Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

ĐỜI NGƯỜI: ÂN BAN VÀ SỨ VỤ

(Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả – 2022 – Nhậm chức Chánh xứ Quảng Ngãi)

Nếu Gioan Tiền Hô là người giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Israel, thì chính Chúa Giêsu cũng là người nhận xét về Gioan một cách tường tận và sâu xa nhất. Tin Mừng Matthêô đã thuật lại những lời của Chúa Giêsu như sau: “Quả thật, tôi bảo các ngươi, trong hàng những kẻ sinh bởi người nữ chưa từng xuất thân một người nào lớn hơn Gioan tẩy Giả…” (Mt 11,7-11).

Thế nhưng Gioan Tẩy Giả là ai và cuộc đời của ngài mang theo sứ điệp gì quan trọng để đến nỗi Phụng vụ của Hội Thánh đã mừng ngày Sinh Nhật của Ngài trong bậc Lễ Trọng, cao hơn cả ngày lễ Sinh Nhật của Đức Mẹ, chỉ là bậc Lễ Kính !

Qua các chỉ dẫn của Tin Mừng, chúng ta biết Gioan Tẩy Giả là con của hai vợ chồng Êlizabet và Giacaria, có họ hàng với Đức Mẹ Maria nhưng định cư ở miền Nam tức xứ Giuđêa của nước Do Thái. Riêng trích đoạn Tin Mừng Luca mà chúng ta vừa nghe đã mô tả khá chi tiết về ngày sinh của ngài: Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó.

Nhưng, ngày sinh nhật của Gioan không phải “thường tình” như bao ngày sinh nhật khác, mà là một “sinh nhật được báo trước”, “sinh nhật tiền định”, như Tin Mừng Luca tường thuật lời của sứ thần báo cho ông Giacaria trong một cuộc tế tự nơi đền thờ: “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan…” (Lc 1, 13).

Quả thật, biến cố được “khải thị” trong đền thờ, ông Giacari bị câm, rồi bà Êlisabet mang thai khi tuổi đã cao, với cái tên Gioan lạ hoắc, cùng với việc miệng lưỡi ông Gacaria được mở ra dịp lễ Cắt bì…, tất cả những “sự kiện” trên đã bao trùm lên cuộc đời của Gioan cả một “mầu nhiệm vĩ đại” đã khiến mọi người vùng sơn cước Giuđêa kinh ngạc: Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”.

Qua một vài gợi ý của Lời Chúa liên quan đến ngày sinh của Gioan Tẩy Giả, chắc chắn Chúa muốn nói với chúng ta hay với cả nhân loại rất nhiều điều. Ở đây, xin đan cử hai điều:

– Thứ nhất: được sinh ra, được làm người đó chính là một “ân ban”, một sự biểu lộ tình thương của Thiên Chúa. Tên Gioan trong tiếng Do Thái có nghĩa “Thiên Chúa ban ơn”, “Thiên Chúa biểu lộ tình thương” hay “Thiên Chúa viếng thăm”. Vâng, không ai, không tạo vật nào có mặt trong đời nầy một cách ngẫu nhiên, tình cờ. Vì thế, mỗi sự sống, mỗi cuộc đời đều là “ân ban lạ lùng” của Thiên Chúa và đã được Thiên Chúa “tiền định” ngay tự thuở đời đời, như lời của ngôn sứ Giêrêmia (Bđ 1 Lễ Vọng): “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1,4); hay như lời của ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 vừa được công bố: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Và đứng trước biến cố nhân sinh đặc biệt nầy, Lời Chúa nhấn mạnh khía cạnh hân hoan vui mừng không chỉ của một người, một gia đình mà rất nhiều người: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (Lc 1,14). Lý do đơn giản: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Thiên Chúa” (Lc 1,15).

Đứng trước ý nghĩa nầy của Lời Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho bao thai nhi đã chết đi khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời, cho bao nhiêu em bé, khi cất tiếng khóc chào đời đã không được đón nhận bằng niềm hoan hỷ vui mừng nhưng đã bị bỏ rơi nơi đầu đường góc phố hay trong những viện cô nhi xa lạ lạc loài. Chúng ta không quên cầu nguyện cho bao nhiêu thân phận con người, đáng lẽ được sống cái ý nghĩa cao cả của phận người, nhưng rồi do bao nhiêu áp lực và hoàn cảnh đa đoan, lại biến cuộc đời thành tăm tối, bất hạnh và đôi khi bị vất bỏ đi không chút xót thương. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh tàn khốc đang diễn ra từng ngày ở Ukraina và nhiều nơi trên thế giới, tệ nạn buôn bán trẻ em, những cuộc di cư đầy bấp bênh và liều lĩnh của những người nghèo, những cuộc đàn áp sắc tộc, tôn giáo… có biết bao mạng sống bị tàn sát, hủy hoại, chà đạp…

– Thứ hai: mỗi một cuộc đời là một ơn gọi và gắn liền với một sứ mệnh cao cả:

            Người Mỹ có câu ngạn ngữ rằng: “Mỗi một em bé được sinh ra đều có thể là một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ”. Vâng, mỗi một cuộc đời, một sự sống đều được Thiên Chúa trao ban một sứ mệnh, một ơn gọi. Điều quan trọng không phải là chúng ta làm lớn hay nhỏ, làm người có chức quyền cao trọng hay bé nhỏ thấp hèn; mà chính là chúng ta trung thành và chu tất trách nhiệm làm người cách hoàn hảo trong chính thân phận hiện tại của mình.

Với lễ mừng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay, sứ điệp phụng vụ còn muốn khơi gợi lên trong chúng ta tâm tình yêu mến và nhiệt tâm nhiều hơn với sứ mệnh ngôn sứ theo con đường của Thánh Gioan tẩy Giả; đó là con đường dấn thân can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, cho chân lý cứu rỗi, cho sự thật của lề luật Thiên Chúa, dù phải trả giá đắt như Thánh Gioan, hy sinh chính mạng sống mình để Chúa được lớn lên như chính ngài đã xác quyết: “Đó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30).

Trong khung cảnh Phụng vụ lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả cùng với sứ điệp Lời Chúa được chuyển tải, lễ nhậm chức chánh xứ và Hạt trưởng Quảng Ngãi của cha Giuse Võ Tuấn quả thật đã được đong đầy ý nghĩa.

Thật vậy, nếu cuộc đời đã là một hồng ân vĩ đại, thì cuộc đời linh mục lại là một hồng ân cao cả; và một trong ba sứ vụ gắn liền với thánh chức linh mục đó chính là “ngôn sứ”. Vâng, mỗi một linh mục đều là một “tiền hô” cho Chúa; hay nói theo ngôn ngữ đầy hình tượng của Đức cố Hồng y Roger Echegaray: “là một con lừa cõng Chúa trên lưng”. Hôm nay, ở giữa chúng ta, cũng đang có một “con lừa” như thế, sẵn sàng chấp nhận trở thành dụng cụ để phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh; và chắc chắn, sẵn sàng sống sứ mệnh ngôn sứ cũng là biết từng ngày khiêm hạ, lu mờ đi, nhỏ lại cái tôi, để Chúa được lớn lên trong anh em, để Tin Mừng của Chúa được vang lên trong mọi ngỏ ngách đời thường cuộc sống; đó là sống và ứng xử cách khiêm hạ như sách Công Vụ Tông đồ làm chứng về Gioan Tẩy Giả nơi Bài đọc 2: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người” (Cv 13,26); nhưng cũng là cuộc đời đầy ắp niềm vui sâu lắng của người sẵn sàng để Chúa lớn lên: “niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30).

Xin Thánh Gioan tẩy Giả cầu thay nguyện giúp cho toàn thể cộng đoàn, đặc biệt, cho cha Tân Chánh xứ kiêm Hạt trưởng Giuse được luôn trở thành những “tiền hô” của Chúa, của Tin Mừng trong giáo xứ Quảng Ngãi; hay lớn hơn, rộng hơn nữa, trong vùng đất “Núi Ấn Sông Trà” mà số những người biết Chúa và tin Chúa vẫn còn quá ít oi, thiểu số. Amen.

Trương Đình Hiền