Về các thánh và những vị anh hùng trong Tông Huấn ‘Gaudete et Exsultate’

Jean-Pierre Denis, 
Chủ bút tuần báo Pháp ‘La Vie’, Văn sĩ và nhà thơ
(L’Osservatore Romano, số 30, thứ Sáu ngày 27 tháng Bảy 2018, tr 3)

Một giáo sư đại học Pháp đã rất thành công khi xuất bản gần đây một cuốn sách có tính học thuật cao nhưng khá thú vị mang tựa đề “Comment parler des livres qu’on n’a pas lu” (Làm thế nào để nói về những cuốn sách mà ta không đọc). Một cuốn sách mà mọi người ngay lập tức nói về nó mà chưa đọc nó. Thật sự, đây là vấn đề lười biếng thông thường của thông tin đại chúng khi bình luận về những tác phẩm hay những bản văn trang trọng dài nhằng mà chỉ dựa vào thông cáo báo chí đơn giản. Thông tin có chất lượng nghèo nàn này đủ để bùng lên cuộc thảo luận. Thật lỗi thời, nhưng đó là điều thú vị, khi đọc sách và nói về nó sau khi đã có những cố gắng. Là một nhà báo, tôi vẫn muốn thực hành nghệ thuật này mà một vài người cho là kỳ cục.

Trước và sau khi đọc, tôi cũng muốn quay lại với cuốn sách và đọc những trích dẫn, những tham khảo và chú thích. Ta thường khám phá ra một hình ảnh ở đấy, một vẻ đẹp trí thức, một cảnh tượng đầy hứng khởi. Tôi đã làm thế với Tông huấn Gaudete et Exsultate. Sau khi đọc toàn bộ bản văn, tôi trở lại với cây bút đánh dấu ở trong tay. Tôi tìm gì? Những tên tuổi và địa danh. Những tên tuổi gắn liền với địa danh, với nền văn hóa. Đức Thánh Cha đã nhận xét trong bản văn rằng: “Chúng ta không bao giờ hoàn toàn là chính mình trừ khi ta thuộc về một dân tộc”. Ngài đã hài hước trong hành lang đền thờ Thánh Phêrô ở Roma ngay buổi chiều ngày ngài được bầu chọn: “Dường như các anh em hồng y của tôi đã đi đến tận cùng trái đất để tìm ra một giáo hoàng”. Như vậy, địa lý cá nhân của tác giả Tông Huấn này là gì? Con đường nào ngài đã chọn để nắm bắt được những ý tưởng, để chạm đến chúng ta? Ngài nhắc đến những ông những bà nào? Và trên hết tất cả, những vị thánh là ai? Tôi không định sáng tạo ra một khoa học, nhưng điều này thật cần thiết, có lẽ chúng ta nên gọi nó là ‘hagio-geography’ (địa lý thánh), và đây chính là điều mà tôi trình bày trong bài viết này.

Khắp vùng địa lý thiêng liêng này, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy đề cập đến bốn lần Poverello [vị thánh nghèo Phanxicô] (và cùng với ngài là Thánh Antôn Padua), cũng như Thánh Ignatiô Loyola, người được nhắc tới bốn lần, mà một lần gợi lại lời mời gọi “sự dửng dưng thánh” (holy indifference). Hai tu sĩ dòng Tên khác cũng xuất hiện trong bản văn, Đức Hồng Y Martini và Hans Urs von Balthasar (người sau liên hệ mật thiết hơn với Đức Ratzinger). Tông Huấn cũng đề cập đến các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh:  Augustinô, Tôma Aquinô, Bonaventura, Basil Cả, Gioan Kim Khẩu… và dĩ nhiên các Đức Giáo Hoàng: Gioan Phaolô II và Phaolô Paul VI. Những đề cập này là điều cố hữu đối với loại tài liệu này. Khi cố vạch ra một tấm bản đồ nội tâm nguyên thủy dựa trên các nền tảng này, nó sẽ dẫn ta tiến đi rất xa. Càng có ý nghĩa hơn, qua các truyền thống và các giai đoạn thời gian, các Dòng bác ái và khuất thực đã được nhắc đến: Dòng Phanxicô, những nhà sáng lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ (Servants of Mary),hoặc nhiều hơn hết là người bạn chí thiết của Đức Gioan Phaolô II, Mẹ Teresa Calcutta. Cuối cùng, không tránh được là Thánh Philip Neri, người Florentine, vị sáng lập Dòng  Các Cha Diễn Thuyết (Oratorians), không chỉ vì ngài là nhân vật nổi trội của phong trào chống cải cách (Counter-Reformation), mà còn vì ngài có biệt danh là “ông thánh vui” (the joyful saint).

Bản văn chủ ý đặt sự thánh thiện trong tầm với của mọi người, theo cách hầu như rất là thực tiễn, và đôi khi với một giọng điệu có tính đối thoại. Như vậy, một mâu thuẫn nổi lên ở đây: một khoa thần bí bao trùm lên những trang tài liệu này; một khoa thần bí đem lại cho Kitô giáo một vài kiệt tác linh đạo chính – nhưng đây cũng là một kiệt tác văn chương và đầy thi vị. Nên lưu ý rằng linh đạo Carmelite đóng vai trò quan trọng ở đây: trước hết là Gioan Thánh Giá, được nhắc đến bốn lần, và cùng với ngài là Teresa Ávila,Teresa Benedicta Thánh Giá hay còn được biết đến là Edith Stein, và Thérèse Lisieux, được trích dẫn hay nhắc đến bốn lần. Đức Phanxicô thu nhặt thông tin từ nhiều nguồn Kitô giáo khác nhau, như cuốn The Pilgrim’s Tale (tường thuật của một người hành hương Nga). Tuy nhiên, ngài quan tâm đặc biệt đến các nhà thần bí nữ giới.

Trong tài liệu, độc giả bắt gặp Hildegard thành Bingen, Bridget Thụy Điển, Catherine thành Siena, Faustina Kowalska, không kể đến các vị “Teresa” mà tôi mới kể ở trên. Không ai trong họ mờ nhạt đâu. Có người đã giúp triều đại giáo hoàng vượt qua những cơn khủng hoảng và sa sút. Hơn nữa, Đức Phanxicô nhắc đến “những kiểu nên thánh nữ tính” của họ, nêu bật lên tầm quan trọng của họ “trong các thời đại mà phụ nữ có khuynh hướng bị lờ đi”. Rất nhiều nhân vật nữ xuất hiện trong tài liệu như Thánh Monica và Maria Gabriella Sagheddu, một nữ tu người Ý thuộc Dòng Trappist mà Đức Gioan Phaolô II đã phong thánh.

Bây giờ chúng ta hãy quay lại với tấm bản đồ để có một nhận xét khác, cụ thể là “địa lý thánh” của Đức Phanxicô hầu như dành riêng cho người Châu Âu. Tôi đã sớm nhắc đến Faustina Kowalska, được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước và phong thánh, là vị thánh điển hình nhất trong triều đại giáo hoàng của Wojtyła. Qua ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót, vị nữ tu qua đời ngày 5 tháng Mười 1938 tại Krakow, dường như đã kéo sợi chỉ vô hình giữa người Argentine và người Ba Lan đưa dẫn độc giả trở về Lục Địa Cũ.

Ta sẽ không trôi đi quá xa giữa những trang của Tông huấn Gaudete et Exsultate. Ta sẽ không đi qua dòng nước của sông Río de la Plata, nhưng sẽ trôi giạt bên bờ Vistula, con sông Rhine, Arno và Tiber, hay dòng sông Thames với Thánh Thomas More. Ta sẽ thường xuyên vượt qua cao nguyên Castilian khắc nghiệt, chạy qua khắp xứ Tây Ban Nha bí ẩn và thơ mộng mà Teresa Ávila và Gioan Thánh Giá đã đi ngang qua. Như vậy , ta sẽ không khám phá nhiều về Tân Thế Giới. Sự nhượng bộ duy nhất cho “sinh-địa lý” (bio-geography) là “thánh Cura Brochero”, một linh mục Argentine chết vì bệnh phong, người được Đức Phanxicô phong thánh vào tháng Mười 2016. Ngoài trường hợp đặc biệt này là Đức Hồng Y Việt Nam Nguyễn Văn Thuận, người phải đợi cho đến đoạn 141 (trong tổng số 177 đoạn của Tông Huấn) mới rời khỏi Châu Âu để quay sang Công Giáo toàn cầu, đến với Paul Miki của Nhật, Andrew Kim Taegon của Hàn Quốc, hay Rocco González và Alfonso Rodríguez ở Nam Mỹ.

Cuối cùng, cho phép tôi được nêu lên sự kiện là “địa lý thánh” của Đức Phanxicô rất là Pháp. Vị trí trước hết là thánh Thérèse Lisieux, rõ ràng là vị thánh phổ thông nhất, Đấng Bảo Trợ công cuộc truyền giáo. Tông Huấn cũng đầy dẫy những tham chiếu đến nước Pháp, “Trưởng nữ của Giáo Hội”. Thật vậy, ta có thể vạch ra một dàn bài về địa lý và lịch sử tôn giáo Pháp quốc. Ở đây, ta gặp thấy truyền thống đan tu với Thánh Bernard Clairvaux, lòng bác ái truyền giáo với Thánh Vincent de Paul, và tính hiền hậu tông đồ với Thánh Francis de Sales ở Savoy. Cũng thật ý nghĩa khi lưu ý rằng đã có sự băng qua vùng Địa Trung Hải để gặp gỡ Charles de Foucauld với các tu sĩ ở Tibhirine, những người mà Đức Phanxicô quyết định phong chân phước cùng với các vị tử đạo của Algeria. Thêm vào danh sách các thánh nhân người Pháp là Joseph Malègue, một văn sĩ bị rơi vào quên lãng, cũng như Léon Bloy, một văn sĩ mọi người đều biết nhưng rủi thay không ai hay hầu như chẳng có ai đọc được ông. Với cảnh quan nội tâm này, đối với tôi dường như một cuộc tông du của Đức Phanxicô đến nước Pháp đang được sắp đặt.
 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ