Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

NƠI BAY LÊN LỜI NGUYỆN CẦU CHO PHẦN RỖI THẾ GIAN

(Thánh lễ Cung Hiến Nhà Thờ Nghĩa Điền – 30.6.2022)

            Cách đây 5 năm, 2 tháng, 10 ngày, chính xác là vào ngày 20.4.2017, Đức Cha Matthêô của chúng ta đã chủ sự Thánh lễ Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục sinh cùng với nghi thức “Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Nghĩa Điền”. Và chính trong bài giảng Lời Chúa khi ấy, ngài đã chia sẻ một cảm nhận đại ý như sau: “Nếu Tin Mừng Phục Sinh đó là tin vui của sự sống, của hồi sinh, của sự hình thành đoàn dân mới: từ 500, tới 3.000 rồi đến 5.000, thì khởi từ niềm vui phục sinh hôm nay, cộng đoàn Nghĩa Điền cũng đang viết một trang sử mới, khi cùng nhau xây dựng những đền thờ tâm hồn để qua dấu chỉ của việc Đặt Viên Đá hôm nay và ngôi thánh đường ngày mai, sẽ làm nên một “đoàn dân mới” là ngôi đền thiêng liêng của Thiên Chúa. Và nếu Giáo Hội cũng được mệnh danh là “Thửa Ruộng của Thiên Chúa”, thì với danh xưng Nghĩa Điền (ruộng nghĩa), nơi đây sẽ là dấu chỉ sống động của Hội Thánh để mang ơn nghĩa cứu độ xuống cho mọi người đang sống trên vùng đất xa xôi nầy”.

            Nỗi ước mơ và niềm hy vọng đó, quả thật, hôm nay đã trở thành hiện thực. Thật vậy, ngôi thánh đường mới Nghĩa Điền hôm nay không những là “dấu chỉ của một đoàn dân mới” mà còn là chính địa điểm đang quy tụ tất cả chúng ta để làm nên một Hội Thánh thu nhỏ, một “Nhiệm Thể Chúa Kitô”, một “Ruộng Nghĩa” mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho nhiều người.

Thế nhưng, để có được ngôi nhà thờ mới nầy, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đồng quan điểm và thái độ tinh thần đầy niềm tin của vua Salomon, khi vua cùng dân Israel khánh thành đền thờ Giêrusalem đầu tiên do chính vua chỉ huy xây dựng, như được tường thuật trong sách Các Vua mà chúng ta vừa nghe: Bấy giờ vua Sa-lô-môn nói: “Vâng, Con đã xây cho Ngài một ngôi nhà cao sang. Một nơi để Ngài ngự muôn đời.” Rồi vua quay mặt lại chúc lành cho toàn thể cộng đồng Ít-ra-en, trong khi cả cộng đồng Ít-ra-en đều đứng. Vua nói: “Chúc tụng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng đã ra tay hoàn thành điều chính miệng Người đã phán với Đa-vít, thân phụ ta, rằng: ‘Ngươi định tâm xây một ngôi nhà để kính Danh Ta; ngươi định tâm như thế là tốt. Có điều là ngươi sẽ không xây nhà ấy, mà con của ngươi, kẻ từ lòng ngươi sinh ra, chính nó sẽ xây nhà để kính Danh Ta’.

Vâng, cho dù được mệnh danh là người khôn ngoan nhất trong thiên hạ và được thừa hưởng một nền chính trị ổn định và phồn vinh bậc nhất trong lịch sử dân Israel, nhưng Salomon khi hoàn tất Đền Thờ Giêrusalem vĩ đại đã không dành công ngiệp và vinh quang cho mình mà đã khiêm nhượng và đầy tình con thảo tuyên xưng rằng: “Chúc tụng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng đã ra tay hoàn thành điều chính miệng Người đã phán với Đa-vít”. Phải chăng, đây cũng chính là thái độ và tâm tình của tác giả Thánh Vịnh 126: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, Thợ nề vất vả cũng là uổng công”.

Dưới ánh sáng của sứ điệp Lời Chúa trong sách Các Vua, chúng ta lại khám phá ra rằng: trách nhiệm “xây dựng nhà Chúa”, đền thờ Chúa là của chính chúng ta, là “mệnh lệnh” Chúa ký thác cho chúng ta, không trừ ai: ‘chính nó sẽ xây nhà để kính Danh Ta’; và chính vua Salomon đã thi hành mệnh lệnh đó cách tốt đẹp: “Vâng, Con đã xây cho Ngài một ngôi nhà cao sang. Một nơi để Ngài ngự muôn đời.”. Chính vì thế, tất cả những ai đang có mặt hay vắng mặt, cha sở, cha phó và bà con giáo dân giáo xứ Gia Chiểu, họ Nghĩa Điền, các xứ bạn như Đại Bình, Thác Đá, Phù Mỹ…, những cộng đoàn vang bóng một thời giờ chỉ còn là một giáo điểm như Đồng Quả, Đồng Dài, Gia Hựu, Hội Đức…, các ân nhân xa gần, trong nước ngoài nước…, cùng với những đóng góp với từng bao xi măng, từng kí đinh, kí sắt, từng viên ngói viên gạch, từng cánh cửa bàn quỳ, từng bóng đèn, chậu kiểng, từng giọt hy sinh, từng lời kinh nguyện… Vâng, tất cả đều có trong ánh nhìn trân trọng của Chúa Kitô, như Ngài đã trân trọng “đồng xu teng của bà góa nghèo” mà Tin Mừng đã ghi nhận (Lc 21,1-4).

Với ngôi thánh đường sắp được cung hiến nầy, chúng ta, đặc biệt, anh chị em giáo họ Nghĩa Điền, từ hôm nay không còn phải lang thang, dài đường, nắng dãi mưa dầu để xuống Gia Chiểu, để về Đại Bình, để vô Phù Mỹ… mà “thờ phượng Chúa”; nhưng có thể đường hoàng ngẩng cao đầu cùng họp nhau “thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý” nơi “nhà cầu nguyện nầy”, như chính Chúa Giêsu đã phán dạy người phụ nữ Samari trong Trích đoạn Tin Mừng Gioan: “Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn”.

Thế nhưng, “thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý” đó có nghĩa làviệc thờ phượng phải quy hướng về Chúa Kitô, phải đón nhận và tin vào Ngài, phải hội nhập sâu xa vào cái chết và sự phục sinh của Ngài; nói cách khác, phải thờ phượng trên chính “Ngôi đền thờ là Thân Thể Ngài”, phải quy hướng cuộc sống mỗi ngày theo dấu bước và con đường Ngài vạch ra và gọi mời; phải tìm thấy sự hiện diện của Ngài trong Giáo Hội Hiệp thông, nơi các thánh, nơi mọi người và trên mọi nẻo đường cuộc sống, như cách cảm nhận đầy tính giáo lý của Thư Do Thái mà chúng ta nghe nơi bài đọc 2: “Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu, và đến cùng máu đã rảy khi giao ước lên tiếng còn mạnh thế hơn máu Abel…”.

Do ảnh hưởng của một thời đại dịch Covid với giản cách xã hội, với phương thế tham dự Thánh lễ online, không ít thì nhiều anh chị em chúng ta đã biến nhịp sống đức tin, đặc biệt, việc cử hành Phụng vụ, không còn mang giá trị và tinh thần “thờ Cha trong tinh thần và chân lý”, mà là thờ phượng theo “kỹ thuật hiện đại”, theo “nhu cầu của miếng cơm manh áo”, theo sự dễ dãi và nuông chiều bản thân… khi biến “đền thờ tâm hồn”, “đền thờ gia đình” và cả “đền thờ giáo họ giáo xứ” thành “dịch vụ” ! Vâng, một cách nào đó, chúng ta xứng đáng có mặt trong lời quở trách của Chúa Giêsu khi xưa “Hãy đem những thứ nầy ra khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Riêng với anh chị em Nghĩa Điền, có lẽ ngày hôm nay là ngày trọng đại nhất, hân hoan nhất, ý nghĩa nhất, không phải chỉ trong chiều kích văn hóa, xã hội, khi vùng đất khỉ ho cò gáy nầy đã vươn lên một ngôi thánh đường uy nghiêm mỹ lệ; một vùng đất mà ông cố Thọ, thân phụ của cố linh mục Anrê Huỳnh Thanh Khương, nguyên Tổng Đại Diện giáo phận Qui Nhơn, sau khi cưới vợ ở đây đã từng phán một lời thề: “Sẽ chẳng có lần thứ 2 đặt bước về nơi đó”. Vâng, hôm nay, Nghĩa Điền đã trở thành “Ruộng Nghĩa”, khi từ ngôi nhà mới sắp được cung hiến nầy, anh chị em sẽ được thường xuyên “thờ phượng Chúa, lắng nghe Lời Chúa và được nuôi dưỡng bằng các bí tích”, như Giáo Hội đã khẳng định trong chính Lời Nguyện Cung Hiến: “hôm nay dân tín hữu muốn cử hành nghi lễ trọng thể cung hiến ngôi nhà cầu nguyện nầy cho Chúa một cách vĩnh viễn, để nơi đây họ thờ phượng Chúa cách sốt sắng, lắng nghe Lời Chúa dạy bảo và được nuôi dưỡng bằng các bí tích”.

Và nếu anh chị em trung thành đến với “ngôi nhà cầu nguyện nầy” để thực hành ba việc trên, chắc chắn anh chị em sẽ từng ngày được kiện toàn để mỗi người sẽ trở nên một “ngôi đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trên anh chị em” (1 Cr 3, 9-17).

Hơn nữa, ngày lễ Cung hiến và Khánh thành nhà thờ hôm nay còn nêu bật ý nghĩa “Hiệp Hành”, một định hướng mục vụ mà cả Hội Thánh đang triển khai thực hiện. Vâng, anh chị em đã “hiệp hành” trong việc xây dựng nhà thờ, thì giờ đây, chúng ta càng phải “hiệp hành” trong nhịp sống cầu nguyện, phụng vụ, giáo lý và làm chứng đức tin bằng đời sống hiệp nhất bác ái. Thực ra, nhà thờ chính là một dấu chỉ hiệp hành rõ nét nhất; vì chưng, nhà thờ là dấu chỉ biểu trưng của Giáo Hội, mà như định nghĩa của ĐGH Phanxicô, Giáo Hội chính là cuộc đồng hành của Đoàn Chiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô[1]. Vâng, với những người Kitô hữu chúng ta, chính nơi nhà thờ mà tất cả chúng ta được chịu Phép rửa, cùng được nuôi sống bằng Thánh Thể, cùng được lớn lên trong Chúa Thánh Thần, cùng được băng bó vết thương lòng nhờ Tòa Giải tội, cùng vui buồn theo mọi biến cố trong đời… từ khi mới sinh cho đến lúc lìa thế.

 Sau hết, nếu vua Salomon đã xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa qua Hòm Bia Giao Ước được đặt tại đền thờ Giêrusalem và sốt sắng cầu nguyện: “Xin Ngài để mắt nhìn đến ngôi nhà này đêm ngày, nhìn đến nơi này, vì Ngài đã phán “Danh Ta sẽ ở đấy…”, thì chúng ta càng phải xác tín và cầu nguyện thiết tha hơn bội phần; vì ở đây, trong ngôi thánh đường nầy, đang có chính Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật hiện diện thường xuyên và sẵn sàng trao ban thịt máu để dưỡng nuôi linh hồn trên cuộc lữ hành về quê thật. Vì thế, để chung chia niềm vui với cộng đoàn dân Chúa giáo họ Nghĩa Điền, không gì hơn, cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện: “xin cho nơi đây vang lên lời ca ngợi hân hoan, hòa âm thanh loài người với những lời ca của các thiên thần, và liên lỉ bay lên tới Chúa lời nguyện cầu cho phần rỗi thế gian...” (Lời nguyện Cung Hiến). Amen.

Trương Đình Hiền


[1] ĐGH PHANXICO, Diễn văn dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục.