Ngày 26 tháng Giêng: Hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô, giám mục. Lễ nhớ.
Cùng với thánh Lu-ca, thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô là những cộng tác viên trung thành của thánh Phao-lô. Mẹ thánh Ti-mô-thê là người Do-thái, còn chính ông thì được thánh Phao-lô thanh tẩy. Ông đã theo thánh Phao-lô trong các chuyến đi truyền giáo, rồi sau được đặt làm thủ lãnh giáo đoàn Ê-phê-xô.
Còn thánh Ti-tô đã được thánh Phao-lô nhận ở An-ti-ô-khi-a ngay từ đầu sứ vụ tông đồ. Sau đó, ông được trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.
Thư Thánh Phao-lô gửi cho ông Ti-mô-thê (1-2Tm) và thư gửi cho ông Ti-tô (Tt) được gọi là các thư mục vụ, vì trong đó có những lời khuyên dành cho cả những người lãnh đạo cũng như cho hết mọi thành phần trong giáo đoàn.
Tôi đã tranh đua trong cuộc thi đấu cao đẹp
Trích bài giảng của thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục.
Bị giam trong tù nhưng thánh Phao-lô như ở trên trời, Người đón nhận đòn vọt và thương tích một cách vui vẻ hơn cả những người chạy đua để giật giải. Người yêu thích đau khổ chẳng kém chi phần thưởng, vì người coi những đau khổ đó là phần thưởng; bởi thế, người gọi chúng là ơn. Hãy suy cho kỹ xem điều sau đây có ý nghĩa gì. Ra đi để được ở với Đức Ki-tô hẳn là một phần thưởng, nhưng ở lại trong thân xác này, quả là một cuộc chiến. Tuy nhiên, vì Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đã hoãn việc lãnh nhận phần thưởng để ở lại chiến đấu, bởi người coi đó là điều cần thiết hơn.
Đối với người, phải xa rời Đức Ki-tô thật là một cuộc chiến và là một nỗi khổ, một cuộc chiến vượt trên mọi cuộc chiến, một nỗi khổ hơn hết mọi nỗi khổ; còn được ở với Đức Ki-tô thì đó là một phần thưởng tuyệt vời. Nhưng vì Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đã muốn chiến đấu hơn là được phần thưởng.
Nhưng chắc hẳn có người sẽ nói rằng: Vì Đức Ki-tô nên thánh Phao-lô cho tất cả những điều đó là ngọt ngào. Tôi cũng công nhận như vậy; vì những điều khiến chúng ta buồn phiền thì lại làm cho người rất mực vui sướng. Nhưng nhắc đến những nguy hiểm và gian truân của người để làm gì? Người buồn sầu ghê gớm đến nỗi đã phải thốt lên: Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?
Vậy tôi xin anh em không những chỉ thán phục mà còn bắt chước tấm gương nhân đức thật rạng ngời của thánh Phao-lô; vì như thế, anh em mới có thể thông phần vinh hiển với người.
Nếu bạn lấy làm lạ khi nghe chúng tôi nói rằng ai có công như thánh Phao-lô ắt sẽ được phần thưởng như người, thì bạn hãy nghe những lời người nói sau đây: Tôi đã tranh đua trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính, Chúa là vị thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện. Hẳn bạn đã thấy người kêu gọi hết thảy chúng ta đến chung hưởng vinh quang như thế nào.
Khi nói về thánh Phao-lô, chẳng những chúng ta phải xét đến nhân đức cao cả và trổi vượt, cũng như lòng quyết tâm mau mắn và mạnh mẽ của người, khiến người xứng đáng được hưởng ơn lớn lao dường ấy, mà chúng ta còn phải biết rằng người có chung một bản tính và một thân phận như chúng ta. Như thế, những gì là khó khăn vất vả, chúng ta lại thấy là dễ dàng êm ái. Tuy phải cực khổ trong một thời gian vắn, nhưng chúng ta sẽ được đội triều thiên bất hoại và bất tử, nhờ ân sủng và lòng thương xót của Đức Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng vinh hiển và uy quyền bây giờ và mãi mãi đến muôn thuở muôn đời.