Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa

CHIẾC NHẪN CƯỚI XẤU XÍ CỦA MẸ

(Bài giảng Mùng Hai Tết Nhâm Dần 2022 tại nghĩa trang giáo xứ Thanh Bình)

            Kính thưa cộng đoàn,

            Theo lịch Phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, hôm nay ngày 2.2 Dương lịch, ngày lễ Kính biến cố Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, với bậc phụng vụ Lễ Kính; và cũng là ngày quốc tế ơn gọi thánh hiến. Tuy nhiên, theo lịch Âm, hôm nay lại là ngày Mùng Hai tết, một trong 3 ngày lễ hội lớn nhất của người Á Đông. Riêng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thì dành riêng ngày Mùng Hai Tết nầy để kính nhớ ông bà tiên tổ còn sống cũng như đã qua đời; hay có thể gọi nôm na, ngày “báo hiếu” của cháu con dành cho các bậc sinh thành.

Chắc chắn, vì cảm nhận được tầm mức quan trọng của nét văn hóa “Đạo Hiếu” trong việc sống và thể hiện niềm tin Công Giáo mà Hội Thánh Việt Nam sẵn sàng chọn cử hành phụng vụ lễ truyền thống kính nhớ ông bà thay cho lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh trong ngày 2.2 nầy.

Và việc nầy rõ ràng không do “cảm tính” hay mang não trạng “ăn theo văn hóa trọng chữ hiếu của Phương Đông”; mà dựa trên chính nền tảng của Lời Mạc Khải. Thật vậy, trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta được nghe rất rõ ràng lời giáo huấn của Kinh Thánh cả Cựu lẫn Tân ước về đạo hiếu, về việc kính nhớ ông bà tiên tổ và ăn ở sao cho phải đạo của phận con cháu.

Trước hết, Bài đọc 1, sách Huấn Ca nhấn mạnh chiều kích hiệp thông giữa thế hệ cha ông đã khuất và thế hệ con cháu tiếp nối đang hiện diện trên trần gian; chính nhờ cái giây hiệp thông mang tính “thừa thượng tiếp hạ” nầy mà những công trình vĩ đại, nhân đức rạng ngời của tiền nhân vẫn không bị biến mất và cháu con lại được thừa hưởng những hoa quả tốt lành: “Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên….Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ”.

Việc toàn thể cộng đoàn giáo xứ sáng nay cùng tập trung cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang, nơi được gọi là “quê hương của những người chết”, là một dấu chỉ, một chứng từ rõ nét của người Công Giáo chúng ta trong bổn phận và nghĩa cử hiếu đạo đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Và tôi biết chắc, không chỉ sáng hôm nay, mà rất nhiều ngày khác trong năm, đặc biệt suốt cả tháng 11, nơi đây không bao giờ như người nhạc sĩ ngoại đạo Trịnh Công Sơn tả oán: Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai  Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời. Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!…”; mà là luôn vang lên những câu ca, lời nguyện; luôn rực rỡ những bông hoa tươi thắm, những ánh nến lung linh rực lên sự ấm cúng và đầy hy vọng…

Thế nhưng “Đạo hiếu” đích thực và hoàn hảo không chỉ dừng lại ở việc kính nhớ, hiệp thông với những người đã khuất mà phải được thể hiện và bắt đầu ngay nơi cuộc sống tại thế, nơi chính gia đình, như giáo huấn của chính Thánh Phaolô trong Bài đọc 2, với thư gởi giáo đoàn Êphêsô: “Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu”. Riêng với giáo huấn của Chúa Giêsu thì đạo hiếu, đặc biệt đối với cha mẹ, không là một lý thuyết chỉ có trong luật lệ, giấy tờ, kinh sách… mà còn phải thể hiện bằng những việc làm và cách ứng xử cụ thể: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?  Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi,  thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa…”.

Trong những ngày đầu xuân này, ai trong chúng ta, có lẽ đều đã hơn một lần nghe câu đối tết:

Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ

Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên

(Năm có 4 mùa, mở đầu bằng mùa Xuân.

Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết);

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng trên thuận dưới hòa, trong ngoài ấm êm. Sở dĩ ngày hôm nay xã hội Việt Nam ta có quá nhiều gia đình tan vỡ, xảy ra thường xuyên những vụ trọng án trong gia đình: con giết cha, vợ sát hại chồng, cháu chắc hành hung ông bà… bởi vì người ta coi thường nguyên tắc “tiên học lễ, hậu học văn”, xem thường luân thường nghĩa hiếu trong gia đình mà chỉ chú trọng tới lợi nhuận, tiền tài, đất đai, quyền thế…

Và khi đề cập đến điều nầy, thì “Đạo hiếu” trong văn hóa Tin Mừng không chỉ dành riêng cho thế hệ con cháu và còn gắn liền với bổn phận của những bậc làm cha, làm mẹ; làm bậc trưởng thượng, huynh trưởng trong gia đình, như chính Thánh Phaolô nhắc bảo trong thứ Êphêsô mà chúng ta vừa nghe: “Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ khá làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa”. Về điều nầy thì chúng ta không quên những chia sẻ tâm huyết sau đây của vị Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, một người cháu trong một gia đình vọng tộc của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một gia đình mà truyền thống giáo dục về hiếu đạo có thể được xem là mẫu mực của Việt Nam vào cuối thời phong kiến. Đức F.X chia sẻ: “chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội thánh và xã hội nhân loại cũng rung rinh sụp đổ. Đức Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần: “Thưa thầy mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân thầy mẹ” (ĐHV 505). Riêng Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X lại có một giai thoại ý nghĩa về vai trò của người Mẹ. Người ta kể rằng, vào năm 1884, khi Ngài được tấn phong Giám Mục Mantova nước Ý và ngài lên đường trở về quê nghèo ở Riese dâng lễ tạ ơn. Khi vào nhà, gặp mẹ, ngài đã lấy chiếc nhẫn Giám Mục ra khoe: “Mẹ ơi, mẹ xem nhẫn Giám Mục của con có đẹp không nè”. Bà cố không vội đáp, những nở một nụ cười nhân hậu, rồi rút chiếc nhẫn đeo ở tay ra đáp lại: “Đẹp ! Đẹp lắm con ạ ! Nhưng nếu không có chiếc nhẫn cưới xấu xí này của mẹ, thì làm sao con có chiếc nhẫn Giám Mục đẹp đó?”…

Vâng, chiếc nhẫn cưới của Bà Cố khoe với con đó chính là biểu trưng của trách nhiệm gia đình, của bổn phận thiêng thánh nơi bậc cha mẹ; và điều nầy chắc chắn không thể không liên quan đến giáo lý Đạo Hiếu của Tin Mừng.

Kính thưa cộng đoàn, ngày lễ báo hiếu của giáo xứ chúng ta năm nay trùng với ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi thánh hiến, ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Đây là sự trùng hợp tuyệt vời để nói lên vai trò của những người cha, người mẹ, của gia đình, trong việc đào tạo những mầm non ơn gọi tu trì cho Hội Thánh. Tạ ơn Chúa, Giáo xứ Thanh Bình của chúng ta có được rất nhiều gia đình có cha mẹ quan tâm trong việc giáo dục ơn gọi và sẵn sàng dâng con cho Chúa. Ước gì, trong dịp giáo xứ mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, số ơn gọi linh mục và tu sĩ trong giáo xứ sẽ tăng triển nhiều hơn nữa. Sau hết, nếu có lời cầu nguyện nào đẹp nhất để hôm nay chúng ta dâng lên Chúa, thì đó chính là những lời mà Hội Thánh đã đọc lên trong lời Tổng nguyện mở đầu Thánh lễ: Lạy Chúa rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới chúng con họp nhau để để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.

Trương Đình Hiền