TIẾN SĨ THIÊN THẦN

Views: 120

Ngày 28 tháng Giêng: Thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở A-qui-nô, rồi người theo học tại đan viện Mon-tê Cát-xi-nô, tiếp đến tại đại học Na-pô-li, cuối cùng Tô-ma nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pa-ri và Cô-lô-nhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là An-bê-tô Cả. Thánh Tô-ma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đa-Minh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xi-tô ở Phốt-xa-nô-va. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tu-lu-dơ năm 1369.

Không có gương nhân đức nào mà không có nơi thập giá

(Bài đọc 2 Kinh Sách)

Trích bài chia sẻ của thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục.

Có cần thiết Con Thiên Chúa phải chịu đau khổ vì chúng ta không? Thưa cần lắm và có thể tóm lại trong hai lý do: một là để làm phương được chữa trị tội lỗi, hai là để làm gương cho chúng ta noi theo.

Xét về phương diện để chữa trị mọi sự dữ mà chúng ta mắc phải vì tội lỗi, chúng ta gặp thấy linh dược nhờ cuộc thương khó của Đức Ki-tô.

Nhưng xét về gương sáng thì ích lợi cũng không nhỏ vì cuộc thương khó của Đức Ki-tô đủ để soi sáng trọn vẹn cuộc đời chúng ta. Quả vậy, bất cứ ai muốn sống đời hoàn hảo, người ấy không cần làm gì khác ngoài việc khinh chê những gì Đức Ki-tô đã khinh chê trên thập giá và ao ước những gì Người đã ước ao. Bởi lẽ không có gương nhân đức nào mà không có nơi thập giá.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương bác ái, thì đây: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu của mình. Đó là điều Đức Ki-tô đã thực hiện trên thập giá. Vậy nếu Người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, thì khi vì Người mà chúng ta phải chịu bất cứ đau khổ nào, sẽ chẳng có chi là quá nặng.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương nhẫn nhục, thì nơi thập giá có cả một tấm gương sáng ngời. Thật vậy, sự nhẫn nhục sẽ lớn lao vì hai lý do: hoặc khi người ta chịu những đau khổ lớn lao, hoặc khi người ta chịu những đau khổ có thể tránh được mà lại không tránh. Quả thế, Đức Ki-tô đã mang lấy những đau khổ lớn lao trên thập giá và nhẫn nhục chịu đựng: Người chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, như con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín trước mặt kẻ xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Như thế, sự nhẫn nhục của Đức Ki-tô trên thập giá thật là lớn lao: Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt nhìn về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương khiêm nhường, thì xin bạn nhìn lên Đấng chịu đóng đinh: Đấng vốn là Thiên Chúa mà đã muốn xét xử dưới thời Phong-xi-ô Phi-la-tô và chịu chết.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương tuân phục, bạn chỉ việc bước theo Đấng đã vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết: Cũng như vì một người duy nhất, tức là ông A-đam, đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người sẽ trở thành người công chính. 

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương khinh chê của cải trần gian, bạn chỉ việc bước theo Đấng là Vua các vua và là Chúa các chúa, nơi Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết, thế mà trên thập giá Người đã chịu trần truồng, bị chế giễu, bị khạc nhổ, bị đánh đòn, bị đội vòng gai và phải uống giấm chua mật đắng. 

Vậy bạn đừng bám víu vào y phục và của cải, vì áo xống tôi, chúng đem chia chác; đừng bám víu vào danh dự, vì Người đã chịu lăng nhục và bị đánh đòn; đừng say mê chức tước, vì họ đã kết một vòng gai làm vương miện đội lên đầu Người; và đừng ham mê thú vui nữa, vì tôi khát nước, lại cho uống giấm chua.

TIẾN SĨ HỘI THÁNH – TIẾN SĨ THIÊN THẦN

Thánh Thomas thành Aquinas được Giáo Hội Công Giáo tôn phong Hiển Thánh đi kèm với hai tước hiệu, đó là: Tiến sĩ Hội Thánh và Tiến sĩ Thiên Thần. Tôi đã thử tìm hiểu xem tại sao Ngài lại được tôn phong như vậy? Ý nghĩa của những tước hiệu ấy khi gắn với Thánh Thomas Aquinas? Giáo Hội muốn nhắn gửi con cái điều gì khi tôn phong Thánh Thomas Aquinas? Và, tôi đã tìm được một vài giải thích khá thỏa đáng.
 
Thứ nhất, Thánh Thomas Aquinas được phong là Tiến sĩ Thiên Thần bởi vì: Ký sử kể lại rằng, Thánh Thomas Aquinas là con xuất thân trong một gia đình quý tộc. Cha của Ngài là bá tước Landlf. Một dòng tộc lâu đời ở phía Nam nước Ý thế kỷ XII-XIII. Ngay từ lúc còn nhỏ, Thomas đã được cha mẹ gửi vào trong một Tu viện Thánh Biển Đức (Benedict), với ước mong, Thomas sẽ trở thành Tu viện trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, “mưu sự tại Nhân, hành sự tại Thiên”. Khi lớn lên, Thomas đã rời Tu viện và chọn một con đường hoàn toàn trái với ý của Cha mẹ Ngài. Thomas quyết trở thành một Tu sĩ dòng Anh em Thuyết Giảng (dòng Đaminh). Cha mẹ của Ngài khi biết tin đã kịch liệt phản đối, ép buộc, tạo áp lực để Thánh nhân quay trở lại Tu viện. Nhưng, một khi Chúa muốn thì không ai có thể làm trái, dù có dùng cách nào. Thật vậy, có những lúc Thánh Thomas đã phải chịu những cám dỗ, cản trở rất gay gắt, ác nghiệt từ chính Cha mẹ Ngài. Cha mẹ Ngài đã bắt giam ngài trong một căn phòng trong khoảng 1 năm để Ngài lùi trí. Mạnh bạo hơn, Cha mẹ Ngài còn dùng cả những cô gái điếm để đánh vào điểm yếu dục tính trong con người của Ngài. Thế nhưng, Ngài đã dùng chính cây củi đang cháy đỏ để xua đuổi những cô gái ấy ra. Ngài chọn giam hãm mình trong phòng còn hơn là từ bỏ con đường Chúa muốn Ngài đi. Những lúc Cha mẹ Ngài tưởng như Ngài đã hoàn toàn kiệt sức và sẽ bỏ cuộc thì các Thiên Thần đã hiện ra và chăm sóc cho Ngài, nâng đỡ Ngài. Cũng nhờ đó, Ngài dốc toàn thời gian cho sự chiêm ngắm, suy tư và Ngài đã đạt tới bậc xuất thần.
Thánh Thomas Aquinas được tôn phong là Tiến sĩ Thiên Thần vì Ngài đã sống một đời sống trọn vẹn cho Chúa; một đời sống không chịu khuất phục, lụy tục trước dục tính, bản năng. Nhưng, Ngài chọn sống theo bản tính của Thiên Chúa. Thánh nhân đã bám lấy Chúa nên Chúa đã không bỏ Ngài. Người đời ngược đãi Ngài bao nhiêu thì Thiên Chúa nâng đỡ Ngài bấy nhiêu và còn cho hơn nữa. Cha mẹ, thân nhân Ngài cản trở Ngài bao nhiêu thì sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mạnh mẽ gấp bội. Thế gian chê trách Ngài là kẻ khờ dại bao nhiêu (từ bỏ cơ hội làm Tu viện trưởng- một kiểu làm quan thời đó) thì Thiên Chúa đã coi Ngài là tôi tớ khôn ngoan và trung tín bây nhiêu.
Noi theo Thánh Thomas Aquinas, chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngắm Thiên Chúa mọi lúc có thể, bám lấy Chúa bất cứ lúc nào, trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, và khiêm tốn trước mặt Chúa để trở thành kẻ Khôn ngoan trong mắt Ngài và đặc biệt, tránh xa, đoạn tuyệt với những cám dỗ dục vọng bất chính. Nếu làm được điều đó, ta đâu khác gì các Thiên Thần- những bậc thanh sạch, lòng ngay, thiêng liêng hằng chiêm ngắm và chầu trước tòa Chúa Toàn Năng.
 
Thứ hai, Thánh Thomas là Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài được chọn là 1 trong 36 Tiến sĩ Hội Thánh của Giáo Hội Công Giáo, bởi vì: Thánh Thomas được kẻ là một nhà trí thức rất lỗi lạc và nổi danh trong thời đại của Ngài. Khi gia nhập vào dòng Thánh Đaminh, Thomas đã được thụ huấn với Thánh Alberto- Một học giả uyên bác, nổi tiếng thời đó. Bên cạnh đó, Ngài cũng rất say mê các học thuyết của Aristotle và Platon. Chính nhờ sự khôn ngoan, tài giỏi Chúa ban, Ngài đã không bỏ phí một giây phút nào trong cuộc đời, để chiêm ngắm, nghiên cứu, đào sâu kiến thức, trau dồi kho tàng kiến thức cao siêu. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc chuyên chăm trau dồi kiến thức thì đâu có gì đặc biệt, có nhiều học giả Đông Tây kim cổ cũng là những vị rất tài giỏi và nổi danh. Điều đặc biệt ở Thánh Thomas Aquinas đó là: Ngài tạo cho bản thân một thói quen rất tốt là chiêm ngắm Chúa Giêsu và suy tư cùng Chúa Thánh Thần. Thật vậy, năm 27 tuổi, Ngài trở thành Giảng sư Đại học với  kiến thức uyên bác có thể giúp hướng dẫn nghiên cứu cho giới trí thức đang say mê triết học Hy Lạp ngoại giáo. Qua các cuộc chiêm ngắm và suy tư về Thiên Chúa, vũ trụ quan, nhân sinh quan, Ngài đã viết thành công bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae) đầy giá trị để lại cho Giáo Hội Công Giáo và hậu thế. Chính Ngài đã xác minh nguồn gốc của cuốn Tổng Luận Thần Học: “Tôi đã kín múc tất cả sự khôn ngoan nơi Chúa Giêsu qua suy niệm và cầu nguyện để viết nên cuốn Tổng Luận Thần Học này”.
Noi gương Thánh Thomas Aquinas, chúng ta được mời gọi hãy thường xuyên gặp gỡ Chúa qua những lần cầu nguyện và suy niệm, để kín múc được sự khôn ngoan của chính Thiên Chúa. Mặt khác, ta cũng cần biết tận dụng cách tốt nhất những ân huệ Chúa ban để hoàn thiện nhân cách bản thân, xây dựng quê hương đất nước và kiến tạo hòa bình thế giới. Nếu làm được như vậy, ta sẽ tự hào kể mình vào hàng con cái các Thánh trên trời, con cháu của Thánh Thomas Aquinas và là con cái của vị Cha chung trên trời là Thiên Chúa toàn năng- Đấng mà Thánh Thomas Aquinas luôn trung tín, vâng theo, và sống dâng hiến trọn vẹn.

Thánh Thomas Aquinas qua đời năm 1274 với 49 năm tuổi đời. Khoảng thời gian Ngài sống trên trần thế tuy không quá dài; không phải là “hai năm mươi về già” hoặc “thất thập cổ lai hy” nhưng công lao và đời sống Thánh thiện của Ngài để lại thì sánh với tuổi thọ của kẻ “bách niên giai lão”. Năm 1328, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đã tôn phong Ngài lên hàng Hiển Thánh của Giáo Hội Công Giáo. Đến năm 1567, để ghi nhận công lao của Thánh nhân, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cất nhắc Hiển Thánh Thomas Aquinas lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh với tước hiệu: Tiến sĩ Thiên Thần. Cuối cùng, năm 1880, để ghi nhận sự uyên bác và tài trí của Thánh Thomas Aquinas, Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã đặt Ngài làm quan thầy bảo trợ các trường giáo dục Công Giáo trên toàn thế giới.

Chúng ta cùng cầu nguyện với Thánh Thomas Aquinas:
Lạy Chúa, Chúa đã làm cho Thánh Thomas Aquinas trở nên một bậc thầy lỗi lạc vì đã ban cho Người lòng tha thiết sống cuộc đời thánh thiện và hăng say giảng dạy đạo lý cao siêu. Xin Chúa thương mở lòng soi trí chúng con để chúng con càng ngày càng hiểu biết những điều Người dạy và ra công bắt chước điều Ngài làm. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thưở muôn đời. Amen. (Lời nguyện Nhập lễ- lễ kính Thánh Thomas Aquinas, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh)
Tác giả: Thomas. Phạm Quốc Doanh
—————————————————
Nguồn tài liệu tham khảo:
http://www.simonhoadalat.com/suyniem/saints/Thang%201/Ngay28-ThomasAquinas.htm