ĐẸP THAY CÁI THUỞ BAN ĐẦU

(Tạ ơn hồng ân thánh chức linh mục – Cầu nguyện cho Giáo phận – 22.02.2022)

(Xh 3,2-6.10-12-34,8-9.28; 1 Tm 1,3-8; Ga 1, 35-42)

            Chiều hôm nay, trong ngôi Thánh đường mẹ của Giáo phận, 10 Tân Linh mục vừa nhận thánh chức sáng nay do sự đặt tay của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi họp nhau dâng Thánh lễ Tạ ơn và cầu nguyện đặc biệt cho “Mẹ Giáo phận”.

            Dành tâm tình tạ ơn và lời cầu nguyện đầu đời linh mục cho “Mẹ Giáo phận”, người mẹ đã cưu mang mình trong thánh chức và cũng là môi trường, là địa chỉ để các linh mục được sai đi phục vụ thì “thật là phải đạo và chính đáng”; và đây cũng là truyền thống tốt đẹp của hàng linh mục giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong các dịp phong chức linh mục.

            Trong Thánh lễ đặc biệt nầy, chắc chắn Lời Chúa muốn nói với cộng đoàn chúng ta, và cách riêng, với các tân chức, đôi điều liên quan đến hồng ân và sứ vụ của thiên chức linh mục; bởi vì, xét cho cùng, hồng ân và sứ vụ linh mục không chỉ liên quan đến những người có chức thánh mà cho tất cả chúng ta, cho toàn thể Dân Chúa !

            Trước hết, khi nói đến “hồng ân linh mục”, chúng ta nhớ lại lời khai mạc Thánh lễ sáng nay của Đức Cha Matthêô: ngài cho rằng: hôm nay, ngày 22.02.2022, một thời điểm đẹp; riêng dân cư mạng đã bình chọn ngày này chính là “ngày đẹp nhất của chu kỳ 1000 năm”; nhưng ngài cũng đã nhấn mạnh tới cái đẹp thứ hai đó là “hồng ân thánh chức linh mục”. Vâng, đây chính là dấu chỉ đẹp tuyệt vời của tình thương cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua Đức Kitô. Hay như cách minh giải của tông huấn Pastores Dabo Vobis, nếu không có “hồng ân linh mục”, chắc chắn Giáo Hội không thể làm cho Đức Kitô hiện diện và nối dài trên trần gian: “Một cách đặc biệt, nếu không có linh mục, Giáo Hội sẽ không thể nào thực thi được sự vâng phục cơ bản vốn nằm ngay giữa lòng cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội trong lịch sử, sự vâng phục đối với lệnh truyền của Chúa Giê-su: “Các con hãy ra đi, hãy chiêu tập môn đệ từ khắp muôn dân” (Mt 28, 19) và “hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta” (Lc 22, 19). Lệnh truyền ấy có nghĩa là lệnh truyền loan báo Tin mừng và hằng ngày cử hành hy lễ Mình và Máu Người đã trao hiến và đổ ra cho nhân loại được sống”.

            Tuy nhiên, để thực thi “cái hồng ân đẹp tuyệt vời nầy”, Thiên Chúa lại sử dụng những “dụng cụ” đôi khi “xấu hoắc”; hay nói theo ngôn ngữ “kinh tế chính trị xã hội”, thì Thiên Chúa đã sử dụng một “kế hoạch nhân sự” chẳng giống ai, như cách diễn tả của một bài thơ:

Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.

Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Maisen đứng lên.

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một người thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavít đứng lên.

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo hội, Người đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.

Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế, Người lại chọn một cô gái điếm. Đó là Maria Madalena.

Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình, Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.

Và chúng ta cũng có thể viết tiếp bài thơ đó: Thiên Chúa cần một cha sở, một mục tử để mang đến sự thánh thiện đoàn chiên và canh tân mối giây hiệp nhất cộng đoàn, người đã chọn một linh mục dốt nát. Đó là cha thánh Gioan Maria Vianey…

            Vâng, tất cả mọi người chúng ta, mỗi người mỗi hoàn cảnh, địa vị, khả năng… đều được Chúa chọn gọi để “đi làm vườn nho Nước Trời”. Ơn gọi linh mục cũng vậy, không ai có thể vỗ ngực tự hào: tôi đây con nhà giàu học giỏi, tôi đây đạo đức thánh thiện…, nên Chúa đã chọn tôi làm linh mục. Trích đoạn Tin Mừng Gioan kể lại việc Chúa kêu gọi các môn sinh đầu tiên là những anh dân chài xứ Galilê đã cho chúng ta thấy trọn vẹn ý nghĩa của “nét đẹp tuyệt vời hồng ân thánh chức”. Ơn gọi đã diễn ra thật giản đơn từ lời giới thiệu đơn sơ của Thầy Gioan Tẩy Giả “Đây Chiên Thiên Chúa…”, đến lời gợi mở giao duyên của Thầy Giêsu “Hãy đến mà xem”, rồi ấn tượng của cái thuở ban đầu lưu luyến “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười…”. Nhưng đỉnh điểm cũng là nền tảng của “hồng ân tông đồ” chính là cuộc đối thoại giữa Nathanael và Chúa Giêsu: Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”.

Thật vậy, đâu phải chỉ mới “sáng hôm nay” những người anh em của chúng ta đây mới “đột xuất trở thành linh mục”, mới được “Chúa thấy lần đầu”, mà trong ánh sáng đức tin, chúng ta xác tín rằng: trước khi Đức Cha Matthêô đặt tay truyền chức thì như lời của ngôn sứ Giêrêmia: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5).

Vâng, điểm xuất phát, cội nguồn của thiên chức linh mục, chính là “cái nhìn của Thiên Chúa” trên cuộc đời yếu đuối mỏng dòn của chúng ta: “Ta đã thấy ngươi”, hay theo ngôn ngữ của sách Xuất Hành trong ơn gọi của Môsê thì đó là: “Ta ở với người”: “Con là ai mà dám đến với vua Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập ?” Chúa phán: “Ta sẽ ở với ngươi…”.

            Mà như kinh nghiệm thường tình của nhân loại: cuộc gặp gỡ đầu tiên bao giờ cũng để lại một ấn tượng sâu lắng, nhất là cuộc gặp gỡ của những kẻ yêu nhau, của những người có mối quan hệ thân thiết: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm chưa dễ đã ai quên” (Thế Lữ). Cho nên điều quan trọng nhất, cần thiết nhất cho chính mỗi người chúng ta, và đặc biệt, cho những ai được “đặt tay lãnh nhận hồng ân thánh chức”, là đừng để phai nhạt đi “cái thuở ban đầu” của tình yêu và ân sủng; một sự phai nhạt tình yêu mà chính Thánh Gioan trong sách Khải Huyền từ 2000 năm trước đã từng cảnh báo: “Nhưng Ta trách ngươi điều nầy: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Riêng Thánh Phaolô thì đã ân cần nhắc nhở đồ đệ Timôthê phải ghi nhớ và luôn làm cho sống động hồng ân thánh chức: “Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.” (2 Tm 1,6).

            Và dĩ nhiên bất cứ ơn gọi nào trong Hội Thánh cũng đều dẫn đến “sứ vụ”. Với Môsê thì đó là: “…Ta đã thấy cảnh khổ cực của dân ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, ta biết các nổi đau khổ của chúng….Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với vua Pha-ra-ô để đưa dân ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập”; với Timôthê lại là: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng”. Riêng với Anrê, Phêrô, Philipphê, Nathanael… thì “hãy chèo ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá” !

            Vâng, là linh mục thừa tác, như mười anh em vừa mới được lãnh nhận ân huệ sáng nay, hay là linh mục cộng đồng như tất cả chúng ta nhờ hồng ân Phép Rửa, tất cả đều được gọi mời “ra đi rao giảng Tin Mừng”, làm chứng Phúc Âm, thực thi sứ vụ…

            Dĩ nhiên, khi đứng trước một “biển đời nước sâu” của xã hội hôm nay với bao nhiêu cạm bẫy và thử thách, không ít linh mục và nhiều người trong chúng ta đâm ra do dự, hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, mẫu gương của một linh mục nhà quê dốt nát Vianey vẫn còn đó một chứng từ luôn khả tín và đầy thuyết phục:

– “Gioan Vianey, anh dốt đặc như một con lừa thì giúp được gì cho Giáo hội?”. 

Ngài khiêm tốn trả lời: 

– “Thưa thầy, xưa Samson chỉ dùng một cái hàm của con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, lẽ nào Thiên Chúa không dùng được việc gì sao?”. 

            Chính vì thế, trong Thánh lễ Tạ ơn chiều nay, ngoài niềm vui chung chia tạ ơn với các tân chức, chúng ta cùng hiệp nhâu cầu nguyện cho các cha luôn xác tín về hồng ân đẹp tuyệt vời là thiên chức linh mục các ngài vừa lãnh nhận sáng nay; và luôn can đảm dấn thân để làm cho “ân huệ cao cả” nầy sinh hoa kết trái trên con đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng.

            Mà không chỉ cho các tân chức thôi đâu; cho chúng ta nữa, những người được lãnh nhận chức tư tế phổ quát; như gợi ý của hai câu thơ cuối trong bài thơ trích đọc ở trên:                   

Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được qui tụ và đi đến với những người khác,

Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.

            Vâng, mỗi người đều được Thiên Chúa chọn; mỗi người đều có một “cái thuở ban đầu lưu luyến”; cho nên đừng để “mối tình đầu đó nhạt phai”. Amen.

Trương Đình Hiền