Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

LINH HỒN TÔI NGỢI KHEN NGÀY NÀY

Sinh Nhật Đức Mẹ (8/9/2020)

Hạnh phúc, đôi khi thật giản đơn, chỉ là chợt nhận ra mình đang sống, đang có mặt trong đời, đang bắt đầu một ngày mới, đang đón ánh bình minh:

Hạnh phúc là gì em biết không

Là sớm mai em đón nắng hồng

Qua ô cửa chào bình minh ló rạng

và biết rằng ngày mới đã sang trang…[1]

            Quả thật, được sinh làm người, được “thấy ánh sáng mặt trời” là một “hạnh phúc lớn lao”, nếu không nói là “hạnh phước vĩ đại nhất trên mọi phước hạnh”.

            Thế nhưng, cũng có biết bao “ngày sinh nhật” mà chẳng ai nghĩ tới; thậm chí có người lại nguyền rủa chính ngày sinh ra của mình, như chứng từ còn ghi lại qua những lời oán thán của Thánh Gióp trong Kinh Thư Cựu ước: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời,… (…). Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ?…” (G 3,3.11). Chính Đức Giêsu, cũng đã thốt lên một lời nhức nhối chẳng đặng đừng về “thân phận của một Giuđa phản bội: “Thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (Mc 14,21).

            Đó là chưa kể, có những “ngày sinh” chẳng buồn mà cũng không vui, nhưng thoang thoảng một chút ưu tư, một vài trăn trở, như kiểu “Ngày chị sinh” của thi sĩ Đoàn thị Tảo đã được nhạc sĩ Trọng Đài dệt nhạc và ca sĩ Mỹ Linh đã làm xao xuyến một thời:

Ngày chị sinh, trời cho làm thơ

Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở

Cho làm câu hát để người lý lơi.

Ngày chị sinh, trời cho làm thơ

Vấn vương với sợi tơ trời

Tình riêng bỏ chợ

Tình người đa đoan…

            Ngược lại với những thái độ nhìn cuộc đời, nhất là, chiêm ngưỡng “ngày sinh ra” bằng “đôi kính đen” ảm đạm, buồn tênh đó, hầu hết mọi người trên thế giới đều vui mừng hoan hỉ chào đón ngày “có một không hai” của mỗi sinh linh, chào mừng “sinh nhật” của mình hay của người thân bằng tiếng reo vui hạnh phúc, như “4 từ” trong ca khúc “Happy Birthday to you” !

            Quả thật, hình như trên thế giới không có bài hát nào thật ngắn (chỉ vỏn vẹn có 4 từ) mà lại được hát “lâu và nhiều vô địch” như bài “HAPPY BIRTHDAY TO YOU”!

            Vâng, đã hơn một thế kỷ rồi còn gì ; vì khúc hát nầy được hai chị em Patty HillMildred J. Hill (1859-1916) viết năm 1893 khi họ là giáo viên phổ thông ở Louisville, Kentucky. Còn nhiều, thì nếu thế giới có hơn 7 tỷ người, ắt hẳn mỗi ngày phải có cả triệu người mừng sinh nhật; mà đã mừng “sinh nhật”, chắc rằng, không ít thì nhiều, cũng nghêu ngao bài “Happy Birthday to you” ! Đến nổi, người ta thống kê cho đến những ngày gần đây, “lợi nhuận bản quyền” của bài hát nầy đã lên đến 50 triệu USD !

            Sở dĩ nhắc tới bài ca “Happy Birthday to you” là để chúng ta hướng tới “cái giá vô cùng” không chỉ của một bài ca mừng sinh nhật, mà chính cái ngày sinh nhật của Mẹ chúng ta, ngày 8.9, ngày lễ phụng vụ đã tồn tại lâu đời trong lịch sử  Giáo Hội Công Giáo (khoảng từ thế kỷ thứ 6).

            Chúng ta đừng quên: trong Phụng vụ của Hội Thánh Công Giáo, chỉ có 3 ngày lễ mừng “Sinh Nhật dưới đất”: Sinh Nhật Chúa Giêsu (25/12), Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả (24/6) và Sinh Nhật Đức Trinh nữ Maria (8/9); và cả 3 lễ “Sinh Nhật nầy” đều có chung một điểm nhấn: niềm vui và hạnh phúc của muôn loài trong chương trình sáng tạo và cứu độ; đặc biệt, ngày sinh của “Ba Nhân Vật đặc biệt nầy” ghi đậm dấu ấn và mang theo hồng ân vĩ đại của tình yêu sáng tạo và cứu độ…

Để diển tả niềm vui đặc biệt của ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, ngay từ bài ca nhập lễ, Phụng Vụ đã hát lên: “Chúng ta hãy hân hoan mừng ngày Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng sẽ sinh ra Mặt Trời Công Chính là Đức Kitô, Chúa chúng ta”; và Ca Hiệp Lễ ở cuối lễ cũng lại nhắc tới niềm vui đó: “Lạy Chúa, ước chi Giáo Hội của Chúa được đổi mới trong Thánh lễ nầy cũng được tràn đầy niềm vui trong ngày sinh của Đức Trinh Nữ Maria, Người đã đem đến bình minh hy vọng và ơn cứu độ cho thế giới”.

            Như một cắt nghĩa cho lý do của niềm vui nầy, thánh Anrê de Crêta trong bài Bài đọc 2 của Giờ Kinh Sách hôm nay đã viết lên những lời như sau: “Mọi tạo vật hãy ca hát và nhảy múa, hãy góp mình hết sức mình vào niềm hoan lạc của ngày hôm nay. Tất cả những gì hiện hữu trong thế giới hãy cùng phối hợp vào bản hòa tấu ngày lễ này. Vì hôm nay thánh đài đã được tạo tác làm nơi Đấng sáng tạo vũ trụ sẽ ngự, đang tới: và một thụ tạo, do sự sắp xếp hoàn toàn mới mẻ đó, đã được chuẩn bị để dâng lên Đấng tạo hóa một nơi cư ngụ thánh thiêng”.

            Riêng, với chỉ dẫn của những trích đoạn Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta có thể cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa của “niềm vui ơn cứu độ”, trong biến cố “sinh nhật” của Đức Trinh nữ Maria.

            Thật vậy, từ thời Cựu ước, sứ ngôn Mikêa đã tiên báo “vai trò quyết định của Đức Mẹ trong chương trình cứu rỗi: “Cho đến khi một người nữ phải sinh sẽ sinh con” (BĐ 1), hay đến thời viên mãn của Tân ước, thiên thần đã báo cho Giuse “Đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dan mình khỏi tội’….” (TM).

            Hơn nữa, để làm bật nổi cái lý do sâu xa về niềm vui phải có của cả nhân loại trước “ngày sinh đặc biệt” nầy, Tin Mừng Matthêô đã “tế nhị” đặt Đức Maria như là “nhân vật nữ cuối cùng” thánh thiêng, trong sạch, trong “Bảng Gia Phả của Đấng Cứu Thế” để rửa sạch mọi “vết hằn” qua 4 người phụ nữ của thời Cựu ước: Thama loạn luân, Rakhap kỹ nữ, Ruth ngoại đạo và Basheba ngoại tình ! Vâng, “Mẹ sinh ra” đã làm cho lịch sử nhân loại “mở ra một chương mới”, như cách cảm nhận của bài thơ “Ngày Mẹ Sinh”:

Ngày Mẹ sinh mang ơn trời nhiệm lạ,

Đường trần gian hoa hy vọng nở đầy.

Cuốn sách đời khai trang mới từ đây.

Mừng sinh nhật Mẹ con cúi đầu cảm tạ !

            Thật ra, không chỉ có ngày sinh của Đức Mẹ mới cao quý và đầy giá trị, mà tất cả mọi ngày sinh của mọi người trên trái đất đều là một công trình tuyệt vời, một kỳ công của Thiên Chúa; và cũng luôn gắn liền với một sứ mệnh. Chính qua lời nhắc nhở về “người phụ nữ phải sinh” của ngôn sứ Mikêa hay lời giải thích “Đức Mẹ sẽ sinh Con Chúa” của thiên thần báo cho Giuse, một lần nữa, Lời Chúa gọi mời toàn thể nhân loại “phải tôn trọng sự sống”, phải để cho mọi sinh linh được chào đời, được thấy ánh sáng mặt trời, được thể hiện và đóng góp vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì sự ích kỷ và vô tâm của nhiều người, trong đó, có cả những người cha người mẹ, mà biết bao em bé không được chào đời, bỏ rơi, giết chết:

Chút bào thai nhỏ long đong,

Làm chi có được thong dong phận người !

Dẫu rằng sinh diệt cuộc đời,

Cơ trời huyền hoặc ai thời có hay.

Tiếc rằng duyên phận đắng cay,

Tình cha nghĩa mẹ từ nay chẳng còn.

Những bào thai, những đứa con,

Người ta vứt bỏ như hòn đá lăn…[2]

            Nếu Thánh Giuse ngày xưa cũng hẹp hòi, ích kỷ, tàn nhẫn, bất khoan dung và không chấp nhận thánh ý Chúa…thì Đức Mẹ sẽ khó khăn dường nào để giữ lại Hài Nhi Giêsu ?

            Tạ ơn Chúa đã gìn giữ cho nhân loại có được “ngày sinh” của những con người vĩ đại, trong số đó, có sinh nhật của Mẹ Maria của chúng ta.

            Vì thế, mừng ngày sinh nhật Mẹ hôm nay, những đứa con của Mẹ không chỉ vui mừng, hân hoan mà còn nói lên một cam kết:

– Cam kết dấn thân vào công trình cứu độ, vào sứ vụ tông đồ mà Mẹ là người đầu tiên đã thể hiện qua thái độ “xin vâng” trọn hảo với Thiên Chúa…

– Cam kết “bảo vệ sự sống”, tôn trọng phẩm giá của mỗi một con người; và đồng thời, không để cuộc sống làm người và làm con Chúa trở nên lãng phí khi biết chắt chiu từng việc làm nhỏ bé mỗi ngày với trọn ý nghĩa và mục đích yêu thương.

– Cam kết trung thành với hồng ân tái sinh của nhiệm tích Thánh Tẩy để sẵn sàng nói không với tội lỗi và để thuộc trọn về Đức Kitô.

            Và như thế, trong ngày mừng “Sinh Nhật Mẹ”, chúng ta lặp lại lời của “Bà Ngoại Anna” đã nói với bà đỡ đẻ khi sinh hạ Đức Maria: “linh hồn tôi ngợi khen ngày này”.[3] Và đó phải là lời nguyện đầu tiên mỗi ngày của tất cả chúng ta khi vừa thức dậy hay kết thúc một ngày !

 

Trương Đình Hiền

[1] Trích từ bài thơ “Hạnh phúc là gì”. Nguồn: https://poem.tkaraoke.com/37110/hanh_phuc_la_gi.html

[2] SƠN CA LINH, bài thơ “Cho những phận người chưa thấy mùa xuân”.

[3] LM. HỒ BẠC XÁI, Tìm hiểu các Nguỵ Thư. Phần một, Chương II: Đức Maria được sinh ra cách lạ lùng.

Nguồn: Trang mạng giáo phận Lạng Sơn: https://giaophanlangson.org/news/thanh-kinh/tim-hieu-cac-nguy-thu-3318.html