Thơ - Nhạc

CHÙM THƠ “TÁM THÁNG BA”

Nhân dịp ngày “Quốc tế phụ nữ – 8.3”, xin giới thiệu đôi bài thơ khắc hoạ “CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ ” qua một góc nhìn…

1. ĐỪNG TIN…KẺO ĂN NHẦM “TRÁI CẤM” !

 

Mới ngày nào,

Giữa địa đàng dung dăng dung dẻ,

Anh thề nguyền :

“Em là xương, là thịt của riêng anh !”

Nên từ đó, em chỉ thấy màu xanh,

Bỏ mọi sự, theo anh đến chân trời góc biển !

 

Nhưng rồi,

Chuyện “Trái Cấm”, cú lật nhào đau điếng,

Xương thịt bây giờ mỗi đứa riêng nhau.

Chút keo sơn một thoáng đã hoen màu,

Anh đỗ thừa em như người xa lạ !

 

Rồi từ đó,

Phận E-Và dập dềnh trên biển cả,

Hết làm tôi mọi thêm mang nặng đẻ đau.

Dãi dầu tròn bóng, lặn lội đêm thâu,

Mãi phận thân cò bị vặt lông xáo thịt !

 

Nên em ơi,

Chớ cả tin những lời nịnh đầm da diết,

Kiểu từ đó ta yêu em không ngại ngần …

Ta yêu em chưa bao giờ một lần…”

Vì đó chính là em…”

Vâng, chính em : “Tại con mẹ nầy xúi ăn trái cấm” !

 

Chưa hết đâu,

Nếu là “gái làng chơi” em càng thua đậm,

Đừng mong “ôm dầu về kể lễ khóc than”...

Lỡ phạm tội ngoại tình, chỉ có chết oan…!

Đâu phải lúc nào Thầy Giêsu cũng gặp !

 

Nên,

Hỡi những chị “du kích ngã ba Đồng Lộc”,

Hỡi những “người con gái Việt Nam da vàng…”

Chớ có tin

những lời có cánh một thuở địa đàng,

Để mãi thiên thu thân tàn ma dại !

 

“Tám tháng Ba”,

Một ngày thôi giữa bao ngày trọng đại,

Tự sống, tự vui, tự hạnh phúc…đủ rồi.

Chớ bày nghe xúi dại “phụ nữ lên ngôi”,

Để rồi lại,

thêm lần nữa “trụi trần” vì “ăn nhầm trái cấm” !

 

Sơn Ca Linh

8/3/2019

2. NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM DA VÀNG

Mấy mươi năm về trước,
Khi đất nước mình chiến tranh-nồi da xáo thịt.
Trịnh Công Sơn đã hát về em :

“Người con gái một hôm qua làng,
đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng
Người con gái chợt ôm tim mình
Trên da thơm vết máu loang dần…”

Bây giờ, khi quê hương đã không còn tiếng súng,
vẫn còn đó, những người phụ nữ Việt nam da vàng…

Là em : Trần thị Triều Tiên,
Bị người yêu chém rồi thiêu cho đến chết.

Là em : Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thắng,
Bị nhà chồng đầy đọa
đến độ phải mượn dòng Thạch Nham để quyên sinh.

Là em : cô giáo Bùi thị Cẩm Nhung,
Bị phụ huynh bắt quỳ ngay trong giờ lên lớp…

là em : Người mẹ tảo tần Đậu Thị Thắng,
Ôm món nợ 120 triệu đồng
Cùng với con dưới chân cầu Bến Thủy vùi thân …

Là em : nơi đất khách quê người, Ngô thị Nga,
Bị siết cổ chết bởi thằng chồng Hàn Quốc…

Là em : những vị ni cô chết vì đuối nước,
Chơ vơ giữa bờ biển lạnh oái ăm !…

Vâng, mỗi ngày trên đất nước Việt nam,
Không biết còn bao nhiêu,
Người phụ nữ Việt Nam da vàng bị đọa đày, bị giết ?

Hôm nay, ngày 8 tháng 3,
Đâu đó vọng về những lời ca kết :

“Ôi cái chết đau thương vô tình
Ôi đất nước u mê ngàn năm
Em đã đến quê hương một mình,
Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm !”

Sơn Ca Linh

3. CHIẾC XƯƠNG SƯỜN BỊ ĐÁNH CẮP

Có phải em,

Vì ngay từ đầu không được tạo nên bằng đất sét ?

Mà chỉ là một cái xương sườn,

Xương của một thằng đàn ông bị đánh cắp

Khi đang miệt mài trong giấc ngủ trưa ?

 

Vì thế nên em,

Dẫu quá lời, “chỉ một của dư thừa”,

Là “thứ phẩm” của một thân phận người “nguyên bản”.

Xương sườn mà : thứ bảo vệ của cơ phần nội tạng,

Cho tim gan, phèo phổi an toàn…

Là mái che, phên dậu sẵn sàng,

Để đón lấy những trận đòn, vết đâm, cú đấm…!

 

Chỉ là xương thôi mà,

Nên cứ phải làm thân cò bán bưng buôn gánh,

Làm con sen, đứa ở, dậy sớm, thức khuya.

Mang nặng, đẻ đau, cay đắng…dư thừa,

Để thằng đàn ông ngẫng đầu dương dương tự đắc.

 

Là xương,

Nên ở chốn cửa công phải làm thinh im bặt,

Khỏi phải học hành,

xương chỉ cần biết đọc, biết viết đủ rồi !

Lẩn quẩn trong nhà, chỉ kim, bếp núc mà thôi…

Chớ bày đặt nghênh ngang múa rìu đỏng đảnh !

 

Là xương,

Nên cứ lủi thủi chịu thiệt thòi câm lặng,

Bạo lực gia đình, bị đoạ đày, bị hiếp, bị giết, bất công…

Mà hầu hết là nạn nhân của những thằng đàn ông,

Những “tạo vật”

được vinh dự “mang ảnh hình Thượng Đế”.

 

Mới đây,

Em, cái xương sườn bị “bỏ quên” giữa những ngày xuân tết,

Lại mấy thằng đàn ông : hiếp, giết, vứt bên đường !

Rồi lại mấy thằng đàn ông sung sướng tưng bừng,

Tự thưởng cho nhau cái trò “thi đua phá án” !

 

Và rồi, em, mẹ em…

những cái xương sườn bị đánh cắp,

Lại tiếp tục bị đoạ đày,

bị vùi dập trong khổ ải thương đau.

Biết bao giờ, từ đây cho đến mãi ngàn sau,

Những thằng đàn ông,

Học thuộc lời, ứng xử, của một Vị Thầy 2000 năm trước :

Chị hãy ngẫng cao đầu,

đi bình an trên vạn nẻo đường xuôi ngược,

Bởi vì ta không kết án chị đâu” ! (Ga 8,1-11)

 

Sơn Ca Linh

20.02.2019