Gương chứng tá

TUỔI XUÂN CHIA SẺ CẢ CHO ĐỜI !

Những nữ tu dành cả tuổi xuân chăm người lạ

Bệnh nhân của nữ tu Vũ Thị Hài (sơ Hài Maria) đi lại khó khăn, chỉ lết được đến cửa để gọi các sơ tới giúp. Nữ tu xoa bóp cho người phụ nữ lớn tuổi một hồi lâu, rồi đi nấu nước mát từ khế, sài đất cho bà tắm bớt lở loét. “Con lắm tội lắm dì ạ, dì để cho con chết đi!”, lời than của bà khiến nữ tu lòng quặn thắt.

Tắm rửa, chăm sóc những người bệnh nặng này là công việc mỗi ngày của 9 nữ tu đạo Công giáo, được Giáo xứ Nam Định đặc phái xuống mái ấm Hồng Ân này. Thông thường, họ ở đây 4-6 năm, khi sức khỏe yếu thì Giáo xứ luân chuyển đi. Riêng sơ Hài Maria – phó phụ trách của mái ấm – đã ở đây được 8 năm.

Khoảng 15 bệnh nhân nằm bất động ở mái ấm Hồng Ân được sơ Hài Maria phục vụ tận nơi, từ vệ sinh đến ăn uống. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Khoảng 15 bệnh nhân nằm bất động ở mái ấm Hồng Ân được sơ Hài Maria phục vụ tận nơi, từ vệ sinh đến ăn uống. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Nằm bên bờ kênh của xóm 13 (xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường), phía sau rặng cau già, mái ấm Hồng Ân có diện tích hơn 2.000 m2 là nơi cưu mang gần 40 người già neo đơn đang mắc bạo bệnh. Mái ấm nằm tách biệt khỏi nhà thờ, sâu trong một ngôi làng nhỏ để người bệnh có không gian yên tĩnh.

Buổi sáng mỗi ngày thường bắt đầu bằng bài tập thể dục của tất cả mọi người, sau khi các sơ đã thay bỉm, cho bệnh nhân ăn, thuốc men. Sau bữa sáng, các nữ tu lên danh sách thực đơn và đi chợ. Nom họ không khác gì người thường giản dị, chỉ có điều luôn phải xắn tay áo, buộc tóc cao để không bị vướng víu khi làm việc.

 

“Người già từ khắp nơi về, chưa trải qua cảnh sống tập thể, nên đưa vào nề nếp rất khó. Họ dễ giận dỗi và có những phản ứng tiêu cực, không dễ quán xuyến như trẻ em”, sơ Hài Maria tâm sự.

Đến đêm, những bệnh nhân tỉnh táo sẽ cùng các sơ khác học hát thánh ca, học múa… “Bệnh nhân mở lòng, hòa vào tập thể, là trái ngọt của chúng tôi, bởi lúc mới vào, đa phần họ chỉ nằm khóc, trốn vào một góc nhà hay chửi rủa”, sơ Hài Maria kể. Không ít người bị tai biến, đau khớp, hay đập phá ban đêm khiến các sơ phải thức trắng, giữ tay, giữ chân. 

Các sơ dùng bếp củi để tiết kiệm, bởi chi phí cho cả mái ấm chỉ là 20 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Các sơ dùng bếp củi để tiết kiệm, bởi chi phí cho cả mái ấm chỉ là 20 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Dù gia đình theo đạo, nhưng sơ Hài Maria lại không được người nhà ủng hộ theo nghiệp tu, cô phải trốn đến thánh đường từ lúc mới 12 tuổi. Đến giờ, sau 34 năm, mỗi lần thấy con về, bố mẹ cô lại khóc. Tết đến, sơ Hài Maria cũng chỉ được về nhà một ngày vì bận chăm sóc bố mẹ của những người khác.

“Một khi đã vào nhà thờ, người tu sẽ không được phép lập gia đình riêng. Họ không phải suy nghĩ nhiều về bản thân, chỉ cần luôn quan tâm người khác thì sẽ thấy vui hơn trong lòng”, sơ Hài Maria chia sẻ.

Dứt lời, một nữ tu khác nhắc sơ Hài Maria vào phòng để tiêm thuốc. Những người phụ nữ ngoại tứ tuần ở đây không phải lúc nào cũng khỏe mạnh. Để có thể chăm sóc cho người bệnh và chăm lẫn nhau, họ đều được đi học ở trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình trong 3 năm.

Sơ Phạm Thị Lụa (53 tuổi, quản lý mái ấm Hồng Ân) từng mang theo nỗi lo sợ khi đến mái ấm này 5 năm trước: “Các cụ nhiều bệnh tật, tôi từng sợ bị lây nhiễm, sợ bẩn. Nhưng sau ít ngày là quen, công việc ở đây khá bận bịu nên không nghĩ tới bản thân mình nữa”.

Trời lạnh ngắt, sơ Điệp Maria (31 tuổi) cũng phải tự giặt đồ của mình vì máy giặt chỉ giặt đồ của các cụ. Ngoài nấu ăn, trồng vườn rau 200 m2, cô dạy Giáo lý cho những nữ tu trẻ và các bệnh nhân. Sơ Điệp Maria còn là tài xế bất đắc dĩ khi nhiều đêm phải chở người bệnh đi cấp cứu.

“Có những người tôi chở đi nhưng không có ngày trở về, hình ảnh đó làm tôi ám ảnh trong suốt 3 năm làm việc ở đây”, cô nói. 

Những cái Tết ở đây thường trong không khí lạnh lẽo giữa những bức tường màu xám. Các bệnh nhân mất nhận thức đi đi lại lại cả ngày nhưng trong im lặng. 

Thánh đường vừa là nơi học giáo lý, nơi xưng tội, cũng là nơi có những buổi văn nghệ nho nhỏ cho những thành viên trong mái ấm. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Thánh đường vừa là nơi học giáo lý, nơi xưng tội, cũng là nơi có những buổi văn nghệ nho nhỏ cho những thành viên trong mái ấm. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Ban đầu, mái ấm chỉ có những bệnh nhân không có tiền trả viện phí, được các sơ nhận về nuôi. Sau nhiều năm, những người con không đủ điều kiện nuôi cha mẹ cũng đưa đến đây nhờ chăm sóc. 

Chị Dương Thu Hằng (thành phố Nam Định) vì nghèo khổ nên phải gửi mẹ vào mái ấm, rớm nước mắt nói, “tôi cảm phục các sơ vì mẹ của tôi kể, có hôm nửa đêm, các sơ nấu cháo mẹ không muốn ăn, nên phải lặn lội đi tìm phở cho bà. Nếu các sơ không cho ăn, cứ để mẹ vậy thì bà đã từ bỏ cuộc sống lâu rồi”.

Một tháng gia đình lớn này chi khoảng 20 triệu đồng nhưng không có bất kỳ nguồn thu nào, chỉ dựa vào mạnh thường quân. Các sơ cũng có một khoản tiền nhỏ nhưng không dành cho bản thân mà luôn trích ra cho quỹ mái ấm, dành cho những lúc bất trắc.

“Tương lai không biết đi tới đâu, nhưng tôi luôn yêu những nơi mình đã đi qua. Và lời cầu nguyện đến Chúa ‘xin giúp con, ở bên con’ luôn là niềm tin vững chắc của chúng tôi”, sơ Hài Maria nói.

Trọng Nghĩa

Nguồn : Trang vnexpress : https://vnexpress.net/doi-song/nhung-nu-tu-danh-ca-tuoi-xuan-cham-nguoi-la-3875941.html