Gương chứng tá

Chúa đã dùng con

(Chứng từ của một nữ tu Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương Qui Nhơn)

Trong cuộc sống, “thi đua” luôn được chú trọng hàng đầu, cho nên có biết bao cuộc thi diễn ra quanh ta mỗi ngày. Và đã là thi thì mọi cá nhân hay tổ chức đều có mục đích: thi để khẳng định chính mình, thi để bước lên đỉnh vinh quang, thi để đoạt được giải thưởng và thi để được nổi tiếng… Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng mục đích của tất cả các thí sinh chỉ dừng lại ở những gì đạt được về vật chất, danh vọng hay địa vị; mà nên nhớ còn có những điều kỳ diệu sẽ đến do bởi một niềm tin đơn thành.


“Chúa đã dùng con” là tựa đề mà tôi muốn kể về chị. Câu chuyện được bắt đầu khi chị được ưu tuyển tham gia hội thi “sinh viên điều dưỡng giỏi 2018 –Trường Cao Đẳng Y tế Bình Định”. Chẳng giống với bao người khi tham gia cuộc thi, chị đi thi vì khát khao thực hiện một nguyện ước. Điều ước của chị thật khó hiểu lại khác người, chỉ nói thôi thì chẳng ai tin. Nên các bạn và tôi cùng nhau đi vào hành trình cuộc thi cùng với chị nhé!

Nguyện ước của chị được ấp ủ từ lúc chị biết được thể lệ cuộc thi. Cuộc thi sẽ được tổ chức với ba vòng thi: vòng thi một và hai trả lời các câu hỏi về kiến thức y khoa; vòng ba là phần thi ứng xử, thí sinh vào vòng thi ứng xử sẽ mặc trang phục áo dài khi tham gia. Và yêu cầu ở vòng thi thứ ba cũng chính là khởi sự cho nguyện ước của chị.

Sau một thời gian, buổi chiều ngày 11 tháng 5 năm 2018, 75 thí sinh trong đó có chị, bước vào cuộc thi. Vòng thi thứ nhất lặng lẽ trôi qua, kết quả là chị tôi có tên trong tóp 21 thí sinh được vào vòng hai. Chị vui nhưng với một niềm vui thâm trầm tin tưởng, bởi chị là người trầm tính. Vậy là thêm một bước tiến gần đến nguyện ước. Chị bước vào vòng thi thứ hai, vòng thi quết định cho việc thực hiện nguyện ước. Chị có chút lo lắng bối rối, bởi chị biết khả năng của mình thì không thể, nhưng bù lại chị có một niềm tin, tin rằng Chúa sẽ giúp chị. Vòng thi trôi qua, thời khắc quan trọng đã đến: Ai sẽ là người lọt vào vòng chung kết cuộc thi. Tên thí sinh thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư được xướng lên, mà chẳng nghe tên chị tôi…ngưng một lát…và thí sinh thứ năm: Jơ Nưng Sang Nai Cúc. Lúc này đây tim chị như ngừng đập, tai chị như ù đi, chị thầm thỉ với Chúa trong niềm xác tín: “Chúa ơi! Chúa đã muốn con thực hiện nguyện ước, nguyện ước này là đẹp ý Chúa. Con sẽ mặc bộ áo dài xám tro của Hội dòng dự thi vòng chung kết”.

Với quyết tâm, thay vì xin phép mẹ Bề Trên cho mặc bộ áo dài đẹp hơn thường ngày để đi thi, thì chị lại chọn cách khó khăn hơn: chị tìm cách xin phép ban tổ chức cho chị được mặc bộ áo dài xám tro tham gia vòng thi chung kết. Đáp lại chị là câu trả lời: Không được, nếu em không có thì em có thể đi mượn hoặc thuê áo dài mà mặc. Nhưng chị chẳng nản lòng. Thinh lặng ít phút, chị thầm thỉ với Chúa: “Con muốn khoe Chúa với mọi người qua bộ áo dài xám”. Nói xong, với quyết tâm mạnh mẽ hơn, chị tìm gặp thầy hiệu phó xin được mặc áo dài xám. Thật bất ngờ như một phép màu, thầy đồng ý cho chị mặc bộ áo dài xám của chị. Chị vui lắm! Vui hơn khi chị chia sẻ niềm vui này với Chúa và với chị em, ai ai cũng lắng nghe, mừng cho chị.

Chiều hôm sau, trong không khí kỷ niệm ngày điều dưỡng quốc tế ngày 12 tháng 5, chị tôi cùng bốn thí sinh bước vào vòng thi ứng xử. Chiều tối hôm đó, bầu khí gia đình Nữ Tỳ chúng tôi nhộn nhịp hẳn lên. Chị em ai cũng góp một chút gì đó gọi là quà mừng chị đi thi: một nụ cười, một ánh mắt, một cử chỉ,…mỗi người một cách thể hiện nhưng đều là để khích lệ tinh thần chị. Một số chị em đi cùng chị đến trường tham dự cuộc thi, cứ ngỡ như mình là thí sinh nên lòng dấy lên niềm hy vọng xen lẫn sự bồi hồi nôn nao. Lúc đợi chờ bên ngoài, lòng tôi cứ trông ngóng, liệu mình có được vào trong? Ngồi hết ghế đá, rồi ngồi hành lang, cuối cùng cũng được vào hội trường đóng vai khán giả cho cuộc thi. Cùng các chị em ở nhà cũng đồng hành với chị bằng cách: cùng nhau lên nhà nguyện quỳ trước Chúa, mỗi người đọc một kinh, đọc một câu với Chúa, xin Chúa chúc lành cho chị trong cuộc thi. Thật vậy, chị em Nữ Tỳ chúng tôi đồng hành với chị, chẳng phải là để hỗ trợ kiến thức hay chuẩn bị cho chị có bộ trang phục, đầu tóc đẹp hơn, nhưng chỉ biết gửi gắm chút tình chị em theo bên chị.

Thời điểm này chắc hẳn chị em tôi ai ai cũng đang nghĩ và hướng về chị. Chị chưa bước ra sân khấu, liệu giờ phút này một mình ở trong chị có lo lắng không? Chị đang làm gì nhỉ?

Quay lại với “bộ áo dài xám tro”. Chị tôi hạnh phúc khi được mặc bộ áo dài xám tro đi thi. Nhưng niềm hạnh phúc chưa bắt đầu thì chị lại phải đối diện với không ít khó khăn, trở ngại: bao nhiêu ánh mắt nhìn chị giống như “điều gì thật lạ lẫm”, kèm theo bao nhiêu sự thắc mắc. Chị kể lại, có người hỏi chị: em đi đâu vậy? Đi thi sao mặc lạ vậy? Tại sao phải mặc màu áo đen thui vậy? Lúc đó chị chỉ biết thưa thầm với Chúa: “Con muốn khoe Chúa với mọi người qua bộ áo dài xám tro”. Chưa kịp chấn tĩnh lại, thì có người đến nói với chị: Thầy trong ban tổ chức bảo, nếu chị mặc áo dài đó thì phải tháo thánh giá ra. Chị im lặng và chị đã chợt nhớ lại lời của Thánh Stêphanô Ven: “Tôi đã suốt đời giảng thuyết về đạo thập giá, nay tôi đạp lên thập giá thế nào được, tôi thiết nghĩ sự sống ở đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo nà mà mua”. Chị tôi nhất quyết không tháo. Chị độc thoại: “Tháo thánh giá ra? Tại sao phải tháo thánh giá? Thánh giá là mục đích của mình, ước muốn của mình, điều quý giá nhất của mình. Chị tự hứa với bản thân rằng: dù bị loại ra khỏi cuộc thi vẫn chấp nhận chứ không tháo thánh giá”. Và chị chia sẻ: lúc bấy giờ hình ảnh người đã bảo chị tháo thánh giá hiện diện trước mắt chị, điều này càng làm cho chị thêm mạnh mẽ, can đảm và có động lực hơn. Mọi khó khăn bên ngoài chị đã vượt thắng.

Đêm chung kết của cuộc thi bắt đầu. Chị cùng bốn thí sinh đã xuất hiện trên sân khấu. Chị lại phải đối diện với những khó khăn từ chính bản thân chị. Chị hay run, lại không quen xuất hiện trước đám đông và ánh đèn sân khấu. Chị lại thầm thĩ với Chúa: “Con được mặc bộ áo dài của Hội dòng đứng đây rồi, con không ước mình đạt điểm cao hay đạt một giải thưởng; lát nữa đến lượt thi của con, con chỉ ra đứng vậy thôi Chúa nhé! Rồi giây phút này đã đến, lạ thay bản chất run biến đâu mất, đổi lại chị cảm thấy bình an đến lạ thường. Chị tự trả lời câu hỏi ban giám khảo đưa ra “phẩm chất người y đức?”. khởi đầu câu trả lời của chị: “Lương Y như từ mẫu”. Lương Y phải yêu mến phục vụ hết tình với bệnh nhân. Bệnh nhân không phải chỉ mang bệnh tật, đau đớn về thể xác đang cần chúng ta giúp đỡ, chữa lành, nhưng họ còn suy sụp về mặt tinh thần, điều quan trọng là chúng ta biết chia sẻ nâng đỡ họ và nhất là đem đến cho họ niềm vui. Cuối cùng chị nhấn mạnh điều chị muốn gửi đến tất cả các sinh viên trường Cao Đẳng Y tế Bình Định: “Lương Y phải như từ mẫu”. Trả lời xong phần thi, chị khiến bao người phải thắc mắc và chính bản thân chị cũng ngỡ ngàng khó hiểu không biết điều gì vừa xảy ra. Chị chia sẻ: Từng lời chị nói, chị lại nhớ đến tinh thần của Chúa, nhớ đến sứ mạng làm chứng cho Chúa. Đây không phải là chị nói mà là chính Chúa và có một bàn tay vô hình luôn nâng đỡ chị. Trong hoàn cảnh này, chị tôi giống như hiện thân của Môsê xưa, Môsê thưa với Chúa: “Con không phải là người có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi”. Chúa nói cùng Môsê: “ Vậy bây giờ ngươi hãy đi, chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi; và ta chỉ cho ngươi phải nói những gì” (Xh4,12).

Phần thi đã khép lại. Bắt đầu những giây phút mọi người hồi hộp chờ đợi: “Thí sinh nào sẽ đạt giải xuất sắc nhất trong đêm chung kết hôm nay?”. Ngược lại, chị tôi lại là người chẳng có điều gì phải hồi hộp, lo lắng, mong đợi nữa. Vì chị đã hoàn thành ước nguyện “giới thiệu cho mọi người biết Chúa qua bộ áo dài xám tro”, còn giải thưởng đạt được là điều tốt nhưng không phải là mục đích chị nhắm đến. Giây phút công bố kết quả đã đến. Một lần nữa tên chị được xướng lên: Jơ Nưng Sang Nai Cúc- thí sinh đạt Giải Quán Quân trong hội thi sinh viên điều dưỡng giỏi 2018. Cả hội trường vỗ tay vang lên chúc mừng chị. Còn chị tôi thì sững người lại, nghĩ rằng: “liệu mình có nghe nhầm, với khả năng của mình thì…”. Nhưng Chúa đã đoái nhìn đến chị, như trong lời Manificat:

“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng
Chúa hạ bệ những ai quyền thế
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường’’.  (Lc 1,51-52)

Giải thưởng hay hình thức bên ngoài không phải điều chị gây ấn tượng cho mọi người, nhưng là sự đơn sơ, chân thành, mộc mạc với hết tấm lòng. Chị đã chạm đến trái tim của mọi người. Đây mới là dấu ấn khó phai.

Đêm chung kết khép lại. Chị em chúng tôi ra về trong niềm hân hoan cảm tạ. Nghe những câu nói ôi sao mà ấm lòng: “Em của chị giỏi quá!’

  • “Cuộc thi hôm nay ý nghĩa.”

  • “Tâm hồn em vui lắm chị ạ…”

Về đến nhà rồi. Các chị ở nhà đã chờ sẵn cửa. Việc đầu tiên là chị em cùng nhau tụ họp nơi nhà nguyện để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, đã thương giúp chị hoàn thành ước nguyện tốt đẹp hơn những gì chị mong ước.

Niềm vui lan tỏa, niềm vui nối tiếp. Sáng hôm sau chị em chúng tôi được quy tụ với nhau nơi gia đình Nữ Tỳ – Làng Sông. Cùng nhau tiếp tục chia sẻ niềm vui, niềm vui sâu xa của Thiên Chúa. Không phải niềm vui vì đạt được thành tích hay một mục đích lớn, nhưng là niềm vui trong niềm tin đơn thành tín thác vào Chúa; với ước nguyện: Đức Kitô được rao giảng. Niềm vui này sẽ được lưu lại mãi trong tim mỗi người nói riêng và trong gia đình Nữ tỳ Chúa Giêsu Tình Thương chúng tôi nói chung. Niềm vui này ẩn chứa bài học và chứng nhân sống động để giúp chị em chúng tôi học hỏi và noi theo. Chúng tôi hạnh phúc và tự hào về hồng ân đặc biệt Chúa ưu ái dành cho gia đình Nữ tỳ qua chị. Chúng tôi ý thức niềm tự hào đặt ở trong Chúa như lời Thánh Phaolô nói: “Nếu ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31).

Như để thay lời tạm kết cho câu chuyện, tôi xin được trích lời của giảng viên trực tiếp hướng dẫn lâm sàng tại khoa Hồi sức Cấp cứu nội: ‘‘Ấn tượng với tôi trong đêm chung kết là cô sinh viên nhỏ nhắn người dân tộc Chu Ru – Jơ Sang Nai Cúc. Tuy không rực rỡ như những bạn khác cùng lọt vào vòng thi ứng xử, nhưng bạn gái này đã tỏa sáng qua cách ứng xử tự tin, lời lẽ chân thành, mộc mạc khi trả lời. Y đức là… Không chỉ là cách ứng xử mang tính lý thuyết suông, Cúc đã thể hiện được cái ‘‘tâm’’ của người sinh viên điều dưỡng khi chăm sóc người bệnh tại khoa HSCC Nội-BVĐK Tỉnh Bình Định, khi bạn thực tập tại đây. Bạn đã thể hiện sự cố gắng trong thực hành chăm sóc, sự tận tình chu đáo với người bệnh, và trách nhiệm với việc học tập của mình trên lâm sàng…Tôi thực sự vui mừng và đánh giá cao kết quả mà bạn đã đạt được : ‘‘Quán Quân Sinh Viên điều dưỡng Giỏi 2018 – Trường Cao đẳng Y tế Bình Định.”