CÂU CHUYỆN “HẠT LÚA MÌ” SẼ CÒN MỚI MÃI

(Bài giảng Lễ Giỗ Đức Cha P. Lambert de la Motte – 15.6.2023)

Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

            Hôm nay, ngày 15.6.2023, chúng ta cùng họp nhau cử hành lễ Giỗ kỷ niệm 344 năm ngày qua đời của Đức Cha Pierre Lambert de La Motte (1679-2023). Thật vậy, Đức Cha Lambert đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4 giờ sáng ngày 15.6.1679 tại Ayutthaya, Thái Lan; hưởng dương đúng 55 tuổi (1624-1679), với 24 năm linh mục (1655-1679), 19 năm Giám Mục (1660-1679) và 17  năm hiện diện và thi hành sứ vụ tại miền đất Á Châu (1662-1679), trong trách vụ chính thức là Giám Mục Đại diện Tông Tòa Đàng Trong kiêm Giám Quản Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài.

            Thánh lễ Giỗ kỷ niệm qua đời của Đức Cha Lambert hôm nay lại diễn ra trong thời điểm Giáo Hội Việt Nam đang tiến hành hồ sơ chuẩn bị phong thánh cho ngài. Vì thế, chúng ta cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu xin lòng thương xót Chúa ban cho ngài ngập tràn ơn cứu độ; và nếu đẹp lòng Chúa, ban cho ngài sớm được tuyên phong hiển vinh trên bàn thờ Giáo Hội.

            Riêng ngài, nếu trong cuộc đời tại thế đã nêu gương vẹn toàn của một chủ chăn hết mình vì đoàn chiên, thì nay trong cõi đời đời, chắc chắn sẽ không quên đoái thương lời kêu cầu của đoàn chiên nơi dương thế…

            Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh !

Chia sẻ Lời Chúa: Kính thưa cộng đoàn,

            Trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, có thể nói được, sứ vụ và cuộc đời của Đức Cha Lambert đã gắn liền với một giai đoạn quan trọng, một cột mốc nền tảng, mà ở đó, cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam chính thức là một Giáo Hội địa phương, có tên trong “sổ bộ hành chánh mục vụ” của Giáo Hội hoàn vũ. Đây cũng là giai đoạn mà công cuộc truyền giáo giã từ chế độ Bảo trợ của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha để chính thức đặt dưới quyền điều hợp và hướng dẫn của Giáo Hội thông qua Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin[1].

            Thật vậy, với Sắc chỉ Super Cathedram do Đức Giáo Hoàng Alexandro VII ban hành ngày 9.9.1659, Giáo Hội tại Việt Nam chính thức được thành lập với hai Giáo phận Đại diện Tông tòa đầu tiên là Đàng Trong dưới quyền cai quản của Đức Cha LambertĐàng Ngoài dưới quyền cai quản của Đức Cha Fr. Pallu; cả hai đều là Giám Mục đại diện Tông tòa[2].

            Đón nhận Sắc chỉ nầy của Đức Thánh Cha cùng với Bản Huấn Thị của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (10.11.1659), hai Đức Cha tức tốc lên đường. Đức Cha Fr.Pallu, vì những khó khăn khách quan chưa bao giờ đặt chân đến “nhiệm sở Đàng Ngoài”. Riêng Đức Cha Lambert ngài đã đặt chân lên Ayutthaya Thái Lan năm 1662; sau đó, cùng với Đức Cha Fr.Pallu và một số linh mục, đã tĩnh tâm cầu nguyện và họp Công nghị đầu tiên năm 1664 tại Ayutthaya để vạch ra chiến lược mục vụ truyền giáo tại Á Châu theo định hướng của Huấn Thị 1659 của Thánh Bộ. Kết quả của Công Nghị Ayutthaya 1664 chính là văn kiện Monita ad Missionarios (Nhắn nhủ các thừa sai), một “kim chỉ nam truyền giáo” vẫn còn nguyên giá trị cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa hôm nay[3]. (x. TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ)[4].

            Trong hoàn cảnh phức tạp và đầy khó khăn của giai đoạn đất nước Việt Nam trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, mặc dù đặt “trụ sở chính” tại Ayutthaya[5], Đức Cha đã nhiều lần tìm cách đến với đoàn chiên Việt Nam; và ngài đã 3 lần đến, hiện diện, thi hành sứ vụ tại Việt Nam, cụ thể đó là:

– Lần 1 tại Đàng Ngoài (trong tư cách Giám Quản Đại diện Tông Tòa): từ năm 1669-1670: với 3 công việc quan trọng: phong chức linh mục cho 7 thầy giảng bản xứ, triệu tập công nghị Phố Hiến (1670) và thiết lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng ngoài (1670).

– Lần 2 tại Đàng Trong đợt 1 (Trong tư cách Giám Mục đại diện Tông Tòa): từ năm 1671 – 1672: Công việc quan trọng là lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ Quảng Ngãi (1671); triệu tập Công Nghị Hội An (1672) và kinh lý mục vụ một loạt các cộng đoàn và giáo điểm từ Quảng Nam tới Khánh Hòa.

– Lần 3 tại Đàng Trong đợt 2: từ 1675-1676: Phong chức linh mục cho thầy Lữ Y Đoan (tác giả Sấm Truyền Ca bằng chứ Nôm) năm 1676 tại Quảng Ngãi.

            Sau đó ngài trở lại  Ayutthaya cai quản Giáo Hội Việt Nam từ xa cho đến ngày về với Chúa (15.6.1679).

            Sở dĩ nhắc lại vài nét đan thanh cuộc đời và sứ vụ của Đức Cha Lambert để mọi người chúng ta tạ ơn Chúa và tri ân ngài vì những hoa trái thiêng liêng và truyền giáo mà ngài đã để lại cho Giáo Hội Việt Nam, cách riêng cho giáo phận Qui Nhơn, giáo phận Chính tòa kế thừa chính thức từ giáo phận đại diện Tông tòa Đàng Trong mà Ngài là chủ chăn tiên khởi !

            Tuy nhiên, sứ điệp của ngày lễ Giỗ của ngài hôm nay không muốn chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ “tưởng niệm quá khứ” mà lôi kéo chúng ta đến hiện tại và hướng tới tương lai; và đây lại chính là điều mà các Bài Đọc Lời Chúa vừa được công bố gọi mời.

            Trước hết, trích đoạn Sách Khôn Ngoan đã khơi lên niềm hy vọng mãnh liệt về cái chết của những người công chính: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và nỗi khốn khổ của sự chết không đụng tới các ngài… Dẫu theo mắt người đời các ngài chịu khốn khổ, nhưng thật ra các ngài vẫn tràn đầy hy vọng được bất tử…”. Đó cũng chính lời mời gọi chúng ta chuẩn cho cuộc sống mai sau với hành trang công chính; một gọi mời luôn mang tính thời sự trong một xã hội mà con người đang mất dần cảm thức đức tin về cuộc sống vĩnh hằng để đua nhau kiếm tìm thứ hạnh phúc rẽ tiền là hưởng thụ vật chất.

            Chắc chắn vì xác tín vào niềm hy vọng của người công chính đó, mà Đức Cha đã tìm và đã nhất mực lựa chọn con đường Thập Giá của Đức Kitô làm Kim chỉ nam cho đời sống và sứ vụ của Ngài. Và đây lại chính là điều Thánh Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại của Kitô giáo, đã xác tín như được ghi lại trong thư Côrintô vừa được công bố trong Bài đọc 2: Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa… chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo…”. Và con đường và phương thế mà Thánh Phaolô, hay ĐC Lambert lựa chọn đó đã được tiếp nối trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh Việt Nam, qua bao nhiêu chứng nhân anh hùng tử đạo; và hôm nay, qua bao nhiêu anh chị em quyết chọn “thập giá Đức Kitô làm đối tượng duy nhất cho cuộc đời” !

            Nhưng nếu chúng ta ngược dồng về chính cội nguồn Kitô giáo, chúng ta sẽ gặp sự chọn nền tảng của chính Đức Kitô trong công trình cứu chuộc mà thập giá chính là sự thể hiện rõ nét và cụ thể của thái độ hy sinh và từ bỏ: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời…”.

            Ước mong sao, hạt lúa mì Lambert de la Motte sẽ còn làm phát sinh nhiều bông hạt khác cho quê hương Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho giáo phận Qui Nhơn thân yêu của chúng ta. Vâng, câu chuyện “Hạt lúa mì” sẽ còn mới mãi cho hành trình đức tin và truyền giáo. Amen.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền.


[1] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, NXB An Tôn & Đuốc sáng 2017, tr. 110-111.

[2] Sđd, tr. 110.

[3] Sđd, tr. 114.

[4] TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, nxb An Tôn & Đuốc Sáng, Bài 2: Một thoáng nhìn về văn kiện “MONITA AD MISSIONARIOS (NHẮN NHỦ CÁC THỪA SAI) của công nghị Ajuthia 1664), tr. 107-109.

[5] Đây cũng chính là trụ sở chính thức của Hội Thừa Sai Paris tại Á Châu; một nơi do chính người tín hữu Đàng Trong tại Ayutthaya thiết lập và bảo bọc cho ngài khỏi sự uy hiếp của người Bồ Đào Nha. Sau nầy, nơi đây cũng là nhà thờ và chủng viện thánh Giuse, nơi đào tạo và phong chức cho các linh mục Việt Nam đầu tiên. (x. Đỗ Quang Chính, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb Tôn giáo 2008, tr. 148-151).