Ông cố – tác giả bài “Tiểu đoàn 307” qua ký ức của con cháu
Nhắc đến nhạc phẩm nổi tiếng “Tiểu đoàn 307”, người ta không thể quên cái tên Nguyễn Hữu Trí – người đã thổi hồn cho bản hùng ca từ một bài thơ của thi nhân Nguyễn Bính. Thế nhưng ít ai biết, ông là một tín hữu Công giáo nhiệt thành miệt Bạc Liêu, đã dùng cả đời cống hiến của mình làm chứng cho đức tin, được bà con trong vùng nhắc nhớ với cách gọi trìu mến: “ông cố”, do ông có một người con làm linh mục.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí tên thật là Lê Văn Bảy. Những ai quen biết thường hay gọi ông bằng cái tên thân mật: Bảy Trí. Vợ ông Trí là bà Phan Thị Đượm, quê ở họ đạo Vĩnh Mỹ (Bạc Liêu). Những người con của ông Trí, bà Đượm giờ đây đều đã vào tuổi trung niên, có gia đình và đề huề con cháu. Họ sống quây quần cạnh nhau nơi xứ Vĩnh Mỹ, một vài người thì ở các vùng lân cận. Trong số 9 người con của ông Bảy Trí, có một người đã chọn sống đời tận hiến, đó là linh mục Phanxicô Nguyễn Phước Hậu, hiện đang coi sóc xứ đạo Giồng Nhãn, thuộc giáo phận Cần Thơ.
Cha Nguyễn Phước Hậu bên mộ phần của hai đấng sinh thành |
Sống mãi khúc ca tiểu đoàn 307
Xuôi về Bạc Liêu, tôi tìm đến Giồng Nhãn thăm cha Hậu – người con áp út trong gia đình ông Bảy Trí. Đã 38 năm kể từ ngày nhạc sĩ qua đời và hơn nửa thế kỷ ca khúc gắn liền với tên tuổi ông đến với dân mộ điệu. Ngần ấy thời gian trôi đi, tưởng chừng là một quãng đủ dài và rộng để vùi lấp câu chuyện về người tín hữu tài hoa một thời. Thế nhưng khi ngồi lại cùng cha Hậu, lắng nghe tâm tình của ngài dành cho vị thân sinh, mới cảm nhận được rằng, với niềm yêu kính của con cháu, chuyện về ông Bảy Trí dù đã nằm sâu trong ngăn kéo ký ức nhưng vẫn như còn nguyên mới.
Ông Trí là người Mỹ Tho, nhà ở gần xứ Chánh tòa. Thời niên thiếu, ông học ở trường Lasan Taberd. Tại đây, ngoài đào luyện các môn văn hóa, năng khiếu âm nhạc của ông đã được phát hiện qua những giờ học nhạc và khả năng ấy ngày một hoàn thiện bởi sự dìu dắt tận tụy của các sư huynh dòng Lasan. Theo lời kể của cha Hậu cũng như một số tài liệu còn lưu lại thì sau khi lấy bằng Tú Tài, năm 1945, người tín hữu này đã nhập ngũ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Bảy Trí giữ chức vụ Phó ban quân nhạc khu 8, thuộc tiểu đoàn 307. Vào cuối năm 1949, tướng Trần Văn Trà, lúc bấy giờ là Tư lệnh khu 8, có kêu gọi sáng tác ca khúc vinh danh tiểu đoàn, tuy mới thành lập năm 1948 nhưng đã thắng ở nhiều trận lớn, nổi tiếng là Mộc Hóa (Long An) và La Bang (Trà Vinh). Khi đó, tiểu đoàn đang đóng cạnh bờ sông Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Một bữa cơm trưa cùng anh em nơi láng trại, ông Trí vừa ăn, vừa lẩm nhẩm đọc bài thơ “Cửu Long giang” của nhà thơ Nguyễn Bính (lúc ấy là cán bộ tuyên truyền) đăng trên báo “Tổ quốc”. Tứ thơ chặt chẽ, lời lẽ hào hùng đã lập tức làm bật lên những giai điệu trong đầu người nhạc sĩ quân đội. Và rồi sau buổi ăn, bài hát viết về tiểu đoàn 307, phỏng theo thơ Nguyễn Bính đã ra đời.
Ngang dọc cùng với tiểu đoàn khắp các tỉnh miền Nam cho đến khi dừng ở Vĩnh Mỹ, gặp và cưới bà Đượm vào khoảng năm 1956 thì ông kết thúc binh nghiệp, vun vén gia đình. Tại quê vợ, ông đi dạy học và tích cực cộng tác cùng nhà thờ trong việc ca đoàn và giáo lý. Đến cuối những năm 1960, vì đời sống khó khăn, cả nhà ông phải khăn gói lên Sài Gòn. Về lại Vĩnh Mỹ sau năm 1975, ông Bảy Trí lại vừa lao động nuôi sống cả nhà, đồng thời trở lại góp sức với nhà thờ. Trong dòng hồi tưởng, cha Hậu xúc động: “Một lần, khi đang tham dự thánh lễ, cha bị tai biến, ngã quỵ và liệt một phần chân tay. Ông mất năm 1980, cũng sau một lần tai biến nữa. Khoảng cách hai lần bệnh là 2 năm. Trong thời gian đó, dù yếu, khi di chuyển phải nhờ gậy nhưng hằng ngày cha vẫn đi xem lễ, dù nhà thờ cách nhà cũ hơn một cây số. Lúc ấy mình chỉ chừng 6, 7 tuổi thôi, nhiều năm như vậy rồi mà hình ảnh cha chống gậy đi lễ, hay lúc cụ đứng im lặng dưới gác chuông nhà thờ vẫn còn hiện lên rất rõ. Có lẽ chính những ký ức này, ít nhiều đã mở đường cho mình tìm đến với ơn gọi sau này”.
Bà Phan Thị Đượm bế người con thứ 9 – cha Nguyễn Phước Hậu. |
Chân dung một người cha
Từ nhà thờ Giồng Nhãn, vượt chừng 20 cây số về hướng huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu là giáo xứ Vĩnh Mỹ (giáo phận Cần Thơ). Đây là nơi ông Bảy Trí đã gắn bó rất lâu và trải qua những năm tháng cuối đời. Cách thánh đường Vĩnh Mỹ chỉ vài bước chân là một nếp nhà nhỏ, nơi có phần mộ của người nhạc sĩ và vợ trong vườn. Nhà nằm yên bình sau lớp cổng rào giăng vàng hoa quỳnh anh. Từ khi các con lớn trong nhà lần lượt lập thân, rồi đến bà cố Đượm mất vào năm 2015, căn nhà chỉ còn lại gia đình của ông Nguyễn Trung Hiếu – người con trai út. Dù giờ ai cũng có tổ ấm riêng, nhưng ngôi nhà hiện tại có chỗ an nghỉ của ông bà cố vẫn là chốn tới lui, quay về của con cháu, như một từ đường. Hằng ngày, những người con đang sống xung quanh hay ghé qua nhà chính, đôi khi dọn dẹp, quét tước mộ, hoặc thắp nén nhang, hay nhiều lúc chỉ là để nói “ba điều bốn chuyện” với em mình. Rồi trong dịp năm mới, vào ngày giỗ cha mẹ…, người dù xa, kẻ ở gần, hết thảy đều tụ họp về căn nhà chung. Ngồi bên mâm cơm sum vầy, họ lại nhắc cho nhau và cho con cháu nghe về những ngày xưa, khi còn ở chung một nhà đầy ắp kỷ niệm ấm áp với hai đấng sinh thành.
Ngày ông cố mất, cha Hậu chỉ mới 8 tuổi nên những chuyện về ông cố, cha không biết nhiều. Phải lần theo ký ức của từng người con lớn thì trang đời của người nhạc sĩ Công giáo này mới dần dần mở ra rõ hơn. Ông Nguyễn Minh Thới – người con thứ hai (con lớn nhất trong gia đình người Nam) thường nhớ đến cha mình cùng với xâu chuỗi nhỏ luôn cầm trên tay, có thời gian là lại lấy ra “lần”. “Hồi xưa cha có cái bao nhỏ đựng chuỗi, bấm lại gọn hơ hà, đi đâu cùng đem kè kè theo. Cứ chiều chiều ông lại lùa hết mấy đứa con ra nhà thờ đi lễ. Khỏi trật bữa nào. Trốn là không có yên đâu. Cứ tan lễ về thế nào cha cũng hỏi: bữa nay ông cố mặc áo màu gì? Trả lời không được thử mà coi!”, ông Thới bật cười kể lại. Bên cạnh sự nghiêm khắc đó, ông cố Trí trong lòng các con mình vẫn là một người cha hiền từ, ít bao giờ la rầy hay phạt nặng con. “Có lần tui lì vụ gì không nhớ, bị cha la rồi đánh đòn. Xong sáng hôm sau ngủ đậy thấy trong tay mình có 5 đồng bạc. 5 đồng hồi đó với tụi con nít là lớn lắm. Cha vậy đó, không nỡ làm đau con…”, bà Nguyễn Thị Khánh Lan – con thứ 6 của ông Bảy Trí bồi hồi kể.
Ngoài năng khiếu sáng tác, ông Nguyễn Hữu Trí còn chơi violin rất hay |
Gia tài của ông Bảy Trí để lại cho các con mình không chỉ có tình yêu thương mà còn là cả một tấm gương sáng, luôn sống chứng nhân Tin Mừng. Nhìn lại hành trình của ông, dù là ở giai đoạn nào, việc đời luôn song hành cùng việc đạo. Hay nói cách khác, có đi đâu, ở đâu, người tín hữu này vẫn gắn liền với ngôi nhà Chúa cùng những công việc phục vụ. Ông Nguyễn Minh Thuận – người con thứ ba nói rằng từ khi còn là một cậu thanh niên xông xáo, tới trận địa nào, ông cố Trí cũng liên hệ với nhà thờ vùng đó để dạy giáo lý, tập hát cho ca đoàn. Ngoài ra ông còn sáng tác nhiều bài thánh ca và đưa vào tập cho các ca đoàn nhà quê.“Thời gian 6, 7 năm ở Sài Gòn, cha dời nhiều chỗ làm, nhưng đều có ý chọn gần nhà thờ hoặc các cơ sở Công giáo để anh em tụi tui không xao nhãng kinh sách, lễ lậy. Phần nữa là để cha vừa làm lo cuộc sống mà cũng tiện chạy tới lui phụ giúp nhà thờ, nhà dòng, cộng đoàn…”, ông Thuận chia sẻ. Ông Thới góp lời: “Cha còn hay nhắc câu này tui nhớ hoài: làm gì làm, ở đâu ở, nhưng nhớ đừng bỏ Chúa nghen con!”.
Bức tranh vẽ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, ngoài những nét chấm phá giúp hình dung về một người cha đạo hạnh, còn có những gam màu nhắc nhớ đến tài năng, sự say mê của người nghệ sĩ. Ông Trí chơi rất giỏi Violin. Trước những buổi tập hát nhà thờ hay những lúc ngẫu hứng, ông thường đem đàn ra “dợt”, làm cho căn nhà nhỏ trở nên rộn ràng. “Cha cũng mê đọc sách lắm. Thường xuyên tôi thấy cứ vô bàn ăn là chén cơm kế bên, cuốn sách kế bên”, ông Thới liệt kê sở thích của cha mình. Tính nghệ sĩ của ông cũng truyền cho thế hệ sau ít nhiều khi giờ đây, các con ông người cũng mê hát hò, người thì thích chơi nhạc cụ. Riêng nói về lòng sốt mến việc đạo, ông chính là nguồn động viên to lớn để nhiều con, cháu trong gia đình lần lượt cộng tác, tích cực sinh hoạt trong nhà thờ.
Chiều muộn, thắp một nén nhang lên phần mộ của ông bà cố Bảy Trí, tôi chợt nghĩ đến những bước chân của người giáo dân trí thức miền châu thổ đồng bằng này. Đó chính là những dấu nhấn mở ra đường ngay, lối sáng để không chỉ con cháu trong gia đình ông mà cả những thế hệ tiếp nối từ đó mà tiếp bước.
Thiên Lý
Nguồn : trang mạng giáo phận Cần Thơ : https://gpcantho.com/ong-co-tac-gia-bai-tieu-doan-307-qua-ky-uc-cua-con-chau/