Views: 52
Trong năm “Đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn”, xin giới thiệu bài chia sẻ về gia đình : GIA ĐÌNH, BẾN BỜ YÊU THƯƠNG, rất chân tình, cảm động của nữ tu Têrêsa Lâm Thị Mai, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương, giáo phận Qui Nhơn.
Nếu có ai đó hỏi tôi: “Bạn có cảm nhận như thế nào về gia đình và bạn đang nghĩ gì về gia đình của bạn?”. Có lẽ tôi sẽ mượn những lời trong bài hát sau đây để bộc bạch cùng bạn dòng cảm xúc của tôi :
“Chúa đã cho con một gia đình, Chúa đã cho con một mái ấm.
Mái ấm nơi ươm trồng hương mến, kết trái đơm bông một tình yêu.
Gia đình là bến bờ yêu thương, dệt khúc nhạc du dương.
Dệt những ân tình, ân tình trong tình yêu Chúa. Gia đình là bến bờ yêu thương…”[1]
Qua những tâm tình được gởi gắm từ đôi dòng của ca khúc đó, tôi xin được sẻ chia chút suy tư, cảm nhận xuất phát từ trái tim; đó là những điều tôi đã và đang ấp ủ khi nghĩ về gia đình. Vâng, một điều tôi luôn tâm niệm khi nói đến gia đình: “Gia đình – Bến bờ yêu thương”.
Sống trong một xã hội đang biến động không ngừng – một xã hội đang chạy đua với tiền tài, danh vọng, thử hỏi mấy ai không bị cuốn theo dòng xoáy của sự hưởng thụ, khoái cảm bên ngoài. Thế nhưng đằng sau những ồn ào, náo nhiệt, những bộn bề lo toan của cuộc sống thì con người vẫn còn khắc khoải, khao khát tìm cho mình một chốn an bình, một sự sâu lắng trong tâm hồn. Vậy, đâu là điểm hẹn để con người tìm cho mình suối nguồn tình thương và sự bình yên? Theo cảm nhận riêng tôi, đó chính là “mái ấm gia đình” !
Vâng, chính từ gia đình, bắt nguồn từ nơi đó sẽ là bến bờ yêu thương để tâm hồn chúng ta được thanh thản, là giây phút chúng ta tìm được sự an bình, ấm áp và còn hơn thế nữa, làm cho cuộc sống chúng ta đong đầy ý nghĩa.
Quả thế, mỗi người trong chúng ta được sinh ra trong hoàn cảnh, môi trường khác nhau, được nuôi dưỡng, dạy dỗ cũng không giống nhau, nhưng điểm xuất phát của mỗi người đều đến từ gia đình. Bởi gia đình chính là cái nôi, là mái trường đầu tiên dẫn dắt chúng ta vào đời, là trường dạy nhân bản và đức tin đầu tiên của người Kitô hữu, như chính Công Đồng Vatican đã xác quyết :
“Nhưng đặc biệt trong gia đình các Kitô hữu, với ân sủng dồi dào và trách nhiệm đã lãnh nhận qua bí tích Hôn Nhân, cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay khi chúng còn trong tuổi ấu thơ, hợp với đức tin đã lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy, để nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, đồng thời yêu thương mọi người chung quanh; chính tại nơi đây, con trẻ có được kinh nghiệm đầu tiên về một xã hội nhân bản lành mạnh và về Giáo Hội; sau cùng, nhờ gia đình, các em được hướng dẫn để từng bước hội nhập vào cộng đồng nhân loại cũng như cộng đồng Dân Chúa. Vì thế, cha mẹ phải ý thức sâu xa về tầm quan trọng của một gia đình mang phẩm chất Kitô hữu đích thực đối với đời sống và sự thăng tiến của cả đoàn Dân Thiên Chúa”[2]
Quả thật, ai cũng có một gia đình để vun đắp, xây dựng, để nhớ thương, để tìm về sau những lúc mệt mỏi, cả lúc vấp ngã. Không có nơi nào an toàn, và cũng không có nơi nào cung cấp cho bạn “những giọt sữa ngọt ngào yêu thương”, những cảm thông và liên đới, những phục vụ và sẻ chia… cho bằng gia đình, như chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã cảm nhận và trình bày trong tông huấn về Gia Đình :
“Tất cả mọi thành phần trong gia đình, mỗi người theo ơn riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để ngày này sang ngày khác tiếp tục xây dựng sự hiệp thông giữa các ngôi vị, bằng cách biến gia đình thành một “trường học đào tạo cho nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn”: điều đó được thể hiện qua việc chăm sóc và tình yêu dành cho các em nhỏ, những người đau yếu, những người già cả, qua những việc phục vụ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày, qua việc chia sẻ của cải, chia sẻ những niềm vui và nổi khổ.”[3]
Khi được chia sẻ đôi dòng tâm sự về gia đình, mỗi người sẽ có những cảm nhận rất riêng và với nhiều khía cạnh khác nhau. Có người cho rằng: “Một gia đình hạnh phúc là nơi mà các thành viên trong gia đình luôn sum vầy trong bữa ăn tối, cùng trò chuyện, xem ti vi hay đi picnic với nhau…”. Có người lại cho rằng: “Hạnh phúc gia đình là khi mỗi thành viên trong gia đình đều có công việc ổn định, cuộc sống sung túc, con cái ngoan hiền, học giỏi”. Cũng có người nhận ra rằng: “Hạnh phúc chỉ đơn giản là trong gia đình luôn tràn ngập tiếng cười”. Và, còn rất nhiều những cảm nhận khác về hạnh phúc gia đình…
Tất cả những điều đó thật ý nghĩa; vì đó chính là nguồn năng lượng giúp con người tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống và góp phần xây dựng gia đình mỗi ngày một thăng tiến hơn, hạnh phúc hơn.
Riêng bản thân tôi, là một người con – người cháu trong gia đình, là một Kitô hữu trong Giáo Hội và lại là một “cô học trò nhỏ” đang chập chững lần mò bước theo dấu chân Thầy Giêsu trong một Hội dòng, tôi cũng mang trong mình một chút cảm nghiệm về gia đình mà tôi nhận được từ cuộc sống, từ trong chính ngôi nhà bé nhỏ đầy thân thương của tôi và nơi gia đình thiêng liêng của Hội dòng.
Đối với tôi, một gia đình hạnh phúc không phải được dựng xây bằng những hào nhoáng bên ngoài hay những điều cao xa vượt quá tầm tay, nhưng khởi đi từ những điều hết sức bình dị, thân thương và thật gần gũi, ngay bên cạnh chúng ta…; đúng hơn, tất cả đều phải xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong môi trường có truyền thống đạo Công giáo nên từ nhỏ lối sống của người Kitô hữu đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi. Chính vì thế, khi cảm nghiệm về tình thương gia đình, tôi liên tưởng ngay đến tình thương của Thiên Chúa. Chính “Thiên Chúa là tình yêu” như lời Thánh Gioan đã quả quyết (1Ga 4,8). Và như thế, khởi điểm của gia đình phải có nền tảng từ Thiên Chúa. Lần mở các trang Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận ra Thiên Chúa tình yêu mới chính là cội nguồn của hạnh phúc thực sự vững bền. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và dạy chúng ta cũng phải yêu thương nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Một cách cụ thể, chúng ta sẽ được chiêm ngắm mẫu gương tuyệt vời nơi gia đình Nazareth. Tin Mừng cho biết: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền” (Lc 2,41)…“Sau đó cả gia đình trở về Nazareth, Chúa Giêsu hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51b). Chắc chắn hai ông bà là người sùng đạo, tuân giữ lề luật cách trung tín. Tin Mừng không tường thuật cho chúng ta hình ảnh một gia đình của Đấng “Emmanuel” giàu sang phú quý, có thế giá trong xã hội; mà là một Thánh Gia nghèo nàn, khiêm hạ, đạo hạnh và chứa chan tình Chúa, tình người. Chính vì thế, trải qua bao đời, hình ảnh Thánh Gia Thất vẫn luôn là mẫu mực tuyệt vời cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình Công giáo. Bởi chưng, nơi “gia đình Thánh” nầy, không phải lúc nào cũng chỉ có màu hồng nhưng đã trải qua những lận đận, lao đao vất vả giữa bao hiểm nguy khó khăn, thử thách trăm bề. Thánh Giuse khôn ngoan trong niềm cậy trông phó thác, cùng với Mẹ Maria – Chúa Giêsu vượt qua tất cả, để xây dựng mái ấm thánh thiêng hạnh phúc. Có thể nói: Thánh Gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho Chúa Giêsu thi hành sứ vụ Chúa Cha trao phó sau này[4].
Thật tuyệt vời phải không bạn? Dẫu cho chúng ta không tận mắt chứng kiến hay có phúc sống với “gia đình Thánh” nầy, nhưng qua mọi thời, nét đẹp ấy vẫn được lưu truyền cho bao thế hệ. Đã có rất nhiều những gia đình sống theo mẫu gương của Thánh Gia mà tôi được biết. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ chút cảm nghiệm mà tôi nhận được trong mái ấm gia đình tôi, đó cũng chính là cầu nối để tôi có thêm gia đình thứ hai nơi Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương. Mặc dầu tôi không sống trong bậc sống hôn nhân nhưng tôi lại nhận được sự ấm áp, hạnh phúc nơi chính gia đình của tôi.
Trước hết, tôi muốn dâng lời cảm tạ, tri ân Chúa đã ban cho tôi có một gia đình tuyệt vời. Có lẽ người trong cuộc như tôi mới cảm nghiệm được món quà lớn lao, vô giá mà Chúa đã dành cho tôi. Món quà đó thật thiêng liêng cao quý mà tôi xác tin rằng : không phải dùng tiền, hay cả như quan niệm của ai đó “bằng nhiều tiền”, để mua được.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình dân, ở vùng thôn quê thanh bình và có truyền thống đạo Công Giáo. Gia đình tôi cũng bình thường như bao gia đình khác, nhưng chính từ những cái rất bình thường đó đã đem lại cho tôi cảm giác hạnh phúc đến diệu kỳ. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được sống trong mái nhà có cha mẹ, chị và các em. Như bao gia đình khác ở vùng nông thôn Việt Nam, cuộc sống gia đình tôi cũng chật vật, khó khăn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe cha mẹ tôi than phiền, trách móc điều gì. Ở quê tôi hồi đó, rất ít ai được học hành đàng hoàng tới nơi tới chốn; hầu hết, chỉ những gia đình khá giả, và biết chắc học thật giỏi, cha mẹ mới đầu tư cho con cái đi học. Thế nhưng gia đình tôi thì khác, dường như cả cha và mẹ đều lo lắng, quan tâm cách chu đáo để cho chúng tôi có điều kiện học hành. Tôi còn nhớ câu nói của cha tôi cách đây đã hơn mười năm: “Đời cha mẹ không được học hành đàng hoàng, các con giờ phải chăm lo học đàng hoàng để sau này đỡ khổ”.
Có lẽ lúc đó chúng tôi cũng chưa hiểu gì lắm, vẫn còn tuổi ăn, tuổi ham chơi mà… Nhưng chính những lời nhắc nhở thường xuyên đó đã giúp chúng tôi chịu khó học hành. Vì chị gái tôi lúc đó thường xuyên đau bệnh, mà tôi được coi là chị lớn trong nhà, các em lại còn nhỏ, nên tôi cũng có trách nhiệm đảm đang lo lắng cho gia đình. Nhưng nghĩ lại, mình có làm được gì hơn ngoài việc trông em, quét dọn nhà cửa và nấu cơm cho mẹ…; và chuyện đó thường chỉ diễn ra vào thời gian tôi được nghỉ hè hay chỉ học một buổi thôi. Vậy mà lúc đó tôi còn “so đo” với mẹ vì đám bạn tôi không phải trông em. Mẹ chẳng nói gì hơn ngoài một nụ cười và bảo: “Nhà mình khác mà con, phải chịu khó một chút chứ con !”. Giờ nghĩ lại mới thấy mình quá trẻ con.
Dường như cả cha và mẹ tôi có một đặc điểm giống nhau: “Nói ít, làm nhiều”. Họ chẳng mấy khi la rầy chúng tôi, chỉ lúc nào thấy chúng tôi sai lỗi quá mà không nhận ra cái sai thì cha tôi mới dạy bảo bằng một bài “huấn đức”, thường là sau bữa cơm. Bởi thế, dù có chuyện gì thì bữa cơm vẫn luôn tràn ngập tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc, vì cha luôn tuân thủ quy luật bất thành văn “Trời đánh tránh bữa ăn”. Cha cũng thường dành thời gian cho chúng tôi dù cha phải tất bật cả ngày lẫn đêm. Cha vẫn chơi với chúng tôi những trò chơi rất trẻ con, rồi chúng tôi lại đua nhau kể chuyện ở lớp, khoe điểm thi của mình với cha, với mẹ, việc học giáo lý. Mấy đứa em tôi lại còn hành hạ cha, nhất là út Minh, nó cứ bắt cha làm “cần cẩu” để kéo nó, cha đã mệt nhoài vì cả ngày hì hục với đống gỗ, có khi phải thức đêm, nhưng cha vẫn chiều từng đứa để nó vui và thấy an tâm. Còn mẹ, dù phải ngồi mấy tiếng đồng hồ bên bếp củi nóng hừng hực của mùa hè để làm (tráng) từng chiếc bánh đa, nhưng vẫn chu tất bữa cơm sốt dẽo ấp áp tình thân bằng đôi tay của một người vợ, người mẹ đảm đang. Có khi chỉ vài con cá kho mặn hay rau muống luộc lấy nước làm canh, nhưng ai cũng ăn một cách vui vẻ, ngon lành. Có ngày mẹ đi chợ bán đắt hàng thì trưa hôm đó cả nhà được ăn một bữa ăn thịnh soạn với nhiều món ngon như canh chua cá lóc, thịt kho đậu hũ… Bữa cơm của gia đình tôi có khi thật đạm bạc nhưng cả nhà đều vui vì được sum vầy bên nhau…
Cha mẹ tôi vẫn thường tâm sự, dặn dò chúng tôi: “Cha mẹ chưa bao giờ thấy khổ khi phải làm việc nhiều đâu, các con cứ an tâm học hành cho giỏi. Chúa ban ơn cho cha mẹ có sức khỏe, có công ăn việc làm thì khổ mấy cha mẹ cũng chịu được, miễn sao các con chăm ngoan học giỏi, biết sống tốt và có ích cho Giáo Hội và xã hội là cha mẹ an tâm rồi”.
Dù bận bịu với bao công việc, gánh nặng trên đôi vai nhưng cha mẹ không bao giờ quên mình là một Kitô hữu. Chính cha mẹ là những người thầy đầu tiên dạy chúng tôi làm dấu thánh giá, đọc kinh. Có thể nói cha mẹ tôi luôn làm gương cho con cái trong việc kinh nguyện, đi lễ. Tôi còn nhớ ngày nhỏ, có lần tôi không muốn đi lễ và lấy lý do đau bụng thì mẹ lại vội lấy thuốc cho tôi uống, bảo tôi lên giường nghỉ rồi mẹ đi lễ cầu nguyện cho. Tôi mừng vì không phải đi lễ vì trời vừa mưa to vừa lạnh lắm nhưng khi mẹ đi rồi thì tôi lại hối hận vì đã dối Chúa, lừa mẹ. Tôi dốc quyết sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Rồi từ đó, tôi bắt đầu suy nghĩ khác, siêng năng đi lễ, đọc kinh, học giáo lý đầy đủ…. Các em tôi cũng vì thế mà chịu khó đi lễ, chăm học giáo lý, đọc kinh chung với cả nhà. Truyền thống ở quê tôi và cũng là của gia đình tôi là đọc kinh chung với nhau vào mỗi tối trước khi đi ngủ; vào những ngày không có thánh lễ sáng thì cả nhà lần chuỗi chung với nhau trước khi bắt đầu một ngày sống mới. Cha mẹ cũng thường nhắc chúng tôi phải nhớ đọc kinh, lần chuỗi riêng nữa, nhất là cầu nguyện sáng khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ. Những việc đạo đức bình dân đó đã in sâu vào tâm trí tôi cho tới bây giờ.
Cha mẹ tôi luôn dạy dỗ cho con điều gì phải lẽ trong cuộc sống nhưng không bao giờ áp đặt con cái điều gì. Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng dường như chị em tôi rất thương nhau, có lẽ nhờ những lời dạy bảo tận tình của cha mẹ. Sự ân cần chu đáo, tận tâm và tế nhị của cha mẹ đã khiến chị em tôi đều cảm thấy hạnh phúc, an tâm và vui sống mỗi ngày. Chị em chúng tôi đều tự hứa phải ghi nhớ những gì cha mẹ dạy, nhìn vào gương sống của các ngài để cố gắng làm người con ngoan của Chúa, của cha mẹ và mọi người. Riêng tôi, hình ảnh của từng thành viên trong gia đình vẫn luôn đậm nét trong trái tim tôi. Mỗi người một tính cách riêng nhưng đều mang chung một dòng máu tình thương từ Thiên Chúa. Chị gái tôi với tính tình hiền lành, nhẹ nhàng và là chị hai nên chị khá đảm đang. Chị nhận được rất nhiều tình thương của cha mẹ và mọi người nên chị cũng thể hiện tấm lòng người chị thật tuyệt với chúng tôi. Chị quán xuyến nhà cửa và thay thế công việc mỗi khi cha mẹ vắng nhà. Các em tôi cũng vì thế mà đối xử với nhau rất dễ thương, sống đẹp lòng cha mẹ và mọi người lắm. Chắc chắn không tránh khỏi những lúc chị em có xung đột nhưng rồi mọi việc lại được giải quyết nhờ vào cha mẹ phân xử, chị em tôi lại tiếp tục chơi đùa vui vẻ với nhau. Tôi không nhớ rõ thời gian chính xác, chỉ nhớ rằng hôm đó cả cha mẹ và chị gái đều vắng nhà suốt một ngày, đó là dịp đi hành hương Đức Mẹ La Vang. Lúc này tôi là người thay thế mọi việc trong gia đình. Trước khi đi, mẹ cũng dặn dò tôi ở nhà chăm lo cho các em và làm công việc nhà cho mẹ. Và quả thực, các em tôi cũng ngoan ngoãn nghe lời tôi dặn, đứa nào cũng muốn thể hiện mình là “con ngoan” nên tôi chẳng vất vả gì. Không ai bảo ai, mỗi đứa đều biết bổn phận của mình, đến giờ cơm lại tập trung và cùng nhau ăn cơm, vui ơi là vui. Không phải tôi đang tự hào nhưng tôi nhận ra rất rõ sự an bình, ấm cúng và hạnh phúc trong mái nhà nhỏ tràn đầy yêu thương của tôi… Đó không là những cách thể hiện luật tình yêu mà chính tông huấn về Gia Đình đã nhắc bảo chúng ta sao :
“Như vậy, gia đình Kitô hữu được luật mới của Thánh Thần sinh động, hướng dẫn và được mời gọi sống “thừa tác vụ” vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân trong sự hiệp thông mật thiết với Giáo Hội là dân tộc vương đế. Cũng như Đức Kitô thực thi vương quyền của Người bằng cách đem thân phục vụ con người; Kitô hữu tìm được ý nghĩa đích thực của việc dự phần vào vương quyền của Chúa mình bằng cách chia sẻ tinh thần và thái độ phục vụ con người của chính Chúa : “Đức Kitô cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính ấy để họ được hưởng sự tự do vương giả và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6,12), hơn nữa để khi phụng sự Đức Kitô nơi tha nhân, họ có thể khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến với Đức Vua, Đấng mà phụng sự Người lại là đồng thống trị với Người…”[5]
Nhưng rồi, không ai có thể mãi mãi ở trong gia đình mình, cũng có ngày chúng ta phải từ giã mái ấm đó để bay cao, bay xa chắp cánh cho những ước mơ. Sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi quyết định vào Sài Gòn để khám phá cuộc sống mới. Ngày tôi sắp đi, nét mặt lo âu, buồn rầu của mẹ hiện lên rất rõ nhưng mẹ vẫn luôn tôn trọng và tin tưởng con mình. Tôi vì muốn đi xa nên tìm cách làm cho mẹ vui mặc dù tôi cũng rất thương mẹ. Đáng lẽ tôi phải ở nhà để phụ giúp mẹ, đỡ đần cha sau bao năm vất vả lo cho tôi đèn sách, vậy mà tôi vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình !
Môi trường mới, mọi thứ đều mới; tôi bắt đầu thoáng thấy cần vòng tay cha mẹ; nhưng khi đã quyết tâm ra đi, tôi sẽ không chùng bước. Tôi nhớ tới lời mẹ dặn dò: “Đi xa nhà cuộc sống sẽ có nhiều khó khăn, con hãy luôn nhớ đến Chúa và Mẹ Maria để các ngài bảo vệ con nhé!”. Đó chính là động lực và sức mạnh giúp tôi vượt qua những đoạn đường gian nan, nhiều khó khăn đã qua. Và phải chăng cũng nhờ đó mà tôi đã thực hiện được ước mơ của mình, ước mơ thầm kín mà đã bao năm tôi thầm chôn giấu nơi tận sâu thẳm đáy lòng. Và hôm nay được hiện diện nơi đây, trong Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, tôi lại càng xác tín mạnh mẽ hơn bàn tay Chúa quan phòng, Người đã dành cho tôi những điều tốt đẹp nhất.
Ơn gọi đời tu của tôi được dệt đan bởi rất nhiều yếu tố, nhưng gia đình có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi. Gia đình chính là trường học đầu tiên, mà cha mẹ là những người thầy dạy tôi cả về đời sống nhân bản lẫn đời sống đức tin. Khi sống ở môi trường tu trì, nhờ có một nếp sống từ gia đình nên tôi dễ dàng thích nghi, không thấy vất vả khi phải thức dậy sớm, đọc kinh, cầu nguyện lâu giờ hay sống chung với mọi người. Hơn nữa, tôi cảm nghiệm rằng: Trong đời sống tu trì vẫn có những khó khăn, thử thách nhưng tôi nhìn vào gương sống của cha mẹ và những bài học quý báu từ cuộc sống để tôi can đảm đối diện và vượt qua.
Thời gian vẫn cứ trôi, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, con người vẫn sống và khám phá nét đẹp Chúa ban. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi đã thực sự xác tín vào tình thương Chúa dành cho gia đình tôi, cho bản thân tôi. Hiện tại, cuộc sống của gia đình tôi cũng có nhiều đổi mới hơn trước. Cha mẹ nay đã qua tuổi năm mươi, gầy hơn nhiều vì lận đận một đời để vun vén cho gia đình nhưng vẫn luôn toát lên nét an yên mãn nguyện trên khuôn mặt, cùng với nụ cười bình an đầy tin yêu phó thác. Gánh nặng của cha mẹ tôi có lẽ đã vơi đi, các em tôi đều đã lớn, vẫn sống ngoan, sống tốt và không quên nhắc bảo nhau nhìn vào gương cha mẹ để sống. Mặc cho thời gian xoay vần, thời thế biến đổi, tình thân trong gia đình tôi, vẫn luôn đậm đà, và càng khăng khít hơn.
Khi tôi bước chân vào Dòng, thời gian ở bên gia đình lại càng ít ỏi hơn nhưng đã mang lại cho gia đình tôi nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn mỗi khi tôi có dịp được trở về đoàn tụ. Tiếng cười vui, hài hước của mỗi người vẫn luôn bao trùm trong gia đình tôi. Cha mẹ tôi vẫn thường nói khi tôi về nhà: “Con ơi, cha mẹ cảm thấy gia đình mình như vậy là hạnh phúc lắm rồi. Tạ ơn Chúa với cha mẹ con nhé!”. Đó cũng là tâm tình tạ ơn Chúa mà tôi vẫn dâng lên Chúa mỗi ngày, vì dù gia đình có như thế nào thì cũng là hồng ân Chúa ban. Vì đối với tôi: “Gia đình – Bến bờ yêu thương”.
Hôm nay, khi được chia sẻ những dòng tâm sự này, tôi không có ý khoe khoang nhưng là tất cả tâm tình biết ơn của một người con. Tạ ơn Chúa đã ban cho con một mái ấm tình thương tuyệt vời. Cảm ơn cha mẹ đã dành trọn tình thương cho chúng con, cách riêng con muốn thưa với cha mẹ rằng: “Dù hôm nay con đã ở một nơi xa cha mẹ nhưng trong trái tim con hình bóng đó vẫn không bao giờ nhạt phai”. Con cũng muốn nói lời cảm ơn đến chị gái “đáng mến”, đến từng đứa em “dễ thương” của con. Lời cảm ơn con không thể diễn tả bằng lời nhưng con tự hứa sẽ cố gắng sống thật tốt, sống đúng với tất cả tình thương Chúa dành cho con qua cha mẹ, qua mỗi thành viên trong gia đình.
Từ mái ấm gia đình riêng của đời thường, khi sống trong gia đình rộng lớn hơn là Hội dòng, tôi lại càng nhận ra tình thương Chúa thật lớn lao và đang bao bọc tôi bởi muôn vàn ân huệ. Nơi đây, tôi có thêm rất nhiều chị em bởi chúng tôi đến từ khắp mọi miền đất nước. Tôi sống với quý dì như cha mẹ, với quý chị như chị gái tôi và có các bạn trẻ tuổi hơn như các em tôi. Chị em chúng tôi cùng chung lý tưởng và mục đích trong linh đạo của Người Nữ Tỳ Chúa Giê su Tình Thương. Nhờ đó, mỗi ngày tôi khám phá và nhận được rất nhiều món quà ý nghĩa và Chúa cũng muốn tôi chia sẻ món quà tình thương đó cho hết mọi người trong cuộc sống của tôi. Tôi càng xác tín mạnh mẽ ơn gọi đời dâng hiến trong Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương mà Chúa đã dành cho tôi.
Bạn ạ, qua những dòng tâm sự rất chân tình mà tôi đã thổ lộ, một lần nữa tôi muốn xác tín vào tình thương tuyệt diệu mà Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta. Chính Chúa đã cho chúng ta có một gia đình nhỏ để trao ban tình thương lớn lao vô bờ bến của Người cho chúng ta. Bạn hãy trân trọng và sống tâm tình biết ơn cha mẹ, những gì bạn đã và đang lãnh nhận từ gia đình và không quên tạ ơn Chúa về mái ấm Chúa đã ban cho mình. Và hãy ra sức làm cho cuộc sống nơi gia đình và môi trường mình đang sống trổ bông “Yêu Thương”. Như thế, chúng ta đang thực thi lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Niềm vui của tình yêu trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội Thánh” (Tông huấn Niềm vui tình yêu, số 1).
Cầu chúc bạn luôn có được khoảnh khắc ấm cúng, ý nghĩa và hạnh phúc bên gia đình cùng người thân, bạn nhé!
Lâm Thị Mai (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương)
[1] Lời trích từ ca khúc MÁI ẤM YÊU THƯƠNG của nhạc sĩ Ngọc Tuyên. Ca khúc được ca sĩ Minh Hoàng trình bày trong album MÁI ẤM YÊU THƯƠNG, SAO MAI 5.
[2] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Bản dịch của UỶ BAN GIÁO LY ĐỨC TIN trực thuộc HĐGMVN. TUYÊN NGÔN VỀ GIÁO DỤC KITOO GIÁO (GRAVISSIMUM EDUCATIONIS), số 3, tr. 723.
[3] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn FAMILIARIS CONSORTIO (Về những bổn phận của gia đình Kitô hữu). Chuyển ngữ : Lm. Agostino Nguyễn Văn Dụ, UỶ BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH trực thuộc HĐGMVN, số 21, tr. 77.
[4] Ibid. Số 86 (Phần Kết Luận), tr. 167-168 : “Nơi gia đình ấy, do ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã sống ẩn dật nhiều năm tháng. Thế nên gia đình ấy là nguyên mẫu và là tấm gương cho mọi gia đình Kitô hữu. Chúng ta hãy nhìn gia đình ấy, Gia đình có một không hai trong thế giới, Gia đình đã sống âm thầm, lặng lẽ trong một thị trấn nhỏ Palestina, Gia đình đã bị thử thách vì nghèo khổ, bắt bớ, lưu đày, Gia đình đã tôn vinh Thiên Chúa một cách trỗi vượt và tinh khiết vô song; Gia đình ấ sẽ không quên cứu giúp các gia đình Kitô hữu và cứu giúp cả mọi gia đình trên thế giới, để họ trung thành với các bổn phận hằng ngày của họ, để họ biết cách chịu đựng những âu lo và xáo trộn trong cuộc sống, để họ quảng đại mở lòng ra trước những nhu cầu của người khác, để họ vui vẻ hoàn tất chương trình Thiên Chúa đã định cho họ”.
[5] Ibid. Số 63, tr. 133