NỤ CƯỜI TÌNH YÊU

“Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26).

Chắc còn có ai đó đang thèm khát có một người chị mà không có. Còn tôi, tôi thật hạnh phúc khi Chúa ân ban cho tôi được làm em của nhiều chị. Để đáp lại tình Chúa thương, tôi muốn gửi nụ cười đến tất cả các chị của tôi. Cách riêng tôi gửi nụ cười đến 8 chị trong ban phục vụ. Thật là đúng ý nghĩa như lời Chúa nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,26).

Chị thương mến! Giả như ngày hôm đó em nhìn thấy cảnh tượng chị mình cãi vã nhau, thì có lẽ em buồn, buồn vì em nghĩ rằng: Chúng em là gánh nặng cho chị phải cực nhọc lo lắng phục vụ. Nhưng trái lại em lại được thấy hình ảnh sống động đẹp tựa trong tranh, đó là hình ảnh thân thương của các chị đã đồng lòng nâng đỡ nhau để cùng nhau lo lắng phục vụ chúng em. Lúc đó em đã nở một nụ cười và có lẽ là nụ cười mãn nguyện nhất. Trong lòng em thật hạnh phúc. Chị là nguồn động lực cho em an tâm gặp gỡ Chúa. Thật vậy, tĩnh tâm không thể thiếu đối với người tu sĩ. Nhưng những ngày tĩnh tâm, để cảm nhận được tình yêu, nhận ra thánh ý Chúa nơi tha nhân và được biến đổi, quả nhiên là điều không dễ. Và chị đã giúp em cảm nhận được tình yêu, một tình yêu chân thật, thực tế chị trao ban cho những đứa em trong gia đình Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương.

Chị! Chỉ có tình yêu thương mới có đủ sức mạnh. Sức mạnh đã thấy nơi chị qua tinh thần phục vụ : 8 chị đã sẵn lòng phục vụ 63 người em trong từng ly nước uống, từng bữa cơm và mọi nhu cầu khác nữa. Chị còn phải gánh vác, quán xuyến tất cả các công việc của gia đình Dòng thay cho chúng em. Chị đã làm được tất cả: Cơm chị nấu thì ngon, nước chị cho em uống thì mát, nhu cầu chị đáp ứng thật đầy đủ, công việc chị làm thì chu toàn. Vì sao? Vì trong mỗi món ăn, thức uống và mỗi công việc chị đều bỏ vào một chút gia vị tình yêu. Rồi em tự hỏi: Sức mạnh đó đến từ đâu? Sức mạnh đó xuất phát từ tình yêu thương của Thiên Chúa. Như lời Cha giảng phòng nói với chị em chúng ta: “Đời sống tỉ muội được sống chia sẻ trong thương yêu, phải dấn thân yêu thương nhau, sẵn sàng phục vụ người khác một cách quảng đại và tinh thần phục vụ phải nổi bật.”

Nhìn về chị thì cũng phải nhìn lại vai trò làm em. Là em, em luôn tự cho mình quyền được nhõng nhẽo, yêu thương; kể cả quyền giận dỗi, trách móc, chê bai chị mình. Đặc biệt là luôn cho mình quyền được nhận mà không nghĩ đến cho. Và điều gì sẽ xảy ra? Tình chị đã làm em thay đổi. Vì em thấy cung cách phục vụ của Chúa được thể hiện qua cung cách chị phục vụ. Chị là tấm gương sáng cho em soi; để rồi em đâu phải nhỏ mãi, làm em mãi. Nhưng rồi em cũng sẽ lớn lên, là người chị có bổn phận, trách nhiệm yêu thương em mình sau này.

Những ngày trong tuần phòng em không được trực tiếp gặp chị, nhưng em đã gặp chị trong lời cầu nguyện, và em cũng không quên nhờ Chúa mang nụ cười gửi đến cho từng chị. Em biết trong bộn bề lo toan, chị vẫn không một lời thở than; mồ hôi ướt đẫm áo nhưng hòa lẫn với nụ cười luôn nở trên môi.

Tình yêu thương chẳng bao giờ thôi hy vọng, và em hy vọng nụ cười chị trao gửi trên môi em sẽ chẳng bao giờ vụt tắt, nhưng rạng rỡ trong suốt cuộc đời em. Và vâng theo lời nhắn nhủ của vị cha chung Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Chị em chúng ta hãy nắm chặt tay nhau, xây dựng cộng đoàn hiệp nhất thông qua niềm vui. Là chúng ta biết nuôi dưỡng niềm vui thể hiện bằng nụ cười nội tâm, để mang lại bình an cho nhau, chứ không phải gượng ép bằng nụ cười thương mại. chị em chúng ta hãy cùng nhau luôn biết mỉm cười lúc thành công, cũng như biết mỉm cười trước những thất bại của cuộc sống.

Em xin kính cảm ơn chị đã trao gửi đến em nụ cười mãn nguyện nhất – Nụ Cười Của Tình Yêu. Nụ cười được dệt nên từ cung cách Yêu Thương – Phục vụ nơi chị.
 
                                                            Maria Thân Thị Nguyệt.
                                                  Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương