Gương chứng tá

NGƯỜI PHỤ NỮ NGHÈO ĐAN ÁO ẤM GỬI TRƯỜNG SA

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày quân xâm lược Trung Cọng cưỡng chiếm Hoàng Sa (19.01.1974-19.01.2019), xin giới thiệu một khuôn mặt phụ nữ Công Giáo tại giáo họ Nhơn Hải, thuộc giáo xứ Hội Lộc, giáo phận Qui Nhơn, đã có một việc làm đáng trân trọng : đan áo ấm gửi cho những người lính đảo Trường Sa.

Bà Bốn Bộ dùng khoản tiền tích cóp dưỡng già, vận động nhà hảo tâm mua len, tự đan áo ấm gửi đến các chiến sĩ ở Trường Sa.

Xin tiền đan áo cho lính

Nói về nghĩa cử này, bà Bốn Bộ (Mang Thị Bộ, 66 tuổi, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cười: “Đan mấy tấm áo thôi, có chi to tát đâu. Nhiều người còn làm những việc tốt đẹp hơn, tôi chỉ góp công cùng những người hảo tâm, đan áo tặng lính đảo”.

Bà Bộ chưa từng tới Trường Sa, nhưng biết được lính đảo nhọc nhằn, gian khổ, muốn làm chút gì gửi cho lính mà nghèo quá. Biết đan len từ nhỏ, bà nghĩ đến việc đan áo ấm.

Nghe bà trao đổi về việc làm có nghĩa, nhiều người hỗ trợ. Vận động được hai triệu đồng, bà góp thêm một triệu đến Quy Nhơn mua len. Ròng rã 10 ngày trời, bà mới đan xong một tấm áo. Miệt mài, 30 chiếc áo len được bà Bộ hoàn thành, giao chính quyền địa phương, nhờ chuyển ra đảo.

“Nhận được 30 chiếc áo từ cô Bộ, chúng tôi chuyển tới chính quyền địa phương, chờ chuyển ra đảo cho lính. Nói thật, ở xã vùng biển còn chật vật mưu sinh này, cô Bộ còn thiếu cái ăn mà đan áo tặng lính là một hành động đẹp.

Việc làm ý nghĩa của cô đã được chính quyền địa phương động viên kịp thời, các cấp chính quyền nhất trí hỗ trợ cô”, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Hải Mang Thị Huyền Nga nhận xét.

Thấy bà mua len, nhiều người bán hỏi chuyện, bà chỉ cười không nói. “Việc mình, mình làm, nói ra sợ họ tưởng kể công. Ngày trước còn trẻ, nhanh tay lẹ mắt thì chỉ vài ngày xong một chiếc áo. Giờ già rồi, ngồi riết thì đau lưng, tê chân nên phải cả tuần, mười ngày mới xong một áo. Ngồi ghế lâu nhức mỏi, tôi phải chuyển sang ngồi võng cho đỡ đau. Có lúc đan xong áo, đứng dậy đôi chân tê rần, hai mắt mờ luôn, nhưng thấy vui trong lòng”, bà Bộ bộc bạch.

Phận già neo đơn

Bà Bộ sống cùng người em gái Mang Thị Bích Hoa (64 tuổi) trong ngôi nhà nhỏ sát mép biển. Đến thôn Hải Nam, hỏi nhà bà Bốn Bộ, người dân đều nói vui “đi đến cái nhà ốp lát lá dừa sát biển là nhà bà đó”. Trong ngôi nhà nhỏ, bà Bộ vẫn tiếp tục với những cuộn len, người em gái ngồi bên chị phụ cuốn len, trò chuyện.

Ngày trước, bà Bộ từng đi thanh niên xung phong ở chiến trường Campuchia rồi về lại địa phương, công tác ở Hội LHPN xã, nay bà là hội viên của Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hải. Cuộc đời của chị em bà không mấy suôn sẻ, hai chị em gái có chồng nhưng hôn nhân đứt gánh giữa đường.

Không chồng, không con, chị em nương tựa vào nhau tuổi xế chiều. Lúc còn trẻ, hai chị em buôn bán, chạy chợ, chăn nuôi, tích cóp được một khoản ít ỏi để dựng nhà.

Hai bà xin được cô con gái nuôi cho vui cửa, vui nhà; lớn lên, con gái có con ngoài giá thú rồi biệt tích đến nay. Đứa cháu ngoại ở với hai bà nay đã lớn, vào Nam tìm kế sinh nhai, ngôi nhà trở nên trống trải hơn.

Bà Mang Thị Bích Hoa, tiếp lời chị: “Suốt 10 tháng trời, chị hết đi chợ mua len, lại cắm cúi bên những cuộn len. Mệt chị nghỉ, khỏe chị lại đan. Nhiều lúc bệnh tuổi già hành hạ mà chị không buông tay. Thương chị có tấm lòng, những lúc chị mệt mỏi, tôi lại rót ly nước, đấm vai, xoa bóp cho chị. Biết ước mơ của chị là đan áo cho chiến sĩ ngoài đảo, tôi không làm được thì thay chị lo lắng việc nhà”.

“Gia cảnh khó khăn, bệnh già hành hạ mà bác vẫn đi xin hỗ trợ để mua len đan áo, có cực không?”, tôi hỏi. Bà Bộ lại cười xòa: “Cực khổ gì đâu, mình có công, người ta có của. Ừ, mua chiếc áo sẵn thì nhẹ hơn, đẹp hơn nhưng không có cái tình.

Tôi muốn gửi cho lính không chỉ là tấm áo, mà còn là tình cảm của người ở đất liền nữa. Ngày xưa, tôi cũng là lính, tôi hiểu đời lính chịu nhiều sương gió, nhọc nhằn, gian khổ thế nào.

Trong những tấm áo ấy, tôi còn gửi tâm tình của người lính già đến lính trẻ hôm nay, gửi chất lính không bao giờ chùn bước trước khó khăn. Nghe nói lính đảo đông lắm, giờ mới đan được 30 cái, quà gửi ra mà người có, người không cũng chạnh lòng.

Áo tự đan không đẹp nhưng tôi nghĩ chiến sĩ trên đảo nhận quà sẽ vui, bởi đó là tấm lòng của hậu phương gửi tới họ. Ngày đông tháng giá sắp tới, mong có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm để lính đảo có thêm áo ấm”.

 

Thu Dịu

Nguồn : https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/phap-luat/nguoi-phu-nu-ngheo-dan-ao-am-gui-truong-sa-60377/