DÒNG SÔNG ĐÓ CÓ CHA

Views: 52

(Một thoáng cảm nhận về dòng sông Chao Phraya và Đức Cha Lambert de La Motte)

Tôi đến nơi đây vào một ngày êm ả

Bên dòng sông lặng lẽ bóng hình cha

Dòng sông dài êm trôi về muôn ngả

không tráng lệ diễm kiều, chẳng kiêu sa

Sông trầm mặc và mang nhiều ký ức

Một thuở ban đầu thao thức chờ mong.

Sông chở phù sa và bước chân rạo rực,

Thuyền ra khơi mang khát vọng trong lòng !

Vâng! không xa hoa, không cầu kì nhưng vô cùng trầm mặc đó chính là dòng sông huyền thoại mang tên Chao Phraya. Một dòng sông với chiều dài gần 400 km chảy từ cửa sông ra biển lớn. Con sông này được xem là huyết mạch của thủ đô Bangkok và trải dài dọc theo các thành phố lớn.

Dòng sông Chao Phraya không chỉ là nhân chứng lịch sử quan trọng trải qua bao thăng trầm lịch sử của các vương triều Thái Lan mà còn là dòng sông cung cấp nguồn nước lớn nhất cho đất nước này hằng năm; cũng là một điểm đến không thể thiếu đối với khách du lịch khi đặt chân đến “đất nước ngàn voi” này.

Riêng tôi khi được đặt chân đến nơi đây lòng tôi như rộn lên một niềm vui khôn tả. Vui vì được đến thăm một nước láng giềng, vùng đất mà lâu nay chỉ biết qua các phương tiện truyền thông giờ được đến tận nơi để xem và hiểu thêm về con người, về những nét đẹp lịch sử, văn hoá nơi đây. Vui vì được gặp gỡ, chia sẻ, đồng hành với các chị em không những cùng Dòng mà còn với các chị em cùng chung Linh đạo Mến Thánh Giá; trong đó có những người lần đầu tiên gặp nhau nhưng tất cả đều rất gần gũi và thân thiện. Vui vì được về thăm và kính viếng phần mộ cha, được cảm nhận thực tế về những gì cha đã sống và làm việc nơi đây; được ngồi thuyền đi dạo trên sông vào một buổi chiều êm ả và được ngắm cảnh đẹp bình yên của một dòng sông mang nhiều ký ức…

Vâng, chị em chúng tôi rất gần nhau. Gần vì chúng tôi là con cùng một Cha trên trời; gần vì chúng tôi, những nữ tu Mến Thánh Giá, có chung Đấng Sáng lập; gần vì được hít thở bầu không khí mà cha mình đã từng dừng chân nơi mảnh đất và dòng sông này. Càng vui và hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng, kính viếng chính ngôi thánh đường có hài cốt của Đấng Sáng lập nằm hướng mặt ra sông; ngôi thánh đường đơn sơ, lặng lẽ ấy như một dấu tích chứng minh rằng cha của chúng ta đã hy sinh cả cuộc đời vì đoàn con thân yêu tại vùng đất Á châu này. Và sự hy sinh cao cả đó đã đem lại hoa quả tốt lành thánh thiện là các nữ tu Mến Thánh Giá ngày hôm nay…

Hình như không phải tình cờ mà ngôi thánh đường này được xây dựng cạnh dòng sông ! Phải chăng tình yêu và sự quan phòng của Chúa đã sắp đặt để ngôi thánh đường hiện diện nơi đây, bên cạnh dòng sông êm đềm và lặng lẽ. Ngôi thánh đường thuộc thành phố Ayutthaya, một trong những thành phố nằm trải dài bên dòng sông Chao Phraya. Sự êm đềm, thanh tịnh và lặng lẽ ấy đã khơi lên một sức sống mãnh liệt để cho hạt giống đức tin được trổ sinh hoa trái dồi dào. Nơi thánh đường này có một người cha đã một đời bôn ba hy sinh quên mình, từ bỏ tất cả để đem hạt giống Tin mừng đến cho dân tộc Á châu đang yên nghỉ.

Ayutthaya, một cái tên đầy ý nghĩa và gần gũi đối với chị em Mến Thánh Giá chúng ta. Vì thế, người tu sĩ Mến Thánh Giá không đến Ayutthaya như một người khách du lịch đi tham quan và chiêm ngắm những vẻ đẹp của một vùng đất, một thành phố; chụp vài tấm hình khoe với bạn bè cho sành điệu để rồi sau đó, tất cả đều trôi vào quên lãng! Không, chúng ta đến với tinh thần của một người con hành hương về nguồn cội, về thăm cha, về để được sống lại ký ức của cha trong tinh thần yêu mến Đấng chịu đóng đinh… Chúng ta đến để dừng chân tại nơi mà cha đã chọn để bắt đầu sứ vụ tại Á châu bằng cuộc tĩnh tâm đầu tiên vào mùa thu năm 1663. Phải chăng chính vì lí do đó mà khi chúng ta đứng trước dòng sông này chúng ta thấy toát lên một vẻ đẹp huyền dịu và nên thơ; một vẻ đẹp của sự linh thiêng và giàu ký ức, một vẻ đẹp dành riêng cho những người con của Đức cha Lambert là các nữ tu Mến Thánh Giá…

Trong nền văn hóa Việt Nam, dòng sông là một trong những hình ảnh không thể thiếu trong thi ca, âm nhạc, hội họa, truyện kể… Mỗi dòng sông mang một vẻ đẹp, một dấu ấn lịch sử riêng. Đặc biệt, trên hành trình truyền giáo cho các dân tộc tại Á Châu của các vị thừa sai, các dòng sông đóng một vai trò quan trọng của “một thuở ban đầu”; và dòng sông Chao Phraya cũng không ngoại lệ. Có thể nói Tin Mừng đến được Á châu là nhờ những dòng sông! Vâng, chính những dòng sông đã sẵn lòng oằn mình ra đón nhận và đưa những chiếc thuyền thô sơ, bấp bênh trước bao phong ba bão tố để chở những con người đầy nhiệt huyết hăng say, bất chấp khó khăn… đem Tin mừng đến với miền đất Á châu… Đẹp làm sao những dòng sông mang nặng nghĩa tình, những dòng sông đưa đón những con thuyền ra khơi buông lưới, như chứng từ sau đây của một thời “khai hoang vỡ đất” gieo hạt Tin mừng:

“…… Xuôi dòng sông ra cửa biển. Như vậy, tất cả mọi khó khăn để khởi hành được cất khỏi, chúng tôi xuôi dòng sông. Dòng sông này, như người ta biết, có thể đón nhận suốt trên 80 dặm dài các con tàu của những hải cảng lớn nhất; và con sông duyên dáng chảy bao quanh chân tường thành kinh đô Xiêm La, rồi từ đó mà ra tới biển chỉ còn lại là 40 dặm. Dọc dòng sông thì không ngừng có vô số tàu bè thuộc mọi quốc gia chở đầy dẫy hàng hóa từ Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa, Đài Loan, Bantam và hiện nay là Âu châu. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm thấy tàu bè nước Pháp nữa nhờ Hãng Hải Thương Hoàng Gia, Hãng này có thể lập tại đây một kho hàng buôn bán tốt nhất với Trung Hoa và Nhật Bản. Mặc dù không có mấy thuận tiện, chúng tôi chỉ mất ba ngày là ra tới được cửa sông. Lúc đã qua khỏi đó, chúng tôi gặp thấy ngay những hòn đảo đầu tiên dọc theo bờ biển cho tới lúc vào Cam Bốt”. (Trích Kí sự truyền giáo của cha Vachet, chương I, từ Xiêm La đến Đàng Trong)

“……….. Sau khi đi lênh đênh trên biển cách bình an suốt 25 hay 26 ngày, chúng tôi bị lạc đường lúc gần như kết thúc chuyến đi. Các thủy thủ đã lẫn lộn con sông này với con sông nọ, chúng tôi trễ mất 24 giờ đồng hồ. Họ vào được con sông Xiêm La khoảng 10 tháng sau khi chúng tôi rời khỏi đó. Chúng tôi gặp lại dòng sông này, không những với niềm vui quen thuộc của các khách du hành khi trở lại nhà mình, mà còn có cái thú vị mà người ta hưởng được trên dòng sông, với bao nhiêu là cây cối xanh tươi dịu mát bao quanh, và với tất cả những đồ ăn ngon tươi mà người ta gặp được” (Trích Kí sự truyền giáo của cha Vachet, chương XI, trở về Xiêm La)

“…… Đức cha Beryte quyết định sớm sang tới Trung Hoa: sau khi ngài từ giã các người Đàng Trong và sau khi sắp đặt chu đáo nhất có thể cho Giáo Hội phôi sinh của họ tại Xiêm La, ngày thứ 12 tháng Bảy, ngài xuống thuyền trên sông và ngày thứ 17 thì ra tới tàu ngoài cửa khẩu, cách xa bến cảng khoảng 2 dặm. Ngày thứ 21, tàu căng buồm.

Gió thuận, tàu đi êm xuôi tới đêm ngày thứ 30.

……………………

 Rồi vài hôm sau, 2 con thuyền từ Xiêm La đến cứu họ, nhờ được tin của những người đã rời tàu bằng chuyến xà lúp đầu tiên. Hai ngày trước đó, ông thuyền trưởng, đã gặp quan toàn quyền của các làng mạc trên bờ, cũng trở lại tàu với người thừa sai đã theo ông ta vào bờ. Nhờ đó, đức cha Beryte rời được tàu trở lại Xiêm La, lần thứ hai, vào ngày thứ 15 tháng Chín.

Trở lại Xiêm La, đức cha Beryte tìm được an ủi khi nhìn thấy đoàn chiên của ngài đã tăng thêm nhiều người gốc Đàng Trong khác. Từ lúc đấy, ngài lại tiếp tục vun xới Giáo Hội này với nhiều ơn trên ban xuống.

Tôi rời Xiêm La ngày 14 tháng Mười, khoảng 8 giờ tối, để ra đến một con tàu người Anh quốc sẽ căng buồn sang Madras, thị trấn thuộc Hãng hải thương Anh quốc. Tôi mất 24 giờ để đi hết 35 dặm trên sông Xiêm La, gặp được con tàu đã lên buồm ngoài cửa khẩu. Con tàu chưa dám khởi hành vì gặp 3 con tàu người Hòa Lan trang bị vũ khí chiến đấu đang lên ngược dòng sông Xiêm La”.

(Kí sự cuộc hành trình của Đức cha Beryte, chương 16, Đức cha Beryte khởi hành từ Xiêm La đến Trung Hoa).

Vâng! Dòng sông Chao Phraya không những được mệnh danh là “dòng sông của những vị vua” nhưng nó còn mang một ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với Giáo hội Việt Nam và nhất là đối với chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá. Vì nơi đây, trên dòng sông này mãi cho đến hôm nay vẫn còn ghi dấu bóng hình của cha chúng ta đó là Đức cha Lambert, một thừa sai người Pháp đã từ bỏ quê hương để mang hạt giống Tin mừng đến Xiêm La. Ngài đã đến nơi đây bằng đường thuỷ trên sông này và chọn ngôi thánh đường nằm cạnh dòng sông thuộc thành phố Ayutthaya để tĩnh tâm gặp gỡ Chúa.

Có thể trước đây, không ít người trong chị em chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá, đã từng nghe đến dòng sông Chao Phraya và thành phố Ayutthaya này, như một địa danh xa lạ như bao vùng đất xa xôi khác. Nhưng có lẽ, chỉ khi đến tận nơi đây, đến bên dòng sông này, chúng ta mới thật sự cảm nhận được vùng đất này, không gian này, những tên gọi này… rất gần, rất quen, rất ý nghĩa và mang rất nhiều ký ức. Thật vậy, chính tại thành phố cổ Ayutthaya này, với dòng sông Chao Phraya êm đềm lặng lẽ, với ngôi thánh đường cổ kính trang nghiêm, là nơi có cha chúng ta, Đức cha Lambert, đang nghìn thu yên nghỉ. Vì thế, hình như tất cả nơi đây đều “đã hóa tâm hồn” để chúng ta đều trở nên những người “bà con ruột thịt” !

Nt. Anna Hiền Linh – MTGQN