Học hỏi tông huấn, Tìm hiểu linh đạo

CUỘC VƯỢT QUA MONG CHỜ (TĨNH TÂM VỚI TÔNG HUẤN “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ” – CHƯƠNG 5)

 

Xin giới thiệu bài cuối trong loạt bài “TĨNH TÂM VỚI TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ” của linh mục Trăng Thập Tự.

CHƯƠNG 5 : CUỘC VƯỢT QUA MONG CHỜ

            Câu chuyện về Chúa Giêsu, người đã bị từ chối, bị đóng đinh, bị giết chết và từ cõi chết sống lại là hình ảnh báo trước số phận của những người mang sứ điệp của Ngài. Và chỉ khi chúng ta hiệp nhất với Ngài, chết và sống lại, chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm trong việc phúc âm hóa.

            Trong tầm nhìn đời đời, mỗi ngày và mỗi giây phút, ta hãy ngoan ngùy để Chúa Thánh Thần thực hiện cho ta cuộc vượt qua thần diệu.

TIẾN SÂU VÀO THINH LẶNG

            Sau cùng, với chương V của VMHH, thinh lặng nội tâm là chiến đấu, tỉnh thức và bình an. Ta có dịp chiêm ngắm tấm gương này của Chúa nơi bữa Tiệc ly, trong vườn Ghetsêmani và trên thập giá. Nơi bữa Tiệc ly, những đối thoại yêu thương và quả cảm của Chúa kết thúc với kinh Lạy Cha đại tụng (x. Ga 17). Trong vườn Ghetsêmani, lời kinh ấy gói gọn vào một tiếng Abba (Mc 14,36) thổn thức. Trên thập giá, Chúa đã thốt lên lời mở đầu dằn vặt của thánh vịnh 21/22: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?”, nhưng liền sau đó là sự bình an sâu thẳm: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

            Phần chúng ta, mỗi thách đố lớn nhỏ nơi đời Kitô hữu đều là dịp để ta nhập vai, chia sẻ trọn vẹn với Thầy Chí Thánh trong những gì Ngài đã trải qua. Mỗi chiến đấu và chiến thắng lớn nhỏ về khiêm nhường, từ bỏ và yêu thương, về vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh, về tin, cậy và yêu mến, đều là dịp để ta hòa nhập với cuộc vượt qua của Thầy.

Mỗi ngày theo cái nhìn của Kinh thánh, ngày của “một buổi chiều và một buổi sáng” (St 1,5), bắt đầu lúc chiều buông, đi qua đêm đen, tiến về hừng đông rồi chính ngọ, đều thấm đẫm kinh nghiệm tử nạn và phục sinh của Chúa.

            Và hơn nữa, ngay đây, nơi phút giây này của cuộc sống, tại giao điểm của quá khứ và tương lai, tại chính điểm gặp gỡ và phân ly, giã từ cái đang qua đi và đón chào cái đang tới, ta đều được nhận chìm vào kinh nghiệm yêu thương vô tận của Đấng Cứu Thế không ngừng vượt qua vì chúng ta.

CẦU NGUYỆN HÔM NAY

            “Cần nhớ rằng ‘chính việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu, chịu chết và Sống Lại, giúp nhân tính của ta được phục hồi, ngay cả khi nó đã bị đổ vỡ vì những thăng trầm của cuộc sống hoặc mang đầy vết tích tội lỗi’…

            Liệu có lúc nào bạn đã đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, ở đó bạn nghỉ ngơi thanh thản với Ngài, và để cho Ngài nhìn ngắm bạn không? Bạn có để cho lửa của Ngài cháy lên trong lòng bạn không? Nếu bạn không để cho Ngài nhóm lên sức nóng tình yêu và sự dịu hiền của Ngài, bạn sẽ không có lửa. Và như thế làm sao bạn có thể dùng chứng tích và lời nói của bạn để đốt cháy trái tim những người khác được? Nếu, trước dung nhan của Đức Kitô, bạn chưa thấy có thể để cho mình được Lời Ngài chữa lành và biến đổi, thì hãy bước vào Thánh Tâm Chúa, vào trong những vết thương của Ngài, vì đó là toà của Lòng Thương Xót Chúa” (VMHH, 151)

Đề tài 13 : TẠI DINH THƯỢNG TẾ

            Bạn có thể cầu nguyện theo đoạn Tin mừng dưới đây hoặc một đoạn khác trích từ các trình thuật về cuộc Thương khó Chúa. Cũng có thể gẫm đàng Thánh giá hoặc đọc chậm toàn văn một trong bốn trình thuật Thương khó.

Lc 22,54-62

Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!” Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải đâu!”  Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê.” Nhưng ông Phêrô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

Đề tài 14 : BÍ TÍCH GIAO HÒA – ĐÚC KẾT RIÊNG

            Khi nhìn lại một cuộc đời dài, nếu bạn thấy muốn cộng, trừ, nhân, chia để đếm lại những tội lỗi của mình, bạn cứ thử làm. Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ khác: Chỉ riêng một lỗi nhỏ nào đó, chỉ riêng một sự lo ra chia trí khi cầu nguyện đã đủ khiến bạn thành bất xứng với Thiên Chúa Chí Thánh là Cha trên trời, vậy mà cả cái khối tội kếch sù kia, cả cái biển tội bao la nọ vẫn không hề ngăn cản Ngài yêu thương bạn. Ngài đã cho Con yêu dấu duy nhất của Ngài đến trần gian, đổ máu đào chịu chết để tẩy sạch tội lỗi bạn.

            Bạn hãy nói với Ngài một lời chân thật nhất, hãy trút hết nỗi lòng ra với Ngài trước khi đến trình bày tất cả với vị linh mục.

            Sau khi cử hành bí tích Giao hòa lần này, bạn hãy đúc kết và ghi lại vắn tắt trong nhật ký tâm hồn của bạn.

Cuộc hẹn của lòng Chúa thương xót

            Khi vạch trần mưu thâm chước độc của thần dữ đang lừa gạt ta nơi hai não trạng lệch lạc ngộ đạo và Pêlagiô, Đức Thánh Cha ước mong mọi tín hữu đều biết phản công mạnh mẽ bằng đức tin sắt đá của tổ phụ Abraham. Cụ Abraham là vị thánh bổn mạng của những người đấu tranh chống lại lạc thuyết Pêlagiô. Cụ không hề cậy công sức, tài khéo hay đức độ của riêng mình nhưng chỉ trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

            Vào thế kỷ XXI bất ngờ tại Việt Nam này có hằng triệu người muốn học đòi con đường cụ đã đi. Theo kinh nghiệm bản thân và theo lời dạy của Đấng Cứu Thế, họ không còn tin vào thế lực trần gian nào nhưng chỉ tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ thường xuyên thốt lên lời nguyện tắt tha thiết đã được Chúa Giêsu dạy cho chị thánh Faustina: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” Mỗi ngày, vào đúng 3 giờ chiều, hoặc thầm thĩ một mình, hoặc râm ran cùng với những người khác tại gia đình hay tại nhà thờ giáo xứ, thốt lên với Cha trên trời lời nguyện vắn tắt: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.

            Sau khi lặp lại lời ấy mười lần, họ nguyện một câu dài hơn: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, – Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”.

            Bạn có thấy giản dị không? Đó là một chục kinh “Chuỗi kính Lòng Chúa Thương xót”. Tùy thời giờ cho phép, bạn có thể đọc một chục hay nhiều chục. Mà nếu quá bận, bạn chỉ đọc lời nguyện tắt ngắn cũng được, miễn là thực tình hướng lên lòng Thương xót của Thiên Chúa với niềm tin cậy sâu xa. Hãy chú tâm vào lời nguyện tắt đang đọc để được cứu thoát khỏi não trạng Pêlagiô.

Lưu ý

            Thường trong các tuần tĩnh tâm, ngày cuối cùng ta dễ gặp nhiều nôn nao, tiếc nuối, nóng nảy muốn ra đi trước khi kết thúc, cũng như cảm thấy ái ngại vì sắp phải trở về với cuộc sống, lo không biết mình sẽ trung thành được tới đâu. Cũng là một điều hay, kinh nghiệm này sẽ làm ta hết ảo tưởng.

            Đừng để mình ra đi như học trò đi nghỉ hè. Cái bước đi vào cuộc sống hàng ngày phải được thực hiện trong đức tin. Đây là lúc để sống cái hiện thực của một đức tin trưởng thành. Sẽ đi tìm Chúa ngay trong đời, trong trực diện với những gì ta phải sống.

Thiên Chúa có nhiều điều muốn nói trong phút chót. Bạn cần tiếp tục giữ yên lặng triệt để, dù đã thoáng thấy những chuyện phải bận tâm. Tâm tình của bạn hôm nay sẽ là niềm vui, không phải sự vui tính nhưng là niềm vui bắt nguồn từ Thánh Thần dạt dào trong lòng bạn.

Một trong những ơn lớn lao bạn cần nhận được là khám phá ra rằng khi chỉ còn khao khát Chúa Kitô thì sẽ có thể tìm thấy Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và sống thoải mái ở bất cứ nơi nào. “Anh chị em hãy vui luôn” (Pl 4,4-9)

Đề tài 15 : CHIỀU PHỤC SINH

Lc 24,13-43

Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

            Khi tĩnh tâm giữa đời thường : Mời xem tiếp Phụ lục Chương 5.

Đọc VUI MỪNG HOAN HỈ

Chương V: Chiến đấu, tỉnh thức và phân định.

CHIA SẺ CUỐI NGÀY

CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ TẠ ƠN VÀ PHÓ THÁC

– Những điều đã bỏ lại khi vào tĩnh tâm.

– Những khó khăn trước mặt.

– Những thách đố trong tĩnh tâm.

– Âu lo trước những chuyện khi về lại đời thường.

– Cả về những điều khác: Đã gặp những khó khăn nào và vượt qua ra sao?

– Đâu là những kinh nghiệm nổi bật nhất?

– Nếu làm lại cuộc Linh thao này, sẽ chú ý điều gì? Sẽ tránh điều gì?

TẬP PHÂN ĐỊNH

            Công cuộc Thiên Chúa hay công cuộc nhân loại

            Mời bạn ôn lại những kinh nghiệm phân định bốn ngày qua. Dưới ánh sáng ấy, bạn sẽ nhìn lại toàn bộ đời mình. Bạn chia đời mình thành dăm bảy giai đoạn chính và cẩn thận xét xem ở những giai đoạn nào bạn đã theo đuổi công cuộc của Thiên Chúa và ở những giai đoạn nào bạn chỉ theo đuổi công cuộc của riêng bạn.

            Bạn đã bị dẫn dụ để biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc riêng như thế nào? Các yếu tố hoạt động, cảm xúc và phản ứng nhanh hay chậm nơi cá tính của bạn giúp cho bạn những gì và cản trở bạn thế nào trong việc nhanh nhạy đáp lại tiếng Chúa?

            Bạn có thể vạch ra một biểu đồ về những trồi sụt nơi các giai đoạn ấy và tự rút ra những kinh nghiệm quan trọng. Đâu là thế liên hoàn giữa bảy nết xấu làm đầu, các nết xấu ấy hỗ trợ lẫn nhau thế nào? Mọi sự đã bắt đầu từ những cảm hứng rất nhỏ cách nào?

            Từ những ghi nhận ấy, bạn sẽ vạch ra chương trình cải tổ đời sống. Bạn sẽ nêu rõ nết xấu cần tẩy sạch. Bạn sẽ tẩy sạch nó bằng quyết tâm theo đuổi nhân đức ngược lại. Nhân đức ngược lại ở đây là nhân đức nào? Bạn tót tắt tất cả vào một lời kinh ngắn khoảng mươi dòng để đọc lại mỗi ngày.

Cảnh giác giữa hai kẻ thù tinh quái

            Sau khi trải qua kinh nghiệm cầu nguyện Linh thao, ta có thể dễ rơi vào cám dỗ tự hào với những gì mình mới tiếp thu được, vô tình nhiễm phải não trạng ngộ đạo, tưởng rằng có được những khám phá mới ấy là đương nhiên đã hoàn thiện hơn người khác. Đức Thánh Cha bảo rằng trong Hội thánh Công giáo có muôn màu muôn vẻ. Chính Đức Thánh Cha không nói về phân định như một kinh nghiệm đặc thù của Linh thao Thánh I Nhã nhưng đặt nó trong toàn bộ truyền thống Kitôgiáo.

Điểm thứ hai cần lưu ý để hoa quả tĩnh tâm khỏi sớm lụi tàn, là cần nhớ rằng chẳng có gì do sức riêng ta nhưng tất cả đều do ơn Chúa Thánh Thần. Ta cần luôn chạy đến với Chúa Thánh Thần.

Lộ trình của Thiên Chúa

            Nên thánh không phải là việc con người tự làm lấy nhưng là một thành tựu chính Thiên Chúa thực hiện cho ta khi ta thật lòng khao khát nên thánh và biết kiên trì để cho Thiên Chúa uốn nắn. (x. VMHH 177).

            Kinh nghiệm của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu có thể giúp ta giải mã bí mật của con đường nên thánh. Trong quyển “Hai bàn tay trắng”, cha Conrad de Meester đã có sáng kiến đặt mỗi lá thư của Chị Thánh vào chỗ của nó trong diễn biến cuộc đời của chị. Nhờ đó, ông đã nhận ra 5 chuyển động dẫn đến thành quả của ơn Thánh nơi đời Chị:

– Thiên Chúa gieo vào lòng Têrêxa một khát khao mãnh liệt.

– Chị cố gắng hết sức mình hoàn toàn bất lực, như rơi vào tăm tối.

– Dù vậy vẫn tin tưởng kiên trì

– Chị phó thác cho Chúa.

– Chính Chúa thực hiện điều chị khao khát.

            Ta có thể đọc ra kinh nghiệm ấy cả nơi cuộc chiến đấu riêng trên đường tâm linh, nơi sứ mạng loan Tin mừng và cả nơi toàn cảnh của lịch sử ơn cứu rỗi. Học theo kinh nghiệm ấy, ta kiên trì hưởng ứng sự đào tạo không mệt mỏi của Thiên Chúa không những bằng lòng yêu mến mà còn bằng cả đức tin. Như ông Abraham, ta ra đi nhưng còn phải đợi đến cuối cuộc hành trình mới biết mình đã được Thiên Chúa dẫn đi đâu (x. Hr 11,8).

            Thiếu khiêm nhường lắng nghe tiếng Chúa mỗi ngày, ta dễ rơi vào chủ quan nóng vội, do háo thắng mà bị đối phương lừa gạt. Bao năm qua, có thể ta đã tự vẽ ra sự thánh thiện theo suy nghĩ riêng (thái độ ngộ đạo) và đã đòi tự làm lấy sự thánh thiện ấy (thái độ Pelagio). Nhờ thinh lặng tĩnh tâm, ta nhận ra và đẩy lùi cả hai thái độ ấy. Ta hướng lòng lên Thiên Chúa, khao khát ơn thánh hóa của Chúa và phó thác để Chúa toàn quyền thánh hóa ta.

            Phó thác theo gương Chúa Giêsu trong vườn Ghetsêmani (Mc ) và trên thập giá (Lc 23, ), tự hủy mình để được Thiên Chúa Cha siêu tôn (Pl 2, 5-11).

NGÀY 6 – LÊN ĐƯỜNG :

Đề tài 16 : KHÚC HÁT LÊN ĐƯỜNG ĐỂ LỬA CHÁY MÃI VÀ BỐC CAO

            Đã đến lúc bạn rời nhà tĩnh tâm về lại với sứ vụ, rời sa mạc về với nông trường bao la. Cánh đồng bát ngát đang đợi những bàn tay gieo trồng, gặt hái.

            Nếu bạn nhìn tĩnh tâm như một công cuộc nhân loại, lửa sẽ sớm lụi tàn và bạn sớm mệt mỏi với ý tưởng cứ phải hâm nóng hết lần này lần khác. Còn nếu bạn đón nhận tất cả từ Chúa Thánh Thần và tiếp tục đi theo sự dẫn dắt của Ngài, thì về lại đời thường, lửa vẫn cháy mãi và ngày càng bốc cao. Những cuộc tĩnh tâm về sau là để ngày càng tiến xa hơn.

            Muốn được vậy, mỗi ngày bạn hãy năng lặp lại lời nguyện tắt hoặc lời nguyện dâng mình trên đây.

            Bạn chỉ cần trung thành hôm nay và tự nhủ: “Hôm nay hơn hôm qua nhưng chưa bằng ngày mai!”

            Ngày mai và mọi ngày mai trong cuộc đời Chúa sẽ trung thành thay bạn.

            Hãy cứ tiến về phía ngược lại với những lôi kéo của con người cũ và sẽ thấy con người mới càng lúc càng hồng hào, rắn rỏi.

            Mỗi ngày bạn hãy tiếp tục 5 cuộc thực tập và dạn dĩ chia sẻ kinh nghiệm thực tập với những người bên cạnh, nối gót người đi trước, dìu dắt người đi sau và mở rộng lòng học hỏi từ những kinh nghiệm đa dạng và phong phú xung quanh.

            Cùng với Chúa Giêsu, bạn vang khúc hát tạ ơn Cha và tiến bước trong Thánh Thần.

KINH TIN KÍNH VÀ LỊCH SỬ

            Từ thời ông Abraham tới nay, tiếng gọi nên thánh vẫn liên lỉ vang dội trong lịch sử.

            Theo lời Chúa dạy: “Hãy đi trước nhan Ta và ở cho trọn lành” (St 17,1), ông Abraham miệt mài vâng theo ý Chúa từng ngày. Có lẽ lúc ấy ông chỉ mong chờ sớm được Chúa ban cho đứa con nối dõi tông đường chứ không biết mình đang đóng vai trò quyết định trong đại cuộc của Chúa.

            Sau ông, đến các ông Isaac, Giacóp, Giuse rồi đến ông Môsê, các Thủ lãnh, các vị vua và các ngôn sứ. Thiên Chúa đã dành riêng cho Ngài một dân tộc, được gọi là Dân Thánh. Có những thời kỳ dân chúng thất trung với Giao ước nhưng Thiên Chúa vẫn giữ lấy cho mình một nhóm nhỏ trung thành, được gọi là số sót của Dân Thánh.

            Vào thời Chúa Cứu Thế sắp ra đời, số sót ấy hiện thân nơi một nhóm nghèo của Chúa, nổi bật nhất là Đức Maria, người được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

            Với lời thưa vâng của Đức Maria, đại cuộc của Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao. Ngôi Con Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha, mặc lấy xác phàm làm người, là Đức Giêsu Kitô. Ngài đã chọn nhóm Mười Hai để thiết lập Hội thánh. Sau khi chết và sống lại, Ngài đã ban Thánh Thần cho Hội thánh và truyền cho các Tông đồ “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thế nhưng Ngài cũng báo trước một viễn cảnh đáng kinh ngạc:

“Người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,9-13); và: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).

            Ở chương 21 của sách Luca, lạ thay, khi đan kết sự kiện tàn phá thành Giêrusalem với ngày thế mạt, Chúa lại trấn an ta: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28).

            Chúa báo trước về những gương xấu khiến những người đơn sơ phải vấp ngã: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. 7Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã (Mt 18,6-7).

            Nơi lời giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, Chúa nói: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe” (Mt 13,37-43)

            Trong thời đại chúng ta, cuộc thử thách được báo trước ấy có vẻ càng lúc càng nghiệm đúng từng nét một. Thế lực sự dữ hiện thân nơi người phụ nữ mệnh danh là “con điếm khét tiếng” và là “Thành Babylon vĩ đại” (Kh 17,1-19,3) bị trừng trị. Cùng lúc, có tiếng gọi từ trời: “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi thành ấy đi, để khỏi thông đồng với tội của nó và hứng lấy những tai ương dành cho nó” (Kh 18,4).

            Đoạn kết sách Khải huyền giới thiệu Dân thánh của Thiên Chúa được kết tinh nơi Tân nương, hiền thê của Chiên Con và là Giêrusalem trên trời (Kh 19,4-9; 21,1-22,21).

            Mặc dù thần dữ không ngừng tấn công, len lỏi vào tận cơ cấu của Hội thánh, Hội thánh vẫn được Thiên Chúa gìn giữ chở che. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Hội thánh suốt thế kỷ XX và trong thế kỷ XXI này những vị Giáo hoàng rất mực thánh thiện và đầy quả cảm, không ngừng mời gọi Dân Chúa trung thành với Giao ước bí tích Rửa tội để xứng đáng là Dân thánh của Thiên Chúa.

            Lịch sử ơn cứu rỗi được cô đọng nơi kinh Tin kính. Bạn hãy đọc lại lời kinh này thật chậm, cách thật ý thức và với niềm xác tín cao độ nhất.

THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI

Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Xơđôm và Gômôra thật quá lớn ! Tội lỗi của chúng quá nặng nề ! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.”

Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơđôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Abraham. Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao ? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao ? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao ? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu ! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu ! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao ?” Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơđôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”

Ông Abraham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao ?” Chúa đáp: “Không ! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.” Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”

Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm.” Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: “Giả như tìm được hai mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ.” Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơđôm” (St 18,16-33).

Ông Abraham không dám mặc cả thêm.

            Trước cảnh Xơđôm ngày nay, tức là thành Babylon của sách Khải Huyền, có vẻ như ông Abraham của thời đại này là Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang gặp một tình huống tương tự:  “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’” (Lc 13,6-9).

            Làm sao để cây vả ra trái kịp thời? Trước sự khoan giãn đầy thách đố, Đức Thánh Cha quay nhìn bạn và tôi. Với lời lẽ bình an và đầy hy vọng, ngài ngỏ lời và mong mỗi chúng ta đều hưởng ứng.

TỔNG KẾT CUỐI TUẦN TĨNH TÂM

            Bạn đã vào tận tâm điểm sa mạc, đã lên tới tận đỉnh núi cao và đã chiếm được kho tàng. Giờ đây bạn xuống núi, trở lại với cuộc sống thường nhật của cõi đời bon chen và ô trọc, vấn đề thực tế cần giải quyết là làm sao trích được một phần nhỏ của kho tàng ấy, đem đổi thành tiền lẻ để tiêu dùng hằng ngày.

            Với chương 4 của Tông huấn, Đức Thánh Cha giới thiệu cho bạn địa chỉ dịch vụ đổi tiền và những chỉ dẫn cụ thể nhất, gọi là năm nét tiêu biểu của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay, cũng là năm nét bạn đã đưa vào lời hứa nguyện dốc lòng. Mời bạn tập trung chú ý vào đó như bản đúc kết thực hành của toàn bộ cuộc tĩnh tâm.

            Đâu là kinh nghiệm thực tập quý nhất của bạn những ngày qua trong việc:

– Luyện thinh lặng nội tâm?

– Cầu nguyện bằng lời và bằng tâm trí?.

– Phân định để nhận rõ ý Chúa và sống hồn nhiên theo ý Chúa?

– Lắng nghe, cân nhắc, đáp ứng hào hiệp như thế nào?

– Tạ ơn và phó thác?

Lm. Trăng Thập Tự (Phêrô Võ Tá Khánh)