay một kinh nghiệm Kitô giáo nào khác, sẽ tới một lúc chúng ta có thể thấy mình được réo rắt mời gọi nên giống Chúa Kitô nơi tất cả những gì Ngài đã trải qua: nghèo khó, cô đơn, bị bỏ rơi, bị sỉ nhục… Ta khao khát được hoàn toàn nên giống Chúa vì yêu Chúa, muốn an ủi Chúa.

            Đây là ơn rất quý, bạn nên cầu xin cho bằng được. Một khi được ơn này rồi, bạn sẽ cảm nghiệm được sự bình an mênh mông, không gì lay chuyển nổi. Đúng vậy, bạn đã cùng với Chúa xuống tận chỗ thấp nhất, không còn lo rơi hoặc lăn đi đâu khác được nữa.

(Kinh nghiệm thực tập: Xem lại ngày 2).

CẦU NGUYỆN ĐÊM NAY

Cầu nguyện trước mầu nhiệm Khổ Nạn

            Việc chiêm niệm mầu nhiệm khổ nạn phải đi vào chiều sâu, không thể dừng lại ở sự xót thương tình cảm, tìm cách cắt nghĩa hoặc tìm cách bắt chước. Đừng bận tâm đến mình, cũng đừng để ý tới các chi tiết và các nhân vật khác, hãy tập trung tất cả vào Chúa Giêsu. Phải gặp được Chúa Giêsu tại thẳm sâu con người bạn và tình yêu bạn.

            Khi chiêm niệm mầu nhiệm này, có thể nói chúng ta hiện diện ở đó phần nào như chúng ta giữ thinh lặng trong phòng người hấp hối. Để khỏi mất ý nghĩa, chúng ta thinh lặng: người sắp chết có những bí mật mà chúng ta không có. Hoặc như đứa bé sửng sốt lần đầu tiên chứng kiến sự đau khổ của cha mẹ, nó ngừng chơi, ôm chầm lấy các ngài. Ta sẽ đọc các trình thuật thương khó tựa như đọc bức thư nói lại những giây phút cuối đời của một người thân. Một cái nhìn lơ đãng, một tấm lòng khô khan hay vị kỷ không thể nào hiện diện được như thế.

Để giữ được sự chú ý tế nhị đó, bạn nên đọc lại những chỉ dẫn trước đây về việc cầu nguyện.

Khó khăn

            Trong kinh nghiệm tĩnh luyện, thường đến lúc này người tĩnh tâm dễ gặp nhiều khó khăn gây chán nản: lo ra, khô khan, không thể định thần, gặp nhiều thắc mắc, lý luận, cám dỗ và có cảm tưởng bị mất thời giờ. Nhưng đàng khác, họ thấy là việc cầu nguyện này sẽ đem lại rất nhiều phong phú. Tựa như một người chứng kiến một thảm cảnh một cách bất lực.

            Nếu bạn gặp một vài khó khăn tương tự thì có lẽ bạn đang gặt hái những kết quả của việc cầu nguyện trước đây. Vì thật ra bạn đang biết chắc chắn là mình được yêu không bờ bến. Và điều làm bạn đau khổ là đã yêu thương đáp lại một cách dè dặt và hẹp hòi.

            Hãy cầu nguyện rồi bạn sẽ hết những khó khăn ấy. Chỉ suy luận thôi, không đủ. Muốn được giải thoát phải chấp nhận sống cái khó khăn ấy. Thật thế, những mầu nhiệm này chỉ được biểu lộ khi ta sống chúng. Chỉ hiểu được khổ nạn khi ta kéo dài khổ nạn trong đời ta.

Đề tài : Ghetsêmani

            Chúng ta tiến vào cuộc Thương Khó của Chúa với cảnh Chúa hấp hối ở vườn Ghetsêmani và cùng thức với Chúa một giờ. Đây là giờ cầu nguyện mà bạn có thể an ủi Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng cũng chính vì thế, ma quỷ sẽ tìm mọi cách để làm giảm lòng quảng đại của bạn. Do đó, bạn cần tập trung cao độ và quảng đại tối đa. Thường thì bạn sẽ rất xúc động khi cầu nguyện với Chúa trong vườn cây dầu. Thế nhưng cũng có khi Chúa muốn bạn chia sẻ nỗi đau thương với Ngài bằng một sự khô khan bất ngờ. Nếu gặp trường hợp thứ hai này, bạn đừng ngạc nhiên, hãy cứ tiếp tục quảng đại với Chúa đến cùng.

Mt 26,36-46

(xt. Mc 14,32-42; Lc 22,39-46)

Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”

Chiêm ngắm Chúa:

– Cảnh vườn hoang vắng, trăng suông.

– Tám người ở cổng vườn, ba người được Chúa dẫn theo.

– Một mình Chúa cô đơn thức giữa đêm khuya.

– Đối diện với khổ hình và sự cô đơn giữa nhân loại.

– Phó thác trong tay Cha.

TẬP PHÂN ĐỊNH

            Chiến đấu và tỉnh thức để nhận rõ ý chúa

            Mời bạn trở lại với những “vụ việc” đã nghiên cứu. Hôm qua, nhờ xem quả biết cây, bạn đã điểm mặt được những chọn lựa đúng và những chọn lựa sai. Tiếp đó, nhờ xem rễ biết cây, bạn đã phân biệt được hai loại thúc giục trái ngược trong lòng.

            Hôm nay bạn sẽ dò tìm nguyên nhân do đâu mình đã chọn sai và do đâu mình đã chọn đúng? Mối tội đầu nào? Dạng nào của tham, sân, si đã tạo nên mê thích lệch lạc khiến bạn chọn sai? Đức nào trong ba nhân đức căn bản (khiêm nhường, từ bỏ và yêu thương) và khía cạnh nào nơi các đức ấy đã tạo nên động lực đúng đắn giúp bạn chọn được điều tốt thật?

            Cuộc tĩnh tâm có thể giúp ta gia tăng lòng khao khát nên thánh mà Đức Thánh Cha mong chờ (x. VMHH, 177). Thế nhưng cần cẩn thận để không bị hai kẻ thù tinh tế đánh tráo bằng “hai thứ thánh thiện giả mạo là não trạng ngộ đạo và não trạng Pêlagiô” (x. VMHH, 35).

– Người ngộ đạo cậy vào “lượng thông tin hay kiến thức có được”, đang khi sự hoàn thiện cần được đo lường “bằng chiều sâu đức ái” (VMHH, 37). Thánh Inhaxiô dạy: “không phải sự biết nhiều, nhưng chính sự cảm nếm bề trong mới làm thỏa mãn linh hồn” (LT, 2).

– Những người Pêlagiô cậy vào ý chí và nỗ lực của bản thân (x. VMHH, 48). Thế nhưng Kinh thánh dạy rằng: “người ta được chọn không phải vì muốn hay chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót.” (Rm 9,16). Thánh Têrêxa Avila, Tiến sĩ Hội thánh, được Chúa soi sáng để trình bày đường tiến tâm linh như một lộ trình bảy bước: Ở ba bước (hay: ba mức ở lại) đầu, nỗ lực riêng của mỗi người có tác dụng đáng kể (giai đoạn chủ động) nhưng từ bước (hay: mức ở lại) thứ tư vào trong, ta phải biết buông ra cho Chúa hành động (giai đoạn thụ động). Nếu cậy vào sức riêng mình, ta sẽ gãy gánh giữa đường, không tiến xa được (3M 2,3-5).

            Do đâu mà nhiều năm qua ta không nhận ra những mê thích lệch lạc, thậm chí còn bênh vực, bào chữa cho chúng? Có phải do ta đã quá tự hào về điều mình biết và về khả năng của mình?

            Sự tự mãn về điều mình biết (ngộ đạo) và tự phụ về khả năng riêng (Pêlagiô) dễ khiến ta phê bình xét đoán người khác. Càng xét đoán người khác, ta lại càng lún sâu vào chủ quan lệch lạc. Ta cần biết luôn cảm thông với người khác.

            Mời bạn dò tìm thật chính xác dạng ngộ đạo và Pêlagiô cố hữu mình từng bị kẹt từ nhiều năm qua. Bạn sẽ phân định không chỉ về từng vụ việc nhưng về não trạng Pharisêu (biệt phái) vẫn âm ỉ bên trong mà lâu nay bạn không ngờ tới. Bạn được mời gọi ăn năn hoán cải không chỉ về các vụ việc mà trước hết là về những thái độ sai trái của mình.

            Dưới ánh sáng của Tông huấn, nhờ lòng khao khát nên thánh, bạn sẽ không chỉ nhắm tới khả năng tỉnh thức bén nhạy khi phải ứng phó với các vụ việc nhưng còn cầu xin Chúa ban ơn cho biết thường xuyên hướng về Thiên Chúa, nhận rõ điều Chúa đang mong chờ và sống theo ý Chúa cách hồn nhiên.

(Còn tiếp)