KHÁM PHÁ TẦM NHÌN NĂNG ĐỘNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ THỪA TÁC VỤ LINH MỤC
MƯỜI CHỦ ĐỀ NỀN TẢNG
WHĐ, 05-06-2020 – Khi còn sinh thời, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II có thói quen gửi thư cho các linh mục vào thứ Năm tuần thánh mỗi năm. Những lá thư đó đã được gom góp lại thành một tác phẩm quý giá cho đời sống và thừa tác vụ linh mục. Đức giáo hoàng Phanxicô hiện nay không gửi thư cho các linh mục vào thứ Năm tuần thánh, tuy nhiên ngài nói về đời sống và sứ vụ linh mục rất nhiều, ở nhiều nơi và trong nhiều lúc khác nhau. Giáo huấn của ngài phản ánh một tầm nhìn mới mẻ, năng động, và đầy tính dấn thân về con người và sứ vụ linh mục.
Trong Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Colombo, Sri Lanka, vào tháng 12 năm 2016, cha James H. Kroeger, MM., đã tặng cho các giám mục tập sách nhỏ nhan đề “Pope Francis and Priesthood”, trong đó ngài tổng hợp những suy tư và giáo huấn của Đức giáo hoàng Phanxicô thành 10 chủ đề nền tảng cho đời sống linh mục.
Cha James H. Kroeger, MM, có bằng thạc sĩ và tiến sĩ về truyền giáo học từ đại học Gregoriana ở Rôma; ngài đã phục vụ truyền giáo tại châu Á (Philippines và Bangladesh) kể từ năm 1970, làm việc tại các giáo xứ và phục vụ chủ yếu trong công tác giáo dục – đào tạo các chủng sinh, giáo lý viên, và giáo dân nòng cốt. Hiện nay cha dạy Kitô học, Giáo Hội học, Truyền giáo học, và “Thần học châu Á” ở Loyola School of Theology, Học viện Mục vụ Đông Á, và tại Trung tâm Giáo lý Mẹ của Cuộc sống ở Metro Manila. Ngài đã viết nhiều về Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) và thần học Philippines, truyền giáo, đối thoại liên tôn, và về Công đồng Vatican II.
Thiết nghĩ bản tổng hợp của cha Kroeger là món quà đáng quý cho anh em linh mục trong đời sống thiêng liêng và mục vụ.
DẪN NHẬP
Đức Giáo hoàng Phanxicô thực sự là một “Giáo hoàng của dân chúng,” ngài kết nối và tương tác tốt với dân chúng thuộc mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, các tầng lớp xã hội và lối sống. Người ta dành cho ngài nhiều thứ “đầu tiên”: giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên; giáo hoàng đầu tiên lấy danh hiệu Phanxicô; giáo hoàng ngoài châu Âu đầu tiên trong hơn 1.000 năm; giáo hoàng đầu tiên được vinh danh trong năm 2013 bởi tờ Thời Báo (Time) như là “Nhân vật của năm”, danh hiệu uy tín được trao cho người “có ảnh hưởng nhất đến các sự kiện của năm”.
Đức giáo hoàng Phanxicô thường được nhớ đến vì óc hài hước của mình và những câu nói đáng nhớ, người đã có hơn mười triệu người theo dõi trên Twitter. Khi được bầu làm giáo hoàng trong năm 2013, ngài đã nói với các vị hồng y khác: “Xin Chúa tha thứ cho những gì các vị đã làm”. Một đứa trẻ đã từng hỏi ngài nếu nó muốn trở thành giáo hoàng thì sao, và đây là phản ứng của ngài: “Con điên rồi khi muốn được làm giáo hoàng”. Những phát biểu của ngài có trí tuệ sâu sắc, thể hiện một cách ngắn gọn và đáng nhớ. “Một chút thương xót làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và công bằng hơn”. “Để khôn ngoan, hãy sử dụng ba cụm từ: suy nghĩ tốt, cảm nhận tốt, và làm việc tốt. Và để được khôn ngoan, hãy để cho mình biết ngạc nhiên trước tình yêu của Thiên Chúa!”
Ngoài những hiểu biết về các chủ đề mang tính thời sự, Đức giáo hoàng Phanxicô còn nói chuyện cách sâu sắc về linh mục và chức linh mục ở nhiều dịp khác nhau (ví dụ như lễ Dầu, lễ Truyền chức, Năm thánh Linh mục, v.v…). Phần trình bày khiêm tốn này cố gắng khai thác kho tàng phong phú về những hiểu biết của Đức Phanxicô về thừa tác vụ linh mục, trích dẫn rộng rãi những lời nói của Đức giáo hoàng; tập sách này xoay quanh mười chủ đề then chốt. Phải thừa nhận rằng, đây chỉ là một nỗ lực của tác giả để “chuyên đề hóa” [thematize] tư tưởng của Đức giáo hoàng Phanxicô về chức linh mục. Hai mươi bốn tài liệu có liên quan nhất có chứa “chất liệu linh mục” được trích dẫn (xem trang cuối cùng cho các nguồn thư tịch và các phương pháp trích dẫn). Bây giờ đã đến lúc trình bày những “suy tư về linh mục” của Đức giáo hoàng Phanxicô cách trực tiếp.
I. THẢ NEO ĐỜI LINH MỤC TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA KITÔ
Trong Tông huấn đầu tiên của mình, Niềm Vui của Tin Mừng (3), Đức Phanxicô trực tiếp mời tất cả mọi người (linh mục nói riêng) gắn bó hằng ngày với Chúa Giêsu. “Tôi mời tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay thời điểm này, hãy làm mới cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô… Tôi xin tất cả anh chị em hãy làm điều này luôn luôn mỗi ngày. Không ai nên nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình… Thiên Chúa không làm thất vọng những ai dám liều lĩnh như thế; bất cứ khi nào chúng ta tiến bước về Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng Ngài đã ở đó, đang chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở” (CC). “Mỗi người chúng ta đều rất thân thương đối với Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, chọn chúng ta và kêu gọi chúng ta để phục vụ… Mỗi ngày chúng ta nên tin tưởng cầu xin điều này, xin Chúa Giêsu chữa lành và xin được nên giống Chúa hơn, Đấng ‘không còn gọi chúng ta là tôi tớ nhưng là bạn hữu’ (Ga 15,15)” (SS). Đây là một thách thức rõ ràng cho các linh mục: sống đồng hình đồng dạng với Đức Kitô ngay giữa thế giới hôm nay. Nói cách đơn giản là tất cả mọi sự được cắm neo nơi tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu.
Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói về “sự mệt mỏi” của linh mục trong bài giảng lễ Dầu năm 2015, lưu ý là làm thế nào để những mệt mỏi đó có thể mang chúng ta đến gần Chúa Kitô hơn. “Sự mệt mỏi của các linh mục! Anh em có biết là tôi thường xuyên nghĩ đến sự mỏi mệt này không, điều mà tất cả linh mục đều có kinh nghiệm? Tôi nghĩ và cầu nguyện về điều đó, thường xuyên, đặc biệt là khi chính bản thân mình mệt mỏi… Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy bị đè nặng bởi công việc mục vụ, chúng ta có thể bị cám dỗ để nghỉ ngơi theo sở thích, như thể nghỉ ngơi tự nó không phải là một quà tặng của Thiên Chúa… Sự mệt mỏi của chúng ta là quý giá trong mắt của Chúa Giêsu, Đấng ôm ấp và nâng chúng ta lên… Đừng bao giờ quên rằng chìa khoá cho sứ vụ linh mục hiệu quả nằm ở chỗ chúng ta nghỉ ngơi như thế nào, và chúng ta nhìn ra sao cách Thiên Chúa giải quyết sự mệt mỏi của chúng ta. Học biết nghỉ ngơi không phải là chuyện dễ dàng! Điều này nói nhiều về sự tin tưởng và khả năng của chúng ta để nhận ra rằng chúng ta cũng là con chiên; chúng ta cần sự giúp đỡ của người Mục tử” (KK). Chúng ta cần phải học nghỉ ngơi trong vòng tay của Người Mục tử Nhân lành.
Trong năm 2016, Năm thánh Linh mục, Đức giáo hoàng Phanxicô, khi cử hành lễ Thánh Tâm, lưu ý rằng chúng ta phải luôn luôn “chiêm ngưỡng hai trái tim: trái tim của Chúa Chiên Lành và trái tim của chúng ta như là những linh mục. Trái tim của Chúa Chiên Lành không chỉ là Trái tim tỏ lòng thương xót, nhưng chính là lòng thương xót… Ở đó tôi biết là tôi được chào đón và thấu hiểu như chính tôi; ở đó, với tất cả những tội lỗi và giới hạn của mình, tôi biết chắc chắn rằng tôi đã được chọn lựa và yêu mến. Suy ngắm trái tim đó, tôi làm mới lại mối tình đầu của tôi; nhớ lại lúc mà Chúa chạm vào tâm hồn tôi và gọi tôi đi theo Ngài, nhớ lại niềm vui khi thả lưới cuộc đời của chúng ta trên biển của Lời Chúa” (WW). “Đừng bao giờ quên mối tình đầu của mình. Đừng bao giờ!” (GG)
Chắc chắn, với linh mục, mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô được liên kết mật thiết trong bí tích Thánh Thể. “Thông qua thừa tác vụ của anh em, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được nên hoàn hảo vì được kết hợp với hy tế của Chúa Kitô, hy tế mà qua bàn tay của anh em nhân danh toàn thể Hội Thánh, được dâng một cách không đổ máu trên bàn thờ trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Do đó, khi anh em cử hành thánh lễ, hãy hiểu những gì anh em làm. Đừng cử hành một cách vội vàng! Hãy noi theo điều anh em cử hành – đó không phải là một nghi thức nhân tạo, một lễ nghi nhân tạo – để khi tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, anh em có thể mang lấy sự chết của Chúa Kitô nơi các chi thể của mình và bước đi cùng Người trong đời sống mới” (LL).
Là linh mục, chúng ta “không thể sống mà không có một mối quan hệ sống động, cá nhân, xác thực và vững chắc với Chúa Kitô… [một] linh mục không được nuôi dưỡng hằng ngày bằng Lương thực Thần linh sẽ trở thành một công chức… Cầu nguyện hằng ngày, siêng năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh thể và Hòa giải, tiếp xúc hằng ngày với Lời Chúa và nền linh đạo được chuyển thành đức ái sống động – đây là những dưỡng chất quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Hãy biết rõ là tách rời Ngài, chúng ta không làm gì được (x. Ga 15, 5)” (HH).
II. NHƯ MỘT MỤC TỬ NHÂN LÀNH, HÃY GẦN GŨI VỚI DÂN CHÚNG
Đức giáo hoàng Phanxicô đã nêu rõ: “Dân chúng yêu linh mục của mình; họ muốn và họ cần mục tử của họ! Các tín hữu không bao giờ để linh mục ở không, trừ khi linh mục trốn trong các văn phòng, hoặc đi chơi ngồi trong xe hơi với kính râm. Có một sự mệt mỏi tốt và lành mạnh. Đó là sự kiệt sức của linh mục mang mùi của chiên, nhưng cũng mỉm cười với nụ cười của một người cha vui mừng với con cháu của mình… Nếu Chúa Giêsu đang chăn dắt chiên ở giữa chúng ta, chúng ta không thể là những mục tử cau có, rầu rĩ, hay thậm chí tệ hơn, chán chường. Mùi của chiên và nụ cười của một người cha” (KK).
“Niềm vui của Chúa Giêsu, Mục tử Nhân lành, không phải là niềm vui cho riêng mình, nhưng là niềm vui cho người khác và với người khác, niềm vui thực sự của tình yêu. Đây cũng là niềm vui của linh mục. Linh mục được biến đổi bởi lòng thương xót mà ngài tự do ban tặng… Anh em linh mục thân mến, trong cử hành Thánh Thể mỗi ngày, chúng ta tái khám phá căn tính của chúng ta như những mục tử. Trong mỗi thánh lễ, ước gì chúng ta thực sự lấy những lời của Chúa Kitô làm lời của mình: “Đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Đây là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta; với những lời này, một cách thực tế, chúng ta hằng ngày có thể làm mới lại những lời hứa chúng ta đã thốt lên khi được phong chức linh mục. Tôi cảm ơn tất cả anh em vì đã thưa ‘Vâng’!”(WW).
Nói về “linh mục-mục tử trong giáo xứ của mình hoặc trong các nhiệm vụ được giao phó”, Đức Phanxicô ghi nhận rằng nhiệm vụ này “mang lại cho linh mục niềm vui bất cứ khi nào linh mục trung thành với sứ vụ, bất cứ khi nào linh mục làm những gì ngài phải làm và từ bỏ tất cả những gì ngài phải từ bỏ, miễn là ngài đứng vững giữa đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó cho ngài: Hãy chăm sóc chiên của Thầy (x. Ga 21, 16-17)… Những ai được gọi nên biết rằng niềm vui đích thực và trọn vẹn đang có mặt trong thế giới này: đó là niềm vui được “nắm lấy” từ những người chúng ta yêu thương, rồi được trao lại cho họ như là những người phân phát ân sủng và lời khuyên của Chúa Giêsu, Vị Mục tử Nhân lành, với lòng thương cảm thẳm sâu dành cho những người bé mọn và bị ruồng rẫy trên trái đất này, mệt mỏi và bị áp bức như chiên không có người chăn. Người muốn liên kết nhiều người khác nữa vào trong sứ vụ của Người, để nơi con người của các linh mục, chính Chúa ở lại với chúng ta và làm việc, vì lợi ích của dân chúng” (EE). “Hãy luôn giữ trong tâm trí hình ảnh người Mục tử Nhân lành, người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ; tìm kiếm và cứu người đã mất”. (RR).
Các linh mục sẽ chia sẻ những thống khổ của người dân. “Trong cầu nguyện, chúng ta xin ơn để “cảm nhận và cảm nếm” Tin Mừng, để Tin Mừng có thể làm cho chúng ta “nhạy cảm” hơn trong cuộc sống… Chúng ta có thể xin ơn để cùng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cảm nếm mật đắng của tất cả những người thông phần thập giá của Người, và ngửi mùi hôi tanh của khổ đau – trong bệnh viện dã chiến [một biểu thức yêu thích của Đức giáo hoàng Phanxicô], trong xe lửa và tàu thuyền chen chúc với mọi người. Hương thơm của lòng thương xót không che giấu mùi hôi thối này. Thay vào đó, bằng cách xức dầu cho nó, nó đánh thức niềm hy vọng mới”(VV).
Với Đức giáo hoàng Phanxicô, công việc của các linh mục không hệ tại ở “những việc làm hoàn toàn máy móc, giống như điều hành một văn phòng, xây hội trường giáo xứ hay bày ra một sân bóng đá cho thanh thiếu niên trong giáo xứ… Các nhiệm vụ mà Chúa Giêsu nói đến đòi hỏi khả năng thể hiện lòng từ bi; con tim chúng ta phải được ‘đánh động’ và thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta phải vui mừng với những cặp vợ chồng kết hôn; chúng ta phải cùng cười với những trẻ được mang tới dòng nước rửa tội; chúng ta phải đi cùng với những cặp đôi và gia đình trẻ; chúng ta phải đau khổ với những người được xức dầu trên giường bệnh của họ; chúng ta phải than khóc với những người đang chôn cất người thân yêu… Đối với anh em linh mục chúng ta, những gì xảy ra trong cuộc sống của người dân không giống như một bản tin: chúng ta biết dân của mình, chúng ta cảm nhận những gì đang diễn ra trong trái tim của họ. Trái tim chúng ta chia sẻ sự đau khổ của họ, cảm được ‘sự đồng cảm’, bị kiệt sức, bị vỡ thành hàng nghìn mảnh, bị đánh động và thậm chí ‘bị ăn’ bởi dân chúng” (KK).
Sứ điệp cho các linh mục mà Đức giáo hoàng Phanxicô thường xuyên nhấn mạnh được thể hiện trong lễ phong chức mười linh mục trong ngày Chúa nhật Chúa Chiên lành năm 2013: “Hôm nay, nhân danh Chúa Kitô và Hội Thánh, tôi xin anh em: đừng bao giờ chán nản thực thi lòng thương xót” (BB). Khi ngài phong chức cho mười ba linh mục vào ngày 11 tháng Năm năm 2014, Đức Phanxicô nói: “Và giờ đây tôi muốn tạm dừng để xin anh em: vì tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, đừng bao giờ chán nản thực thi lòng thương xót!” (FF). Trong lễ Dầu năm 2016, Đức Phanxicô đã ghi nhận: “Là linh mục, chúng ta vừa là những chứng nhân vừa là những thừa tác viên của lòng thương xót của Chúa Cha, lòng thương xót ngày càng phong phú; chúng ta có nhiệm vụ đáng làm và đầy an ủi là nhập thể lòng thương xót, như Chúa Giêsu đã làm” (QQ). Tông sắc Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót của Đức Phanxicô năm 2015, Dung mạo của lòng thương xót, tràn ngập những suy tư và cảm nhận về lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong Niềm Vui của Tin Mừng, Đức Phanxicô trích dẫn thánh Tôma Aquinô, khẳng định rằng “lòng thương xót là nhân đức lớn nhất của tất cả các nhân đức” và “vì bản tính của Thiên Chúa là có lòng thương xót” (EG 37).
III. TÌM SỐNG MỘT LỐI SỐNG GIẢN DỊ; LUÔN SẴN SÀNG
Mặc dù các linh mục triều không khấn khó nghèo như các linh mục dòng, tất cả các linh mục cần tự sống và thực hành một lối sống đơn giản. Trong những năm sống ở Buenos Aires, Đức hồng y Bergoglio sống trong một căn hộ nhỏ chứ không phải trong dinh thự dành cho giám mục; ngài dùng phương tiện giao thông công cộng chứ không dùng ôtô với tài xế riêng; ngài tự nấu ăn. Khi là một vị giáo hoàng mới được tuyển chọn, ngài cùng với các vị hồng y khác đi xe buýt công cộng, thanh toán tiền phòng khách sạn, và hiện tại ngài tiếp tục di chuyển bằng một chiếc xe rất giản dị và sống ở Casa Santa Marta. Đức giáo hoàng Phanxicô biết nhu cầu vật chất cần thiết cho việc tông đồ; tuy nhiên ngài cũng đòi hỏi các linh mục xem xét lại sự chân thành và tính xác thật của mình trong việc sống tinh thần nghèo khó. Đức Phanxicô thừa nhận rằng: “Trong Hội Thánh, chúng ta đã và vẫn đang có những tội lỗi và sa ngã… Dân Chúa tha thứ cho các linh mục chúng ta nhiều lỗi lầm, ngoại trừ tội dính bén đến tiền bạc. Vấn đề ở đây không chỉ là về chính tiền bạc, nhưng là vì tiền bạc làm cho chúng ta mất đi kho tàng của lòng thương xót. Dân Chúa có thể lần ra được tội nào là tội trầm trọng đối với linh mục, những tội giết chết thừa tác vụ của linh mục… Thương xót không chỉ là ‘một lối sống’, nhưng là ‘lối sống duy nhất’. Không có con đường nào khác để trở thành một linh mục” (VV).
Làm thế nào để các linh mục trở thành “người đầy tớ tốt và trung thành” (x. Mt 25,21)? Đối với Đức Phanxicô, “chúng ta được đòi hỏi phải sẵn sàng… Mỗi buổi sáng người linh mục tập luyện cho mình có sự rộng lượng với cuộc đời mình và tập nhận ra rằng những giờ sống còn lại trong ngày không phải là của mình, nhưng là dành cho những người khác… Người phục vụ thì mở lòng trước những ngạc nhiên, những ngạc nhiên không ngừng của Thiên Chúa… Người phục vụ không bận tâm về thời gian biểu. Tôi rất bực bội khi thấy một thời gian biểu trong một giáo xứ nọ: ‘Việc từ giờ này qua giờ khác’. Và sau đó thì sao? Không có cánh cửa mở, không có linh mục, không có phó tế, không có giáo dân để đón nhận người khác. Thế này thì không tốt… Nếu anh em muốn chứng tỏ rằng anh em sẵn sàng cho người khác, thừa tác vụ của anh em không phải là tự phục vụ cho bản thân, nhưng là sự đơm hoa kết trái của Tin Mừng” (SS).
Đức Phanxicô đã thường nói về nhân đức sẵn sàng trong đời linh mục. Trong lễ Dầu năm 2014, ngài lưu ý: “Tính sẵn sàng của các linh mục làm cho Hội Thánh trở thành một ngôi nhà mở rộng cửa, nơi nương tựa cho các tội nhân, là nơi cư ngụ cho những người sống ở đường phố, là nơi chăm sóc yêu thương cho bệnh nhân, là lều trại cho những người trẻ, là lớp học giáo lý cho các trẻ em chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rước lễ lần đầu… Nơi nào dân Chúa có nhu cầu hoặc mong muốn, nơi đó có linh mục, là người biết lắng nghe (ob-audire) và cảm nhận mệnh lệnh yêu thương từ Đức Kitô, Đấng đã sai linh mục đến để xoa dịu, đáp ứng nhu cầu đó với lòng thương xót hoặc đến để khuyến khích những mong muốn tốt đẹp với đức mến dồi dào trong họ” (EE).
Sự kiên quyết sống một lối sống đơn giản của Đức giáo hoàng Phanxicô được thể hiện cụ thể trong việc chọn tên của ngài: Phanxicô. Nhiều chi tiết về “việc chọn tên” của ngài đã được biết đến vì chính Đức Phanxicô đã kể ra. Khi ngài được chọn cách rõ ràng, bạn của ngài, Đức hồng y Claudio Hummes, người ngồi cạnh ngài, đã ôm chầm lấy ngài, hôn ngài, và nói: “Đừng quên người nghèo!” Đức Phanxicô đã nói: “Những từ này đã hiện lên trong tôi: người nghèo, người nghèo. Rồi ngay lập tức, nghĩ đến người nghèo, tôi nghĩ đến thánh Phanxicô thành Assisi. Đối với tôi, thánh nhân là con người của sự khó nghèo”. Đức Phanxicô còn thêm: “Tôi mong muốn một Giáo Hội nghèo và vì người nghèo”. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã có một phần chính yếu nói về việc bao gồm người nghèo trong Hội Thánh và trong xã hội (EG 186-216); ngài mạnh mẽ lặp lại mong muốn của mình: “Tôi muốn một Giáo Hội nghèo và vì người nghèo” (EG 198).
IV. CHẤP NHẬN NHỮNG GIỚI HẠN CÁ NHÂN; TRỞ THÀNH MẪU GƯƠNG CỦA SỰ TOÀN VẸN
Thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 5,1) nói rằng “mỗi thượng tế đã được tuyển chọn từ muôn người và làm đại diện trước mặt Thiên Chúa”. Presbyterorum Ordinis, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục của Công đồng Vaticanô II, khẳng định: “Các linh mục, được tuyển chọn từ loài người và được đặt ra cho loài người để lo việc Thiên Chúa hầu dâng những hiến vật và hy tế đền tội, các linh mục sống với người khác như với anh em (PO 3)”. Linh mục thực sự là “ở trong thế giới này nhưng không thuộc về thế giới này”; họ cần ý thức sâu sắc cả hai “sự hư không”/“tính con người” cũng như là “sự vĩ đại”/“phẩm giá”. Ngay cả trong sự yếu đuối của họ, các linh mục vẫn biểu lộ quyền năng phi thường và sự hiện diện của Chúa. Tác động đa dạng của ơn Chúa trong những giới hạn của con người quả thật là một huyền nhiệm sâu xa. Hàng linh mục chúng ta phải để cho mình được dìm trong lòng thương xót Chúa – và để mình vỡ òa niềm vui tri ân.
Đức Phanxicô nói: “Đó là cách mà chúng ta [những linh mục] phải nhìn vào chính mình: cân bằng giữa sự xấu hổ tột bực và phẩm giá siêu phàm của chúng ta. Dơ nhớp, ô uế, bần tiện và ích kỷ, nhưng đồng thời với bàn chân được cọ rửa, được gọi, và được chọn để phân phát lương thực phong phú của Chúa, được chúc phúc, được yêu, và được quan tâm bởi muôn người. Chỉ có lòng thương xót mới làm cho tình cảnh này có thể chịu đựng được. Không có điều này, thì hoặc là chúng ta tin vào sự công chính của chúng ta như những người Pharisêu, hoặc là chúng ta co rút lại như những người cảm thấy không xứng đáng… Điều quan trọng là mỗi người chúng ta cảm thấy được sự nghịch lý đầy hoa trái đó đã được sản sinh từ lòng nhân từ của Chúa: chúng ta vừa là tội nhân được tha thứ, vừa là tội nhân được phục hồi lại phẩm giá” (TT). “Lòng từ bi của Thiên Chúa… thì luôn luôn “lớn hơn” ý thức tội lỗi của chúng ta” (UU).
Đức giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng “Vì vậy, một linh mục tốt thì trước tiên phải là một người trong thân phận con người của mình, con người đó biết lịch sử đời mình với những phong phú và những thương tích của nó, là người đã học làm hòa với nó, đã đạt được sự thanh thản thiết yếu thích hợp để trở thành môn đệ Chúa Kitô… Bản chất con người chúng ta là một ‘bình sành’ trong đó chứa đựng kho báu của Chúa, một bình sành mà chúng ta cần phải chăm sóc, để có thể truyền đạt thật tốt nội dung quý giá bên trong… Linh mục là ‘thượng tế’, vừa là người thân cận với Thiên Chúa vừa gần gũi với con người; linh mục là người ‘tôi tớ’, người rửa chân, người biết làm cho mình trở nên thân cận với những người yếu đuối nhất; linh mục phải là một “chủ chăn tốt”, người luôn chăm sóc quan tâm đến đoàn chiên của mình” (OO).
Đức giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra những lời lẽ rất nặng về nhiều lỗi lầm và thiếu sót khác của hàng linh mục, đó là: bệnh nghề nghiệp hóa thừa tác vụ linh mục/ chủ nghĩa độc đoán/ [và] “chủ nghĩa giáo điều đã bóp méo tôn giáo” (DD). Có tội “thần kinh phân liệt… bệnh của những người sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình xoàng xĩnh (HH). Nhiều lần, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói với các linh mục là cần phải khoan dung hơn đối với những người Kitô giáo ly dị và cần đón nhận những cặp tái hôn và con cái của họ vào Hội thánh (NN). “Hội thánh được kêu gọi để trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa… Mọi người có thể tham dự một cách nào đó vào đời sống Hội thánh; mọi người có thể là thành phần của cộng đoàn, và các cửa của các bí tích [Vd. Bí tích Rửa tội, bí tích Thánh thể] cũng không được đóng vì bất cứ lý do nào” (EG 47).
Vì thế, các linh mục cần phải không ngừng chất vấn lại lương tâm và lối sống của mình. Đức giáo hoàng Phanxicô đưa ra một bản xét mình vắn tắt cho các linh mục: “Con tim của tôi ở đâu? Giữa muôn người, cầu nguyện với và cho mọi người, hòa với niềm vui và nỗi buồn của họ, hay hơn nữa, hòa cùng mọi việc diễn ra trên thế giới này, những vấn đề thế tục, không gian riêng của tôi?” (OO).
Một lần khác, Đức Phanxicô gợi ý “Thánh thi về đức ái” trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Côrintô như là một bản chỉ dẫn cho việc xét mình (JJ). Thêm vào đó, liệu hàng linh mục chúng ta có nhận ra rằng chúng ta là “những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10), “những người mà Thiên Chúa đã chúc phúc với những hoa trái của ơn thiêng, đồng bàn, và thết đãi bí tích Thánh thể”? (VV). Linh mục – toàn thể Giáo Hội – không bao giờ tự đề cao mình! (VV) .
V. BIỂU LỘ NIỀM VUI TRONG SỨ VỤ; NHẬN VÀ TRAO BAN NIỀM CẢM MẾN
Chủ đề nổi bật trong bài suy niệm của Đức giáo hoàng Phanxicô trong lễ Dầu thứ hai (2014) là “niềm vui của chức linh mục”. “Chúng ta tưởng niệm ngày hạnh phúc Chúa lập chức linh mục và ngày chúng ta chịu chức linh mục. Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô bằng dầu hoan lạc và việc xức dầu này mời gọi chúng ta hãy đón lấy và quý trọng hồng ân cao cả này: niềm vui, niềm hoan lạc trở thành một linh mục. Niềm vui của chức linh mục là một thiện ích quý giá không những cho đương sự nhưng còn cho toàn thể tín hữu của Thiên Chúa: từ những tín hữu đó mà linh mục được kêu gọi để được xức dầu và rồi, đến lượt linh mục được sai đi để xức dầu cho dân” (EE).
“Niềm vui linh mục có nguồn mạch từ tình thương của Chúa Cha và Thiên Chúa muốn rằng niềm vui của tình thương này ở “trong chúng ta” và “được viên mãn” (Ga 15,11)… Có ba đặc tính đầy ý nghĩa trong niềm vui linh mục của chúng ta: đó là niềm vui xức dầu cho chúng ta…, đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui sứ vụ, lan tỏa và cuốn hút… Một niềm vui xức dầu chúng ta. Nghĩa là, sự xức dầu ấy thấu nhập tận thâm tâm chúng ta, uốn nắn con tim chúng ta và củng cố bằng bí tích… chúng ta được xức dầu đến tận xương tủy, và niềm vui của chúng ta, trào ra từ thẳm sâu tâm hồn, chính là âm vang của sự xức dầu ấy. Một niềm vui không thể bị hư hỏng… mà Thiên Chúa đã hứa là không ai có thể tước đoạt (Ga 16,22)… Một niềm vui sứ vụ: niềm vui của linh mục được đặt trong quan hệ thân mật với sự thánh thiện của Thiên Chúa và của các tín hữu: … để rửa tội và thêm sức họ, để săn sóc và thánh hiến họ, để chúc lành, để an ủi và loan báo Tin Mừng cho họ (EE).
Hồi tưởng lại tài liệu chính yếu thứ nhất do Đức giáo hoàng Phanxicô ban hành là Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng). Đối với Đức Phanxicô, “Niềm vui của Tin mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu… Với Đức Kitô, niềm vui luôn được tái sinh… tôi muốn khích lệ các Kitô hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này (EG 1).
Ẩn chứa trong Tông huấn đầu tiên này của Đức Phanxicô là nhiều diễn đạt sáng tạo để nhắc nhở chúng ta về trọng tâm của niềm vui trong việc tông đồ. “Có những Kitô hữu sống đời mình như chỉ có Mùa Chay mà không có Mùa Phục Sinh” (EG 6). “Một nhà loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đưa đám về (EG 10). Chúng ta phải đề phòng “khoa tâm lý nấm mồ” “biến các Kitô hữu thành những xác ướp trong viện bảo tàng” (EG 83). Đức Phanxicô trích dẫn lời của Thánh Gioan XXIII, khẳng định rằng: “Chúng ta thấy không thể đồng tình với những nhà tiên tri của thảm họa, những người luôn tiên báo có thảm họa, như thể ngày tận thế đã tới gần” (EG 84). Các tín hữu Kitô giáo phải tránh bất cứ điều gì “biến chúng ta thành những kẻ bi quan, bất mãn và “vỡ mộng” (EG 85). “Chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng!” (EG 83).
Đối với Đức Phanxicô, một linh mục phải là một tông đồ thực thụ, “một người thông truyền niềm vui tại bất kỳ nơi nào anh ta đến. Một con tim đầy Thiên Chúa là một con tim hạnh phúc, chiếu tỏa và làm lan rộng niềm vui, nó được minh chứng ngay lập tức! Chúng ta đừng đánh mất tinh thần vui tươi, óc hài hước, thậm chí tự cười mình, những điều đó làm cho người ta dễ mến ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Một chút hài hước thật là tốt dường nào. Chúng ta sẽ làm tốt nếu thường đọc kinh của thánh Thomas More. Tôi vẫn đọc kinh đó hằng ngày” (HH). Câu cuối trong kinh nguyện của More là: “Lạy Chúa, xin cho con một cảm thức hài hước tốt lành. Xin ban cho con ơn hiểu biết những trò đùa, để khám phá trong cuộc sống một chút niềm vui, và có thể chia sẻ niềm vui với người khác (HH).
Đức giáo hoàng Phanxicô đã nài xin Chúa tha thiết ban cho các linh mục món quà của niềm vui. “Trong ngày thứ Năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu gìn giữ niềm vui bừng sáng trong đôi mắt của các tân linh mục… Lạy Chúa, xin giữ gìn nơi các linh mục trẻ của Chúa niềm vui được khởi hành, niềm vui làm mọi sự như thể là lần đầu tiên, niềm vui của tiêu hao cuộc sống vì Chúa… Tôi cầu xin Chúa củng cố niềm vui linh mục nơi những người đã thi hành sứ vụ này trong nhiều năm trời…, những người đang vác gánh nặng của sứ vụ… tôi xin Chúa Giêsu làm cho niềm vui của các linh mục cao niên, lành mạnh hay yếu đau, được chiếu tỏa rạng ngời. Đó là niềm vui của Thập giá… Xin cho họ cảm nhận niềm vui của người trao lại ngọn đuốc, niềm vui được thấy những thế hệ mới của các đứa con tinh thần của họ, và cảm nghiệm những lời hứa, trong nụ cười và sự bình an, trong niềm hy vọng sẽ không làm chúng ta thất vọng”.
VI. TẬN TÂM CHO VIỆC GIẢNG DẠY TỐT
Nhiều người Công giáo đã ngạc nhiên khi Đức giáo hoàng Phanxicô dành hai mươi lăm đoạn trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng để nói về bài giảng và việc giảng lễ (EG 135- 159). Ngài dùng nhiều câu thẳng thắn thậm chí bộc trực để nói về các linh mục và về việc giảng lễ. “Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng” (135). “Bài giảng không thể mang một hình thức giải trí… bài giảng phải ngắn và tránh mang dáng dấp của một bài diễn văn hoặc thuyết trình… Nếu bài giảng quá dài, nó sẽ ảnh hưởng đến hai yếu tố đặc trưng của cử hành phụng vụ: sự cân bằng và nhịp điệu” (138). “Chuẩn bị bài giảng là một nhiệm vụ rất quan trọng nên phải dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ… Một người giảng thuyết không chuẩn bị thì không “có thần khí”; họ là người bất lương và vô trách nhiệm đối với các ân huệ họ đã nhận (145).
Bài giảng “không được sử dụng để sửa sai các lỗi lầm…, không được sử dụng để dạy học thuyết…, không được sử dụng nó để giải thích những tư tưởng thần học khác nhau…, chúng ta đừng nên sử dụng để nói về những tin tức mới nhất” (147). “Điều quan trọng là nhà thuyết giảng phải chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương họ, rằng Đức Giêsu Kitô đã cứu họ, và rằng tình yêu của Ngài luôn luôn có tiếng nói cuối cùng” (151). “Vì thế việc soạn bài giảng trở thành một việc luyện tập phán đoán theo Tin Mừng” [liên hệ niềm tin sâu sắc vào cuộc sống hiện tại] (154). “Một đặc tính khác của một bài giảng hay đó là ngôn ngữ tích cực… Giảng tích cực luôn luôn đem lại hy vọng, vạch ra tương lai, không để chúng ta mắc kẹt trong tiêu cực” (159).
Khi trò chuyện với những tân linh mục, Đức Phanxicô nói: “Mong rằng bài giảng của anh em không buồn tẻ; mong cho các bài giảng của anh em chạm được đến trái tim của dân chúng vì nó đến từ trái tim của anh em, vì những gì anh em giảng cho họ là những gì anh em đang mang trong tim. Theo cách này, Lời Chúa được rao truyền, và như thế việc giảng dạy của anh em sẽ là niềm vui và nâng đỡ cho dân Chúa; hương thơm đời sống của anh em sẽ là bằng chứng” (LL). Có người sẵn sàng nhớ lại ở đây châm ngôn của Đức hồng y Gioan Henry Newman: Cor ad cor loquitur [Trái tim nói với trái tim].
“Người ta nhận ra vị tư tế tốt lành qua cách thức dân của vị ấy được xức dầu. Khi các tín hữu chúng ta được xức bằng dầu hoan lạc thì ta nhận thấy ngay điều đó, chẳng hạn khi họ giã từ thánh lễ với khuôn mặt của người đã nhận tin vui. Các tín hữu của chúng ta đã vui mừng đón nhận Phúc Âm được rao giảng với việc ‘xức dầu’, họ hài lòng khi Tin mừng mà chúng ta loan báo chạm vào đời sống hằng ngày của họ…, khi nó soi sáng cho những hoàn cảnh tối tăm cùng cực… Dân chúng cảm ơn chúng ta vì họ cảm thấy chúng ta đã cầu nguyện với những thực tại của đời sống hằng ngày, những cơ cực và vui mừng, những lo âu và hy vọng của họ” (AA).
VII. CẨN THẬN GIÁM SÁT BẤT CỨ “VỊ TRÍ HOẶC QUYỀN LỰC GIÁO SĨ” NÀO ANH EM SỞ HỮU
Có lẽ điểm chú tâm nhất của Đức giáo hoàng Phanxicô để cảnh báo các linh mục và giám mục về một số cạm bẫy trong sứ vụ và đời sống của họ được tìm thấy trong sứ điệp Giáng sinh năm 2014 cho giáo triều Rôma (HH). Sứ điệp đã được chế tác như một bản “xét mình,” theo những thực hành của các giáo phụ sa mạc, các ngài đã chuẩn bị “những danh sách” như sự chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải. Đức Phanxicô lưu ý rằng việc chữa lành được thực hiện khi chúng ta ý thức về bệnh tật của mình, cùng với những quyết định cá nhân và cộng đoàn để áp dụng các phương dược thích hợp cách kiên nhẫn và kiên trì.
Đức Phanxicô đã đề cập đến một số “các bệnh tật và cám dỗ làm suy yếu việc phục vụ của chúng ta đối với Thiên Chúa” có thể xảy ra, những điều mà có thể làm suy yếu “mối quan hệ quan trọng, cá vị, xác thực và vững chắc với Đức Kitô” của chúng ta. Việc đề cập đến một số vấn đề cụ thể nhằm trình bày rõ ràng và có thể thúc đẩy “một mối liên hệ sống động với Thiên Chúa, và mối liên hệ đó nuôi dưỡng, củng cố sự hiệp thông của chúng ta với những người khác”. “Bản liệt kê các thứ bệnh” bao gồm mười lăm mục (HH).
Đầu tiên, đó là (1) “Bệnh suy nghĩ chúng ta là ‘bất tử’, ‘miễn nhiễm’ hoặc hoàn toàn ‘không thể thiếu được’; … nó là bệnh của những người tự cho rằng mình là lãnh chúa và thầy dạy và nghĩ mình ở trên những người khác chứ không phải để phục vụ họ. Nó là kết quả của căn bệnh quyền lực, phát xuất từ mặc cảm tự tôn”. (2) “Bệnh khác là ‘làm việc thái quá của Mátta’, quá bận rộn… Chúa Giêsu bảo các môn đệ ‘nghỉ ngơi một chút’”. (3) “Và cũng có bệnh về “sự cứng cỏi – hóa đá”, về tinh thần và tâm linh; có mặt nơi những người có một trái tim bằng đá…, những người mất ‘những tâm tình của Chúa Giêsu’”. (4) “Bệnh kế hoạch thái quá và duy hiệu năng”. (5) “Bệnh kém hợp tác [đang nổi lên] một khi các thành viên mất hiệp thông với nhau”.
Đức giáo hoàng Phanxicô liệt kê những bệnh có thể xảy ra khác nữa, như là (6) “bệnh suy thoái não bộ tâm linh [căn bệnh mà] quên đi ‘lịch sử cứu độ’, lịch sử quá khứ của chúng ta với Chúa và ‘mối tình đầu’ của chúng ta… Chúng ta nhìn thấy thứ bệnh này nơi những người đã đánh mất ký ức về cuộc gặp gỡ của họ với Chúa”. (7) “Bệnh của cạnh tranh và háo danh … [bao gồm] tước hiệu của danh dự”. (8) “Bệnh tâm thần phân liệt hiện sinh; đây là bệnh của những người sống một cuộc sống hai mặt”. (9) “Bệnh ngồi lê đôi mách, lẩm bẩm và nói hành… Thưa anh em, chúng ta phải cảnh giác chống lại chủ nghĩa khủng bố của tin đồn!” (10) “Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo… với hy vọng được họ ủng hộ”. Những người lãnh đạo Giáo Hội như vậy là nạn nhân của chủ nghĩa nghề nghiệp và chủ nghĩa cơ hội… Họ chỉ nghĩ về những gì họ có thể nhận được chứ không phải những gì họ nên cho đi”.
Năm bệnh cuối cùng được Đức giáo hoàng Phanxicô liệt kê ra bắt đầu với (11) “Bệnh dửng dưng với người khác. Đây là nơi mà mỗi cá nhân chỉ nghĩ đến bản thân mình và mất đi sự chân thành và ấm áp của các mối liên hệ nhân sinh”. (12) “Bệnh của một khuôn mặt đưa đám. Những người cau có và khắc khổ nghĩ cách nghiêm trọng rằng, chúng ta phải tạo nên một khuôn mặt u sầu và nghiêm trọng; và đối xử người khác… với sự nghiêm khắc, cộc cằn và cứng cỏi”. (13) “Bệnh tích trữ [khi một người] cố gắng để lấp đầy khoảng trống hiện hữu trong trái tim bằng cách tích lũy của cải vật chất, không phải vì nhu cầu mà chỉ để cảm thấy an toàn”. (14) “Bệnh của những nhóm khép kín, ở đó thuộc về một phe nhóm trở nên mạnh mẽ hơn, quan trọng hơn là thuộc về Hội Thánh, và trong một số hoàn cảnh, mạnh hơn là thuộc về chính Chúa Kitô”. Cuối cùng, (15) “các bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương [mà bắt đầu khi] một tông đồ biến sự phục vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực thành hàng hoá nhằm đạt được lợi lộc của thế gian hay quyền lực lớn hơn”.
“Thưa anh em, các bệnh và những cám dỗ này là một mối nguy hiểm tự nhiên… Chúng ta cần phải rõ ràng rằng chỉ có Chúa Thánh Thần, Đấng có thể chữa lành tất cả những yếu đuối của chúng ta… Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria… làm cho chúng ta yêu mến Hội Thánh như Chúa Kitô, Con của Mẹ và Chúa của chúng ta, yêu thương Mẹ, để có can đảm thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân cần lòng thương xót của Chúa… Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi! Chân thành cảm ơn!” (HH).
Cần lưu ý rằng nếu vào dịp Giáng sinh năm 2014 Đức Phanxicô đã đưa ra một danh mục của mười lăm “bệnh giáo triều” (mà cũng có thể lây nhiễm sang các linh mục); thì sau đó trong sứ điệp Giáng sinh năm 2015, ngài đã nói về “những phương thuốc kháng sinh”. Ngài đã sử dụng mười hai chữ cái của từ MISERICORDIA để kết nối với cốt lõi của sứ điệp tích cực của mình, bắt chước những gì Matteo Ricci đã làm trong sáng kiến truyền giáo của mình ở Trung Quốc. Đức Phanxicô tóm kết suy tư của ngài với lời cầu nguyện được cho là của chân phước Oscar Arnulfo Romero, lưu ý rằng các linh mục là “những đầy tớ, không phải là những Đấng Cứu Thế” (PP).
VIII. CHÚ TRỌNG “LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN” CỦA CÁC TÍN HỮU
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Đức giáo hoàng Phanxicô dành một số phần để nói về “sức mạnh truyền giáo của lòng đạo đức bình dân” (EG 122- 126). Một vài trích đoạn ngắn gọn để nắm bắt tư tưởng của Đức Thánh Cha.
“Lòng đạo đức bình dân cho phép chúng ta thấy rằng đức tin, sau khi được lãnh nhận, sẽ hội nhập vào một nền văn hóa và liên tục được truyền lại. Từng có thời bị hạ thấp, lòng đạo đức bình dân đã được đánh giá cao trở lại trong những thập niên sau Công Đồng. Trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), Đức giáo hoàng Phaolô VI đã tạo một động lực quyết định trong lĩnh vực này. Trong Tông huấn, ngài đã tuyên bố rằng lòng đạo đức bình dân ‘biểu lộ một nỗi khao khát Thiên Chúa mà chỉ có người nghèo và người đơn sơ có thể biết’, và rằng ‘lòng đạo đức bình dân làm cho con người có thể quảng đại và hy sinh thậm chí đến mức anh hùng, khi cần làm chứng cho niềm tin’. Gần với thời đại của chúng ta hơn, Đức Bênêđictô XVI, khi nói về châu Mỹ La tinh, đã chỉ ra rằng lòng đạo đức bình dân là một kho tàng quý giá của Giáo Hội Công giáo’, nơi đó, ‘chúng ta thấy hồn của các dân tộc của châu Mỹ La tinh’” (EG 123).
“Văn kiện Aparecida [văn kiện mà Đức giáo hoàng Phanxicô đã góp phần to lớn] mô tả những sự phong phú mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào lòng đạo đức bình dân qua sáng kiến tự do của Ngài. Tại châu lục thân yêu đó, nơi nhiều Kitô hữu diễn tả niềm tin qua lòng đạo đức bình dân, các giám mục cũng gọi đó là ‘linh đạo bình dân’ hay ‘khoa thần bí của dân chúng’. Nó đúng là ‘một linh đạo nhập thể trong văn hóa của người thấp hèn’… Nó là một cách sống đức tin hợp pháp, một cách cảm nhận mình là thành phần của Giáo Hội và một cách truyền giáo’; nó mang theo mình đặc sủng để làm người truyền giáo, nó vượt ra khỏi bản thân mình để lên đường hành hương” (EG 124).
Lòng đạo đức bình dân, hiểu như hoa trái của hội nhập Tin Mừng trong văn hóa, là một nguồn lực phúc âm hóa tích cực mà chúng ta không được xem nhẹ; nếu không, chúng ta sẽ không thể nhận ra công trình của Chúa Thánh Thần. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để cổ vũ và tăng cường lòng đạo đức bình dân, nhằm đi sâu vào tiến trình vô tận của hội nhập văn hóa. Các biểu hiện của lòng đạo đức bình dân dạy ta nhiều điều; với những ai có khả năng đọc được những biểu hiện này, chúng là một locus theologicus (cơ sở thần học) đòi hỏi sự chú ý của chúng ta, đặc biệt ở thời điểm chúng ta đang hướng tới công cuộc tân phúc âm hóa” (EG 126).
Trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức hồng y Jorge Bergoglio đã nói trong một diễn văn năm 2012 về “thần học dân chúng,” điều mà ngài nắm giữ với lòng tự tin cao độ. Ngài đã giải thích cảm thức bên trong của nền “thần học dân chúng” này, nhấn mạnh rằng lòng đạo đức bình dân là phản đề của thế tục hóa lan rộng. Nền thần học này được tìm thấy nơi văn hóa và sự sùng bái của những người bình dân, bao gồm linh đạo và cảm thức công bằng của họ; thần học dân chúng tỏ lộ “đức tin của những người khiêm tốn”.
Với Đức hồng y Bergoglio, châu Mỹ La tinh có nét đặc trưng là sự nghèo khổ và Kitô giáo; Kitô giáo được thể hiện bằng nhiều hình thức và màu sắc khác nhau của lòng đạo đức bình dân như rước kiệu, các buổi cầu nguyện, và cầu nguyện công khai. Ngài đã nói: “Khi chúng ta tiếp cận dân của chúng ta với cái nhìn của người mục tử nhân lành, khi chúng ta không đến để đánh giá, nhưng để yêu, chúng ta có thể nhận ra rằng lối văn hóa này để bày tỏ đức tin Kitô giáo vẫn còn hiện diện giữa chúng ta, đặc biệt là ở những người nghèo”. Ngài khẳng định rằng “linh đạo bình dân là cách ban đầu mà qua đó Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn và tiếp tục dẫn dắt hằng triệu người anh em của chúng ta”.
Đức hồng y Bergoglio đã tự mình thúc đẩy các hình thức đạo đức bình dân ở Buenos Aires. Ví dụ, ngài đã phổ biến lòng sùng kính “Đức Mẹ tháo gỡ những nút thắt”. Ngài truyền bá hình ảnh gợi mở của La Virgen Desatanudos, một danh hiệu xuất xứ từ Augsburg, Đức (Maria Knotenloserin]. Ngài cũng đã phổ biến hình ảnh của “Thánh Giuse đang ngủ”. Đức hồng y Tagle của Manila đã khẳng định rằng Đức giáo hoàng Phanxicô rất thoải mái với lòng đạo đức bình dân bởi vì lòng đạo đức bình dân là phương thế “để tăng cường đức tin”; trong lòng đạo đức bình dân “Chúa Thánh Thần và văn hóa của người nghèo gặp gỡ nhau”. Không nghi ngờ gì nữa, lòng đạo đức bình dân là một nền tảng phong phú trên đó các linh mục có thể xây dựng công tác mục vụ của họ!
IX. HÃY THỰC SỰ NHẠY CẢM VỚI NHỮNG NGƯỜI Ở CÁC “VÙNG VEN”VÀ “BÊN LỀ”
Từ khi bắt đầu sứ vụ của mình như là giám mục Rôma, Đức giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định rằng quyền bính của một linh mục luôn luôn gắn với sứ vụ của ngài, đặc biệt là việc chăm sóc và bảo vệ những người nghèo nhất, yếu nhất, người kém quan trọng nhất, những người cần được cứu giúp nhất, đó là những người dễ bị lãng quên, những người bị gạt ra bên lề, và người ở những vùng ngoại biên của xã hội. Ở Argentina, Đức Phanxicô đã được biết đến như là “giám mục khu ổ chuột” vì thường xuyên liên lạc với người nghèo; ngài tin rằng phục vụ như thế là cách cụ thể nhất để phục vụ Chúa Giêsu. Với tư cách giáo hoàng, ngài đã đi đến nhà tù cho người chưa thành niên ở Rome; ngài đã đến đảo Lampedusa ở phía nam nước Ý để được liên đới với những người di cư, nhiều người di cư đã chết khi cố gắng đến châu Âu.
“Là những linh mục, chúng ta đồng hóa mình với những người bị loại trừ, những người được Thiên Chúa cứu vớt. Chúng ta phải nhớ rằng có vô số những người nghèo, thất học, các tù nhân, họ ở trong những tình huống như vậy bởi vì những người khác áp bức họ. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng mỗi người chúng ta đều biết mình mù lòa như thế nào… Chúa Giêsu đến để cứu chuộc chúng ta, để giải thoát chúng ta, để biến đổi chúng ta từ nghèo đói và mù lòa, bị bắt giam và bị áp bức, để trở thành những thừa tác viên của lòng thương xót và sự an ủi” (QQ).
“Là linh mục, chúng ta là những chứng nhân và là thừa tác viên về sự phong phú ngày càng lớn mạnh của lòng thương xót của Chúa Cha; chúng ta có nhiệm vụ đáng quý và đầy an ủi là nhập thể lòng thương xót, như Chúa Giêsu đã làm, Đấng đã đến để ‘thi ân giáng phúc và chữa lành’ (Cv 10,38) bằng hàng ngàn cách khác nhau, để lòng thương xót có thể chạm đến tất cả mọi người. Chúng ta có thể giúp đỡ để làm cho lòng thương xót hội nhập vào văn hóa, để mỗi người đều có thể ôm lấy và trải nghiệm lòng thương xót” (QQ).
Đức Phanxicô khẳng định rằng các linh mục cần có “ánh mắt linh mục”, để có thể “nhìn thấy dân chúng với đôi mắt của lòng thương xót. Phải học điều này từ trong chủng viện, và lòng thương xót phải làm cho tất cả các kế hoạch và dự án mục vụ của chúng ta nên phong phú hơn… Chúng ta phải để cho mình bị đánh động bởi hoàn cảnh sống của người dân, nhiều khi hoàn cảnh đó là sự pha trộn giữa những hành động của họ với những yếu đuối con người, tội lỗi và những điều kiện sống không thể vượt qua. Chúng ta phải nên giống Chúa Giêsu, Người đã vô cùng xúc động khi nhìn thấy dân chúng và các khó khăn của họ… Người đã chữa lành dân chúng, tha thứ cho tội lỗi của họ, xoa dịu nỗi đau của họ, cho họ nghỉ ngơi và làm cho họ cảm nhận hơi thở ủi an của Chúa Thánh Thần”(VV).
Nói với các giám mục, linh mục, và tu sĩ tại nhà thờ chính tòa Manila vào năm 2015, Đức Phanxicô nhấn mạnh những thách thức trong việc phục vụ người nghèo và thiếu thốn, “những người sống ở giữa một xã hội nặng gánh vì nghèo đói và tham nhũng, bị cám dỗ buông xuôi”. Hàng giáo sĩ phải đối mặt với “những thách thức của việc loan báo tính triệt để của Tin Mừng trong một xã hội mà người ta đã quá quen với việc loại trừ xã hội, sự phân cực và bất bình đẳng khủng khiếp”. Họ phải nhớ rằng “những người nghèo đang ở trung tâm của Tin Mừng, là trái tim của Tin Mừng; nếu chúng ta loại bỏ những người nghèo ra khỏi Tin Mừng, chúng ta không thể hiểu được toàn bộ thông điệp của Chúa Giêsu Kitô”(II). Tóm lại, với Đức giáo hoàng Phanxicô, “tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài [Chúa Giêsu] là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với các vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG 20).
X. TRONG TẤT CẢ MỌI SỰ, HÃY LÀ MỘT “MÔN ĐỆ TRUYỀN GIÁO” CHÂN CHÍNH
Trong Niềm Vui của Tin Mừng, Đức giáo hoàng Phanxicô đề nghị canh tân truyền giáo sâu sắc cho toàn thể Giáo Hội; chắc chắn các giáo sĩ là trung tâm của đổi mới này. Đức Phanxicô khẳng định rằng chúng ta cần một “Giáo Hội rao giảng Tin Mừng, đi ra khỏi chính mình,” chứ không phải là một Giáo Hội “quy về mình” và “sống cuộc sống trong chính mình, của chính mình, cho chính mình”. Tôi ước mơ một ‘chọn lựa truyền giáo’, nghĩa là, một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh… Mọi sự canh tân của Hội Thánh phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy vào chính mình” (EG 27).
“Việc vươn ra truyền giáo là một hệ quy chiếu cho mọi hoạt động của Hội Thánh… Chúng ta cần phải chuyển đổi ‘từ một nền mục vụ thuần túy bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo’” (EG 15). “Tôi muốn nhấn mạnh rằng những gì tôi đang cố gắng trình bày ở đây mang ý nghĩa của một kế hoạch và có những hệ quả quan trọng… Trên khắp thế giới, chúng ta phải ‘thường xuyên trong trạng thái truyền giáo’” (EG 25).
Một cái nhìn sâu sắc quan trọng của Đức giáo hoàng Phanxicô là “tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo” (EG 119); qua bí tích Rửa tội, “mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ truyền giáo” (EG 120). Mọi Kitô hữu là “những nhà truyền giáo”. “Tân Phúc Âm hóa đòi hỏi sự dấn thân thực sự của từng cá nhân tín hữu… Mọi Kitô hữu đều là những người truyền giáo theo mức độ mà họ gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là những ‘người môn đệ’ và ‘người truyền giáo’, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những ‘người môn đệ truyền giáo’” (EG 120). “Nguyện cho thế giới trong thời đại của chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô (EG 10; cf. EN 75).
Đức Phanxicô khẳng định: “Là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (EG 7; cf. Benedict XV). Với Đức giáo hoàng Phanxicô, mỗi Kitô hữu “phải lớn lên trong sự ý thức rằng bản thân họ luôn luôn cần được loan báo Tin Mừng” (EG 164). Trong chương Hai (Niềm Vui của Tin Mừng, từ số 50 đến số 109), Đức Phanxicô tập trung vào những thách thức phải đối mặt với việc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay; Đức Thánh Cha khẳng định: “Các thách thức xuất hiện là để bị vượt qua! Chúng ta hãy là những con người thực tế, nhưng không để mất niềm vui, sự táo bạo và sự dấn thân trong hy vọng tràn trề của chúng ta. Đừng để mình bị cướp mất nhuệ khí truyền giáo” (EG 109). Hoặc một lần nữa, “Tôi lặp lại, Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng” (EG 83).
KẾT LUẬN
Bản trình bày khiêm tốn này đã tìm cách làm nổi bật mười đặc điểm then chốt trong tầm nhìn sâu sắc của Đức giáo hoàng Phanxicô về thừa tác vụ linh mục. Nhằm mục đích trình bày rõ ràng, các chất liệu phong phú của Đức Phanxicô đã được sắp xếp theo chủ đề, với mười suy tư nền tảng, từ đó hình thành nên một tổng thể tích hợp. Người viết khác có thể đã chọn một phong cách khác để trình bày. Tuy nhiên, điều quan trọng là cho người đọc thâm nhập vào sự khôn ngoan sâu sắc của Đức giáo hoàng Phanxicô; thực sự, sự sắp xếp này là hoàn toàn thứ cấp so với nguyên gốc tài liệu của Đức giáo hoàng.
Những tư tưởng của Đức giáo hoàng Phanxicô về chức linh mục phát xuất từ niềm tin sâu sắc của ngài. Ngay lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã viết: “Truyền giáo vừa là một niềm say mê Chúa Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Người. Khi chúng ta đứng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh… Chúng ta một lần nữa nhận ra rằng Người muốn dùng chúng ta để đến gần với dân yêu dấu của Người hơn. Người chọn chúng ta từ giữa dân của Người và sai chúng ta đến với dân của Người; nếu không có ý thức thuộc về dân này, chúng ta không thể hiểu được căn tính thẳm sâu của mình” (EG 268). Một lần nữa trong sứ điệp của mình cho Chúa nhật Truyền giáo Thế giới năm 2015, Đức Phanxicô đã khẳng định: “Truyền giáo là một niềm đam mê đối với Chúa Giêsu và đồng thời cũng là một niềm đam mê đối với dân của Người”. Trong bài phát biểu với những Hội Truyền giáo Giáo hoàng năm 2016, Đức Phanxicô nói về “niềm đam mê đối với Chúa và sứ mạng của Hội Thánh”; ngài để lại cho cử tọa (và chúng ta nữa) một thách thức rõ ràng: “Chúng ta phải lớn lên trong niềm đam mê truyền giáo!” (XX).
_________
Những nguồn tài liệu quan trọng
Nguồn tư liệu từ Đức giáo hoàng Phanxicô về chức linh mục là vô cùng phong phú và dồi dào. Nó có sẵn cho các độc giả trong một loạt các nguồn internet và in ấn; thông thường là cũng những tài liệu đó có thể được tìm thấy trong nhiều dạng thức kỹ thuật số và in ấn khác nhau. Để dễ dàng cho việc ‘tư liệu hóa’ các trích dẫn của Đức giáo hoàng Phanxicô trong phần trình bày này, một hệ thống tham chiếu đơn giản đã được sử dụng. Mỗi phần trong số các tài liệu được trích dẫn có chứa “chất liệu về chức linh mục” cụ thể từ Đức giáo hoàng Phanxicô được xác định bằng chữ kép của bảng chữ cái; một nhà nghiên cứu quan tâm có thể dễ dàng xác định vị trí các tài liệu cụ thể, không có vấn đề gì trong định dạng hoặc ngôn ngữ nó xuất hiện. Tất cả điều người ta cần phải làm là kiểm tra ngày và mô tả của một tài liệu cụ thể của giáo hoàng. Trong văn bản của phần trình bày này, chỉ có các chữ kép xuất hiện ở phần cuối của một trích dẫn. Hy vọng rằng, phương pháp đơn giản này tránh được một cách quá phức tạp và cồng kềnh của tài liệu, trong khi cung cấp các nguồn của các trích dẫn cụ thể từ Đức giáo hoàng Phanxicô. Các tài liệu xuất hiện dưới đây được trình bày theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ năm 2013 và kéo dài đến năm 2016.
AA 28.3.2013: Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
BB 21.4.2013: Bài giảng lễ phong chức mười linh mục tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
CC 24.11.2013: Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng.
DD 2013: Sách của Jorge Bergoglio và Abraham Skorka: Thiên đường và Trần thế [On Heaven and Earth].
EE 17.4.2014: Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
FF 11.5.2014: Bài giảng lễ phong chức 13 linh mục tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
GG 6.6.2014: Bài giảng lễ sáng tại Casa Santa Marta
HH 22.12.2014: Nói chuyện với giáo triều Rôma.
II 16.1.2015: Bài giảng cho hàng giáo sĩ tại nhà thờ chính tòa Manila.
JJ 14.2.2015: Nói chuyện tại Hội đồng Hồng y.
KK 2.4.2015: Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô
LL 26.4.2015: Bài giảng lễ phong chức 19 linh mục tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
MM 2.5.2015: Bài giảng tại North American College ở Rôma dịp cử hành “Ngày của giáo hoàng”.
NN 6.8.2015: Bài giảng lễ Chúa Hiển dung.
OO 20.11.2015: Bài nói chuyện cho Hội nghị về “Thừa tác vụ Linh mục” theo tài liệu của Công đồng Vaticanô II.
PP 21.12.2015: Nói chuyện với giáo triều Rôma.
QQ 24.3.2016: Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
RR 17.4.2016: Bài giảng cho các linh mục nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi.
SS 29.5.2016: Bài giảng tại Năm thánh cho hàng Phó tế.
TT 2.2.2016: Bài suy niệm đầu tiên trong Năm thánh cho Linh mục.
UU 2.2.2016: Bài suy niệm thứ hai trong Năm thánh cho Linh mục.
VV 2.2.2016: Bài suy niệm thứ ba trong Năm thánh cho Linh mục.
WW 3.6.2016: Bài giảng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
XX 4.6.2016: Nói chuyện với Hội nghị những Hội Truyền giáo Giáo hoàng.
James Kroeger
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân chuyển ngữ
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 99 (tháng 3 & 4 năm 2017)