Views: 134
Nhân “Ngày Của Mẹ”, xin giới thiệu truyện ngắn “TIA SÁNG Ở CUỐI ĐƯỜNG HẦM” của nữ tu Bích Trâm (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương), một khắc hoạ về chân dung người mẹ, người vợ Công Giáo, và một gợi ý về “mục vụ đồng hành với những gia đình đang gặp khó khăn” !
Cơn gió mùa xuân vừa len lén đi qua. Những cánh mai vàng nở muộn lác đác rơi như vẫn còn lưu luyến ! Thế là, ngày trở lại Hội dòng đã đến. Hành lý đã đâu vào đó và hôm nay tôi tạm biệt gia đình để lên đường…
Xe đã lăn bánh mà sao lòng cứ ở lại; tôi cứ vấn vương mình đang ở nhà với người cha thân thương, anh chị và các cháu. Lần ra đi trước thì hình bóng mẹ luôn chiếm chỗ ưu tiên. Mẹ đã đi xa rồi !
Đầu óc đang trôi dạt vật vờ về vùng kỷ niệm buồn vui trong những ngày qua thì bỗng dưng giật mình bừng tỉnh; tiếng em bé khóc đã réo tôi về với thực tại…
Trước mặt tôi là một gia đình trẻ, hai vợ chồng với một con. Chồng, một tay ẵm con, bé gái độ 2 tuổi, một tay đang giữ vợ say xe tựa vào; anh ta trông bồn chồn lo lắng, cứ loay hoay hết lo cho vợ rồi lại dỗ dành con.
Tôi thầm tạ ơn Chúa ! Giữa dòng đời tất bật, bon chen, vẫn còn những đôi vợ chồng biết quan tâm, yêu thương nhau chân thành đến thế ! Khác hẳn với hình ảnh của một gia đình khác vừa thoáng hiện trong tôi.
Vâng, đó là hình ảnh và câu chuyện cuộc sống của một gia đình tôi có dịp tiếp xúc trong dịp tết vừa qua….
Hôm đó, tôi đến nhà một chị thợ may quen từ sáng sớm. Thấy cánh cửa khép hờ, ngó vào trong không thấy ai, tôi cất tiếng gọi:
– Chị Tâm ơi !
Có tiếng trong nhà vọng ra :
– Ơi! Ai đấy?
Vừa bước ra chị đã dòn dã thân mật :
– A! Bà sơ! Chào bà sơ! Chà lâu quá không gặp; mới về hả sơ?
– Dạ! Chào chị, tết nay em được về, chị may giúp em mấy bộ đồ.
Hỏi thăm vài câu, tôi thấy chị thở dài; mặt thoáng nét buồn, chị nói:
– Tết ở đây buồn lắm em. Cánh đàn ông, từ khi kinh tế phát triển lên, có đồng ra đồng vào, là bắt đầu tụ tập ăn nhậu, bài bạc, đá gà…; tết nhất cũng chẳng thèm quan tâm đến gia đình; có gia đình, tết đến, vợ chồng con cái đùm túm trốn chui trốn nhủi để chạy nợ !
Ngạc nhiên nhưng cũng đọng lại một chút tự hào trong tôi khi được nghe chị kể chuyện đời mình. Có lẽ trong chị đang chất chứa rất nhiều tâm sự đau buồn ấm ức nên cần có người để lắng nghe, chia sẻ và nguyện cầu.
Và đây là câu chuyện “mười năm tình cũ” đầy bất hạnh của chị…
Ngày đó, cách đây hơn 10 năm, anh Viên và chị Tâm quen nhau. Ai ai cũng tán thành và cho đó là một “cặp đôi hoàn hảo”.
Qua hàng xóm bạn bè và “thông tin đại chúng”, chị chỉ biết anh là một chàng thanh niên đang chịu khó làm ăn xa, có nhiều đất đai, có xe đẹp. Anh không chịu để mình phải thua thiệt bạn bè. Khi sự nghiệp ổn định, anh chuẩn bị một số tiền lớn để về quê cưới vợ. Không biết do mai mối hay duyên số đưa đẩy, anh quen được chị Tâm là thợ may giỏi, đang mở tiệm kinh doanh. Chị vừa người, có khuôn mặt xinh, mắt to tròn, mái tóc đen dài ngang lưng óng mượt…
Và rồi họ đã nên duyên vợ chồng. Thánh lễ Hôn Phối của hai người được cử hành ấm cúng trong ngôi thánh đường giáo xứ quê nhà…
Lấy nhau xong, anh chị dắt díu nhau vào tận Đăk Nông sinh sống. Chị không quên mang theo những ước mơ đơn giản của biết bao người vợ trẻ : ngôi nhà khang trang, những đứa con xinh xắn….
Nhưng rồi mọi sự cứ trôi theo gió núi mây ngàn, nếu không nói là tan tành sụp đổ ! Vào đến nơi chị mới biết sự thật về chồng đã không như thế ! Chồng chị chỉ có một ít đất canh tác chứ chưa có nhà ở, anh ta vẫn ở nhà thuê. Cũng vì yêu nhanh cưới vội, nghe những lời nói ngon ngọt và tin tưởng anh, nên chị cũng không biết một sự thật chua chát khác của chồng : chuyên viên đá gà, cờ bạc, cá độ thuộc dạng cợm cán, và dĩ nhiên…là một hũ hèm…
Những ngày tháng êm đềm vụt qua nhanh chóng, chị bắt đầu nếm trải những ngày đau khổ, uất ức và đầy nước mắt. Anh ta chẳng thể bỏ được thói xấu mà lại thêm lún sâu hơn. Đất đai cứ bán dần bán mòn để trang trải cho các hạng mục đá gà, cờ bạc, rượu chè. Hết đất đai thổ sản, anh ta đi cầm chiếc xe Airblade đời mới để chi trả cho “dịch vụ giải trí” và “đầu tư huyễn hoặc” của mình !
Từ khi biết chuyện, chị và anh ngày nào cũng tiếng nặng tiếng nhẹ; và hầu hết, sau “màn kịch nói bất đắc dĩ” đó là những giọt nước mắt của chị bên cạnh ánh mắt đổ quạu và gương mặt lầm lì của anh. Nhiều lần anh cũng nhận sai, lại tỉ tê, xin lỗi và hứa hẹn đủ điều. Hứa “để mà hứa” thôi, chứ chưa một lần anh thực hiện. Trong khi nợ nần ngày càng chồng chất, người ta đến đòi nợ chửi bới vợ con như ăn cơm bữa.
Nợ nần vật chất chị đã khổ rồi nhưng chị càng khổ tâm hơn gấp bội vì sự vô tâm và thiếu vắng tình thương của chồng. Mấy lần chị vượt cạn thì anh đang mải chơi bời ở phương trời nào đó; gọi điện cũng tắt máy, may có mấy chị hàng xóm đưa chị đến bệnh viện. Chị chờ đợi mỏi mòn đến khi anh trở về; nhưng rồi, cũng chẳng có được một lời xin lỗi hay an ủi hỏi han.
Chị đạo theo, anh đạo dòng; nhưng hiếm khi anh đi lễ, nói chi đến chuyện kinh hạt mỗi ngày. Nhờ anh đưa đón con đi học ở trường, học giáo lý… giúp chị thì mười bữa hết chín, anh đi chơi để con cuốc bộ về nhà, mặt mũi tèm hem nước mắt…
Nghe chị tâm sự xong, tôi thấy xót xa trong lòng. Tôi làm được gì giúp chị đây? Tôi buộc miệng hỏi chị:
– Chị có hỏi han và xem nỗi lòng của anh ấy muốn gì không ?
Trong nỗi uất nghẹn dâng lên, chị đáp:
– Anh ta mà nỗi với nông gì ! Chỉ thích chơi thôi; lại còn bảo “làm lụng vất vả bao nhiêu năm rồi giờ nghỉ hưu sớm”.
Tôi không khỏi ngạc nhiên và chạnh lòng trước câu trả lời của chị; trong đầu tôi vang lên điều thắc mắc: Đàn ông chưa được 40 tuổi sao lại muốn nghỉ hưu, trong khi đó con cái thì nheo nhóc tương lai chưa biết ra sao!
Tôi nhìn quanh căn nhà, nhìn lên tấm hình cưới:
– Chị ơi! Anh nhà đi đâu rồi vậy chị?
– Không em ạ! Giờ anh ấy muốn đi cũng đâu đi được nữa.
– Sao chị nói vậy?
– Một hôm chị đang cố khâu cái áo dang dở, khuya rồi mà vẫn chưa thấy anh về. Quen với cái cảnh đi sớm về khuya của anh nên chị cũng chẳng bận tâm. Thế rồi, chị đã sững sờ khi được báo tin: anh say rượu đã tự lái xe đâm vào cột mốc ở đoạn đường cách nhà chị khoảng 200m. Anh được bà con đưa vào bệnh viện tỉnh, chị thất tha thất thưởng gom đồ chạy theo…
Thế là chấm hết! Dù thần chết không mang anh đi, nhưng tai nạn đã khiến anh gãy xương cổ, xuất huyết não, thần kinh bị tổn thương khiến cho toàn cơ thể anh mất cảm giác. Và sau đó là những ngày bất động trên xe lăn và chuyển viện.
Chị hết sức lo cho anh được đi chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện y học cổ truyền tới các bệnh viện nổi tiếng nhất. Nhưng oái ăm, chẳng có chút tiến triển gì. Anh đã nằm suốt 1 năm như thế rồi em ạ.
Dù anh nằm xuống để lại gánh nặng trên vai chị là các khoản nợ và con nhỏ, nhưng từ biến cố này, hình như chị tìm được niềm an ủi khi thấy anh nằm đó chịu đựng những cơn đau; có khi chị thấy nước mắt anh lăn dài trên má, muốn nói với chị điều gì đó mà không nói nên lời. Những lúc chị ngồi đọc kinh bên cạnh anh thì dường như khuôn mặt anh dãn ra vui tươi, tỏ dấu cùng hiệp thông với chị…
Chính những điều nhỏ nhặt đó đã làm cho chị phấn chấn tinh thần, dù loa toan vất vả, có khi mệt thở chẳng ra hơi, nhưng chị không nản lòng. Chị tin lòng thương xót của Chúa sẽ cứu anh và giúp gia đình chị. Cả tháng nay ngày nào chị cũng đọc kinh và kêu cầu lòng thương xót Chúa. Mà lạ lắm nhé, mới có một tháng mà anh cựa được một cánh tay rồi. Mấy người hàng xóm cứ tấm tắc mừng cho gia đình chị…
Tôi nóng lòng xin phép chị được vào thăm anh. Chị dẫn tôi vào trong phòng, anh nằm đó và đôi mắt khép hờ. Chị lên tiếng:
– Anh ơi! Có bà sơ đến thăm anh nè!
Anh hướng mắt nhìn về phía tôi. Tôi nhìn anh nằm đó là một anh Viên rất khác xa với lời kể của chị. Bây giờ, trông anh hiền lành chất phác. Điều gì đã khiến anh trở thành con người bỏ bê gia đình như vậy ? Vâng, chắc một điều thôi, lòng thương xót Chúa đã chạm vào anh và đã biến đổi anh.
Chị nắm chặt tay anh nhìn về phía ô cửa. Mặt trời đang rọi vào mang theo những tia nắng bình minh với gam màu thắm tươi rực sáng của niềm tín thác và hy vọng.
Tạ ơn Chúa ! cuộc đời luôn là một bài ca của thương yêu, hy vọng và lòng thương xót.
Bích Trâm- Qui Nhơn, Phục Sinh 2019 (Nữ tu Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương)