ĐI VỀ MÀ NỐI LINH THIÊNG

,

(Chút cảm nhận trong chuyến “về quê Mùa Các Đẳng” – 11.2019)

Đất thánh Trà Câu

            Xứ đạo tui mang một cái tên nghe đọc lên là thích: TRÀ CÂU. Với từ và âm “Trà” mở đầu chắc không ít thì nhiều có liên quan đến một vương quốc Champa đã một thời vang bóng mà bây giờ vẫn còn vương vấn đâu đó qua một chuỗi các tên gọi: TRÀ KIỆU, TRÀ MI, TRÀ BỒNG, TRÀ CÂU, TRÀ KÊ…; còn từ và âm “Câu” lại vương vấn chất thơ: vừa là biểu tượng của một cụm từ được cấu trúc thành thơ, thành nhạc: câu thơ, câu hát, câu hò… “Câu thơ Thi xã con thuyền Nghệ An” (Cao Bá Quát), vừa là hình ảnh rất dân giả, rất đời thường của miền quê Việt nam, rất thường hiện diện trong thi ca, âm nhạc, hội hoạ: “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” (Nguyễn Khuyến).

            Nhưng theo quan niệm “hơi mê tín một chút” của văn hoá Việt nam, hễ cứ “hồng nhan” thì không ít nhiều gì cũng “đa truân”. Xứ đạo “Trà Câu” tui cũng một cách nào đó, thuộc loại “khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” (Chinh Phụ ngâm của Đặng Trần Côn). Bởi vì, vào mùa thu năm 1964 (8.1964), khi tui “xuất gia lên đường đi tu”, vào tiểu chủng viện Làng Sông, xứ đạo Trà Câu vẫn yên bình, trù phú. Nhà thờ mới với Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, trường Trung học Đăng Khoa cùng với các hạng mục Ký túc xá nam nữ…tất cả đã làm nên một “quần thể thị tứ sầm uất, đông vui” vào bậc nhất của vùng phía bắc quận Đức Phổ lúc bấy giờ. Đó là chưa kể, xóm đạo Trà Câu cũ nằm tại thôn Tập An Bắc, xã Phổ Văn, bao quanh ngôi nhà thờ mái tranh vách đất, nơi đã từng ghi dấu của bao nhiêu chứng nhân đức tin mà cuộc bách hại thời Văn Thân (1885) vẫn còn được các bậc tiền bối nhắc lại cho con cháu.

            Nhưng rồi, những tháng năm mịt mù lửa đạn bùng lên và nối tiếp. Toàn bộ cơ sở của Trà Câu mới cũng như cũ bị xoá sạch sau những trận đánh ác liệt của hai bên Nam Bắc vào năm 1966 và liên tiếp những năm sau đó. Mục tử và đoàn chiên dắt díu nhau chạy giặc. Hết Đức Phổ, tới Quảng Ngãi rồi lần tới Cam Ranh, “Cây số Ba mươi”, Bình Tuy, Võ Đắc, “Căn cứ hai” thuộc Đồng Nai…Mãi cho tới năm 1975, khi im tiếng súng, xứ đạo chỉ còn lại một “đống hoang tàn”, với xác thân ngôi “nhà thờ mới” trơ xương tơi tả, đứng chơ vơ bên bờ mương “Cửa Khâu” giữa đám cỏ hoang vu, cho đến khi bị “nhà nước mới” đánh sập hoàn toàn để chiếm dụng và tạo lập một công trình mới phục vụ chế độ mới như hiện trạng hôm nay.

            Người còn sống thì “tha phương cầu thực”, chỉ dăm sáu hộ trở về định cư trên mảnh đất của cha ông; những công trình phục vụ cho đức tin của người sống thì vĩnh viễn bị xoá sạch; nhưng lạ lùng thay, “quê hương và mái nhà của những người chết” thì vẫn tồn tại. Nghĩa trang Trà Câu mà giáo dân vẫn gọi bằng cái tên rất trân trọng “Đất Thánh” vẫn còn nguyên trên vùng đất cũ. Nhờ sự quan tâm chăm sóc của gia đình một giáo dân cố cựu và cũng là gia đình đặc trách “Hội Các Đẳng” của giáo xứ Trà Câu, cụ Giuse Nguyễn Thành Khánh (Cụ đã qua đời và được an táng tại nghĩa trang Trà Câu ngày 16.9.2015, hưởng thọ 100 tuổi), mà “Đất Thánh Trà Câu” đã được từng bước bảo vệ và trùng tu, tuy không to lớn, cao sang, nhưng cũng mang dáng vẻ trang nghiêm kính cẩn, rất xứng đáng là địa chỉ của “một cõi đi về”.

            Về viếng nghĩa trang Trà Câu vào những ngày đầu tháng Các Đẳng thật ý nghĩa dường bao. Không những đó là việc đạo đức truyền thống được Giáo Hội quy định và khuyến khích, với ơn Đại Xá, một món quà không gì quý bằng dành tặng cho các tín hữu, những người thân và các linh hồn đang thuộc về “cộng đoàn Hội Thánh đang thanh luyện”, mà còn là một nghĩa cử của hiếu nghĩa, tri ân và tưởng niệm tiền nhân thật đậm đà, sâu sắc.

            Tôi cảm nhận rất riêng là bên dưới và bên trong các ngôi mộ đang nằm im kia là những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười mãn nguyện của của biết bao ông bà anh chị em tín hữu Trà Câu đang hân hoan hiệp thông với những người trên dương thế để cử hành “Tiệc Thánh của Chiên Con” và chuẩn bị lãnh nhận những tấm áo trắng tinh và cành lá thiên tuế để tiến vào quê trời.

Cửa biển Mỹ Á

            Rồi buổi chiều sau Thánh lễ cầu nguyện và tưởng nhớ Các Đẳng Trà Câu, tôi dã lần theo con đường “Tư Ích” xuống tận bến “Đò Mốc”, băng qua sông Thoa giáp cấm Bàng An”, theo con đường nhựa Phổ Quang để về thăm lại cửa Mỹ Á, một trong những cửa biển xinh đẹp và quan trọng thuộc duyên hải Quảng Ngãi, và cũng là nơi chứng kiến của bao đau thương mất mát của bom đạn thời chiến và thiên tai bão tố giữa thời bình, nên đã từng mang hổn danh là “cửa biển tử thần”! Thật chả xứng hợp chút nào với tên “Mỹ Á”. Điều đáng nói là trên đoạn sông hợp lưu đổ ra cửa biển nầy có một khúc sông sâu gọi là “Vực Ô Rô” hay còn gọi là “Vực Đạo”, là nơi những người thuộc phong trào Văn Thân với chiến dịch “Bình Tây Sát Tả” năm 1885, đã nhận chìm cho chết hàng trăm tín hữu Công Giáo Trà Câu. Thì ra, xác thân của những người thuộc về Chúa Kitô đã chấp nhận vùi thân dưới dòng sông để hoà theo dòng nước trôi ra biển lớn, như trở về với “lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào” (Lời bài hát “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân), trở về với Mẹ Hội Thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”, một Hội Thánh mà không một thế lực nào của trần gian có thể huỷ diệt (Mt 16,18-19).

            Đi lại con đường mà các chứng nhân tử đạo Trà Câu đã đi xưa để thêm một lần tri ân và cảm tạ và thầm nguyện rằng, ước mong trên những con đường này, một ngày không xa, lại thấp thoáng những bước chân hân hoan tiến về nhà Chúa, như những bước chân của các anh chị em tân tòng Phổ Thành, Phổ Xuân, Phổ Lợi[1]…của những năm 1959, 1960…!

(Còn tiếp)

Trương Đình Hiền (Tháng Các Đẳng 2019)

[1] Nhưng tên đơn vị xã của thời Đệ nhất Cọng Hoà. Nay là các xã Phổ Vinh (Phổ Thành), Phổ Quang (Phổ Xuân) Phổ An (Phổ Lợi). Vào khoảng năm 1959-1962, giáo xứ Trà Câu lên tới khoảng 5.000 tín hữu, đa phần là các tân tòng trở lại đạo. Hầu như các xã thuộc quận Đức Phổ khi ấy đều có nhà thờ nho nhỏ (như một nguyện đường) để anh chị em tụ tập sinh hoạt kinh nguyện, giáo lý….