Chia sẻ Một chút cảm nhận trong lần ghé thăm Ba Tơ vào tháng 6/2017
Đó là chuyện kể của một giáo dân Ba Tơ, một giáo điểm thuộc huyện Ba Tơ, ở xa lắc trên vùng tây-nam tỉnh Quảng Ngãi, mà con đường nối với ngôi nhà thờ gần nhất cũng ngót nghét hơn 70 cây số.
Ba Tơ-Giá Vực, một địa danh mới nghe qua đã mang máng đâu đó cái mịt mùng của núi cao, cái hoang sơ của rừng thẳm cùng với không ít cái cảm giác rờn rợn của chiến tranh, bom đạn, của gươm đao sắc máu…mà ngay từ “năm 45 của thế kỷ trước” đã âm vang một thời trong hình tượng của người chiến sĩ kháng Pháp dân tộc H’Re với tên gọi “du kích Ba Tơ”.
Có ai biết đâu rằng : vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ba Tơ đã là một trong những họ đạo thuộc giáo xứ Trà Câu, được hình thành do công cuộc mở mang nước Chúa của các anh em trong Phong Trào Công Giáo Tiến Hành của địa sở nầy.
Trong tập hồi ký của cố linh mục Theophan Nguyễn Văn Bích (1921-2011), nguyên chánh xứ Trà Câu (1958-1971) đã có những dòng hoài niệm về Ba Tơ như sau :
“Phong trào Công Giáo Tiến Hành đã được chúng tôi nới rộng đến ra khắp cả mười ba làng xã (hồi đó) của ba huyện Đức Phổ, Ba Tơ và Mộ Đức. Con số người xin gia nhập đạo đã tăng rất nhanh. Một ví dụ cụ thể là giáo họ Ba Tơ, một họ đạo nằm mãi tận nơi rừng sâu, hằng ngày chỉ nghe tiếng chim kêu, vượn hú, vậy mà chỉ sau vài năm Phong trào Công Giáo Tiến Hành được hoạt động, số giáo hữu ở đây đã tăng lên gấp đôi, từ chỗ 70 người khi tôi mới về coi sóc, đến năm 1960, con số giáo dân đã trên dưới 150 người”[1].
Và hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ (tính từ năm 1960), nếu dân số Ba Tơ hiện nay gần 50.000 người (phần đông là dân tộc H’Re), ở rải rác trong 19 xã và một thị trấn, thì con số tín hữu Công Giáo lại chỉ còn chưa tới 100, mà hầu hết là các anh chị em giáo dân di cư từ hai giáo phận Bùi Chu và Thái Bình vô đây làm ăn sinh sống.
Vốn dĩ là những người giáo dân chân lấm tay bùn, cần lao nhẫn nại, các anh chị em nầy đã quyết chọn mảnh đất núi rừng Ba Tơ làm “quê hương thứ hai” để xây dựng cuộc đời. Mang theo ước vọng đổi đời, cùng với bao nghị lực và khôn khéo, hầu hết những anh chị em nầy đã hòa nhập vào cuộc sống nơi núi rừng heo hút nầy ; và đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đời sống mới và kinh tế phát triển cho các buôn làng, thị tứ, thị trấn thuộc vùng đất Ba Tơ nầy…
Nhưng điều đáng nói, đó chính là “gánh hành trang hạt giống đức tin Công Giáo” họ đã mang theo từ đất Bắc, đã không “rơi rớt dọc đường”, cho dù đó là con đường dài mênh mang với đắng cay và khổ cực, với nắng mưa bão tố !
Cứ mỗi ngày Chúa Nhật hay lễ trọng, họ đùm túm nhau hai ba người trên chiếc gắn máy tồi tàn, cùng đi xuống vùng xuôi, tìm đến hoặc nhà thờ Quảng Ngãi, khi nhà thờ Vĩnh Phú, lúc nhà thờ Kỳ Thọ…để “giữ ngày Chúa Nhật và lễ trọng” theo truyền thống đức tin đã có tự ngàn xưa.
Trong những ngày nắng hạn oi bức (như đang diễn ra trong những ngày nầy), mỗi lần về xuôi dự lễ Chúa Nhật, họ đã phải lội xuống suối nhúng ướt cả áo quần cho mát, để vượt qua con đường đầy nắng chói chang, và áo quần cũng vừa kịp khô, khi vừa chạm chân đến thánh đường.
Vâng, đó là tất cả câu chuyện “KHI CHIẾC ÁO VỪA KHÔ” mà tôi muốn sẻ chia cùng các bạn, để chúng ta cảm nhận rằng : thời nào, ở đâu, cũng đều có những “nhà truyền giáo mới”, những người luôn trung thành giữ lửa đức tin và truyền đức tin cho muôn thế hệ cháu con, cho dù phải đương đầu với bao nhiêu gian nan thử thách.
Hy vọng một ngày nào đó, Ba Tơ sẽ đông vui họp nhau cử hành ngày Chúa Nhật tại chính quê hương bạt ngàn rừng xanh núi thẳm nầy, cùng với những chiếc áo mới tinh, chứ không là “chiếc áo nhúng nước vừa khô” trên đoạn đường dài nắng gắt, trong một ngôi thánh đường đơn sơ, dễ thương, được dựng xây từ trái tim và những bàn tay của những người con hiếu trung của Chúa.
Trương Đình Hiền
(Một chút cảm nhận trong lần ghé thăm Ba Tơ vào tháng 6/2017)