Views: 15
(Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – 24/11/2024)
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, và qua chứng từ cuộc sống thánh thiện của bao vị thánh nhân trong suốt gần 2000 năm lịch sử lữ hành của Giáo Hội, chúng ta có thể khẳng quyết rằng: cuộc hành trình nên thánh của mọi người đều phải đi qua con đường “tử đạo”, con đường mà trích sách Khải huyền đã định nghĩa là: “từ đau khổ lớn lao mà đến và đã giặt áo mình trong Máu Con Chiên”. Ý nghĩa này lại được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cắt nghĩa cách đầy đủ và phong phú, không những để chúng ta hiểu, xác tín, mà còn để lựa chọn sống và sống cách anh hùng, phong phú giữa đời thường.
Trước hết, Sách Khôn Ngoan trong Bài đọc 1 đã nói đến cùng đích cuối cùng của “ân ban tử đạo” luôn phát xuất từ Thiên Chúa và quy hướng về Ngài: “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.”. Chính trong niềm xác tín vào thánh ý nhiệm mầu và tình yêu cao cả của Thiên Chúa đã làm cho các thánh tử đạo can đảm đón nhận mọi đau thương thua thiệt, một lựa chọn mà những kẻ không có niềm tin vào Thiên Chúa sẽ không bao giờ có được: “Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết.”.
Ở giữa một thế giới mà niềm tin vào Thiên Chúa đang phai nhạt và người ta đặt niềm trông cậy trên những giá trị phù vân: kinh tế, chính trị, kỹ thuật, vũ khí… và sự khôn ngoan ma mảnh của loài người, niềm tin bất khuất vào Thiên Chúa tình yêu của các thánh tử đạo không là một kim chỉ nam cần thiết và đúng đắn cho mọi người Kitô hữu chúng ta đó sao!
Thứ đến, chính sự lựa chọn thánh ý Thiên Chúa và niềm tin vững vàng vào tình yêu quan phòng của Đấng Giàu lòng thương xót, cuối cùng, sẽ dẫn con người tới “tình yêu Chúa Kitô” đến độ “đón nhận tất cả”, “hy sinh tất cả”, như thư gởi giáo đoàn Rôma trong Bài đọc 2 hôm nay nhắc đến: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh”.
Cuối cùng, Tử Đạo chính con đường nên thánh hoàn hảo nhất. Vì chưng, tử đạo chính là thái độ, là hành vi, là cung cách ứng xử của những ai quyết chọn Đức Kitô và bước theo Ngài cách quyết liệt như chính Đức Kitô tuyên bố trong trích đoạn Tin Mừng Luca: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). Và điều này đã được cụ thể hoá nơi chứng từ cuộc sống và cuộc tử đạo của 117 vị Thánh Tử đạo Việt Nam mà chúng ta có thể đọc thấy qua một số chứng từ cụ thể:
– Thánh Phêrô Cao đã tâm nguyện: “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Kitô, được đón nhận ngành lá tử đạo về tới bến thiên đàng”.
– Thánh Phêrô Quí với những dòng thơ gởi cho mẹ hiền:
“Dù trăng trói, gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử”.
– Thánh Phaolô Tịnh can đảm thưa với quan án: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”.
– Thánh Phaolô Khoan đã hát lên lời nguyện hiến tế cuộc đời: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất, chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài”.
– Thánh Anrê Kim Thông: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”…
Vâng, Tử đạo là thế đó. Chứng Nhân là thế đó. Tình yêu đến cùng dành cho Đức Kitô là thế đó. Và dĩ nhiên, sự thánh thiện Kitô giáo là thế đó.
Như vậy, là con cháu của các Thánh Tử đạo, chúng ta phải biến việc mừng kính các Ngài hôm nay thành một lời đoan hứa mới, một quyết tâm mới: quyết tâm thành một Kitô hữu sẵn sàng thuộc về Đức Kitô và Tin Mừng trên mọi nẻo đường cuộc sống; một Kitô hữu can đảm thực thi những lời dạy Phúc Âm, những việc đạo đức hằng ngày, những bổn phận trong gia đình, những ứng xử khoan dung, yêu thương và tha thứ, như quyết tâm đơn sơ, chân chất của người nông dân Nam Bộ, thánh Tử đạo Phaolô Hạnh: “Làm Kitô hữu cho đến chết”. Vâng, chỉ cần một quyết tâm đơn giản đó thôi: “Làm Kitô hữu cho đến chết”!
Trương Đình Hiền.