ANH BA BÍCH

,

(Nhân ngày lễ giỗ thứ 25 năm (1997 – (27.7) – 2022) của linh mục Phêrô Bùi Huy Bích)

Không biết cái “cốt hài hước” nó có từ đâu ? Từ quê ngoại con cháu ông Lóc ở Đồng Cọ Quảng Ngãi, hay từ quê hương gốc Xoài của đống họ Bùi ở Bình Định ? Nhưng có lẽ từ cả hai, nên “Anh Ba Bích”, con thứ hai sau người chị cả Châu, của bác Trang Gò Xoài, vừa hội đủ hai cái yếu tố “cực trọng” của khoa hài: “hài tỉnh bơ” như dân Quảng Ngãi “cãi lý” và “hài nổ banh” như dân Bình Định múa võ Quang Trung !

Vâng, nhớ đến cha Phêrô Bích, nguyên chánh xứ Mằng Lăng cho đến khi được Chúa gọi về đúng ngày “Thương binh liệt sĩ” – 27.7.1997 – cách đây tròn một “ngân khánh”, là người ta nghĩ ngay tời một “cây cười” và “cây nghịch” của hàng linh mục Qui Nhơn; đúng hơn, một ông cha sở vui tính, hài hước, bình dân, dễ hoà đồng, dễ tiếp cận… và cũng pháo nổ tưng bừng, nghịch ngợm khỏi chê !

Mà không dễ hoà đồng sao được ! Vì những ai sinh sống ở Đồng Tre Xuân Phước, Suối Ré Phước Lộc, La Hai Đồng Xuân… từ thập niên 70 của thế kỷ trước mà còn sống, thì hầu hết không biết mặt thì cũng biết tên “Ông Cố Bích”. Riêng Anh Ba Bích nhà ta không chỉ biết tên từng đứa nhỏ chăn bò mà cả cha mẹ và ông bà của tụi chúng ngài cũng biết hết “không tha” ! Vì thế, rất nhiều lần, với chiếc xe “Honđa 68 cà tàng” trên đường từ Đồng Tre xuống Suối Ré, mấy em chăn bò xa xa bên đường đã vọng tiếng chào: “Ông Cố Bích, Ông Cố Bích… !”; và ngài đã mạnh miệng đáp lại với cung giọng rất thân tình “Ông Cố cứt… Ông Cố Cứt.. !”.

Mà không chỉ nghịch ngợm với tụi nhỏ thôi đâu; ngài nghịch luôn với đám “bạn sồn sồn” mà ngài thường quen mặt trong những đám giỗ cả lương lẫn giáo; đến độ, có ông lái đò tên “Chín Cu” phía xóm ngoài Suối Ré, một ngày kia Anh Ba Bích gọi ông ta chèo đò, không gọi tên “Chín Cu” mà ung dung la lớn: “Bớ ông Mười Tám dái…”. Ông nầy cũng cười xoà vì kiểu lý luận toán học “9X2” của ngài !

Ngài hoà đồng, thân thiện đến độ cả khu chợ Phước Lộc Suối Ré, mấy bà hàng mắm ruốc, hàng cá khô, rau ngũ quả… đều quen mặt “Cố Bích”; và sẵn sàng bỏ vào cái giỏ đi chợ của ngài một ít mà không lấy tiền. Riêng mấy anh chị em người lương, người Phật, cứ mỗi lần bị nhặm mắt, gai đâm mắt, đau bụng… đều chạy tới Cố Bích xin chút rượu lễ để nhỏ, để uống cho mau bớt; và nhờ đó, chẳng có đám giỗ, đám ma từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới cả vùng Xuân Phước, Phước Lộc, La Hai… mà không có ngài; hoặc được mời tử tế; hoặc không mời hay chưa kịp mời, ngài cũng “xông vào đại”; nhất là những khi đang đi mò cá với đám giúp lễ mà đột nhiên đói bụng ! Và không chỉ có được một bữa no, ngài còn lận cả vào vạt áo một lô nào bánh chưng, bánh thuẫn, bánh ít… cho các “đồng chí bé nghịch ngợm của ngài”.

Phải chăng, nhờ phong cách sống bình dân, hoà đồng, cởi mở và hài hước đó mà ngài đã đi qua chặng đường mục tử 17 năm, từ năm 1975 đến 1992, một thời đầy khó khăn, cơ cực của một vùng đất đã từng là “khu bất khả xâm phậm của Biệt kích Đồng Tre” thời Việt Nam Cộng Hoà, và là nơi có “Trại Trừng giới trung ương A 20” khét tiếng của Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa !

Nói đến khó khăn của thời đó, chắc thế hệ trẻ hôm nay khó mà tưởng tượng. Bởi vì, suốt 17 năm làm linh mục chánh xứ Đồng Tre, ngài chỉ có một căn phòng để ở liền sau phòng thánh của nhà thờ Suối Ré, một chiều khoảng 2 thước, chiều kia hơn 5 thước. Suốt 17 năm, ai lên thăm ngài lỡ có nhu cầu vệ sinh, phải chịu khó ra bờ ruộng hoặc đám mía phía sau ! Và cũng suốt 17 năm, cái gối của ngài lớp vải đã đen cứng như tráng một lớp nhựa cao su mà thực chất là mồ hôi và “đất hiếm” của da cổ và đầu ! Đó là chưa kể, những cây sắt tròn làm cửa sổ to bằng ngón tay trỏ, ở đoạn dưới cùng bỗng bị ăn mòn còn bé tí như chiếc đũa… ! Lý do: 17 năm bị “oxit hoá” bởi ‘nước tiểu đến từ bên trong” !

Những chuyện hài hước, vui nghịch của ngài, chỉ trong thời gian 17 năm ở Đồng Tre – Suối Ré thôi, thì cũng đã kể không hết. Vì thế, bọn tôi, Hiền, Đệ, mỗi lần về Suối Ré săn chim, tối lại, nằm nghe mấy ông đệ tử của ngài như Hải, Trung, Nam, Thanh, Trường, Đức… kể mà cười đau ruột; nó hấp dẫn đến độ, là cứ mỗi câu chuyện về ngài, bọn tôi phải trả hoặc một cái áo lính để đi bắn chim, một gói thuốc cotab, hay một lít rượu gạo…

Mà không chỉ ngài nghịch, vui, pháo… với giáo dân; với cả anh em linh mục ngài cũng “chơi tới bến”. Có một lần, một linh mục trẻ ở Sài Gòn (Hình như cha Nguyễn Văn Hiền đặc trách giáo lý thì phải) ra Phú Yên có dịp gặp ngài, thấy ngài nói chuyện vui quá bèn hỏi: “Thưa cha, cha đang ở xứ nào ?” Ngài liền trả lời gọn ơ: “Tui ở cái xứ mà nếu tui lấy hai con dợ Đức Cha cũng hổng biết” ! ! ! Linh mục kia chỉ biết há hốc và sau đó cười rũ rượi !…

Thế nhưng, nếu sự bình dân, hài hước, nghịch ngợm vui tính… đã giúp ngài vượt qua những ngày cơ cực cách suôn sẻ để chu toàn sứ vụ mục tử; nhất là để đến với muôn dân (Ad Gentes), với những anh em người lương…, thì đây cũng lại là khí cụ hữu hiệu để ngài “kiếm được kha khá” những khoản tài chánh cho công việc trùng tu các nhà thờ Suối Ré, Đồng Tre; và sau đó là Mằng Lăng, Xóm Làng, Đồng Cháy, Hội Tín… Ngài đã từng chia sẻ: chỉ cần ngồi chung một chuyến xe trên đoạn đường từ Chí Thạnh về Qui Nhơn, ngài đã được một giáo dân Phù Cát sẵn sàng rút hết tiền trong ví tặng ngài; và sau đó còn mời ngài về tận nhà cho thêm mấy cây vàng !

Nhưng, nói về ngài mà chỉ dừng lại ở khía cạnh bình dân, hoà đồng, hài hước, nghịch ngợm… và ăn to, nhất là bún mắm, thì e chưa đủ. Với cái hình dáng mập mạp, đen to, nhưng ngài lại nhanh nhẹn; và nhất là có khiếu hội hoạ. Ngài vẽ rất đẹp và viết chữ thì khỏi chê, văn chương cũng nhẹ nhàng thâm thuý. Đến độ, Đức cố Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho, khi còn sống và làm Giám đốc Đại Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang đã giữ luôn bức thư của “Anh ba Bích” ngay trên giữa bàn làm việc của Đức Cha. Đừng quên, ngài cũng thuộc dạng linh mục hùng biện trong khoa giảng Lời Chúa; và khi giảng dạy cho giáo dân, giọng ngài sang sảng, nhiều khi không cần đến micro !

Nhân dịp kỷ niệm “Ngân Khánh Qua Đời” của ngài, chỉ biết ôn lại đôi nét đan thanh về cuộc đời của một vị mục tử mà tôi được vinh dự kế nhiệm ngài từ năm 1992, thay ngài làm cha sở Đồng Tre để ngài về coi sóc giáo xứ Mằng Lăng. Sau 17 năm cơ cực và bị nhiều áp lực ở vùng sơn cước, cứ tưởng những ngày tháng êm đềm tại Mằng Lăng sẽ cho ngài an khang trường thọ, như chính ngài đã từng bừng dậy lúc nửa đêm và tâm sự với thầy Đệ: “Sau 17 năm, đêm nay là đêm ngủ ngon nhất của tao”, nhưng ngài đã “lên đường theo lệnh triệu hồi của Chúa”, mà “điềm báo” hình như đã đến ngay trong bữa tiệc ngài mừng Ngân Khánh linh mục (72-97) khi nút chai sâm banh làm đứt cả những dây băng trang trí nơi nhà xứ Mằng Lăng !

Cho dù xã hội ngày hôm nay không như “cái thuở ngày xưa” của ngài, những “con đường mục vụ” hôm nay cũng đã đổi thay bằng “trải nhựa hoặc bê tông”, nhưng phong cách mục tử cần thiết để thành công trong công cuộc chăm sóc đoàn chiên, nhất là trong công việc “truyền giáo”, đến với muôn dân, thì đời nào vẫn thế: vẫn với những hành trang được Đức Kitô thông báo trong lệnh lên đường: Khó nghèo, tín thác, sẵn sàng… cùng với những đức tính của “người rửa chân”: khiêm tốn, hoà đồng, vui tươi và chẳng hề nệ khó ! Thiết tưởng, “Anh Ba Bích” là một mẫu linh mục mà thế hệ đàn em chúng ta hôm nay cần học hỏi bắt chước, nhất là trong định hướng “hiệp hành” mà “cả và Hội Thánh” đang nỗ lực triển khai. Vâng, chỉ là một linh mục hiệp hành khi “cùng đi với Dân Chúa, cùng mang mùi chiên; khi đi trước, đi giữa hay đi sau đoàn chiên” (ĐGH Phanxicô).

Trương Đình Hiền (25.7.2022)