Học hỏi tông huấn

Parrhesía: Thánh cũng phải liều!

(Khóa thường huấn linh mục Qui Nhơn 2018)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

DẪN NHẬP

Raymond Devos, nhà văn hài hước Pháp gốc Bỉ (1922-2006), kể câu chuyện rằng: “Tôi đã đọc ở đâu đó: “Thiên Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài rồi!” Thật vậy sao! Ngạc nhiên chưa? Thiên Chúa hiện hữu thì đó không phải là vấn đề! Song có ai đó đã gặp Ngài trước tôi, điều này khiến tôi ngạc nhiên bởi vì chính tôi đã có ân huệ gặp được Thiên Chúa ngay lúc nghi ngờ về Ngài! Trong ngôi làng Lozère nhỏ bé bị con người quên lãng, khi đi ngang qua ngôi nhà thờ cổ, tôi bước vào … Và kìa, chói mắt … một ánh sáng cực mạnh … không chịu được! Thiên Chúa ở đó … bằng xương bằng thịt, Ngài cầu nguyện! Tôi thầm nhủ: ‘Ngài cầu với ai vậy? Chẳng nhẻ cầu với chính mình?’ Không! Ngài cầu nguyện với con người! Ngài cầu với tôi! Ngài nói: ‘Lạy con người! Nếu ngài hiện hữu, xin hãy cho con một dấu hiệu!’ Tôi nói: Lạy Chúa, con đây mà! Ngài thốt lên: Ôi! Phép lạ! Con người hiện ra … Tôi lại nói: Nhưng lạy Chúa tôi! … Làm sao Ngài lại nghi ngờ sự hiện hữu của con người như thế, chính Ngài đã tạo ra con người mà? Ngài nói: ‘Vâng đúng vậy … nhưng lâu rồi ta không thấy chúng trong nhà thờ của ta … khiến ta tự hỏi rằng đây có phải là do trí tưởng tượng không! Tôi nói với Ngài: Lạy Chúa, Ngài đã rõ rồi đấy! Ngài nói: Vâng! Ta sắp có thể nói với trên kia rằng ‘Con người hiện hữu và ta đã gặp thấy nó!’” (Œuvres complètes). Tông huấn “Gaudete et Exsultate” (GE) được Đức Phanxicô ký ngày lễ Thánh Giuse 19 tháng Ba 2018 đã mời gọi chúng ta bổ túc cho câu chuyện của nhà văn hài hước này khi thêm vào: “Con người, một con người thánh thiện đã hiện hữu, và tôi đã tìm thấy người ấy!”[1] Những vị thánh thầm lặng giữa đời thường không ở đâu xa mà ở cửa nhà kế bên, “next door”, “de la porte d’à côté”, những người không được nhận ra và vô hình này đang sống mối phúc thật riêng mà họ không phải gượng gạo chọn lựa. Tông huấn Gaudete et Exsultate nói về những con người quyến rũ này, cách nên thánh rất giản dị của họ và đặt trọng tâm nơi ơn gọi nên thánh, một lời mời gọi được Thiên Chúa gởi đến mỗi người và mọi người bởi vì “Haec est enim voluntas Dei: sanctificatio vestra(Vì đây là thánh ý Thiên Chúa: sự thánh hóa của anh em – 1 Tx 4,3). Như một bài huấn đức, qua 177 số của Tông huấn, Đức Phanxicô đã liệt kê một số những phẩm chất mà ngài cho là đặc biệt để sống thánh thiện trong thế giới ngày nay: kiên trì, nhẫn nại, hiền hòa, niềm vui, hài hước, bạo dạn và say mê. Một trong những phẩm chất này là sự bạo dạn (parrhesía) được cho là quan trọng để tránh “sự nhạt nhẽo và xoàng xỉnh” (GE 1) làm suy yếu chúng ta, giúp chúng ta “đừng sợ” (Mc 6,50) trong hành trình thiêng liêng này. 

1. PARRHESÍA

1.1. Từ nguyên 

Parrhesía (παρρησία) từ ghép bởi hai từ: pas (πας) nghĩa là “tất cả” và rēsis (ρησις) nghĩa là “lời nói” hay “diễn từ”. Vì thế parrhesía có nghĩa là “diễn từ nói lên tất cả”, và nghĩa này gợi ý cho những nghĩa tương đồng khác “sự nói cách công khai”, “sự nói cách bạo dạn”, “sự nói cách thẳng thắn” (trong lời nói), và ngay cả “sự dũng cảm, bạo dạn” (trong hành động)

Có ba hình thức của từ này: danh từ “parrhesía”; động từ “parrhesia-zomai”; và “parrhresiastes” — một từ không thường thấy và không có trong các bản văn cổ điển. Đúng ra, ta chỉ tìm thấy nó trong thời Hy La – chẳng hạn trong Plutarch và Lucian. Trong đối thoại của Lucian, “Người chết sống lại và ông ngư phủ”, một trong những nhân vật có tên là “Parrhesiades”.

“Parrhesía” thường được dịch là “nói thẳng” (tiếng Anh là free speech, tiếng Pháp là franc-parler, tiếng Đức là Freimüthigkeit). “Parrhesiazomai” nghĩa là sử dụng “parrhesía”, và “parrhesiastes” là người sử dụng parrhesía, nghĩa là người nói thẳng, nói sự thật. “Parrhesía” cũng diễn tả “sự bạo dạn, dũng cảm” (tiếng Anh boldness, tiếng Pháp Audace, tiếng Đức Wagemut).

1.2. Định nghĩa 

Trong nền văn chương Hy Lạp, từ “parrhesía” xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm của nhà bi kịch Euripides thành Athena [khoảng năm 484-407 BC], và xuất hiện khắp thế giới văn chương Hy Lạp từ cuối thế kỷ V trước Công nguyên. Nhưng nó vẫn còn được tìm thấy trong các bản văn giáo phụ vào cuối thế kỷ IV và trong suốt thế kỷ V, hàng chục lần trong Thánh Gioan Kim Khẩu [345-407].

Triết gia Pháp Michel Foucault (1926 – 1984) định nghĩa parrhesía là “sự thẳng thắn, sự mở rộng của tâm hồn, lời nói, sự cởi mở của ngôn ngữ, sự tự do của diễn từ”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ta muốn nói gì thì nói theo ý của ta, bởi vì tự bản tính parrhesía phản ảnh một thái độ đạo đức trong điều ta phải nói “bởi vì đó là điều cần thiết và hữu ích, cũng như đó là sự thật”. Vì thế, parrhesía có liên quan đến chân lý và sự thiện, và như vậy nó không phải là sự vu khống, nói xấu và đưa thông tin sai lạc, trong khi châm biếm thì được chấp nhận. Và ông đã tóm tắt quan niệm parrhesía của người Hy Lạp cổ như sau:

“Chính xác hơn, parrhesía là một hoạt động của lời nói mà diễn giả nói lên mối tương quan của mình với chân lý, và liều mạng sống mình vì ông nhận thấy rằng nói sự thật như một bổn phận để thăng tiến và giúp đỡ người khác (cũng như chính ông). Với parrhesía, diễn giả sử dụng sự tự do của mình và chọn sự thẳng thắn thay vì chiêu dụ, chân lý thay vì giả dối hay im lặng, nguy cơ mất mạng thay vì sự sống và an toàn, phê bình thay vì nịnh hót, bổn phận luân lý thay vì tư lợi và thờ ơ.”[2]

Và cha Thomas Merton (1915–1968), OCSO, một tu sĩ Trappist người Mỹ, văn sĩ, nhà thần học, nhà thần bí, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, học giả tôn giáo so sánh, đã định nghĩa parrhesía là: “Tự do tìm kiếm chân lý cao nhất, không phân vân trước áp lực con người hay đòi hỏi của tập thể, khả năng nói tiếng “có” của riêng mình và tiếng “không” của riêng mình chứ không chỉ dội lại tiếng “có”, tiếng “không” của quốc gia, đảng phái, nghiệp đoàn, quân đội hay hệ thống.”[3]

2. “PARRHESÍA” TRONG KINH THÁNH[4]

2.1. Cựu Ước

Ý niệm về sự gan dạ ít khi được diễn tả trong Cựu Ước. Sách Châm Ngôn chỉ nói: “Kẻ chính nhân gan dạ như sư tử”, nơi mà động từ baṭaḥ nói lên sự tín cẩn vào Thiên Chúa. Lòng can đảm trong Cựu Ước không phải là nhân đức độc lập nhưng là sức mạnh nội tâm và tính quả quyết được Thiên Chúa gợi hứng (Đnl 1,38; Tv 27,14; 31,24).

Có thể tóm tắt cách dùng từ parrhesía trong Cựu Ước của bản dịch LXX như sau: (a) Thiên Chúa hành động và nói với parrhesía (Tv 93,1; 11,5); (b) sự khôn ngoan cũng nói với parrhesía (Cn 1,20); và (c) người công chính có parrhesía (Kn 5,1; Cn 13,5). Người khôn ngoan và công chính nói với parrhesía (Cn 10,10; 20,9; Hc 6,11) và cầu nguyện cùng Thiên Chúa cách phấn khởi với parrhesía (G 22,26). Với sự bạo dạn của người công chính trước Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, chúng ta có cách dùng từ parrhesía trong Tân Ước, đặc biệt là thư Do Thái và 1 Gioan.

2.2. Tân Ước

Tuy nhiên, trong Tân Ước, có ba từ gốc khác nhau chuyển tải ý niệm gan dạ. Động từ tolmaō chứa yếu tố gan dạ, hành động vượt lên trên sự sợ hãi (Mc 12,34; 15,43; Cv 7,32; Rm 5,7; 2 Cr 11,21; Pl 1,14). Từ thứ hai là tharrheō, nói lên lòng tín thác và hy vọng vào Thiên Chúa (2 Cr 5,6.8; Dt 13,6), sự tín cẩn vào con người (2 Cr 7,16), và sự can đảm trong các tương quan của con người (2 Cr 10,1–2). Tuy nhiên, từ thứ ba mới nói lên đặc tính của các Kitô hữu sơ thời: parrhesía.

Từ parrhesía hay một trong các hình thức của nó được sử dụng trong các Tin Mừng (Mc 8,32; Ga 7,4.13.26; 10,24; 11,14.54; 16,25.29; 18,20), trong Tông Đồ Công Vụ (2,29; 4,28.31; 28,31), trong thư Do Thái (3,6; 10,19.35; 4,16), và các thư Phaolô (2 Cr 3,12; 7,4; Ep 3,12; 6,19; Pl 1,20; Cl 2,15; 1 Tm 3,13; Pl 1,8) và thư Gioan (1 Ga 2,28; 3,21; 4,17; 5,14). 

Trái ngược với những người Pharisiêu, khi nói về thần học, các kinh sư và người Pharisiêu chú giải hàng giờ, nói xa vời. Nhưng Đức Giêsu thì nói như bản văn đã xác định là Ngài nói rõ, không giấu diếm (Ga 11,11.14; Mc 8,32). Ngay cả khi hấp hối trên thập giá, Ngài cũng đã nói lên một sự thật thâm sâu là sự tổn thương khi thấy dường như mình bị bỏ rơi: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”( Mt 27,46; Mc 15,34). Đây có thể được xem như ví dụ rõ ràng nhất của sự thẳng thắn và bạo dạn.Với Thiên Chúa Cha mà còn thẳng thừng như vậy thì chỉ có thể là … parrhesía của Đức Giêsu!

Khi Gioan dùng từ parrhesía để nói về các diễn từ và hành động của Đức Giêsu thì trước tiên nó có nghĩa là sự thẳng thắn và rõ ràng, trái với sự che giấu và nói bằng các dụ ngôn. Trong Gioan 7,4 các anh em của Đức Giêsu khuyên Ngài nên sang miền Giuđê và rao giảng công khai. Họ nói: “Vì ai lại đi hoạt động chùng lén, khi tìm địa vị công khai (parrhesía). Một khi Thầy làm được như thế, thì hãy tỏ mình ra cho thế gian”.[5]Bản Vulgate dịch từ parrhesía này thành palam[6], như thế là làm mất mối liên hệ với sự bạo dạn hay thẳng thắn. Có cách dùng parrhesía tương tự như vậy trong Ga 10,24 và 11,54 trong khi ở chương 16,25.29parrhesía trở thành sự thẳng thắn của diễn từ, đối nghịch với các dụ ngôn. Cả hai lần xuất hiện này đều được bản Vulgate dịch là palam, chẳng hạn như trong Ga 16,29: “Môn đồ Ngài nói: “Kià! bây giờ Ngài nói trống ra, chứ không còn nói bóng” (dicunt ei discipuli eius ecce nunc palam loqueris et proverbium nullum dicis). Cuối cùng, khi Đức Giêsu trả lời cáo buộc của vị thượng tế sau khi bị bắt ở vườn Giếtsêmani, Ngài khẳng định rằng: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ (παρρησίᾳ λελάληκα τῷ κόσμῳ) … tôi không nói gì bí mật (ἐν κρυπτῷ)” (Ga 18,20). Những lời này đặt tương phản giữa công khai và bí mật của Đức Giêsu vào giờ thử thách đã nói lên ý nghĩa của parrhesía trong Tin Mừng thứ tư. Đó là không sợ hãi, công khai (không giấu diếm) và một chứng từ rõ ràng (không bằng dụ ngôn). Lần duy nhất trong Tin Mừng Gioan màparrhesía không được bản Vulgate dịch là palam là ở chương 11. Khi Đức Giêsu nói về cái chết ẩn dụ của Lazarô, rằng ông đang ngủ và sẽ thức dậy, nhưng các môn đệ không hiểu và cứ hiểu theo nghĩa đen. Lúc ấy “Đức Giêsu mới nói rõ (parrhesía) là Lazarô đã chết” (Ga 11,24). Ở đây, bản Vulgate dịch là “Tunc ergo Iesus dixit eis manifeste”. Tất cả những cách dùng từ parrhesía này đều nhấn mạnh đến sự rõ ràng, công khai và thẳng thắn: từ ngữ này được Gioan sử dụng để chứng minh rằng Kitô giáo không phải là một phong trào bí mật đầy nguy hiểm.

Một cách dùng khác của từ parrhesía được tìm thấy trong các thư Côrintô và Tông đồ công vụ. Những sách này không liên quan đến trình thuật về cuộc đời và hành động của Đức Giêsu như Tin Mừng Gioan nhưng là những hành động và diễn từ của các tông đồ. Trong những sách này, parrhesía không được bản Vulgate dịch là palam mà là fiducia[7] (sự tín thác) hoặc constantia[8] (sự kiên định, vững chắc, kiên trì). Chẳng hạn trong 2 Cr 7,4 Phaolô viết rằng: “Nơi anh em, tôi tín nhiệm (= parrhesía)! Vì anh em, tôi có thể vinh vang được lắm!” Ở đây, bản Vulgate dịch là “multa mihi fiducia est apud vos multa mihi gloriatio pro vobis”. Trong Tông Đồ Công Vụ 4,13.29 khi Phêrô và Gioan bị thượng tế và những đồng liêu thẩm vấn, họ ngạc nhiên về sự “kiên định” của các ngài. “Videntes autem Petri constantiam et Iohannis” (parrhesía ở đây được bản Vulgate dịch là constantiam).

Trong Tông đồ công vụ, parrhesía trở thành dấu hiệu của những người rao giảng Nước Trời và về Đức Giêsu “với tất cả sự mạnh dạn mà không gặp ngăn trở” (μετὰ πάσης παρρησίας ἀκωλύτως – Cv 28,31). Thật vậy, câu kết của sách Tông đồ công vụ là câu khẳng định về mọi hoạt động truyền giáo của cộng đồng Kitô giáo đầu tiên, đồng thời là chương trình hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trong tương lai. Giữa câu mở đầu bài diễn từ khai mạc của Phêrô vào ngày Hiện Xuống “Thưa anh em, tôi nói với anh em với sự mạnh dạn (μετὰ παρρησίας, Cv 2,29) và câu kết tóm tắt hoạt động của Phaolô (Cv 28,31), ta có thể nói có một thể bao hàm (inclusio) bằng cách dùng từ parrhesía để diễn tả sự tự do và bạo dạn của Kitô hữu khi rao giảng về Đức Giêsu và Nước Trời.

Như vậy, nội dung gói gọn bằng lối bao hàm trong sách Tông đồ công vụ là sự bạo dạn khi rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, Phêrô và Gioan bị thẩm vấn trước các lãnh đạo đền thờ. “Tràn đầy Thánh Thần” (Cv 4,8), Phêrô mạnh dạn rao giảng Tin Mừng cho chính những người đã âm mưu giết Đức Giêsu. Họ thấy “sự bạo dạn của Phêrô và Gioan” và thấy không có lý do gì để trừng trị nên thả hai ông về sau khi cấm họ: “không được nói hay giảng dạy nhân danh Đức Giêsu” (Cv 4,13.18). Theo gương thầy mình, các tông đồ cũng nói công khai (Ga 7,26) và thẳng thắn (Mc 8,32; Ga 11,14). Nhiều lần, các tông đồ nói năng mạnh bạo trước các đối thủ (Cv 4,13.29; 9,27; 13,46; 14,3; 28,31). Sự gan dạ này được cho là vì tràn đầy Chúa Thánh Thần (Cv 4,31).

Thẳng thắn trong khi rao giảng Tin Mừng đã trở thành “lòng can đảm” được Chúa Thánh Thần trao ban khi gặp những cơn bách hại: “Họ được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu nói lời Thiên Chúa với sự bạo dạn (meta parrhesía)” (Cv 4,31). Và như thế, parrhesía là nhân đức thượng đẳng của các tông đồ. Thế nhưng ý nghĩa mới mẻ Kitô giáo của sự bạo dạn chính là mối tương quan với Thiên Chúa. Sau khi chịu phép rửa tội, Kitô hữu có thể hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa như đứa trẻ “dám nói”, dám kêu Thiên Chúa là “Abba, Ba ơi!” (Gl 4,6; Ep 3,12; Dt 4,14-16).

Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại, cũng khẳng định tự do nói năng là đặc tính của Thần Khí và tinh thần Tin Mừng. Ngài đã chứng minh sự cam đảm của mình khi rao giảng Tin Mừng cho những người cải đạo (1 Tx 2,2; 2 Cr 3,12; Plm 8). Tuy nhiên, ngài cảm thấy cần phải cầu nguyện để có thể nói cách bạo dạn về Thiên Chúa (Ep 6,19 tt).

Trong một đoạn văn khá lạ, Phaolô giải thích sự tự do Kitô giáo bằng cách đặt tương phản giữa sứ vụ của ngài với ông Môisen. Trong 2 Cr 3,10-18, Phaolô nói rằng ngài không giống với ông Môisê cứ che đậy, sứ vụ của ngài là công khai và chân thật: “Chúng ta không phải như Môisê phủ màn trên mặt, không để cho con cái Israel nhìn thấy điều chóng tàn kia chấm dứt khi nào” (2 Cr 3,13). Từ một góc nhìn khác, Phaolô so sánh với những người Do Thái giáo. Ngài tự đặt mình đối nghịch với những người buôn bán ở chợ, phủ sáp lên vết nứt của đồ gốm để che đậy sự bất toàn. “Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa” (2 Cr 4,2).

Sự can đảm nói thẳng thắn là dấu hiệu của Kitô hữu trong mọi tình huống sống (Pl 1,20). Không tự phụ, họ tin chắc rằng quyền năng của Ngài vẫn tiếp tục trong công việc của họ, sự hiện diện của Ngài cũng thế. Như vậy, Kitô hữu có thể mạnh dạn tiến gần đến Thiên Chúa để nhận ơn trợ giúp khi cần (Dt 4,16; 10,19.22) và trở nên mạnh dạn hơn khi cầu nguyện (1 Ga 3,21tt; 5,14tt). Và cuối cùng, Kitô hữu được mạnh dạn hơn trong ngày quang lâm nếu vẫn còn ở lại trong tình yêu của Ngài (1 Ga 228; 4,17).

Bắt đầu với con người của Đức Giêsu, được tiếp nối với công cuộc rao giảng của các Tông đồ, và lên đến cực điểm trong các thánh thư, rồi được tiếp tục qua các Giáo phụ, từ parrhesía mang một ý nghĩa thần học và khẳng định tiếng nói tự do và sự bạo dạn khi nói lên tiếng nói ấy. Người tràn đầy parrhesía sẽ công bố Tin Mừng trên mái nhà (Mt 10,27) và không giấu dưới đáy thùng (Mt 5,15), không hề hãi sợ và mất tinh thần bởi vì: In Deo laudavi verbum in Deo speravi non timebo quid faciat caro mihi – “Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và ca tụng lời Người. Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi. Phàm nhân làm gì nổi được tôi?” (Tv 55,5 [56,4])

Đồng thời chúng ta cũng thấy rằng parrhesía có thể được biểu lộ ngay cả khi không nói thành lời, khi vì lý do lương tâm mà từ chối không làm một việc gì đó, chẳng hạn như khi từ chối bước qua thập giá, từ chối bỏ đức tin, thờ cúng ngẫu tượng hay phạm thượng chống lại Đức Kitô. Đó là sự can đảm “tuyên xưng đức tin” khi chịu tử đạo. Với sự phong phú và mạnh mẽ về ý nghĩa như vậy, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi Đức Phanxicô sử dụng ý niệm parrhesía trong Tông huấn “Về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay” để nói về sự bạo dạn.

3. “PARRHESÍA” TRONG GAUDETE ET EXSULTATE

Trong tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Phanxicô đã sử dụng parrhesía để nói về một dấu hiệu của sự thánh thiện. “Thánh thiện cũng là parrhesía: đó là lòng dũng cảm, một thôi thúc loan báo Tin Mừng và để lại dấu ấn trong thế giới này”, đồng thời nó cũng là “sự tự do của một đời sống mở ra cho Thiên Chúa và cho tha nhân” (GE 129).

Trong một thế giới từ chối Tin Mừng, sự nhút nhát không phải là một tùy chọn. Chúng ta đang phải đối mặt với các thượng tế của nền văn hóa tục hóa, những kinh sư trong giới truyền thông tự do với nhiều mục đích khác nhau đang nhạo báng và hạ bệ Kitô giáo, hay những người theo chủ trương tương đối về luân lý muốn bào chữa cho mọi tội lỗi khác nhau. Trong bối cảnh này, Tin Mừng cần phải được khẳng định với sự bạo dạn, với parrhesía

Người ta cho rằng từ khi được bầu chọn giáo hoàng vào năm 2013, Đức Phanxicô đã tiếp nối con đường thần học của hai vị giáo hoàng tiền nhiệm và chia sẻ với họ trong những phạm trù rõ ràng: Gioan Phaolô II là giáo hoàng của đức cậy, Bênêđictô XVI là giáo hoàng của đức tin và Phanxicô là giáo hoàng của đức ái. Và trên con đường này, người hướng dẫn tinh thần thật sự của Đức Phanxicô lại chính là Đức chân phước giáo hoàng Phaolô VI, người bênh vực cho thế giới thứ hai và thế giới thứ ba[9], trong đó có đất nướcArgentina của Jorge Mario Bergoglio. Giáo huấn của Đức Phaolô VI, đặc biệt là Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc) ảnh hưởng rất nhiều đến Đức Phanxicô. Sự liên kết giữa Bergoglio và Montini được khẳng định trong đoạn nói về “Sự bạo dạn và say mê” (các số 129-139) của chương bốn Tông huấn Gaudete et Exsultate khi Đức Phanxicô tham chiếu đến hai tông huấn năm 1975 của Đức Phaolô VI là Gaudete in Domino (“Về niềm vui Kitô giáo”) và Evangelii Nuntiandi (“Về phúc âm hóa trong thế giới hiện đại”).

Trong chương bốn có tiểu đề “Những dấu hiệu của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay”của Tông huấnGaudete et Exsultate, Đức Phanxicô bàn về năm phương cách để nên thánh. Mục đích của ngài không phải là “tổng hợp một gương mẫu thánh thiện” nhưng nhắm vào năm khía cạnh của đời sống mà ngài thấy đặc biệt quan trọng trong “bối cảnh một số nguy hiểm và những giới hạn hiện diện trong nền văn hóa hôm nay” (GE 111). Khi bàn về phương cách thứ ba trong năm phương cách này, Đức Phanxicô gọi đó là “Sự bạo dạn và lòng say mê”. Và gần như ngay lập tức, dường như để cho biết nguồn cảm hứng này đến từ đâu, ngài đã nhắc đến Đức Phaolô VI: “Chân Phước Phaolô VI, khi đề cập đến những trở ngại đối với việc loan báo Tin Mừng, đã nói về tình trạng thiếu lòng hăng say (parrhesía) vốn “nghiêm trọng hơn nhiều, vì nó xuất phát từ bên trong”” (GE 130) và hai Tông huấn của Đức Phaolô VI trong chú thích số 103 là: “Evangelii Nuntiandi (8.12.1975), 80: AAS 68 (1976), 73. Đáng ghi nhận rằng trong bản văn này Chân phước Phaolô VI nối kết chặt chẽ niềm vui với parrhesía. Trong khi lấy làm tiếc về tình trạng “thiếu niềm vui và hy vọng” xét như một cản trở cho việc loan báo Tin Mừng, ngài cổ võ “niềm vui loan báo Tin Mừng đầy năng lực an ủi”, được nối kết với “nhiệt tâm mà không ai và không gì có thể làm nguội lạnh”. Điều này khẳng định rằng thế giới không nhận Tin Mừng “từ những người buồn phiền và thất vọng”. Trong Năm Thánh 1975, Giáo hoàng Phaolô VI đã dành Tông huấn Gaudete in Domino để nói về niềm vui (9.5.1975): AAS 67 (1975), 289-322”. 

Chân phước Phaolô VI nói rằng mọi tín hữu cần phải tràn đầy parrhesía hay “sự gan dạ trong lời nói” – đó là điều Đức Giêsu đã có khi nói với những người Pharisiêu và trước Hội đồng Sanhedrin. Đó cũng là điều mà Đức chân phước Phaolô VI đã có khi hạ bút viết những tài liệu giáo hội như Populorum Progressio vàHumanae Vitae, một thông điệp gây tranh cãi cho đến hiện nay đã bảo lưu sự lên án của Giáo Hội đối với ngừa thai. Đức Phaolô VI nói về mối nguy thiếu parrhesía, rất nguy hiểm bởi vì nó không đến từ đâu xa mà “xuất phát từ bên trong”. Đức Phanxicô lấy lại ý tưởng “xuất phát từ bên trong” này và gán cho nó một nhãn quan mới để hiểu về sự thánh thiện khi ngài nói: “Quả đúng là chúng ta cần mở cửa trái tim mình cho Chúa Giêsu, Đấng đang đứng và gõ cửa (x. Kh 3,20)”. Nhưng cái mới mẻ của ngài là suy tư về vị trí đứng “khác” của Đức Giêsu, ngài viết: “Đôi khi tôi lại tự hỏi, có lẽ Chúa Giêsu đang ở bên trong chúng ta và Người gõ để được ta cho phép Người ra ngoài, thoát khỏi cái tình trạng qui ngã (self-centredness/auto-référentialité) đã bốc mùi thiu thối của chúng ta” (GE 136). Theo cái nhìn này, Đức Giêsu không “gõ cửa trái tim van em được vào, dù tình xót xa chung thân huyệt đào” mà đứng từ phía bên trong “trái tim ngục tù” đang hối hả đập cửa chờ đợi chúng ta buông tha ra để Ngài có thể đi vào trong thế giới – một nhãn mới về sự thánh thiện theo Đức Phanxicô. Vậy sự thánh thiện là gì? Là ít chú trọng đến mình hơn, không lấy mình là trung tâm mọi sự, không quan trọng những gì chúng ta “là” mà những gì chúng ta “làm”, chú trọng đến những gì chúng ta “trao ban” cho thế giới như chính Đức Giêsu và các môn đệ. “Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu “đi qua các thành thị và làng mạc, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 8,1). Sau Phục sinh, khi các môn đệ ra đi mọi hướng, Chúa đã đồng hành với họ (x. Mc 16,20). Đó là điều xảy ra như kết quả của sự gặp gỡ đích thực” (GE 136)

Trước thách thức này, tính nhát sợ và chủ bại (defeatism/le sens de l’échec) đã nhiều lần làm chúng ta chùng bước: “Biết bao lần chúng ta bị cám dỗ giữ thuyền sát bờ! Nhưng Chúa mời gọi chúng ta chèo ra chỗ nước sâu và thả lưới (x. Lc 5,4)” (GE 130). Và Đức Phanxicô bổng trở nên thâm trầm hẳn đi khi đưa ra một so sánh điển hình: “Giống như ngôn sứ Giôna, chúng ta thường xuyên bị cám dỗ trốn tránh ở một chỗ trú an toàn. Chỗ trú ấy có thể mang nhiều tên: cá nhân chủ nghĩa, duy thiêng liêng, sống trong một thế giới nhỏ, tình trạng nghiện, chủ trương không khoan nhượng, bác bỏ những ý tưởng và những phương pháp mới, giáo điều, hoài cổ, bi quan, nấp đàng sau các luật lệ và qui định. Chúng ta có thể đề kháng việc rời bỏ một cách thế làm việc quen thuộc và dễ dãi. Nhưng những thách đố liên quan thì có thể giống như cơn bão ấy, con cá voi ấy, con sâu làm héo dây bầu ấy, hay như cơn gió và mặt trời thiêu đốt cái đầu trần của Giôna. Đối với chúng ta, cũng như đối với Giôna, chúng có thể giúp đưa ta trở về với vị Thiên Chúa ân cần trìu mến, Đấng mời gọi chúng ta không ngừng bắt đầu lại hành trình của mình” (GE 134). Đây không phải là điều gì mới mẻ trong tư tưởng của Đức Phanxicô, chỉ là chẩn đoán bệnh của “người bẳn tính” mà ngài đã nói trong Tông huấn trước, Evangelii Gaudium, số 85: “Một trong những cám dỗ nghiêm trọng hơn bóp nghẹt sự bạo dạn và nhiệt tình là tinh thần chủ bại biến chúng ta thành bi quan bất mãn và thất vọng, thành “người bẳn tính” khi phải đối diện với tình trạng đen tối. Không ai có thể ra trận nếu không nắm chắc phần thắng. Ai bắt đầu mà không có lòng tự tin thì đã thua trước một nửa trận chiến và chôn vùi tài năng của mình. Ngay cả khi với một ý thức đau xót về những giới hạn riêng của mình, chúng ta phải tiến lên mà không lùi bước, và nhớ những gì Chúa đã nói với Thánh Phaolô, “Ơn sủng của Thầy đã đủ cho con rồi vì quyền năng của Thầy được thể hiện trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9)…. Thần dữ chủ bại là anh em của sự cám dỗ muốn tách lúa ra khỏi cỏ dại trước thời điểm, là sản phẩm của sự thiếu tin tưởng đầy lo âu và quy về mình (self-centred/ égocentrique).”

Một kẻ thù nữa của sự bạo dạn chính là sự bằng lòng với những gì mình đã làm được, tự hài lòng về mọi sự như hiện trạng của chúng đã dẫn đưa ta đến sự trì trệ: “Tính tự mãn rất có sức lôi cuốn; nó bảo chúng ta rằng chẳng có ý nghĩa gì việc cố gắng thay đổi mọi sự, rằng chúng ta không thể làm gì được, bởi vì đây là cách làm xưa nay vẫn thế, và dù sao thì chúng ta vẫn luôn có thể sống còn! Do thói quen mà chúng ta không còn đứng lên đương đầu với sự dữ nữa. Chúng ta “cho phép mọi sự cứ như vậy”, hay cứ như những kẻ khác quyết định nó phải vậy. Nhưng chúng ta cần để cho Chúa đánh thức mình khỏi cơn mê, giải thoát ta khỏi sự ì ạch của mình” (GE 137). 

Vậy thì dựa vào đâu để chúng ta “bạo dạn, nhiệt tâm, tự do lên tiếng, và hăng say tông đồ” (GE 129)? Không ai khác ngoài Chúa Thánh Thần. Đức Phanxicô khẳng định: “Parrhesía là một ấn tích của Chúa Thánh Thần; nó xác nhận tính chân thực của lời chúng ta rao giảng. Nó là một sự chắc chắn đầy hân hoan dẫn chúng ta tới vinh dự trong Tin Mừng mà chúng ta loan báo” (GE 132). Và “Chúng ta cần sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để không bị tê liệt do sợ hãi hay do thận trọng quá mức, để chúng ta không trở thành quen sống trong phạm vi an toàn. Hãy nhớ rằng những không gian khép kín thì ẩm mốc và không tốt cho sức khỏe. Khi các Tông đồ bị cám dỗ cho phép những nguy hiểm và đe dọa làm cho mình què quặt, các ngài đã cùng nhau cầu nguyện và kêu xin parrhesía” (GE 133). Đức Phanxicô đã dành liên tiếp hai số để quảng diễn thêm về mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và parrhesía mà ngài đã nói trước đây trong Tông huấn Evangelii Gaudium số 259: “Những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần có nghĩa là những nhà truyền giáo mở lòng ra với tác động của Chúa Thánh Thần mà không sợ hãi…. Chúa Thánh Thần cũng đổ vào chúng ta sức mạnh để loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng với sự mạnh bạo (parrhesía), lớn tiếng, ở mọi nơi và mọi lúc, ngay cả những lúc phải lội ngược dòng”.

Như Đức chân phước giáo hoàng Phaolô VI khuyến dụ Giáo Hội nên thánh qua sự bạo dạn kiên trì và khiêm tốn được niềm vui Tin Mừng củng cố, Đức Phanxicô cũng lấy lại chủ đề này để hướng dẫn Kitô hữu chúng ta trong thời đại này “dứt bỏ một tình trạng xoàng xĩnh buồn tẻ và ảm đạm” (GE 138). Chỉ khi ấy “Giáo hội sẽ không đứng im bất động, nhưng luôn tiếp đón những điều ngạc nhiên của Chúa” (GE 139) và chỉ khi ấy chúng ta mới “bạo dạn và say mê” thông phần vào sự thánh thiện của Đức Giêsu đổ tràn ra trên thế giới quá cần đến Tin Mừng của Ngài trong một nền văn hóa mang “một cảm thức hoang mang, đôi khi bạo lực, gây phân tán và suy nhược; tính chất tiêu cực và bi lụy; tính tự mãn sinh ra từ chủ nghĩa tiêu thụ; xu hướng cá nhân chủ nghĩa; và tất cả những hình thức linh đạo thay thế chẳng liên quan gì tới Thiên Chúa và đang chi phối khung cảnh tôn giáo hiện nay.” (GE 111)

KẾT 

Điểm đặc biệt của tông huấn này là nó được soạn thảo ở ngôi thứ nhất với một cung giọng chuyện trò thân mật: “Mục tiêu khiêm tốn của tôi…” (GE 2), “Tôi thích chiêm ngắm… tôi nhìn thấy tính thánh thiện…” (GE 7), “Với Tông huấn này tôi muốn chủ yếu nhấn mạnh tiếng gọi nên thánh” (GE 10)…. Nó cũng được nhắn gởi đến mọi tình trạng sống: những người thánh hiến hay kết hôn, những công nhân và những người có trách nhiệm cao, và không ở đâu xa họ là “những con người ngay bên chúng ta … tầng lớp bậc trung của sự thánh thiện” (GE 7). Nó không chỉ nói với người Công giáo mà cả những người ở bên ngoài Giáo Hội: “Thánh thiện là vẻ mặt hấp dẫn nhất của Giáo hội. Nhưng ngay cả bên ngoài Giáo hội Công giáo và trong những bối cảnh rất khác, Chúa Thánh Thần vẫn khơi lên ‘những dấu hiệu sự hiện diện của Ngài để giúp đỡ các môn đệ Đức Kitô’… việc làm chứng cho Đức Kitô đến mức đổ máu ra đã trở thành một gia sản chung của người Công giáo, Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành… và là một di sản có tiếng nói hùng hồn hơn mọi lỗi lầm đã gây chia rẽ chúng ta” (GE 9).

 “Trong thời đại chúng ta, sự thánh thiện thường được cho là cổ lỗ. Trong bức tông thư đơn sơ, thẳng thắn và tuyệt hay này, Đức Phanxicô nhắc lại rằng sự thánh thiện không phải là lĩnh vực riêng của những người chuyên biệt. Nó dành cho tất cả chúng ta chứ không cho số ít người ưu tuyển. Thánh thiện là định mệnh của chúng ta. Đó là điều mà Thiên Chúa đã hoạch định cho chúng ta. Không có chi đáng sợ hay quá sức. Sự tùy thuộc vào Thiên Chúa làm chúng ta được tự do thật sự”.[10] Vì thế, “Bạn đừng sợ việc hướng nhìn cao hơn, cho phép Thiên Chúa yêu bạn và giải phóng bạn. Đừng sợ để mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện không làm cho bạn ít là người hơn, vì đó là một gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa” (GE 34).

Không dùng những lý luận cứng nhắc, nảy lửa nhưng với những ngôn từ mềm mại của một nhà linh đạo, một cha linh hướng, Tông huấn này có thể được gọi là “khoa hộ giáo của sự thánh thiện”. Hộ giáo là bảo vệ sự hợp lý của đức tin bằng cách sử dụng lý luận và những yếu tố khác của con người để thuyết phục. Đức Phanxicô đã đẩy khoa hộ giáo về sự thánh thiện này lên tầm cao mới. Ngài không dùng những lý luận mà đưa ra một kinh nghiệm sống về một Thiên Chúa như là chân lý mà con người có thể thực hiện được vượt qua những cân đo đong đếm. “Để nên thánh, không cần phải trở thành giám mục, linh mục hay tu sĩ …. Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm, bất cứ nơi nào mình hiện diện” (GE 14). Sự thánh thiện dành cho mọi người, “la sainteté pour tous et toutes”, đó không phải là lý do để “gaudamus” và “exsultamus” sao?

“Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?” (Thánh Augustinô). Trong đời “chỉ có một nỗi buồn là không nên thánh”.[11] Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh qua sự phong phú nhận được từ Chúa Phục Sinh. Mỗi một hoạt động của chúng ta dù lớn hay nhỏ, nếu được thực hiện trong sự kết hợp mật thiết với Đức Giêsu như cành nho với thân nho và trong thái độ yêu thương và phục vụ, thì đó là dịp để sống trọn vẹn sự thánh thiện Tin Mừng.

Ngạn ngữ Latinh có câu: “Audaces fortuna juvat, timidosque repellit” (vận may giúp người gan, bỏ kẻ nhát). Trong mọi việc, để thành công thì cũng cần có chút liều lĩnh, một chút parrhesía, kể cả việc nên thánh. Ấy vậy cho nên: Thánh cũng phải liều!

 

[1] Thuật lại theo CATHERINE AUBIN, “Les saints que l’on rencontre”, trong L’Osservatore Romano, số 18, thứ Năm 3 tháng Năm 2018, tr. 12

[2] MICHEL FOUCAULT, Discourse and Truth: the Problematization of Parrhesia. Sáu bài thuyết trình tạiUniversity of California, Berkeley, Oct-Nov. 1983

[3] THOMAS MERTON, Conjectures of A Guilty BystanderNew York, Doubleday & Company, 1966, tr. 77

[4] Tham khảo HEINRICH SCHLIER, “Parrhēsia” trong Kittel, Gerhard, Bromiley, Geoffrey William, Friedrich, Gerhard, Dictionary of the New Testament, Vol. V, Eerdmans, 1964, tr. 871–886; ANDREW M. GREENWELL, Esq., Preaching Christ and His Church with ‘Parresia’, (https://www.catholic.org); STANLEY B. MARROW, S.J., “”Parrhēsia” and the New Testament”, The Catholic Biblical Quarterly, Vol. 44, No. 3 (July, 1982), tr. 431-446; DAVID COLCLOUGH, Freedom of Speech in Early Stuart England, Cambridge University Press, 2005; MICHEL FOUCAULT, The Meaning and Evolution of the Word “Parrhesia”, trongDiscourse & Truth: the Problematization of Parrhesia, 1999.

[5] Bản dịch của cha NGUYỄN THẾ THUẤN. Bản CGKPV dịch là: “Vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ”

[6] Félix Gaffiot, Dictionnaire Latin Français, Hachette, 2001, “ouvertement, devant tous les yeux”

[7] Félix Gaffiot, sđd., “confiance”

[8] Félix Gaffiot, sđd., “permanence, continuité, invariabilité”

[9] Thuật ngữ “Thế giới thứ nhất” nói đến các nước dân chủ có nền kinh tế tư bản, có trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ và người dân có mức sống cao. Các thuật ngữ “Thế giới thứ nhất”, “Thế giới thứ hai” và “Thế giới thứ ba” được dùng phân chia các quốc gia trên thế giới thành ba nhóm chính. Ba nhóm quốc gia này không xuất hiện đồng thời. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người ta bắt đầu nói đến các nước NATO và các nước Hiệp ước Warszawa như là hai nhóm chính. Hai “thế giới” này không gọi bằng số. Đến năm 1952, nhà nhân khẩu học Pháp Alfred Sauvy dùng từ “Thế giới thứ ba” để chỉ các nước không thuộc hai hệ thống trên. Và một cách tự nhiên, hai nhóm nước ở hai hệ thống NATO và Hiệp ước Warszawa trở thành “Thế giới thứ nhất” và “Thế giới thứ hai”.
(https://vi.wikipedia.org/wiki/Thế_giới_thứ_nhất)

[10] Tuyên ngôn của các Giám mục Anh quốc và xứ Wales (20/4/2018): “In Thanksgiving for Gaudete et Exsultate”; xem http://www.catholicnews.org.uk/Home/News/Thanksgiving-Gaudete-et-Exsultate

[11] “Il n’y a qu’une tristesse, c’est de n’être pas des saints”, LÉON BLOY (1846-1917), La femme pauvre(1897), Paris, Georges Crès, 1924, tr. 388, được trích dẫn trong GE 34.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính