(CHÚA NHẬT VII TN A)
Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy… nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn : Từ thuở nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm cho gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.
Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. 5 ngày trôi qua nhưng ông vẫn chưa tìm được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.
Và đó không phải chỉ là chuyện của ngày xưa mà là chuyện xảy ra hằng ngày như
cơm bữa trong xã hội chúng ta hôm nay : Vợ giết chồng, người yêu đâm chết người
yêu, cha giết con, cháu hại ông bà, bạn bè thanh toán lẫn nhau…Trên bình diện
quốc gia và quốc tế cũng chẳng khá hơn gì : hận thù tôn giáo, sắc tộc, tranh
chấp đất đai, quyền lợi kinh tế…đã làm dấy lên ngọn lửa oán thù, bạo lực chiến
tranh liên miên hết nơi nầy đế nơi khác, thời nầy đến thời nọ.
Quả đúng như
Cicéron diễn giả Lamã đã từng nói : “Con
người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Và rồi thù oán
mang theo oán thù. Oan oan tương báo. Cái vòng lẫn quẫn “oán thù” sẽ trói buộc
con người trong nổi bất an và bất hạnh triền miên.
Đức Khổng Tử cũng đã từng cảnh báo các đồ đệ phải tránh xa việc trả thù khi ngài phát biểu một ẩn dụ thâm thúy : “Trước khi lên đường báo thù, hãy đào hai cái huyệt”.
Hôm nay, Lời Chúa đề nghị cho chúng ta một con đường khác, một phương thế khác để thiết lập mối tương quan hoà bình huynh đệ giữa con người, để loại bỏ oán thù và thiết lập một nền văn minh tình yêu và sự sống trên mặt đất : Đó chính là con đường tìm về sự thánh thiện của Thiên Chúa “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Sách Lêvi trong BĐ 1), “hãy nên trọn lành như Chúa Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Bài Tin Mừng) ; là con đường tìm lại căn tính đích thực của chính mình “đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” (Thư 1 Côrintô trong BĐ 2) ; là con đường “cách mạng” nội tâm để xây dựng lại mối tương quan mới trong cung cách ứng xử của cái tôi thường tình : “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Bài Tin Mừng).
Quả
thật, chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá
oán thù”, nền “văn mình sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist : “Hành động duy nhất có thể làm đứt
đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là
người mạnh nhất.”
Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng : người kitô hữu không được thù ai cả,
và nếu có kẻ ‘oán thù ta” thì sứ mạng kitô hữu là cải hóa những người ấy. Chúa
Giêsu dạy ta 3 cấp độ đối xử với họ : yêu thương – làm ơn – cầu nguyện.
Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn báo oán – Nếu như vẫn chưa làm
thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.
Chúng ta đang sống trong một thế giới, một xã hội, một đất nước mà bạo lực, oán thù, ghen ghét đã trở thành một “phản ứng đương nhiên và thường xuyên” của con người, thì thật là thích hợp khi sứ điệp lời Chúa hôm nay vang lên lời mời gọi : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, “Hãy nên trọn lành như Chúa Cha là Đấng trọn lành”. Và như thế, lời cầu nguyện dành cho nhau và cho cả thế giới không bao giờ lỗi thời lại chính là lời Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô Assisi : “Lạy Chúa Từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục….”
Khi làm được như thế, hay như cách diễn tả của Michel Quoist, “Ai dám đưa cả má trái mình ra” – chúng ta sẽ trở thành “những kẻ mạnh nhất” trên mặt đất nầy.
TĐH