ĐÔI NÉT VỀ THỰC TRẠNG SỐNG ĐẠO CỦA GIỚI TRẺ NGÀY NAY
Vừa qua, ĐTGM Giu-se Vũ Văn Thiên, Tổng Giáo phận Hà-nội đã chia sẻ bài viết có tựa đề “Nên thánh đối với giới trẻ”. Mở đầu bài viết, ngài đã nhấn mạnh: “Giới trẻ là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. Như Chúa Giêsu đã có cái nhìn thương mến đối với chàng thanh niên trong Phúc Âm (x. Mc 10, 21), Giáo Hội luôn cảm thông và ưu ái các người trẻ, là tương lai của Giáo Hội và của xã hội”. [1]
Cũng trong bài viết trên, Đức Tổng Giu-se cũng đã trưng dẫn hai câu nói của ĐTC Bê-nê-đích-tô XVI về tư cách chứng nhân và vai trò ngôn sứ, sứ giả của giới trẻ trong thế giới ngày nay, như sau:
“Giáo hội cần đến chúng con với tư cách là người trẻ để làm chứng cho thế giới về khuôn mặt của Đức Kitô… Không có khuôn mặt này, Giáo hội sẽ cho thấy một khuôn mặt bị biến dạng” (Bài giảng lễ Đại hội Giới trẻ thế giới tại Bra-xin năm 2007).
“Hỡi các bạn trẻ yêu dấu, Thầy Giêsu mời gọi các con là những ngôn sứ trong kỷ nguyên mới này, là những sứ giả tình yêu của Người, có khả năng thu hút con người đến với Chúa Cha và xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn nhân loại” (Bài giảng thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ thế giới tại Sydney năm 2008).
Riêng Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II còn khẳng định mạnh mẽ hơn: “Giới trẻ không chỉ là đối tượng quan tâm đặc biệt của Giáo hội, mà họ còn là những tác nhân quan trọng và hữu hiệu của sứ vụ truyền giáo”.
Hội thánh và giới trẻ
Thực vậy, tuổi trẻ luôn là một trong những mối quan tâm đặc biệt của Giáo hội Công Giáo, vì thế giới trẻ có vai trò quan trọng đối với sự thịnh suy của xã hội và Giáo hội. Chính vì lý do đó, việc chăm lo, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các bạn trẻ biết định hướng và có mục đích trong đời sống luân lý, đời sống đạo đức theo đúng tinh thần Tin Mừng là điều cấp thiết của mọi thời đại, của mọi tầng lớp. Nhờ đó, họ có thể sẽ là những chứng nhân về đức tin kiên cường, một đức tin giá trị và tốt đẹp trong một xã hội đang lãng quên Thiên Chúa hôm nay. [2]
Chúng ta đều biết rằng, đối với quốc gia, xã hội nói chung và Hội thánh nói riêng, giới trẻ luôn là một thành phần nòng cốt và giữ vai trò rất quan trọng. Tại VN, giới trẻ dưới 30 tuổi chiếm tới 60% dân số. Họ chính là sức sống, là rường cột, là hiện tại và tương lai của đất nước. Cũng chính vì lý do đó mà Hội thánh luôn quan tâm tới giới trẻ, coi đó như là những chiến sĩ tiên phong trong công cuộc truyền giáo.
ĐTC Phan-xi-cô, trong Tông huấn “Đức Ki-tô đang sống” (Christus vivit) đã viết: “Những người trẻ được gọi là “những nhà truyền giáo can đảm”, làm chứng khắp nơi cho Tin Mừng với cuộc sống của mình, điều này không có nghĩa là “nói về sự thật, nhưng sống chính sự thật” (175). Tuy vậy, lời nói cũng không được chìm vào im lặng: “Hãy học bơi ngược dòng, học cách chia sẻ Chúa Giêsu và đức tin Ngài đã ban cho con” (176). Chúa Giêsu sai chúng ta đi đâu? “Không có biên thùy, không có giới hạn: Ngài sai chúng ta đi khắp mọi nơi. Tin Mừng là để cho mọi người, không chỉ cho một thiểu số. Tin Mừng không chỉ dành cho những người xem ra gần gũi với chúng ta, dễ đón nhận, dễ tiếp cận hơn. Tin Mừng là để cho mọi người” (177). Và chúng ta không thể mong chờ “truyền giáo phải là công việc nhẹ nhàng và dễ dàng” (178). [3]
Đôi nét về thực trạng sống đạo của giới trẻ ngày nay
Trước hết, chúng ta cần nhìn thẳng vào những “mảng tối đời sống đức tin” của giới trẻ hiện nay, để nhờ đó phát hiện ra đâu là những nguyên nhân khiến họ sa sút trong đời sống đức tin, đồng thời thấy được những nhu cầu tôn giáo tâm linh đích thực nhằm giúp họ canh tân việc sống đạo của họ, sao cho phù hợp ý Chúa và sự kỳ vọng của Hội thánh.
Vấn đề đầu tiên là chúng ta sẽ bàn qua đôi nét về thực trạng sống đạo của giới trẻ ngày nay. Về điểm này, một tác giả, khi bàn về đức tin của giới trẻ trong đời sống hôm nay, đã có đoạn phân tích và nhận định như sau: [4]
“Ngày nay, nhiều bạn trẻ sống đức tin rất vững vàng, họ không những siêng năng tham dự thánh lễ các ngày Chúa nhật mà cả những ngày thường. Họ không chỉ sống hình thức bề ngoài mà cả nội tâm bên trong. Có những bạn vào mỗi thứ sáu hằng tuần còn ăn chay, dành tiền bố thí cho người nghèo.
Hơn nữa, tại các giáo xứ, giới trẻ đã và đang tham gia tích cực vào các hội đoàn, chẳng hạn như mục vụ giới trẻ, sinh viên Công giáo, huynh trưởng, giáo lý viên, ca đoàn vv. Qua đó, nhiều bạn không chỉ được học hỏi, đào sâu và cảm nghiệm được giá trị của Lời Chúa mà còn đem ra thực hành. Một bạn trẻ cho biết: “Quả thực, từ khi tham gia vào nhóm sinh viên Công giáo, tôi cảm thấy đức tin của mình ngày càng vững vàng hơn, nhất là khi gặp khó khăn thử thách, tôi được các cha và bạn bè trong nhóm chia sẻ, nâng đỡ”. Đồng thời, một số bạn trẻ đã trở thành những cộng tác viên rất đắc lực trong công tác tông đồ và những hoạt động từ thiện của giáo xứ mình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số bạn trẻ làm cho chúng ta không khỏi thất vọng và lo lắng cho thế hệ tương lai. Các nhà lãnh đạo tôn giáo rất lo ngại trước vấn đề đạo đức của giới trẻ bị sa sút này.
Tại một số xứ đạo, các bạn trẻ đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng, nhiều bạn trẻ ngày nay coi việc đi lễ là một gánh nặng. Đi vì bổn phận, hoặc vì gượng ép. Họ đến nhà thờ là do cha mẹ thúc giục, không đi không được, hoặc vì không đi sợ mắc tội chứ không vì niềm tin và lòng mến. Họ có mặt ở nhà thờ nhưng không hề ý thức mình đang có mặt ở đó để làm gì, chỉ mong sao giờ lễ mau kết thúc.
Và vẫn còn những điều đáng buồn khác, nhiều bạn trẻ ngày nay sống đức tin rất hời hợt. Có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ đang học lớp giáo lý hôn nhân, người viết thật ngỡ ngàng về một số đông không biết gì về giáo lý căn bản, ngay cả những kinh đọc hằng ngày họ cũng không thuộc. Họ mang danh nghĩa là đạo gốc nhưng dường như họ theo đạo chủ yếu làm cho cha mẹ vui lòng, không ý thức mình là người Kitô hữu. Một bạn trẻ nói: ‘Những việc như đi nhà thờ, đọc kinh và cầu nguyện chỉ là do thói quen, cũng như do áp lực của những người thân’.
Như vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay, đức tin của giới trẻ chúng ta đang xuống dốc trầm trọng. Ở một vài giáo xứ, số lượng người trẻ đi học giáo lý ngày càng ít đi. Và người ta không còn thấy bóng dáng bạn trẻ đi tham dự thánh lễ hằng tuần. Và nếu có đi, thì ghế ngồi của họ là ‘xe ôm’ ngoài nhà thờ, hoặc tụ tập thành nhóm đứng ngoài lề trò chuyện, hút thuốc cho qua giờ lễ. Một người mẹ đã chia sẻ rằng, mỗi lần bà nhắc nhở đứa con trai đi tham dự thánh lễ, thì nó trả lời rằng, thời đại này, đến nhà thờ làm gì? Chỉ cần tin có Chúa là đủ. Nhiều người có đi lễ đâu mà nhà vẫn giàu có, dư thừa!…”
Đó là thực trạng khá rõ nét mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra một cách dễ dàng.
Chính vì vậy mà, trong Thư Mục vụ năm Đức Tin 2012, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng lên tiếng như sau:
“Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái.”
“Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái (số 5)”.
Chúng ta biết rằng thực trạng trên đã xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, vừa chủ quan, vừa khách quan, có thể do bản thân người trẻ, có thể do gia đình và xã hội, lại có thể do những bất cập của việc phục vụ Tin Mừng trong Hội thánh.
Những nguyên nhân khiến giới trẻ lơ là với đời sống đức tin
Chúng ta tạm thời liệt kê ra đây một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ Công giáo lơ là đời sống đức tin, như sau:
– Ảnh hưởng của vấn đề “Cơm-áo-gạo-tiền”
Khi nói đến vấn đề sống đạo, thực hành đức tin, nhiều bạn trẻ phản ứng ngay, “Có thực mới vực được đạo!”. Điều đó có nghĩa là đời sống vật chất, vấn đề “cơm-áo-gạo-tiền” đã chi phối toàn bộ cuộc sống của người Ki-tô hữu trẻ. Từ sáng sớm đến tối mịt, từ ngày này qua ngày kia, từ tháng này qua tháng nọ, người ta đầu tắt mặt tối lao vào việc kiếm việc, kiếm tiền, củng cố sự nghiệp.
Điều đó không có gì đáng trách nhưng sẽ là một mối nguy cơ lớn nếu tiền bạc, vật chất ảnh hưởng xấu tới đời sống tâm linh, tôn giáo. Thực vậy, “Do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ Công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái”. (x. Thư Mục vụ năm Đức Tin 2012, HĐGMVN).
Tuy nhiên, bạn trẻ chúng ta sẽ phải đối mặt với hai trường hợp: khi vấn đề “thực” là cấp bách thì có thể chúng ta lấy lý do “cơm áo gạo tiền” để biện minh cho việc chọn lựa cái gì là ưu tiên, là khẩn thiết. Lúc đó chúng ta quên “đạo” hay xếp “đạo” vào hàng thứ yếu. Nhưng đến khi chúng ta đã cơm no, áo ấm, thì liệu cái “thực” có vực được cái “đạo” không, hay là chúng ta liều đánh mất “đạo” để bảo đảm cái “thực”, để sống theo hấp lực của vật chất, tiền bạc. “Có tiền mua tiên cũng được” hay “Đồng tiền liền khúc ruột”…
Người ta nhận thấy, chính trong cuộc sống dư thừa, giàu có, sung túc mà các bạn trẻ lại dễ dàng xa Chúa, đánh mất gốc đạo của mình và rời bỏ đức tin.
Qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mia, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng, để chúng không lìa bỏ Ta” (Gr 32, 39). Chúa không nói: “Ta sẽ cho chúng ăn no để chúng không bỏ Ta”. Chúng ta tin Chúa, theo Chúa vì tấm lòng chứ không phải vì miếng ăn…
– Ảnh hưởng của lối sống không-Thiên-Chúa
Triết gia vô thần (Friedrich Nietzsche*1844-1900) đã khẳng định “Thiên Chúa đã chết!”. Có thể nhiều Ki-tô hữu chúng ta, nhất là các bạn trẻ, đang sống mà như không có Thiên Chúa. Chúng ta đã khai tử Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống chúng ta, mặc dù trên danh nghĩa chúng ta là kẻ có đạo!
Nhiều Ki-tô hữu, nhất là giới trẻ, chỉ quan tâm giữ đạo một cách hình thức, theo thói quen và theo nếp cũ, họ nghĩ rằng làm một vài việc theo luật buộc là đủ, là yên tâm “mình có đạo”. Chẳng hạn, có bạn chỉ giữ đạo một cách tối thiểu: tham dự lễ tuần một lần, xưng tội năm một lần. Tất cả chỉ vì luật buộc. Đi lễ thì đi trễ về sớm. Đến nhà thờ thì không vào bên trong mà chọn chỗ xa nhất, mát mẻ nhất, ngồi trên xe Honda, hút thuốc, nghe điện thoại… Ngoài ra trong cuộc sống, họ không làm gì, nghĩ gì đến Chúa nữa. Hoàn toàn vô đạo!
“Có người vì tiến thân trong công việc hoặc địa vị xã hội đã không dám xưng mình là người theo đạo Thiên Chúa trong tờ sơ yếu lí lịch khi đi học, xin việc làm hoặc vào Đoàn, vào Đảng. Có người không dám bày biện bàn thờ trong nhà khi ở trong khu phố có nhiều Đảng viên. Trong nhà hàng, quan sát những khách ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối… có mấy người theo đạo dám ‘làm dấu thánh giá’ trước bữa ăn? Có một số người lại mặc cảm, không dám xưng mình theo đạo trong các cuộc gặp gỡ bạn bè. Hoặc rất ít gia đình tổ chức đọc kinh gia đình mỗi ngày, hoặc đọc kinh trước bữa ăn, mặc dầu chỉ là một kinh lạy cha”. [5]
Xét thực tế trên, phải chăng chúng ta đã “quên mất” Thiên Chúa rồi chăng? Và chúng ta có khác gì người vô thần không?
– Mục tử và con chiên: cung không đủ cầu!
Có một thực tế mà ngày nay ai cũng có thể nhận ra, đó là “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Hay nói theo kiểu kinh tế, thì cung không đủ cầu, nghĩa là số lượng mục tử quá ít, không đáp ứng nhu cầu chăm sóc con chiên quá đông… Khi mục tử không còn đủ sức lực, thời gian, tâm trí để phục vụ con chiên nữa thì một số chiên sẽ bơ vơ lạc lõng, một số chiên sẽ tan đàn, mạnh ai nấy sống, đường ai nấy đi.
Liên quan đến vấn đề này, LM Nguyễn Trọng Viễn O.P đã viết như sau:
“Nếu xét theo qui luật cung cầu thì trong Giáo hội Việt Nam hiện nay, người linh mục không cần giáo dân mà giáo dân cần linh mục; nghĩa là cung không đủ cầu. Chính điều đó làm cho người linh mục càng ngày càng ít quan tâm đến việc ‘lên đường đi tìm con chiên lạc’, ít nỗ lực xoay sở để loan báo Tin Mừng, nhưng thường thoả mãn nhu cầu tâm linh của người giáo dân một cách bất đắc dĩ, hoặc đạo đức hơn thì cũng dừng lại ở mức độ một người mục tử liêm chính, chu toàn trách nhiệm đòi hỏi của một người công chức. Những tính cách như thế khác xa mẫu mực của người mục tử mang ngọn lửa của sứ vụ trong tim. Tình hình mất quân bình theo luật cung cầu như thế làm cho người linh mục cũng như những sinh hoạt trong giáo xứ rất dễ tiến theo kiểu ban phát, theo cơ chế xin cho như chúng ta thấy trong xã hội thời kinh tế bao cấp trước đây”. [6]
Khi chiên phải sống “xa” mục tử và mục tử không còn mang mùi chiên nữa thì vấn đề giữ đạo, sống đạo đối với tín hữu chỉ còn là chuyện hình thức, có cũng được, mà không có cũng chẳng sao!
Giới trẻ mong đợi gì nơi Hội thánh Chúa Ki-tô
Đặt câu hỏi “Giới trẻ mong đợi gì nơi Hội thánh?”, chúng ta tin rằng câu trả lời sẽ rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, ở đây, do khuôn khổ hạn chế của bài viết, chỉ xin đưa ra một vài gợi ý tham khảo, như sau:
– Mong Hội thánh luôn sẵn sàng đồng hành với giới trẻ trong sứ vụ truyền giáo
Điều này ĐTC Phan-xi-cô đã nói đến nhiều. Chẳng hạn:
“Giám mục và linh mục hãy đào tạo người trẻ trong sứ vụ truyền giáo, bằng cách sai họ bước ra và bước tới. Chúa Giêsu đã làm điều này với các môn đệ của Ngài: Người đã không giữ các tông đồ dưới cánh của mình như gà mẹ giữ chặt con dưới cánh. Ngài sai họ ra!”
“Giám mục và linh mục không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân!”
“Giám mục và linh mục hãy can đảm nhìn vào nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến dự bàn tiệc Chúa.” [7]
– Mong Hội thánh biết lắng nghe và có nhiều chứng tá Tin Mừng
Về điểm này, chúng ta nhắc lại (bản dịch đại cương) Tông huấn “Đức Ki-tô đang sống” (Christus vivit) của ĐTC Phan-xi-cô.
“Tông huấn nhìn nhận rằng có những người trẻ cảm thấy sự hiện diện của Giáo Hội là “phiền hà, thậm chí còn gây bực mình”. Thái độ này bắt rễ từ những lý do nghiêm trọng và dễ hiểu: những gương mù về tính dục và tài chánh; một hàng giáo sĩ không được đào tạo kỹ lưỡng để hiểu biết và giải quyết những vấn đề nhạy cảm của giới trẻ; … vai trò thụ động dành cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô hữu; khó khăn của Giáo Hội khi giải thích tín lý và những lập trường đạo đức của mình cho xã hội hiện nay” (40). [3]
“Có những người trẻ “mong muốn Giáo Hội lắng nghe nhiều hơn và làm nhiều hơn là chỉ lên án thế giới mà thôi. Họ không muốn thấy một Giáo Hội im lặng và sợ phải lên tiếng, và cũng chẳng muốn thấy một Giáo Hội cứ loay hoay đối phó với hai ba vấn đề ám ảnh mình. Để được người trẻ tin tưởng, có nhiều khi Giáo Hội cần lấy lại thái độ khiêm tốn và đơn thuần lắng nghe và nhìn nhận rằng ý kiến của người khác có thể soi lối giúp cho Giáo Hội hiểu rõ Tin Mừng hơn” (41). [3]
– Mong Hội thánh quan tâm thăng tiến Mục vụ Giới trẻ
Căn cứ thư Chung năm 2019 của HĐGMVN gửi cộng đồng Dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ, xin trích dẫn một phần, như sau: [8]
(Mục C) Hành động: Đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân:
Số 5. Theo hướng đi trên, chúng tôi (Hội đồng Giám mục Việt Nam) mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221).
Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó. Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một “hành trình chung” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206). Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.
Số 6. Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 – 2022) với các chủ đề sau:
– 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
– 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
– 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
Để thực hiện chương trình mục vụ trên, chúng tôi đề nghị:
a – Học hỏi:
– Tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận những tài liệu hữu ích của Giáo Hội như Youcat (Giáo lý cho người trẻ), Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ), và Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”; đồng thời, nên chú trọng hơn đến việc giúp phân định thiêng liêng cũng như tư vấn tâm lý cho người trẻ.
– Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục sẽ đồng hành với các Giáo phận và Giáo xứ trong việc soạn bản hướng dẫn học hỏi cho chương trình ba năm.
b – Cử hành:
– Giáo phận tổ chức Ngày Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá hằng năm hoặc một ngày khác phù hợp.
– Kết thúc 3 năm mục vụ, sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ toàn quốc.
c – Sống:
– Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như văn phòng mục vụ, phòng sinh hoạt, sân chơi thể thao, ca nhạc,…
– Trước tình trạng ngày càng đông các bạn trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến. Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và làm việc tại các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, xí nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.
– Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng ./.
Aug. Trần Cao Khải
_____________
[1] Nên thánh đối với Giới trẻ, tại hdgmvietnam.com
[2] Giới trẻ những tác nhân quan trọng và hữu hiệu của sứ vụ truyền giáo, tại giaophanhunghoa.org
[3] Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Quang Vinh – Nguồn: WHĐ 12-4-2019
[4] Đức tin của Giới trẻ trong đời sống hôm nay, tại tgpsaigon.net
[5] Theo đạo giữ đạo sống đạo, tại gxdaminh.net
[6] WTO đe dọa hay cơ may của đời sống đức tin cho Giáo hội Việt Nam, tại daminhvn.net
[8] Thư Chung 2019, tại hdgmvietnam.com
___________________________________________________________
Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/doi-net-ve-thuc-trang-song-dao-cua-gioi-tre-ngay-nay-39747