NIỀM HY VỌNG SẼ KHÔNG LÀM CHÚNG TA TỦI HỔ

Views: 21

(Chúa nhật I Mùa Vọng năm C 2024)

          Nhân gian, hay đúng hơn, người Việt Nam chúng ta, Mùa Đông thường được coi như “mùa buồn nhất” của bốn mùa; là mùa của “loài dơi đi tìm giấc ngủ”, là mùa của người tình “ôm giá băng” đón đợi người yêu, như được khắc họa trong ca khúc “Mùa Đông của anh” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh:

Trời lập đông chưa anh, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi

Để mặc em lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới

          Đối với những người Công Giáo, mùa Đông lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, mùa Đông của thời tiết lại luôn gắn liền với “Mùa đầu tiên của Năm Phụng vụ” mà âm sắc cũng đong đầy những ý nghĩa: vừa man mác nhớ nhung của đợi chờ như ngôn ngữ Việt Nam diễn tả: Mùa Vọng; nhưng cũng vừa ấm áp tin yêu của sự trở về, của “một ai đang đến” trong ngữ nghĩa của Phương Tây: Adventus (La Tinh), Avent (Pháp ngữ), Advent (Anh ngữ)… Vâng, Việt Nam thì đang trông chờ Chúa đến (Vọng); còn Tây phương thì Chúa đang đến kìa (Adventus)!

          Thật ra, cả hai ý nghĩa “Vọng”“Đến” đều hòa trộn để làm nên một ý nghĩa duy nhất cho phụng vụ Mùa Vọng: Nhắc lại việc Chúa đã đến qua mầu nhiệm Nhập Thể mà điểm nhấn “đại lễ Giáng Sinh” đang gọi mời Dân Chúa đón đợi và loan báo việc Chúa sẽ đến ngày Quang lâm để khơi lên thái độ đón gặp Chúa đang đến giữa cuộc đời. (x. AC 39).

          Có thể nói được rằng, trong hạn từ “Đến” đã nói lên toàn thể nội dung và ý nghĩa mang tính tích cực, năng động của nhịp sống đức tin Kitô hữu, của Năm Phụng vụ Hội Thánh, và của cả một chương trình cứu độ. Thật vậy, đức tin không bao giờ là một “chuyện đã qua”, một kỷ niệm của quá khứ để thỉnh thoảng ngồi ôn lại một cách bâng quơ hờ hững; hay là một con đường mòn quen thuộc, một tập quán đơn điệu, máy móc để mỗi ngày bước đi, mỗi ngày thực hiện như cuộc vận hành của một chiếc máy mù lòa theo quán tính.

          Đức tin của người Kitô hữu là một “đức tin của hành động”; vì người Kitô hữu luôn xác tín rằng: Thiên Chúa của mình luôn luôn là một hiện thực mới mẻ, tinh khôi, đang đến, và đang hiện diện. Cho nên, ý nghĩa đầu tiên của Mùa Vọng, Mùa “Chúa Đến – Adventus”, phải chăng là thời điểm giúp mỗi người tín hữu chúng ta sống và cảm nhận, thực hiện và bước tới gặp gỡ một Thiên Chúa, một Đức Kitô, một Tin Mừng trong chiều kích đầy hoan vui và hiện thực đó.

          Ý nghĩa trên được minh giải và chuyển tải cho cộng đoàn chúng ta trong chính ngày “Minh Niên Phụng vụ” này cách rõ nét và sinh động qua các Bài Đọc Lời Chúa vừa được công bố:

          Trước hết, trích đoạn ngôn sứ Giêrêmia (Bđ 1) đã vẽ lên một bức tranh đầy hy vọng về Đấng Mêsia sẽ đến: “Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn”.

          Để hiểu được sứ điệp đầy hy vọng trên của ngôn sứ Giêrêmia, chúng ta phải “hành hương” trở về hoàn cảnh lịch sử của dân tộc Israel vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Đó là thời mà ngôn sứ Giêrêmia và dân tộc của ông, dân Giuđêa, đã bị đế quốc Babylon đè bẹp; Giêrusalem thất thủ và Dân Chúa lầm lũi bước đi trong một hoàn cảnh éo le và đầy tăm tối thất vọng của kiếp sống nô lệ, mất nước. Và cũng từ dưới vực sâu tăm tối đó, Thiên Chúa, qua miệng của Giêrêmia, đã loan báo cho dân Chúa một viễn tượng huy hoàng ở cuối chân trời lịch sử: Từ dòng tộc Đavít sẽ phát sinh một chồi công chính, một Đấng Mêsia sẽ đến giải thoát Dân Chúa: Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.

          Niềm hy vọng đó, sự hứa hẹn đầy lòng xót thương đó, thật ra, không phải chỉ dành riêng cho dân tộc Israel mà cho muôn thế hệ con người muôn nơi muôn thuở. Vâng, thân phận của mỗi một cuộc đời, mỗi một gia đình, hay mỗi quốc gia…, đều phải đi qua những nỗi thăng trầm dâu bể, hụt hẫng, đau thương… như dân Israel, như dân Giuđêa; đều phải kinh qua những nẻo đường gian nan của lưu đày, di cư, tha phương, khốn đốn… Và vì thế, tất cả đều cần niềm tin yêu hy vọng để sống, để tồn tại và để hoàn tất sinh mệnh cuộc đời! Niềm hy vọng về một Đấng Cứu Độ đang đến, một Thiên Chúa tình yêu viếng thăm chính là “kim chỉ nam”, là “ánh sao Bắc Đẩu” để định hướng cho mọi cuộc hành trình dương thế!

          Sứ điệp Mùa Vọng Công Giáo trở về để canh tân tất cả, để mượn lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng gọi mời hết thảy “hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”. Vâng, thế giới vốn hữu hạn và đầy dẫy bấp bênh; cuộc sống luôn phải đối diện với muôn ngàn gian nan thử thách như cách diễn tả bằng ngôn ngữ khải huyền của Phúc Âm Luca: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển…”. Trong khi đó, con người vốn bất toàn và đầy khiếm khuyết: “Người ta sợ hãi kinh hồnlòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời…”. Do đó, lựa chọn “hướng về Thiên Chúa” chính là khôn ngoan đích thực, như lời của tác giả Thánh vịnh 24: “Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa”. Vâng, sự khôn ngoan luôn biết đặt mình trong đường đi, lối bước và chân lý của Chúa mà cốt yếu đó chính là đức yêu thương, nền tảng của sự thánh thiện như lời dạy của Thánh Phaolô cho cộng đoàn Têxalônica: “xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến…” (Bđ 2).  

          Năm Phụng vụ 24-25 này lại được diễn ra trong khung cảnh của một Năm Thánh thường lệ 2025, một chặng đường để Dân Chúa đón nhận dồi dào ân phúc. Đặc biệt, như gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, đây chính là thời điểm để Dân Chúa bắt đầu “cuộc hành hương của niềm hy vọng”, cuộc hành hương để “gặp gỡ Đức Kitô”: “Tôi nghĩ đến tất cả những người hành hương của niềm hy vọng sẽ đến Rôma để sống Năm Thánh, và nghĩ đến tất cả những ai dù không thể đến được Thành phố của hai Tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng cũng sẽ cử hành Năm Thánh tại các Giáo hội địa phương của họ. Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị …” (Sắc chỉ Spes non confundit, số 1).

          Mùa Vọng trở về. Mùa để hướng về Chúa và gặp gỡ Đức Kitô; và đó chính là niềm hy vọng đích thực của người Kitô hữu; “niềm hy vọng sẽ không bao giờ làm chúng ta tủi hổ” (Rm 5,5).

Trương Đình Hiền