Học hỏi tông huấn, Khảo luận tổng hợp, Tài liệu tu đức

MỘT LẦN NỮA CON LẠI ĐẾN ĐÂY

(Gợi ý hồi tâm theo sách KIM CHỈ NAM về Tác Vụ và Đời Sống linh mục)

(Tĩnh tâm linh mục giáo phận Qui Nhơn năm 2021)

DẪN NHẬP TỔNG QUÁT

            Để mở đầu cho Chương Hai của tông huấn “Pastores Dabo Vobis”, bàn về “BẢN CHẤT VÀ SỨ VỤ CỦA CHỨC LINH MỤC THỪA TÁC”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trích dẫn đoạn Tin Mừng Luca về sự kiện “xuất hiện công khai của Chúa Giêsu tại hội đường Nadarét: “Mọi người trong hội đường đều đưa mắt hướng nhìn Ngài” (Lc 4,20).

            Từ ý nghĩa “hướng nhìn Ngài” đầy biểu tượng của câu Tin Mừng ngắn ngủi nầy, Vị Thánh Giáo Hoàng muốn nhấn mạnh điều nầy: Nếu Đức Kitô “đích ngắm” của muôn người thì những kẻ được mệnh danh là “Alter Christus” cũng chính là “đích ngắm” của Dân Chúa muôn nơi muôn thuở; để từ “hướng nhìn căn bản” nầy mà toàn bộ công việc mục vụ của Hội Thánh sẽ được soi sáng, định hướng và thực hiện[1].

            Nếu tĩnh tâm năm là một cuộc “dừng chân đặc biệt” để các linh mục trong giáo phận cùng chiêm ngắm, lắng nghe, gặp gỡ… chính Đấng mà “linh mục Tông đồ Phêrô” đã từng cảm nhận “Bỏ Thầy chúng con biết đến cùng ai” (Ga 6,68), và định hướng lại “sự chọn lựa và con đường theo Đức Kitô” của mình, thì cần thiết biết bao, việc hồi tâm để xét xem Dân Chúa, Hội Thánh đã “nhìn linh mục” làm sao và các linh mục chúng ta đã “đáp ứng” được bao nhiêu trước cái nhìn và niềm ước mong cao cả đó. Hơn nữa, “khi để mình “được soi” trước cái nhìn của Dân Chúa, của Giáo Hội”, chúng ta dễ có cơ hội để hoán cải và điều chỉnh lại cuộc sống và việc thi hành thừa tác vụ của mình; một “cuộc sống có thể đã trở nên mệt mỏi, nghèo nàn” và “việc thi hành sứ vụ có thể đang trên đà biến chất lệch lạc”.

            Và sau đây xin đề nghị một “gợi ý cho cuộc hồi tâm”: Giáo Hội (Dân Chúa) nhìn linh mục thế nào và cách đáp ứng của mỗi người chúng ta qua những “định hướng” của tài liệu “KIM CHỈ NAM VỀ TÁC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC” (Ấn bản mới 2013 của Bộ Giáo Sĩ)[2].

NGÀY THỨ NHẤT (Tối thứ Ba 23/02/2021)

HỒI TÂM VỀ CĂN TÍNH LINH MỤC

1. Chức linh mục là một hồng ân:

1.1. Hồng ân được tham dự vào “chức tư tế phổ quát” của Chúa Kitô với tư cách là một Kitô hữu: “Toàn thể Giáo Hội dự phần vào việc xức dầu tư tế của Chúa Ki-tô trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, trong Giáo Hội, “mọi Ki-tô hữu đều trở nên hàng tư tế thánh thiện và vương giả, dâng lên Thiên Chúa những của lễ thiêng liêng nhờ Đức Giêsu Kitô, và loan truyền những kỳ công của Đấng đã gọi họ ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền của Người” (x. 1Pr 2,5.9) (KCM số 1).

– Hằng ngày, có khi nào tôi nhớ tới hồng ân “được làm con Chúa”, được “trở nên một Kitô hữu” của chính tôi và của anh chị em giáo dân của tôi để tôi luôn “trân trọng phẩm giá Kitô hữu của chính mình và của mọi anh chị em tín hữu mà tôi được sai đến phục vụ”; nhất là những kẻ nghèo nàn, đơn hạ, yếu đau bệnh hoạn thể chất cũng như tinh thần… ?

1.2. Hồng ân được tham dự vào “chức tư tế thừa tác” để Đức Kitô tiếp tục hoạt động trong Giáo Hội với tư cách là “Đầu của Thân thể”: “Lý do hiện hữu của chức linh mục thừa tác nằm trong viễn ảnh về mối liên kết thiết yếu và mang tính hoạt động giữa Giáo Hội với Chúa Kitô. Thật vậy, nhờ tác vụ nầy, Chúa Kitô tiếp tục thi hành giữa dân Ngài các chức năng chỉ thuộc về một mình Ngài trong tư cách là Đầu của Thân thể. Do đó, chức linh mục thừa tác làm cho hành động đặc thù của Chúa Kitô là Đầu trở nên hữu hình, và chứng tỏ rằng Chúa Kitô không bỏ rơi Giáo Hội của Ngài, nhưng tiếp tục ban sự sống cho Giáo Hội nhờ vào chức tư tế đời đời của mình. Vì lý do đó, Giáo Hội xem chức linh mục thừa tác là một hồng ân được ban cho mình thông qua tác vụ của một số tín hữu được chọn” (KCN số 1).

– Hằng ngày, tôi có luôn ý thức “chức linh mục thừa tác” mà tôi được nhận lãnh hoàn toàn là một hồng ân Chúa ban qua Giáo Hội và vì Giáo Hội; và đó là “hồng ân để Chúa Kitô tiếp tục hoạt động qua tôi” để mang ơn cứu độ cho con người, chứ không bao giờ là “mục đích để thăng tiến bản thân trong tương quan xã hội”, hay là “cơ hội để vinh thân phì gia” ?

1.3. Hồng ân được trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” trong mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh: “Ơn gọi của linh mục vì vậy rất cao cả, và vẫn luôn là một mầu nhiệm lớn lao, kể cả với những người lãnh nhận ơn gọi như một hồng ân. Những giới hạn và yếu đuối của chúng ta phải thúc đẩy chúng ta sống và gìn giữ hồng ân quý giá nầy với một lòng tin sâu xa, nhờ hồng ân đó, Chúa Kitô đã làm cho ta nên đồng hình đồng dạng với Ngài bằng cách cho chúng ta tham dự vào sứ vụ cứu độ của Ngài” (KCN số 1).

– Thái độ chủ quan và kiêu ngạo sẽ là con đường dẫn chúng ta tới một đời sống “linh mục biến chất” và hoàn toàn vắng bóng Chúa Kitô; giáo dân và cả những người ngoài đạo chỉ còn thấy chúng ta chỉ là một “thằng người” với tất cả những “thuộc tính” của một kẻ tầm thường !

1.4. Hồng ân do bí tích Truyền Chức để biến cuộc đời linh mục mang “tính bí tích” để thi hành “đức ái mục tử”: “Với bí tích truyền chức, qua việc đặt tay và lời nguyện thánh hiến của Giám mục, nơi linh mục xuất hiện “một mối dây hữu thể đặc biệt liên kết linh mục với Chúa Kitô, Linh mục thượng phẩm và Mục tử nhân lành”… Việc đồng hoá mang tính bí tích nầy với Linh mục thượng phẩm đời đời, đưa linh mục vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt, và qua mầu nhiệm Chúa Kitô, trong sự hiệp thông tác vụ của Giáo Hội để phục vụ Dân Thiên Chúa, không phải như một công chức đặc trách các vấn đề tôn giáo, nhưng như Chúa Kitô “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28) (KCN số 2).

– Biết bao lần tôi đã lãng quên hay “thờ ơ với đặc sủng” qua “dấu ấn đặt tay” (1Tm 4,14) nầy để ứng xử như một “quan chức” cửa quyền, hống hách, xa cách, khinh thường giáo dân…; và thay vì “để Chúa Kitô hoạt động” bằng “đức ái mục tử”, tôi đã hành động và ứng xử “ăn miếng trả miếng”, “mạnh được yếu thua”, “may nhờ rủi chịu”…, hoàn toàn như một con người thế tục, đôi khi còn tệ hơn một giáo dân bình thường… !

2. Vài gợi ý của Lời Chúa để xin ơn hoán cải trở về với “căn tính linh mục”[3]

“Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).


            Tôi có thật sự nghiêm túc coi trọng sự thánh thiện của chức linh mục không? Tôi có tin chắc rằng sự thành công nơi thừa tác vụ linh mục của mình phát xuất từ Thiên Chúa, rằng với ơn Chúa Thánh Thần, tôi có đồng hóa chính mình với Đức Kitô và trao hiến cuộc sống tôi cho việc cứu rỗi thế giới không?

“Hãy đến và theo tôi” (Mt 19,21).

            Chúa Giêsu Kitô có phải là tình yêu đích thực của đời tôi không? Tôi có vui vẻ tuân theo lời cam kết của mình với tình yêu trước Thiên Chúa trong đời sống độc thân khiết tịnh không? Tôi có để mình rơi vào những suy nghĩ, ước muốn hay hành động không trong sạch không? Tôi có nuông chiều những cuộc nói chuyện không phù hợp không? Tôi có cho phép mình gần dịp tội để lỗi đức khiết tịnh không? Tôi có biết giữ gìn đôi mắt mình không? Tôi có thận trọng trong những giao tiếp của tôi với nhiều hạng người khác nhau không? Đối với người tín hữu đời sống của tôi có tiêu biểu cho một chứng tá đích thực là sự tinh tuyền thánh thiện thì khả thi, sinh hoa kết trái và mang lại vui thích không?

“Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).


            Tôi có yêu mến sự nghèo khó Kitô giáo không? Tâm hồn tôi có thuộc về Thiên Chúa không? Tôi có siêu thoát khỏi mọi thứ khác không? Tôi có được chuẩn bị để hy sinh phục vụ Thiên Chúa tốt hơn không? Tôi có được chuẩn bị để từ bỏ những tiện nghi, những kế hoạch cá nhân và những liên hệ chính đáng của tôi vì Thiên Chúa không? Tôi có chiếm hữu những thứ không cần thiết không? Tôi có những chi tiêu không cần thiết hay tôi có bị chủ nghĩa tiêu thụ thao túng không? Tôi có biết sử dụng thời gian rảnh rỗi để đến gần Thiên Chúa, để nhớ rằng tôi luôn luôn là môt linh mục, ngay cả những lúc nghỉ ngơi hay trong kỳ nghỉ không?

Kết:

            Để kết thúc giờ hồi tâm nầy, chúng ta có thể mượn chính lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) để thân thưa với Chúa: “Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (NVTM số 3)

NGÀY THỨ HAI (Tối thứ Tư 24/02/2021)

HỒI TÂM VỀ ĐỜI SỐNG NỘI TÂM CỦA LINH MỤC

1. Thấm nhuần và nỗ lực thực hành Linh đạo linh mục:

1.1. Củng cố đời sống nội tâm trên căn bản “tương giao bạn hữu sâu đậm với Đức Kitô”: “Linh đạo linh mục hệ tại chính yếu ở mối tương giao bạn hữu sâu đậm với Chúa Kitô, Đấng đã gọi linh mục đến với Ngài (x. Mc 3,13). Trong đời linh mục, Chúa Kitô phải luôn có địa vị ưu tiên vượt trên tất cả”. (KCM, II. Linh đạo linh mục).

– Đời sống hôn nhân sẽ thất bại, đổ vỡ khi “tình bạn đôi lứa” hết mặn nồng, gắn bó. Đời sống linh mục của tôi sẽ ra sao khi “ngọn lửa tình yêu dành cho Đức Kitô đã lịm tắt ?”. Nếu không duy trì được tình bạn với Đức Kitô thì làm sao tôi có thể yêu mến Giáo Hội của Ngài? Đã không còn yêu mến Giáo Hội thì sẵn sàng “tung hê” mọi thứ; bất chấp kỷ luật, rào cản, phong hoá, cộng đoàn… để chỉ còn một “cái tôi thế tục”, sẵn sàng “đạp trên dư luận” và “phớt lờ mọi tiếng gọi mời từ lương tâm và sự thúc dục hoán cải của Tin Mừng…

1.2. Luôn dành ưu tiên một cho đời sống nội tâm: “Mỗi linh mục sống trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, với những thách đố và đòi hỏi riêng biệt. Vì thế, sự bảo đảm cho một tác vụ phong nhiêu có gố rễ ở đời sống nội tâm sâu xa. Nếu linh mục không trước hết dựa vào địa vị tối thượng của ân sủng, ngài sẽ không thể đứng vững trước những thách đố của thời đại, và mọi chương trình mục vụ, dù được chăm chút đến đâu, cũng sẽ thất bại” (KCM, II. Linh đạo linh mục)… “các linh mục phải làm sống động tác vụ của mình bằng một đời sống thiêng liêng chiếm địa vị ưu tiên tuyệt đối, và tránh mọi xao nhãng do các hoạt động khác lôi kéo” (KCN số 49).

– Sự giảm thiểu và xem thường đời sống nội tâm, mỗi ngày một ít, sẽ biến đời sống linh mục dần dà bị lôi kéo và phân mảnh mỏi mệt; biến những việc “chăm sóc mục vụ” tươi vui thánh thiêng thành những “mảng dịch vụ” đầy “toan tính thế tục” và “bực dọc lo âu”. Trong khi đó, nếu đời sống linh mục không ngừng được “củng cố nội tâm và lớn lên trong ân sủng”, thì cho dù “bị ăn” cách tàn nhẫn và “bị xoay” như trái vụ…, đó lại là dấu chỉ của một đời sống tiêu hao và cống hiến hết mình cho những “hoa trái mục vụ” tràn đầy “niềm vui của đức ái mục tử”.

2. Đời sống nội tâm và một số chiều kích canh tân và hoán cải:

2.1. Canh tân lòng tin, cậy, mến với Chúađể “có Chúa mà chia sẻ cho người ta”: “Trong bối cảnh nầy, linh mục trước hết phải canh tân đức tin, đức cậy và đức mến của mình đối với Chúa, để có thể trình bày đích thật về Ngài cho các tín hữu và mọi người chiêm ngắm: một Nhân Vị sống động, thu hút, Đấng yêu thương chúng ta hơn bất kỳ ai khác, bởi Ngài đã hiến mạng vì chúng ta” (KCN số 46).

– Ngày nay, trước các thông tin thừa mứa của truyền thông hiện đại, linh mục rất dễ dàng để “nhiều chuyện”; nhưng cũng rất dễ “lạc đề” và “không đúng trọng tâm” trong việc chia sẻ và loan truyền Chúa cho mọi người. Chúng ta không thể “cho” điều mà chúng ta “không có”, hoặc có nhưng rất hời hợt, méo mó. Lời cầu nguyện mỗi ngày không được lãng quên có lẽ là lời của các Tông Đồ ngày xưa: “Xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5) !

2.2. Chu toàn và nghiêm túc thực hiện các bổn phận thiêng liêng[4]: điều kiện cốt yếu để hoạt động mục vụ sinh hoa kết quả: “Đời sống thiêng liêng này phải được thể hiện trong đời mỗi linh mục qua việc phụng vụ, cầu nguyện cá nhân, lối sống và thực hành các nhân đức Kitô giáo, những điều này khiến cho hoạt động mục vụ sinh hoa kết quả. Việc đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô đòi hỏi linh mục phải biết nuôi dưỡng một bầu khí bạn hữu và gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, và đặt mình phục vụ Giáo Hội, Nhiệm Thể Ngài, với tất cả tình yêu qua việc chu toàn cách trung thành và bền bỉ các bổn phận của tác vụ mục tử” (KCN số 50).

– Thời bây giờ người ta hay nói: “Những gì không mua được bằng tiền thì bằng ‘nhiều tiền’”. Rất nhiều anh em linh mục chúng ta cũng bị ám ảnh bởi phương tiện “nhiều tiền” để đáp ứng và giải quyết các “nan đề mục vụ”. Tuy nhiên, như chính Chúa Giêsu dạy và kinh nghiệm ngàn đời của Giáo Hội, nếu không “chu toàn cách trung thành và bền bỉ các bổn phận của tác vụ mục tử” (KCN 50), thì “những chiến tích lừng danh sẽ trở thành mây khói” (Chiara Lubich) !

3. Vài gợi ý của tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” để xét mình về đời sống nội tâm:

3.1. Tôi có giữ được niềm vui của đời linh mục hay đang trĩu nặng nỗi buồn ?: “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (NVTM số 1)…; “Vốn được kêu gọi toả ánh sáng và truyền sự sống, rốt cuộc họ bị giữ chặt trong những cái chỉ sinh ra bóng tối và mệt mỏi nội tâm và dần dần làm tan đi mọi nhiệt tình tông đồ. Về tất cả chuyện này, tôi lặp lại: Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng!” (Số 83)

3.2. Lẽ nào cuộc sống của tôi đã bị tục hoá ?: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ.” (NVTM số 2)

3.3. Trước gian nan thử thách tôi có đủ bản lĩnh để giữ trọn niềm vui Phục Sinh ?: “Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh. Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn. Niềm vui tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm tin chắc của chúng ta rằng, bất luận thế nào, chúng ta được thương yêu vô bờ.” (NVTM số 6)

3.4. Mỗi ngày tôi chọn niềm vui nào ? Niềm vui hưởng thụ của kẻ giàu, sang chảnh, thừa mứa…; hay của người nghèo chỉ biết bám Chúa làm gia nghiệp ?: “Đôi khi chúng ta bị cám dỗ kiếm cớ để than thở và hành động như thể chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu có hàng ngàn các điều kiện. Phần nào đó là vì “xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui”. Tôi có thể nói rằng trong đời mình, tôi đã thấy những biểu hiện đẹp nhất và tự nhiên nhất của niềm vui nơi những người nghèo hầu như không có gì để bám víu vào.” (NVTM số 7)

Kết:

            Để kết thúc giờ hồi tâm nầy, chúng ta có thể (tiếp tục) mượn chính lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) để thân thưa với Chúa:

“Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (NVTM số 3).

NGÀY THỨ BA (Tối thứ Năm 25/02/2021)

HỒI TÂM VỀ BA THỪA TÁC VỤ CỦA LINH MỤC: LỜI CHÚA – PHỤNG VỤ – QUẢN TRỊ

1. Linh mục trong “Thừa tác vụ Lời Chúa”:

1.1. Linh mục phải “ở lại” và bén rễ sâu trong Lời Chúa: “Trong lịch sử linh đạo linh mục, luôn có ý thức về sự cần thiết tuyệt đối phải trung thành “ở lại” và bén rễ sâu trong Lời Chúa và Thánh Truyền, để thật sự trở nên môn đệ và nhận biết chân lý (x. Ga 8,31-32)… Trong bối cảnh xã hội hiện nay tại nhiều nơi mang dấu ấn chủ nghĩa duy vật cả lý thuyết lẫn thực hành, chủ quan chủ nghĩa và thuyết tương đối văn hoá, điều hết sức cần thiết là Tin Mừng phải được giới thiệu như là “sức mạnh của Thiên Chúa để cứu những ai có lòng tin” (KCN số 62).

– Giáo dân (và cả người ngoại đạo) thường “soi” linh mục về “tư cách chứng nhân”, tức là “anh ta có sống Lời Chúa mà anh ta rao giảng, thuyết pháp ?”. Đây không chỉ là tiếng gọi mời mà còn là một “mệnh lệnh” được trao trong ngày lãnh bí tích truyền chức: “Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm Luật Chúa, các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy”[5]. Điều này thì chỉ có việc “bắt đầu lại” chứ không thể vịn bất cứ lý do nào để bao biện !

1.2. Linh mục và việc “chuẩn bị bài giảng phụng vụ”: “… linh mục cảm thấy có bổn phận dành một sự chú ý đặc biệt vào việc chuẩn bị xa và gần cho các bài giảng phụng vụ, nội dung bài giảng phải làm vọng lại các bài đọc phụng vụ, đặc biệt bài Tin Mừng, có sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, với cách trình bày có sư phạm và kỷ thuật, với một nghệ thuật trình bày xứng đáng với vị thế của bài giảng và của người nghe. Đặc biệt, cần tránh những bài giảng xa xôi và trừu tượng, vì nó che khuất tính đơn sơ của Lời Chúa, cũng như tránh những lời vớ vẩn vô ích, có nguy cơ khiến người nghe chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến nội dung sứ điệp Tin Mừng. Phải làm sao để các tín hữu thấy rõ ràng là người giảng được thúc đẩy trình bày về Chúa Kitô, tâm điểm của mọi bài giảng” (KCN số 64).

– Có một “ma-xơ người Huế” đã từng nhắc khéo: “Linh mục mà không rao giảng thì mần chi cha” ? Thật ra, ở đâu cũng có “bất cập”: Vốn bị chạm một lần vì lời phê bình “dài, dở, dai” nên thôi dẹp quách; hoặc qua loa, chiếu lệ, “đao đao” (download từ trên mạng). Nhưng cũng có nơi “thái quá”. Vấn đề nầy, thì anh em linh mục chúng ta cần nghe lại một trích đoạn trong Bài Giảng lễ Phong chức linh mục vừa qua của Đức Cha giáo phận: “Không được tục hóa bài giảng bằng những nội dung và lời lẽ không phù hợp với sự thánh thiêng của phụng vụ Lời Chúa. Càng không được dùng tòa giảng để làm nơi phê bình chỉ trích cá nhân. Để cho lời giảng dạy có sức đánh động lòng người, các con cần có gương sáng đời sống thánh thiện đi kèm, vì người ta thích nhìn thấy bài giảng hơn là chỉ nghe bài giảng”[6].

1.3. Linh mục: chứng nhân, sứ giả và người truyền bá đức tin: “Các linh mục, nhớ rằng “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Chúa” (Rm 10,17), sẽ đem hết sức thi hành sứ vụ nầy, là sứ vụ hàng đầu trong tác vụ của mình. Thật vậy, họ không chỉ là chứng nhân mà còn là sứ giả và người truyền bá đức tin” (KCN số 62).

– Khuynh hướng chung đó là “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”[7]. Loan báo Lời Chúa muôn nơi và muôn thuở không bao giờ là việc “nhẹ nhàng”, nhất là trong “thời đại 4.0” nầy, khi mà các phương tiện truyền thông chi phối mọi ngỏ ngách cuộc sống ! Chính trong bối cảnh đó, việc thi hành thừa tác vụ “Ngôn sứ” của linh mục luôn đòi hỏi vừa ngọn lửa nhiệt tình dấn thân, “đi ra”, vừa sự khôn ngoan tỉnh táo của một “chủ gia” biết chọn lựa đâu là “cái cũ cái mới trong kho tàng của mình” (Mt 13,52). Trong vấn đề nầy, chúng ta đừng quên câu tục ngữ của Việt Nam: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nếu không biết “lựa lời”, công việc truyền giáo, loan báo Lời Chúa sẽ phản tác dụng !

2. Linh mục trong thừa tác vụ phụng vụ:

2.1. Ý thức “vai trò đỉnh cao” của phụng vụ: “Phụng vụ là việc thi hành chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô, ‘đỉnh cao mà mọi hành động của Giáo Hội hướng đến, đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi hiệu lực’ (PV số 10). Phụng vụ là lãnh vực mà linh mục phải đặc biệt ý thức mình là thừa tác viên, nghĩa là người tôi tớ và phải trung thành vâng phục Giáo Hội…” (KCN số 59).

– Phụng vụ không chỉ tác động trên “đời sống nên thánh” của linh mục mà còn là “nguồn mạch phát sinh mọi hiệu lực” tông đồ. Phụng vụ “chuẩn”, “đẹp”, “sinh động” sẽ là dấu chỉ chắc chắn một cộng đoàn đức tin trưởng thành, vững mạnh. Phụng vụ chệch choạc, lượm thuộm, sai sót, buồn tẻ… là dấu hiệu của một cộng đoàn đức tin “đang có vấn đề” (đang rạn nứt, chia rẽ, hoặc thiếu chăm sóc, hướng dẫn…). Xây dựng một “cộng đoàn phụng vụ” tốt phải là ưu tiên một và thường xuyên của các mục tử.

2.2. Yêu mến và tôn trọng đầy xác tín đối với quy tắc phụng vụ: “Việc điều hành phụng vụ tuỳ thuộc hoàn toàn vào quyền bính Giáo Hội: thuộc quyền Toà Thánh và, theo quy tắc luật định, thuộc quyền Giám mục. Vì thế, linh mục không được theo sáng kiến cá nhân mà thêm bớt hay thay đổi điều gì trong phụng vụ. Quy tắc nầy đặc biệt đúng trong việc cử hành các bí tích, là những hành vi tuyệt hảo của Chúa Kitô và Giáo Hội, và linh mục trao ban vì lợi ích của các tín hữu in personna Christi Capitis et in nomine Ecclesiae (Thay mặt Chúa Kitô là Đầu và nhân danh Giáo Hội)” (KCN số 59).

– Trong môi trường phụng vụ của Hội Thánh không ai được phép “ngẫu hứng” hay “chơi trội”. Việc “cố ý” không thực hiện, xem thường “Luật Chữ Đỏ” đương nhiên là có tội. Cũng cần lưu ý, ngay từ đầu sai mà “chủ quan” tưởng đúng, hoặc lười biếng không sửa… chắc chắn sẽ thành thói quen và thường xuyên “lỗi luật” ! Điều nầy, xin các anh em linh mục trẻ, mới chịu chức, lưu ý cách đặc biệt hơn !

2.3. Lưu ý đặc biệt về cử hành Thánh Thể: “Linh mục được mời gọi cử hành hy tế tạ ơn và suy niệm liên lỉ về ý nghĩa của hy tế này rồi biến đổi đời mình thành một cuộc tạ ơn được biểu lộ trong tình yêu của mình với hy tế hằng ngày, nhất là trong việc chu toàn những bổn phận của bậc sống minh… Về vấn đề nầy, Đức Biển Đức XVI dạy: ‘với các nghị phụ của Công Đồng, tôi khuyên các linh mục cử hành Thánh Lễ hằng ngày, ngay cả khi không có sự tham dự của tín hữu’. Trên hết mọi sự, xét về mặt khách quan thì lời nhắn nhủ này phù hợp với giá trị vô biên của mỗi cử hành tạ ơn, lý do khác nữa được nêu ra sau đó nằm ở một hiệu quả thiêng liêng đặc biệt, …, xét như Thánh Lễ thăng tiến việc đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và làm cho linh mục được bền vững trong ơn gọi của mình” (KCN số 67).

Chúng ta có thể lắng nghe gợi ý hồi tâm của ĐHY Mauro Piacenza: Hy tế thánh lễ có phải là trung tâm cho đời sống thiêng liêng của tôi không? Tôi có chuẩn bị kỹ lưỡng để cử hành thánh lễ và có cử hành thánh lễ cách sốt sắng không? Tôi có tạ ơn Chúa sau thánh lễ không? Thánh lễ có phải là trung tâm cho ngày sống của tôi trong tâm tình tạ ơn và ngợi khen Chúa về những ơn lành của Người không? Tôi có trông cậy vào sự tốt lành của Chúa không? Tôi có làm việc đền tội cho những tội lỗi của mình và của tất cả nhân loại không?”[8].

3. Linh mục trong thừa tác vụ quản trị cộng đoàn:

3.1. Linh mục sống và hiện hữu cho cộng đoàn: “Là mục tử của cộng đoàn, theo hình ảnh của Chúa Kitô, Mục Tử nhân lành dâng hiến tất cả cuộc đời cho Giáo Hội, linh mục sống và hiện hữu cho cộng đoàn; chính vì cộng đoàn mà ngài cầu nguyện, học hỏi nghiên cứu, làm việc và tự hiến; chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn lòng để cho đi cuộc sống của mình, yêu thương cộng đoàn như Chúa Kitô, bằng tất cả tình yêu và lòng quý mến, tiêu huỷ cả sức lực và không tiếc thời gian để làm cho cộng đoàn trở thành hình ảnh của Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Kitô, ngày càng mỹ miều và xứng đáng hơn với lòng nhân hậu của Chúa Cha và tình yêu của Chúa Thánh Thần” (KCN số 77).

– Nếu linh mục nào cũng sống “sát sao” định hướng tốt lành trên thì chắc chắn không bao giờ xảy ra chuyện “giáo dân khiêng cha sở trả về Toà Giám Mục”, hay kéo nhau hoặc đâm đơn kiện cáo… Dĩ nhiên, không thiếu những mục tử bị “ghét oan”; mà nếu “bị oan thiệt” thì có dịp nên thánh chứ có sao đâu ! Rất tiếc là phần đông, cộng đoàn, giáo dân luôn là “bên chịu thiệt thoà”, dễ bị bắt nạt, trù dập…, bởi họ thuộc thành phần “thấp cổ bé miệng” ! Trở thành một mục tử mà bị chính cộng đoàn mình phục vụ không chấp nhận phải chăng là một “thất bại đau đớn nhất” của cuộc đời linh mục !

3.2. Linh mục và “chiếc cầu hiệp thông”: “Toàn bộ những mối quan tâm này, và thêm vào đó là việc cung cấp một chứng từ bác ái luôn trong sáng và hiệu quả, cũng biểu lộ sự hiệp thông sâu xa là sự hiệp thông phảo được thể hiện giữa linh mục và cộng đoàn của mình, là sự nối dài và hiện thực hoá sự hiệp thông với Thiên Chúa, Đức Kitô và Giáo Hội. Theo gương Chúa Giêsu, linh mục không được kêu gọi để được phục vụ nhưng là để phục vụ (x. Mt 20,28). Ngài phải lưu tâm để đừng sa vào cám dỗ dùng sự tôn trọng và sự quý mến của các tín hữu đối với chức linh mục và Giáo Hội vào các mục đích riêng” (KCN số 77).

– Thời bây giờ, nhất là nơi giáo phận Qui Nhơn nầy, “địa vị linh mục” cũng không còn được trân trọng cách thái quá đâu ! Nhưng có ăn nhằm gì ! Điều quan trọng là “cọp chết để da người ta chết để tiếng”. Dĩ nhiên không phải là “tiếng xấu”; mà là mẫu gương của tình phụ tử, huynh đệ cộng đoàn; là dư âm của một “chiếc cầu hiệp thông” được tận tình xây đắp bằng mồ hôi nước mắt của khiêm nhường phục vụ. Giáo phận Qui Nhơn với 400 năm đón nhận Tin Mừng không thiếu những linh mục cha ông sống hết mình vì đoàn chiên đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống. Chúng ta nguyện viết tiếp “trang sử hào hùng” của các ngài.

Kết:

            Để kết thúc giờ hồi tâm nầy, chúng ta có thể (tiếp tục) mượn chính lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) để thân thưa với Chúa:

“Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (NVTM số 3).

Lm. Giuse Trương Đình Hiền – Tổng Đại Diện giáo phận Qui Nhơn


[1] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn PASTORES DABO VOBIS, số 11: “Người Kitô hữu phải đưa mắt đức tin và mắt tình yêu hướng nhìn dung mạo nói trên của Đức Kitô. Chính dưới ánh sáng của sự “chiêm ngắm” nầy mà các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã suy tư về vấn đề đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay. Không thể nào giải quyết vấn nạn ấy nếu trước đó không suy nghĩ về cứu cánh của tiến trình đào tạo: cứu cánh đó chính là chức linh mục thừa tác và, nói chính xác hơn, là chức linh mục thừa tác với tư cách tham gia vào chính chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô, trong Giáo Hội. Nhận thức về bản chất và về sứ vụ của chức linh mục thừa tác là điều tất yếu phải đi trước, đồng thời là đường lối vững chắc nhất và là động cơ mãnh liệt nhất để có thể phát triển hoạt động mục vụ trong Giáo Hội, nhằm thăng tiến và phân định các ơn goi linh mục cũng như đào tạo những người được mời gọi đến thừa tác vụ được phong ban”.

[2] BỘ GIÁO SĨ, Kim Chỉ Nam về Tác vụ và Đời sống linh mục (Directoire pour le ministère et la vie des prêtres), ấn bản mới 2013, Bản dịch của Đại chủng viện Huế. NXB Tôn Giáo 2014. (Viết tắt: KCM)

[3] ĐHY MAURO PIACENZA, Bản xét mình cho các linh mục.

[4] Các “bổn phận thiêng liêng” theo đề nghị của Kim Chỉ Nam đó là: “Việc cử hành Thánh lễ hằng ngày, có chuẩn bị trước và tạ ơn sau lễ tương xứng; xưng tội thường xuyên và tiếp nối việc linh hướng đã có từ trong Chủng viện và thường trước đó nữa; cử hành đầy đủ và sốt sắng các giờ kinh phụng vụ, theo đòi buộc hàng ngày; xét mình; thực hành tâm nguyện; lectio divina; những giây phút đắm chìm trong thinh lặng và cầu nguyện lâu giờ với Chúa, đặc biệt trong những kỳ tĩnh tâm và cấm phòng định kỳ; những thực hành đáng quý trong việc sùng mộ Đức Maria như lần hạt Mân Côi; gẫm đàng Thánh giá và các thực hành đạo đức khác; đọc Hạnh các thánh cách hiệu quả…” (KCN số 50).

[5] TGM QUI NHƠN, Một số Nghi thức Thánh lễ. Nghi thức phong chức linh mục, tr. 39.

[6] ĐC MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI, Bài giảng lễ phong chức linh mục ngày 07.01.2021 tại nhà thờ Chính Toà Qui Nhơn. Nguồn: https://gpquinhon.org/q/giang-le/bai-giang-le-truyen-chuc-linh-muc-ngay-07-01-2021-4039.html

[7] Ca khúc “Một Đời người, Một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

[8] ĐHY MAURO PIACENZA, Bản xét mình cho các linh mục.